“Tôi yêu em”- tuyệt tác thơ tình của Pushkin nhìn từ nguyên bản

 

1- Nguyên bản tiếng Nga và một số bản dịch

Nguyên bản tiếng Nga

Я вас любил

Александр Сергеевич Пушкин

Я вас любил: любовь еще, быть может,
В душе моей угасла не совсем;
Но пусть она вас больше не тревожит;
Я не хочу печалить вас ничем.
Я вас любил безмолвно, безнадежно,
То робостью, то ревностью томим;
Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам Бог любимой быть другим.

Dịch nghĩa:

Tôi yêu Em: tình yêu, có lẽ,
Trong lòng tôi vẫn chưa tắt hẳn;
Nhưng thôi, chớ để nó quấy rầy Em thêm nữa.
Tôi không muốn làm em buồn vì bất cứ điều gì.
Tôi yêu Em lặng thầm, vô vọng,
Bị giày vò khi vì rụt rè, khi bởi ghen tuông.
Tôi yêu em chân thành đến mức, dịu dàng đến mức,
Lạy Trời mà Em mà được ai khác yêu như vậy.

 

Bản dịch của Thúy Toàn:

TÔI YÊU EM

                    A.S.Pushkin

 

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em

 

Bản dịch của NGUYỄN ĐỨC QUYẾT-Truởng khoa Nga

trường ĐHSP TPHCM-( dịch năm 1977)


Я вac любил - Tôi đã yêu em


Yêu nàng một thủa nàng ơi
Tiếng lòng chưa tắt trong tôi - yêu nàng....
Vô duyên, mỏng phận - tôi đành,
Nguyện không làm tội làm tình nàng đâu.
Âm thầm vô vọng bấy lâu,
Rụt rè đã khổ lại đau ghen hờn,
Tôi yêu, êm dịu, tận lòng
Cầu mong nàng được tấm chồng như tôi....

  

   

 

  Bản dịch của HOÀNG SỸ BỐI

- giảng viên khoa Nga, ĐHSP TPHCM

 

Tôi đã yêu em

Tôi đã yêu em tình yêu có lẽ
Mãi vẫn còn chưa tắt trong tim,
Nhưng chẳng muốn em buồn thoáng nhẹ
Mong tình tôi đừng bận mãi lòng em.

Tôi đã yêu em âm thầm tuyệt vọng
Lúc ngượng ngùng khi ghen tức buồn đau
Tôi đã yêu em thiêt tha chân thành và cầu mong hi vọng
Người yêu em cũng thế mai sau.


 

 

 

 

 

2- Một số suy nghĩ về nội dung và nghệ thuật của thi phẩm.


A.S.Pushkin là “mặt trời của thi ca Nga”- (Lecmantop). Tượng đài của Pushkin  đặt ở nhiều nơi trên đất nước Nga hùng vĩ, nhưng tượng đài thi ca của ông chói sáng trong lòng các dân tộc trên thế giới. Sinh năm 1799 và mất năm 1837 với 37 năm sinh tồn trên cõi đời nhưng vầng “Mặt trời” ấy đã để lại cho dân tộc Nga nói riêng và các dân tộc trên thế giới nói chung số lượng tác phẩm khổng lồ : Rutxtan và Lutmina, Con đầm phích, Người tù Káp ca... và trên 800 bài thơ tình khác. Nhưng trong sổ tay của thế hệ thanh niên Việt Puskinvào những thập kỷ 60-80 của thế kỷ trước ai cũng có bài thơ nổi tiếng của ông  “Я вас любил” -Tôi yêu em.

Thời ấy, thi phẩm của Pushkin được đọc và hiểu qua bản dịch tiếng Việt của Thuý Toàn. Cần phải đánh giá công tâm rằng đó là bản dịch hay. Bởi dịch văn đã khó, dịch thơ còn khó gấp trăm lần. Và rằng, bản dịch luôn được coi như một “đồng sáng tác”. Bây giờ nhìn nhận lại từ nguyên bản, chúng ta cần có cách đánh giá khác, những định hướng hiểu và cảm nhận khác theo văn bản “Chính chủ” của nó để “Trả lại tên” cho những thông tin của con tim nhà thơ, tránh sự lầm lẫn giữa Thuý Toàn và Pushkin. Dưới đây, bài viết xin đề cập tới một số ý nhỏ  cảm nhận được.

Về tiêu đề của bài thơ (Tôi yêu em), ở đây tác giả dùng động từ “yêu” ở thì quá khứ (Tôi đã yêu em), do vậy, nếu hiểu là tôi yêu em (Thì hiện tại), có nghĩa là đang yêu, thì nội dung lại có sự biến chuyển khác. Đây là câu chuyện đã xảy ra, tưởng mờ chìm, tưởng bị vùi lấp tận đáy sâu nhưng nó vẫn hiện hữu. Hiểu như vậy mới biết sức sống của cuộc tình trong trái tim nhà thơ luôn thường trực hiện diện. Và nó gào réo miên man như sóng vỗ bờ, như ngọn lửa âm ỉ cháy. Nó biến tấu trong mọi cảm xúc nghĩ về em để hành hạ thể xác và tâm hồn thi sỹ.

Có  tám câu thơ nhưng 3 lần  điệp ngữ “tôi yêu em” được nhắc tới, 3 lần từ em xuất hiện trong những câu không chứa ngữ “Tôi yêu em”, trở thành một giai điệu vang lên day dứt khôn nguôi. Sáu trong tám câu thơ chứa từ “Em”, như một thủ pháp miêu tả hình ảnh em choáng ngợp hiện hữu trong mọi miền không gian thời gian của trái tim nhà thơ. Đây cũng chính là cách nói, thủ pháp nghệ thuật của một số nhà thơ nước ngoài nổi tiếng như Ta-Go, Lecmantop, V.Huygo... Nó khác với thơ Việt và thơ Trung Quốc phải làm sao cố gắng tránh lặp từ. Những từ ngữ được lặp lại như vô thức ấy để nói một sự thật : “Em” ở khắp cả mọi nơi trong cái thế giới mà anh sống và anh chỉ nhìn thấy có em trong ngọn lửa tình không nguôi tắt của trái tim anh.

Một điều khác lạ là bài thơ tuyệt nhiên không có hình ảnh nào được dùng. Hình ảnh “Ngọn lửa” là hình ảnh của dịch giả dùng khi ông liên tưởng tới động từ “Tắt” trong tiếng Nga. Nhưng thực té động từ “tắt” ở bài thơ là biẻu thị sự chấm dứt. Như vậy liên tưởng trước đó có lửa và giờ lụi tàn là không logic. Toàn bộ bài thơ có 47 từ (Tiếng Nga), trong đó có tới 14 đại từ, 10 động từ và 5 danh từ trừu tượng dược dùng. Cắt nghĩa về sự “khô khan” này ở một nhà thơ vốn xuất thân từ quý tộc, và là người làm giàu ngôn ngữ Nga, Người có hàng trăm bài thơ tình lung linh hình ảnh sắc màu khác, theo cách nào? Chỉ có thể hiểu đó như là một dụng ý nghệ thuật, hay chính cái tình yêu chân thành của ông đạt đến đỉnh nên quay về cái “nhân bản” nhất để dùng lời bình dị, lời của đời sống không cầu kỳ hoa mỹ để nói cái thật nhất của lòng mình. Ở đây dường như tâm hồn ông đã viết và bàn tay nhà thơ chỉ làm công việc thư ký chép lại mà thôi.

Làm điều này, Pushkin đã tự bước qua cái ranh giới coi “Nghệ thuật như là một thủ pháp” (Shklovsky), để phản ánh được thực tế: cuộc sống đã là nghệ thuật. Chúng ta đã thấy rõ, những gì giản đơn nhất trong ngôn ngữ nghệ thật là nghệ thuật cao nhất mà Ca dao Việt là một ví dụ điển hình.

Nghệ thật nổi lên rõ nét nhất và được sử dụng đắc địa trong thi phẩm là hệ thống tu từ về dấu câu và cú pháp. Pushkin đã dùng hệ thống dấu để tạo nên những câu thơ ngập ngừng, khác biệt với mạch trôi chảy trong bản dịch. Đó chính là cách diễn đạt bước đi của tâm trạng thi nhân ở mọi cung bậc : khi hồi tưởng, lúc bày tỏ, có lúc tự soi lòng mình... tuy nhiên dù ở cung bậc nào thì đối tượng hội tụ lại để khơi gợi thành tâm trạng ấy vẫn là “Em”.

Yêu đến vậy, nhưng vẫn chỉ là tình yêu một phía, để cuối cùng cũng đành hạ bút thốt lên :

Lạy Trời mà Em mà được ai khác yêu như vậy.

Câu thơ kết trong bản dịch là:

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em

Bản thân câu kết này đã làm tốn hao không biết bao nhiêu giấy mực của người Việt. Chúng ta đã bình luận chỉ nhờ vào câu kết này rằng đây là một tình yêu cao thượng. Yêu đấy và thất bại cay đắng đấy, nhưng thi sĩ vẫn cầu mong một hạnh phúc vô bờ đến với người tình. Có nhiều người còn nói quá lên đó là viêc làm có một không hai ở thế giới loài người. Thày Thành Thế Thái Bình (Nguyên Hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội 2), người đã làm luận văn tại Liên Xô cũ với đề tài “Pushkin, người lấy của đời it trả cho đời nhiều”. Đã kể câu chuyện khi thày so sánh câu trong bản dịch với ca dao cổ sau này được nghệ nhân dân gian phổ vào trổ hát quan họ:

Người đi em dặn người rằng

Đâu hơn người kết , đâu bằng người đợi em.

Một giáo sư Nga đã sửng sốt mà rằng cha ông các bạn từ ngàn xưa đã có một tình yêu cao thượng hơn cả người Nga. Bởi nếu lấy ý của bản dịch mà so với ca dao thì đã thấy sự khác biệt. Nhân vật ở lại nhắn người đi hai thông tin, : Nếu “hơn” thì “kết” và “bằng” thì “đợi”. Rõ ràng là một tình yêu cao thượng, không níu kéo, không yếu đuối, không thù hận,  mà luôn để cho người tình tự do lựa chọn lấy điều tốt đẹp hơn và mình chấp nhận hy sinh thua thiệt. Nội dung thông tin này lại nói ở thì “Tương lai”, nó chưa xảy ra, nhưng vẫn được bộc lộ trước rõ ràng như vậy.

Tuy nhiên, đó là vấn đề của bản dịch. Câu cuối của nguyên bản được hiểu theo đúng ý nguyên tác là "Có lạy Trời em [mới lại] được ai khác yêu chân thành, nâng niu đến thế". Đây dường như là một câu chốt lại vừa để khẳng định tình yêu của mình , vừa là thông điệp gửi đến người tình rằng, trên thế gian này anh là ngtười duy nhất yêu em đến vậy và đang hiện hữu.

Như vậy khi đánh giá “Tôi yêu em” điểm thống nhất “Xum tụ” được ở chỗ đây là một tuyệt tác thơ tình. Sự tuyệt tác của nó ở chỗ nào, thì mỗi người lý giải một nhẽ. Đương nhiên như phân tích trên chúng ta thấy rất rõ vẻ đẹp của thi phẩm thể hiện ở những yếu tố nghệ thuật độc đáo. Bài thơ không hình ảnh, ngôn từ trong suốt như tấm tình trong suốt của nhà thơ vậy. Nhưng không chỉ thế, việc sử dụng tu từ cú pháp  ở trình độ bậc thày và cách dùng từ “Em”, điệp ngữ “Tôi yêu em” như một giai điệu ngân day dứt suốt thi phẩm đã diễn tả được những cung bậc tình yêu của thi sỹ. Nhà thơ yêu thật và nói thật xúc cảm của trái tim yêu, bằng một thứ nghệ thuật ngôn ngữ sáng trong và mộc mạc chân tình như cuộc sống vậy. Sự thành công và cái cao thượng của Pushkin không phải ở câu thơ cuối cùng mà chính là ở chỗ ông dám nói và diễn tả bằng hình thức độc đáo cái tình yêu đẹp theo đúng nghĩa dù nó chỉ tồn tại ở một phía bằng một trái tim nhân bản./.

NĐM