Có thể bạn quan tâm
Cuộc “Thi thơ Hải Phòng 2014”, những thành công và tiếc nuối
Hải Phòng thành phố vùng cửa sóng; trong suốt nhiều thế kỷ mảnh đất này luôn là một cái nôi văn chương xuất hiện nhiều tác giả tác phẩm nổi tiếng đúng vững trước ngọn nguồn thi ca Việt. Ở thời kỳ đổi mới, Hải Phòng là một trong những cửa ngõ quan trọng trong giao thương hội nhập, nơi đây đồng thời cũng tiếp nhận những cuộc biến chuyển đầu tiên của nền kinh tế thị trường. Những tưởng, văn chương thành phố Hoa Phượng Đỏ sẽ bị lấn át, đuối sức trong dòng chảy xô táp của thời kỳ kinh tế mở; Nhưng hoàn toàn ngược lại, Hải Phòng không chỉ là thành phố của sóng, của gió của tiết tấu đổi mới sôi động mà còn là một thành phố của thi ca.
Trong số nhiều, rất nhiều những hoạt động văn chương của những năm gần đây, Hội Liên hiệp VHNT mà trung tâm là Hội Nhà văn Hải Phòng đã liên tiếp tổ chức các cuộc thi văn học lớn. Có thể kể đến: cuộc thi thơ về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (2010); Cuộc thi thơ về đề tài “Đường Hồ Chí Minh trên biển” (năm 2011); cuộc thi thơ về “Đề tài Hoa Phượng” (2012)… Năm 2014, song hành với cuộc thi truyện ký về đề tài Hải Phòng, Hội NVHP đã phát động cuộc “Thi thơ Hải Phòng” 2014". Đây là một cuộc thi quy mô toàn quốc với đề tài mở, khuyến khích mọi khuynh hướng sáng tạo với mục tiêu tìm chọn những tác giả, tác phẩm tiêu biểu trong xu thế đổi mới thi ca, cổ súy những giá trị thơ, thổi một luồng gió vào không khí sáng tác văn học đang có hơi hướng trầm xuống tại Hải Phòng và hình thành một diễn đàn thơ kết nối tri âm giữa các tác giả và đọc giả yêu mến thi ca toàn quốc.
Những kỷ lục mới và sự đa diện đề tài
Sau 8 tháng phát động, cuộc thi đã đạt được những kỷ lục so với tất cả các cuộc thi trước đây. Tổng số tác phẩm tham gia dự thi tính đến thời điểm 15/12/2014 là 6038 bài và 681 tác giả của 51/63 tỉnh thành toàn quốc; Tác giả gửi ít nhất là 01 chùm thơ ba bài, tác giả gửi nhiều nhất tới trên 120 bài tham dự. Trong số ấy, có tới 20 nhà thơ là Hội viên Hội NVVN, trên 45% số nhà thơ là Hội viên Các hội Nhà văn tỉnh / thành phố toàn quốc và 08 tác giả người Việt đang sống và làm việc ở nước ngoài. Điều đặc biệt ở đây là 90% số bài dự thi được gửi qua đường truyền Intenet tới cổng thông tin Hội NVHP - vanhaiphong.com, thực tế ấy chứng tỏ các nhà thơ đã không ngừng thay đổi mình thích ứng với thời kỳ công nghệ, nhà thơ đã thoát ly cây bút trang giấy và thay thế bằng chuột và bàn phím, một thích ứng với đòi hỏi khách quan mà các tác giả cần trang bị như một hành trang sáng tác ở thời đại mới.
Các tác phẩm tham dự đã cho thấy một bức tranh đa diện về đề tài. Thông qua các thi phẩm, người đọc cảm nhận được rất rõ nhịp ngân rung của trái tim các nhà thơ trước muôn mặt cuộc sống: Tình yêu tổ quốc, tình yêu lứa đôi, những trở trăn bời bời về thế sự, nỗi đau và niềm vui trong cõi lòng và cả những vấn đề thời sự hầm hập về biển đảo tổ quốc... Nguyễn Thanh Tuyên qua tứ thơ khá mới, em bé chào đời trên đảo Sinh Tồn, đã làm dội lên tư tưởng các thế hệ người Việt truyền lửa và truyền nhân… tạo sự sinh tồn vĩnh cửu cho biển đảo dấu yêu:
Nghẹn ngào đón vừng dương rạng rỡ
Lấp ló ngực tôi
Mặt trời nhỏ
Sinh Tồn…
(Nguyễn Thanh Tuyên – Sinh Tồn)
Có thể chọn phương thức biểu đạt mạch lạc, hay ẩn ý sâu xa, nhưng hình ảnh quê hương đất nước được đắp tô bằng chất tâm hồn hiện lên rất lung linh, dù rằng nó được biểu hiện qua chiếc cổng làng, mái đình một ánh chiều hay câu hát ru hời…
Tự thêu cánh phượng hồng từ muôn vàn đầu tơ mối chỉ
Chắt dè niềm tin cho mặn mòi kết tinh thành muối bể
Con còng mới của triệu năm biển cũ
Những hạt cát lại nở sinh cộng hưởng âm vang với lớp lớp sóng trào.
(Lưu Ly – Thành phố phượng và cát)
Trong biên độ mở cho phép của cuộc thi, các tác giả đã được tự do thỏa sức trong việc phát hiện các đề tài và tạo dựng chủ đề tư tưởng kiến tạo các tác phẩm của mình. Bởi thế, cuộc thi đã thu nhận khá nhiều các tác phẩm hằn đậm chất thế sự. Những bài thơ như vậy thường khơi trào mạch cảm nghĩ về những góc khuất cuộc sống thấm đẫm nỗi day trở của trái tim người viết:
ta ngồi đây thấy mùa đông tràn vào góc phố
mới phân bua được vị nỗi buồn
mới rõ ràng ánh mắt cô đơn
mới hiển hiện những phận đời hư thực
(Trần Ngọc Mỹ - Mùa đông về phố)
Ở góc đề tài này còn có những suy nghĩ khá táo bạo về những điều trước đây văn chương coi là vùng cấm kỵ né tránh. Đây là suy nghĩ của Nguyễn Thanh Lâm về vẻ đẹp văn hoá Trung Hoa đáng trọng và tham vọng bá quyền bành trướng đáng khinh:
Vị thơm của Đường thi dẫn ta lạc trong cái đẹp
Ta gặp Trương Kế trong tiếng chuông chùa Hàn San mà say
Bình rượu mới chất men vẫn cũ
Vị lưỡi bò, Điếu Ngư khiến nhân loại chau mày
(Nguyễn Thanh Lâm – Men rượu cũ và đám mây chết đứng)
Đa dạng hoá và cá biệt hoá trong hình thức thể hiện
Có thể nói cuộc thi đã đem đến vườn thi ca đất Cảng nhiều loài hoa đậm đà hương sắc. Các tác giả tuỳ thuộc vào sở trường của mình đã đem về ươm trồng tại đây nhiều giống hoa quý, nhiều loài hoa lạ. Trong số khối lượng khổng lồ trên 6000 bài thơ, bên cạnh dòng thơ dân tộc vẫn xuôi chảy ngọt ngào. những vần thơ Đường Luật, Haiku cấu tứ chặt chẽ là sự bung nở của những vần thơ tự do chiếm tới ¾ số tác phẩm tham dự. Ở đó, hiện thực đi qua lăng kính thi sỹ được khúc xạ trăm màu lấp lánh.
Cuộc thi ghi nhận sự trở lại của thể thơ lục bát, một loại hình thơ xưa cũ nhất, song qua sự nhào nặn từ cảm và nghĩ, từ tài năng của mình những vần thơ lục bát đẹp đã hiện hình và chở theo những nội dung mang đậm hơi thở cuộc sống. Đã xuất hiện tại cuộc thi sự phá cách của một số tác giả, dường như những nhà thơ này đang cố vươn tới sự tìm tòi đổi mới cho tiêng mình. Sự phá cách ấy có thể bắt đầu từ cách phá vỡ cấu kết của thơ lục bát. Đây là cách thành công của Nguyễn Ngọc Tung qua bài thơ “Lúng Liếng”
Lúng liếng
đi gánh trăng sao
Đổ tràn
cả giấc chiêm bao
lên trời.
Nó có thể là cách diễn ngôn tự do bung thả song lại riết róng bám đuổi các ý nghĩ đặng chạy theo tư duy để đào sâu ý mà chỉ để vần nhịp bật lên từ cả một đoạn thơ chứ không lệ thuộc vào từng cặp câu sóng đôi như cách viết truyền thống.
Những huyền diệu
Chẳng xảy ra như nỗi chờ mong
Chỉ chiếc lọ trống không
đựng hoài ức tôi
trong suốt.
(Lương Kim Phương – Trong suốt)
Cũng đã có một số tác giả trẻ đã táo bạo đem đến cuộc thi loại hình “thơ văn xuôi”, Hoặc những hình thức thơ mà câu kéo dài, kiểu xuống dòng, vắt câu lạ lùng…mặc dầu chưa đem đến sự thành công để chinh phục được Hội đồng giám khảo song nó ghi nhận một tín hiệu rất rõ về khả năng, sự cần có của sức vóc tuổi trê trong cuộc hành quân của thi ca trên chặng đường đổi mới còn lắm chông gai.
Những nội dung trên được biểu hiện đa dạng thông qua những hình tượng thơ độc đáo và sự khu biệt rất rõ về phong cách ở một số tác giả nổi trội. Có thể nhận thấy phần các tác giả của các Hội Nhà văn định hình khá rõ về lối viết, cách cấu trúc ý tứ, xây dựng hình tượng và thông điệp gửi gắm trong các trang viết. Ở những tác giả này, bài thơ thường gọn gàng, câu chữ chuốt tỉa công phu. Bên cạnh đó một số tác giả là Hội viên Hội NVVN và một số tác giả trẻ đã tự do mạnh dạn hơn trong phương thức tự làm mới mình, bởi vậy mà kết cấu, hình tượng thơ và thông điệp hướng về những điều trụi trần và gai góc hơn của đời sống và số phận nhân sinh. Tuy nhiên tất cả đều không có tác phẩm dự thi nào đi trệch hướng nguyên lý mỹ học: Chân - Thiện -Mỹ.
Trong quá trình tiếp nhận, Ban tổ chức cuộc thi đồng thời thành lập Hội đồng sơ khảo chấm thi độc lập và thông báo kết quả từng tuần; cùng với đó là đăng tải thường xuyên các tác phẩm trên Tạp chí Cửa Biển và vanhaiphong.com. Cách làm này đã tạo ra sự thông suốt trong cả quá trình và tạo cơ hội giao lưu, thông tin hai chiều giữa những người tổ chức và các tác giả. Kết quả, các giám khảo đã trình Hội đồng sơ khảo danh sách 60 tác giả. Từ phân tích đánh giá tranh luận Hội đồng đã kết luận đề cử 20 tác giả lên hội đồng chung khảo.
Những thành công của nhóm tác phẩm đạt giải
Bằng sự thẩm định tinh tế, trách nhiệm, Ban giám khảo của Hội đồng chung khảo đã tìm ra những tác phẩm nổi trội của cuộc thi. Theo đó, tác giả Lưu Ly và Lương Kim Phương có những tác phẩm thể hiện khá sáng rõ đề tài, mang tính tư tưởng tốt, bộc lộ khả năng tư duy mạnh đa chiều, bộc lộ rõ “cái tôi” trong xây dựng hình tượng thơ. Ở hai tác giả này, mỗi người có một ưu điểm nổi trội. Lưu Ly kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống với hiện đại:
Phượng đỏ hun hút rơi về chân trời xưa
Dã tràng duy lý hay duy tình say mê muôn thủa
Mùa hạ cuối cùng chia tay tóc xõa
Nắng gắt sân trường, sỏi đá hóa đơn côi ..!
(Lưu Ly – Thành phố phượng và cát)
Những hình ảnh khá đặc trưng của Hải Phòng được chọn lọc truyền đến câu thơ nỗi day dứt, vang lên tiếng buồn từ cõi lòng người miền biển về không gian thời gian quá vãng, đồng thời tạo ra rung cảm và những dư ba vô tận. Trong khi Lương Kim Phương có cách lập cấu tứ chặt chẽ. Bài thơ “Cuốn truyện độc nhất” tác giả đã để ngọn bút thơ chạy theo dòng suy ngẫm của nhân vật trữ tình với những dự định, ý tưởng ngập tràn, mòn mỏi cùng với thời gian “gỗ lũa” để rồi bỗng một ngày nhận ra sự thật tác phẩm độc nhất dành cho mình là chính bản thân mình. Cấu trúc thơ đã tạo được sự bất ngờ thú vị.
Đêm đêm ta
ngửa mặt nhìn trăng
trong căn phòng đầy gỗ lũa
trang sách Huygô gió lùa
Cô đơn
chỉ ta biết
ta là cuốn truyện độc nhất của đời mình.
(Lương Kim Phương – Cuốn truyện độc nhất)
Những tác giả đoạt giải Ba, mỗi nhà thơ có một sự thành công riêng được Hội đồng chung khảo trân trọng đánh giá. Nguyễn Ngọc Tung tạo dựng được những lục bát đẹp và gọn gàng, cách viết loại thể khá chỉnh; Nguyễn Thanh Lâm kết hợp lối viết hiện đai với truyền thống, bộc lộ tri thức và vốn văn hóa, kiến văn phong phú; Nguyễn Thanh Tuyên: Cập nhật được đề tài thời sự về biển đảo. Và Đàm Khánh Phương thành công ở tứ thơ khá hiếm gặp và tình cảm chân thành đằm thắm mà tỉnh táo, yêu thương đến cháy lòng vẫn sáng suốt, thứ tình cảm chỉ có ở người cha dành cho con, khi chính mình thắt lòng tái giá:
Nhưng chẳng thể nào cha đổi con lấy hình dáng khác
Dẫu dáng hình kia được tạc bằng vàng
Bởi cha biết máu trong vàng rất lạnh
Vàng không là đồng nghĩa với cao sang
(Đàm Khánh Phương – Viết cho con ngày lấy vợ)
Nhóm tác giả đạt giải Tư của cuộc thi, mỗi người tự tạo cho mình một sự xuất sắc: Vũ Nuôi với những câu lục bát nuột nà, trong khi Trương Nam Chi lại mạnh mẽ cải biến cách ngắt câu lục bát tạo ra các điểm nhấn ấn tượng. Hải Quỳnh là sự táo bạo trong ánh nghĩ “Hồ Xuân Hương” khi muốn hoá thị Màu! Huỳnh Minh Tâm tạo dựng được hình ảnh quê hương như rứt ra từ máu thịt. Vũ Quang Tần có góc nhìn sinh động về quê hương Hải Phòng dẫu anh là công dân Hà Nội. Trần Ngọc Mỹ, Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trần Đức Toản, đầy sáng tạo về hình thức thơ tự do…
Những sự tiếc nuối
Tuy vậy, Cuộc “Thi thơ Hải Phòng 2014” vẫn tồn tại những hạn chế như bất cứ cuộc thi thơ nào khác thời kỳ đương đại. Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo: Nhìn chung không có tác giả, tác phẩm xuất sắc, không tạo sự đột biến và phát hiện ra cây bút mới ấn tượng nào như mong mỏi ban đầu của ban tổ chức. Các tác phẩm tham dự vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Trước hết là nguồn đề tài được khai thác khá mòn, một bộ phận lớn tác phẩm còn vương vấn nặng ở hình thức biểu hiện cũ trong khi nội dung chưa có sự khám phá, chưa có vấn đề khai mở mới.
Cuộc thi đón nhận dòng thơ trẻ khá mạnh mẽ sôi động. Tiếc rằng, bên cạnh sự thành công, một số tác giả lại mạnh về biểu diễn trình độ học thuật và cố công thay đổi hình thức vỏ thơ nên nhiều khi vì nó mà cảm xúc thơ nhạt loãng. Một số tác giả đem đến cuộc thi những bài thơ thử nghiệm/ hoặc giả muốn chứng minh cái tôi cách tân, nhưng lại sa vào rối rắm làm cho bên trong sự trùng điệp về ngôn ngữ chỉ là những thông điệp mòn sáo. Chúng tôi cho rằng trong xu thế phát triển hiện tại (và nhìn từ sự thật các bài thơ tham dự cuộc thi thơ này) đã xuất hiện không ít các tác giả đã nhầm lẫn giữa sự sáng tạo, cách tân thi pháp với việc chiều lòng ngả theo thị hiếu độc giả. Hoặc nhầm lẫn khi tự mình “sao chép” một nguyên mẫu chưa định hình phong cách, chưa được thi đàn chấp nhận.
Dù có cách tân bao nhiêu thì thơ cũng phải đạt đến cái hay (Trong "Hay" có khái niệm đúng), chúng ta cần đến sự giản đơn thanh thoát trong hình thức và mang đến những hàm ngôn sâu sắc trong tư tưởng nội dung, từ những khám phá mới về đề tài. Sự tươi non, trong sáng của hình tượng ngôn từ vẫn luôn có sức mạnh hơn những chữ nghĩa được chế tác cho kinh dị!
Cuộc “Thi thơ Hải Phòng 2014” đã khép lại, để lại đằng sau mình những nuối tiếc, buồn vương... và chờ đợi sự vui mừng ở ngày lễ trao giải phía trước. Dẫu trong những người tham dự còn có những băn khoăn về hy vọng đạt giải không thành; Song có một sự thật không thể chối bỏ, đó là sự nhiệt thành và niềm yêu thi ca của tất cả các tác giả tham dự đã làm nên thành công của cuộc thi. Và rằng, chính các tác giả đã bằng bút thơ của mình kiến tạo nên một diễn đàn thi ca sôi động trên thành phố của sóng của gió suốt gần một năm trời, mà dư ba của nó chắc còn vang động mãi. Hội Nhà văn Hải Phòng trân trọng cảm ơn sự tham góp ấy của các tác giả và xin hẹn gặp lại trong một giải thi thơ quy củ hơn sẽ diễn ra trong tương lai gần.
T/M Hội đồng giám khảo
Nhà thơ
Nguyễn Đình Minh