Nhà văn, Nhà báo Phạm Thùy Linh: Tính hiện đại khác biệt trong thơ Nguyễn Đình Minh qua hai tập thơ “Lặng lẽ đời cây” và “Thức với những tập mờ”

 

 

Tôi tiếp xúc với thơ Nguyễn Đình Minh không nhiều, đặc biệt là những tập thơ xuất bản giai đoạn trước năm 2016. Cho đến tập thơ được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2016 mang tựa đề “Lặng lẽ đời cây”, tôi có nhiều điều kiện đến với thơ Nguyễn Đình Minh hơn và phần nào hình dung được một phong cách thơ khác biệt mà anh đang xây dựng cho riêng mình. Trong khuôn khổ tham luận này, tôi muốn đề cập tới tính hiện đại trong thơ Nguyễn Đình Minh từ hai tập thơ mà tôi có điều kiện đọc kỹ. Đó là “Lặng lẽ đời cây” và “Thức với những tập mờ”.

 

1. Có thể nói, thơ của Nguyễn Đình Minh không giống như các nhà thơ khác của Hải Phòng. Một thời gian, thơ Đình Minh gần gũi với làng quê qua thời gian, không gian. Sau này, anh để tâm xây dựng một phong cách thơ khác giàu triết lý hơn. Dường như anh cố gắng tìm lối đi riêng khác biệt của mình với những câu thơ, tứ thơ hiện đại nhưng không xa rời truyền thống. Cá nhân tôi cho rằng, bước khởi đầu của thơ Nguyễn Đình Minh là đi ra từ văn hóa làng khi những bài thơ đầu của anh đến với bạn đọc đều bước ra từ làng quê Việt. Rõ nhất trong tập thơ “Lặng lẽ đời cây” xuất bản năm 2016. Trong đó, những bài thơ với hình ảnh làng quê, những thăng trầm của quê hương qua các cung bậc thời gian và không gian văn hóa làng xã. Tư tưởng bao trùm là cảm xúc suy ngẫm về những giá trị cốt lõi của làng quê được nhà thơ khai thác theo nhiều hướng khác biệt tạo nên những dấu ấn viễn cổ và hiện đại trong nhiều mảng tối sáng đan cài.

Trong tập thơ “Thức với những tập mờ” xuất bản sau này, không gian thiên nhiên với những chất liệu thường gặp của nhiều bài thơ xa xưa hiện lên qua thơ Nguyễn Đình Minh đầy trong trẻo. Như trong “Đàn trăng”, thấy khung cảnh êm ái với trăng, cỏ, gà gáy, cánh đồng, Ngân Hà lấp lánh: “Trăng vời vợi đêm, cỏ xanh êm dưới lưng/ Tiếng gà gáy mơ màng ngậm âm thanh phát sáng/ Đồng trời mùa sao trổ lung linh/ Sóng sông Ngân đẩy những cồn mây trắng/ Tiếng sáo diều sinh nở giữa nôi không gian/ Mênh mông nhung huyền gió hát… Lấp lánh sông trôi/ gió đồng ướp hương cỏ dại/ Bao năm tháng buồn ngồi nhai quá khứ/ Vẫn vô vọng ngóng tiếng đàn thuở ấy/ Tiếng đàn trăng…”. Người đọc nhận ra hồn làng, văn hóa làng thật đậm đà, giàu có trong những bài thơ của nhà thơ yêu quê hương, yêu thiên nhiên này. Như chất liệu ánh sáng trong bài thơ “Đom đóm đêm Cổ Loa”: “Những con đom đóm bay ngẩn ngơ đêm Âu Lạc/ Đom đóm muốn tìm gì/ Nơi thành Cổ Loa một thời tự đựng trong mình cơn bão/ Hình xoắn ốc/ Nuôi một tình yêu mong manh như cầu vồng bảy sắc/ Tan nhanh…”. Ai yêu thơ đọc bài thơ này cũng nhận ra, không gian đêm thật bình yên, tĩnh lặng. Để lòng người đối diện với chính mình nhiều hơn. Những cảm nhận trong đêm sâu hơn. Ngay cả tách trà đêm cũng thấy say hơn như men nồng của trời đất. Nhà thơ ghi lại trong “Trà đêm Hồ Núi Cốc” như thế này: “Đất uống trăng và đắng chát nhuộm lá chè màu lục/ Nắng sương chan nỗi cơ hàn đọng vị kết hương/ Em hóa than hồng, đêm rét thấu Thái Nguyên/ Ta lãng đãng say hương chè/ Để tự giắng tơ tình Hồ Núi Cốc…”

Từ những nét chấm phá về văn hóa làng trong bức tranh thơ của Nguyễn Đình Minh, người ta nhận ra khát khao tìm lối đi riêng của nhà thơ. Qua 68 bài thơ của tập thơ này, Nguyễn Đình Minh mang lại những cung bậc cảm xúc khác nhau với những tứ thơ chạm đến những vấn đề nóng của cuộc sống. Bằng ngôn ngữ thơ của mình, nhà thơ lý giải, khát khao thay đổi với một trái tim nhân văn. Với sự cố gắng lặn sâu qua sự nhìn thấy đến sự cảm thấy, tác giả có được những nỗi niềm tâm trạng trong tác phẩm lôi cuốn dẫn nhập người đọc hòa theo cùng cảm nhận. Và qua thời gian, Nguyễn Đình Minh dần đưa bạn đọc tới bức tranh thơ riêng với cách pha màu khác biệt trong những hình thức thể hiện khá hiện đại, phóng khoáng.

2. Nguyễn Đình Minh là người chịu khó tìm tòi, sáng tạo trong thể hiện tứ thơ của mình. Phần lớn các bài thơ của anh được làm theo phong cách hiện đại, ý tứ tự do bay bổng. Ngay cả với những bài khai thác đề tài về làng quê với những chất liệu truyền thống thuần Việt cũng được hiện đại hóa cách thể hiện. Nhiều đơn vị câu thơ, chi tiết thơ đầy chất quê của Nguyễn Đình Minh trở thành điểm nhấntrong những bài thơ hiện đại, như:Hoa sen tẩm thơm vào lũi lầm cay đắng/ Khúc ru nôi ủ ấm giấc mơ nghèo (Nghe thì thùng trống hội); Và tục ngữ cứ sinh sôi cùng với lúa đồng (Tục ngữ của làng); Ta rưng rưng nhấp men đồng ấm lửa/ Uống hồn quê thơm giữa bát sành (Chiều nhấp men đồng); Lòng người hình như có bão/ Con trâu cũng trở mình nằm nhai khúc canh khuya (Tháng 5 quê nội); Chiều cánh vạc thoảng thơm mùi khói bếp/ Mẹ nghiên xiêu gánh gió dọc triền sông (Chạm gió đầu đông); Trăng như một khuyên son lưng trời đêm biếc/ Chấm một ngày hạnh phúc/ Cho ta (Một ngày); Nải chuối vào mâm xòe tay ôm bầy quả/ Cơm ủ ngấm chín men, trở mình dậy rượu (Tết giữa nôi quê)…

Như ở tập thơ “Thức với những tập mờ”, lối đi của Nguyễn Đình Minh được đình hình khá rõ nét. 46 bài thơ với 46 cung bậc cảm xúc, góc tiếp cận không gian, thời gian, khung cảnh, con người. Trong ấy là “Tự thoại cùng Tổ quốc tôi”, là lời mời gọi “Hãy ghé Pha Đin” hay cùng lên thăm “Yên Tử mây trắng bay”. Hoặc thưởng thức vị “Trà đêm Hồ Núi Cốc”, ngắm “Đom đóm đêm Cổ Loa”… Phần lớn những bài thơ trong tập thơ này của Nguyễn Đình Minh được sáng tác trong mạch hồi tưởng mờ mờ hư ảo. Có một không gian bàng bạc được bao phủ bởi mây và những kỷ niệm chảy tràn theo mạch cảm xúc của nhà thơ. Như “Thong thả ở dưới trời”: “Mây trắng nâng núi lên trời cao/ Ta nâng giấc say của mình trên lưng ngựa/ Khoan thai theo sau trên con đường mướt cỏ/ Em rực rỡ váy Mèo/ Như cánh bướm vờn hoa…”. Thấy dòng thơ chảy ra như trong cổ tích. Bồng bềnh trên mây và rực rỡ sắc màu của váy áo, lễ hội, cỏ hoa. Có tiếng khen, có sương khói giữa rừng núi, có trăng treo, hương hồi, hương quế. Và đặc biệt hơn, có “Em ở ngay bên, mắt cười lúng liếng/ Và thì thầm tiếng của em thôi”.

Đọc thơ Nguyễn Đình Minh, thấy những bước đi từ văn hóa làng tới những không gian mới đầy sáng tạo của riêng anh. Nhưng điều gây ấn tượng với tôi, dù mới đến đâu, trong những bài thơ của anh luôn hiển hiện nền tảng sâu lắng của cội nguồn văn hóa dân tộc. Như những câu thơ anh viết trong bài thơ “Tự thoại cùng Tổ quốc tôi”: “Tổ quốc ở trong con có trái tim tự cường ngạo nghễ/ Lưng tựa dãy Trường Sơn/ Chân trụ vững trên ngàn dặm bể/ Mắt dõi xa xăm, hiên ngang với muôn trùng/ Như vầng mặt trời rực sáng từ Đông”./.