Biển người giữa Thiên Cung
Động Thiên Cung vốn là điểm du lịch hút khách, nhưng du lịch hang động cần có sự yên tĩnh tương đối và khách thư thái chiêm nghiệm những kỳ quan tạo hóa ban tặng; còn hiện thời khi mùa du lịch ở mức cao điểm trong động Thiên Cung là một biển người.
Ngột thở với biển người
Mới 7h sáng bến tàu khách đã chật khách, tiếng máy tàu nổ ầm ào, tiếng còi xe liên hồi, tiếng loa pin choe chóe của hướng dẫn viên tiếng gọi nhau của hàng nghìn khách tạo ra những tạp âm ầm ĩ. Khách chờ đợi xếp hàng vào cửa xuống tàu đông nghịt và bên trên bến dòng khách mới lại tiếp tục đổ về. Từ 7h đến 9 giờ bến tàu khách Hạ Long giống như “chiếc đấu” đong quân không ngớt.
Cuối cùng rồi cũng thoát ra được biển, gió lộng và trời nước bao la. Có thể dễ dàng nhìn thấy hàng trăm chiếc du thuyền, Paradise Cruises - du thuyền năm sao cao cấp, Indochina Sails hay Phoenix Cruiser tiêu chuẩn quốc tế 3 sao… nhưng đông nhất vẫn là các du thuyền chợ chở khách Việt và khách Trung Quốc. Sau khoảng 40 phút với không gian biển tất cả lại dồn vào Động Thiên cung. Động nằm ở phía tây nam vịnh Hạ Long cách cảng tàu du lịch 4 km, trên đảo Đầu Gỗ ở độ cao 25 m so với mực nước biển. Đường lên động Thiên Cung vách đá cheo leo, hai bên cây che phủ um tùm, hàng ngàn người rồng rắn nối đuôi nhau mướt mồ hôi. Qua một khe cửa hẹp, lòng động đột ngột mở ra khoảng không bên trên một mặt bằng hình tứ giác với chiều dài hơn 130 m, lẽ ra tại đây du khách sẽ bình thản chiêm ngưỡng vẻ đẹp hết sức sinh động và lộng lẫy của những kiệt tác tự nhiên do thạch nhũ tạo nên, và được nghe thuyết minh giảng giải về những ý nghĩa lịch sử khác… nhưng trong cái “hộp” mờ ảo và thiếu khí ấy là hàng nghìn du khách. Chen lấn nhau nên chẳng có mấy tầm nhìn, tiếng nói ầm ào chồng lấn lên nhau nên chẳng thể nghe được thuyết minh, chỉ cần 20m2 đã có ít nhất 3 thuyết minh cho 3 đoàn khác nhau, tiéng Tây, Tiếng Tàu, tiếng ta hỗn loạn. Không gian tràn ngập hơi người, mùi mồ hôi, đường đi trầy trượt, khuất khúc thành ra lượng người càng ngày càng dồn ứ lại. Và kết cục vào đây chủ yếu là xem người và cơ bản là xem lưng nhau, bởi nếu dừng lại lập tức có tiếng nhắc : đi lên đi! Hoàng Long, giám đốc Công ty du lịch Hoàng Hà (Hải Phòng) tâm sự “Cứ theo khách đi tuor thứ 7 chủ nhật là em khiếp, nơi đây giống như cái bể ướp cá”.
Dọc các lối rẽ và các điểm dừng đều có những chú dẫn, chỉ có điều trên bảng xuất hiện liền một lúc 3 thứ tiếng Việt, Anh và Trung Quốc. Có lẽ những người làm du lịch xác định nơi đây có nhiều khách Trung Quốc nên thêm vào dòng chữ Tàu này chăng. Nhà báo Hòa Anh (Báo Hải Phòng) cùng đoàn bình luận “Về nguyên tắc chỉ có 2 thứ tiếng là tiếng Việt và tiếng Anh theo thông lệ quốc tế. Việc thêm dòng chữ Trung Quốc vừa thừa vừa làm mất lòng khách nước ngoài”. Đây là ý kiến mà Du lịch Hạ Long cần nghiên cứu xem xét. Đang mải bàn về chuyện đó, một cậu bé chừng 10 tuổi đội mũ đoàn du lịch “Hòa Bình” hỏi mẹ “Bây giờ có sóng thần thì trong đây có ngập không?” Câu hỏi ngây thơ ấy khiến đoàn người rồng rắn cùng chững cả lại hoang mang và cố gắng tiến mau về phía cửa hang.
Cháy mặt vì chờ tàu đón
Thoát ra khỏi Thiên Cung, nhiệt độ đột ngột tăng, bến cập tàu Thiên cung hàng trăm chiếc tàu chen nhau cái ra cái vào, đón khách đợi khách. Dòng khách đổ xuống đứng hàng tiếng chờ nhưng tàu không vào được, tàu tại bến thì lại chưa có khách. Chiếc càu cảng nhỏ bé mỏng mảnh như cong oằn vì người đứng ken chật, rất may vì trời nắng, nếu có trận mưa thì hàng ngàn du khách chịu cảnh ướt hết. Tiếng trẻ khóc, tiếng than vãn chửi thề cả của Tây lẫn ta, tiếng điện thoại réo gọi của các hướng dẫn viên du lịch tạo thành bản hợp ca váng óc dưới bầu trời nắng lửa.
Dự án nâng cấp, mở rộng Bến cập tàu Thiên Cung, Đầu Gỗ được khởi công từ năm 2010 có tổng mức đầu tư 53,477 tỷ đồng. Đến nay, mới chỉ thực hiện được hơn 75% khối lượng công việc. Anh Nguyễn Phạm Hà, Chỉ huy trưởng công trường cho biết nguyên nhân chậm chễ này là công nhân phải thi công trên biển, công tác thi công phụ thuộc vào thủy triều, không có điểm tấp kết nguyên vật liệu, địa chất khu vị trí thi công phức tạp, sát chân núi; Bến Thiên Cung, Đầu Gỗ vẫn hoạt động đón khách tham quan… nhưng quan trọng nhất là công tác tổ chức sắp xếp chưa chuẩn và ý thức chen lẫn của các chủ tàu làm cho cảnh bến thêm hỗn loạn. Và cũng bởi vậy, khách chỉ biết đứng nắng kêu khổ, còn tàu đông không có chỗ đậu và đành chờ khách ở ngoài …biển!
Hạ Long được công nhận là di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, bản thân danh hiệu ấy đã hút khách, nhưng nếu việc bố trí tổ chức của du lịch Hạ Long không cải thiện nhanh và chăm chút tới từng chi tiết thì liệu khách có còn mong muốn trở lại lần thêm lần nữa?