Tọa đàm “Báo chí và văn chương cùng hướng tới giá trị nhân văn”

hk1Sáng hôm qua, 19-5-2012, tại Trung tâm Hội nghị thành phố (số 18 phố Hoàng Diệu,  quận Hồng Bàng - Hải Phòng), Hội Nhà báo và Hội Nhà văn thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức cuộc tọa đàm "Báo chí và văn chương cùng hướng tới giá trị nhân văn". Hơn 60 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên, các nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, dịch giả trên địa bàn thành phố, đã tham dự tọa đàm.

Trong lời đề dẫn, nhà báo Lê Trọng Nghĩa - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng, Tổng Biên tập Báo Hải Phòng - khẳng định: mỗi loại đối tượng độc giả của báo chí, của văn chương đều có những nhu cầu đòi hỏi không đồng nhất đối với tác phẩm báo chí hoặc tác phẩm văn chương. Đó là sự đòi hỏi chính đáng, bởi đó là quyền tối thượng của công chúng. Trách nhiệm của những người cầm bút làm báo, viết văn là phải đáp ứng nhu cầu đó của công chúng. Tuy nhiên, nhu cầu đòi hỏi của công chúng và trách nhiệm phải đáp ứng của người viết đều cần đứng trên cái nền vì những giá trị nhân văn. Nói cách khác, giá trị nhân văn là động lực thôi thúc sự sáng tạo đối với người viết và là nhu cầu đòi hỏi của công chúng.

Tiếp đó, các nhà văn Lưu Văn Khuê, Cao Năm, Dương Thị Nhụn, Lê Minh Thắng, Phạm Thùy Linh, các nhà thơ Hoài Khánh, Nguyễn Đình Minh, nhà biên kịch Nguyễn Long Khánh, dịch giả Nguyễn Ngọc Châu, đồng thời là những nhà báo, biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên của Báo Hải Phòng, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng, Tạp chí Cửa Biển, bằng lí luận và thực tiễn nghề nghiệp, đã trình bày tham luận tại cuộc tọa đàm này. Cả 9 tham luận đều tập trung bàn về 6 cụm vấn đề liên quan tới nghiệp bút, là: hiện thực và xu thế của mối quan hệ tương tác giữa báo chí và văn chương; tính đồng điệu và dị biệt về trách nhiệm xã hội của báo chí và văn chương; những nhân tố cần hội tụ để nâng cao giá trị nhân văn của tác phẩm báo chí và tác phẩm văn chương; yêu cầu đặt ra thường xuyên đối với người cầm bút để hoàn thành một tác phẩm; phân biệt tính thực chứng trong tác phẩm báo chí và trong tác phẩm văn chương; dấu ấn không quên của tác giả thông qua tác phẩm của mình đã tác động đến tâm thức của độc giả.

Đồng chủ trì cuộc tọa đàm, nhà văn Đình Kính - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng - nhận xét: các tham luận không chỉ có ý nghĩa khẳng định một số vấn đề được đề cập cho quá trình sáng tạo của nghề báo, nghề văn, mà còn khơi gợi, đòi hỏi cao hơn nữa trách nhiệm xã hội của những người cầm bút.

Cuộc tọa đàm này là dịp đầu tiên để các nhà văn, nhà báo Hải Phòng gặp mặt thân mật. giao lưu, chia sẻ và đồng cảm với nhau về từng lĩnh vực hoạt động, khích lệ nhau tăng cường sức sáng tạo trong viết văn, làm báo.

Từ HK