Thơ Nguyễn Đình Minh - Sự vượt trội của những vùng mờ (Đọc: Thức với những tập mờ - NXB Hội Nhà văn 2014 ) - Bùi Việt Mỹ
Có thể nói, để diễn đạt mục đích là nhìn nhận riêng biệt về các hiện tượng hay nói gần hơn là các diễn biến của sự sống xung quanh như nó đã và đang tồn tại khách quan, Nguyễn Đình Minh, với tư duy của nhà thơ, chọn cho mình một mảng chìm được gọi là “Tập mờ” như tên tập thơ anh.
Thơ Nguyễn Đình Minh đưa ta đến một lối đi mới của cái nhìn cũng như sự quan sát. Ví như: Căn nhà đẹp được dựng từ những cái cột lõi xù xì, tách trà ngon được chắt lọc từ việc chà xát chồi non, tiếng khèn điệu đàng được kết lại từ vực âm sót buốt v.v… Dường như anh đi ngược lại với thói quen từ chức năng của thơ mà ta thường nói là: gạn lọc, vun đúc, bồi đắp và thổi hồn cho sự vật, hiện tượng. Ở đây, anh lại bóc mẽ cho ra cái chất liệu khởi thủy của nó như muốn đi tìm về cái bản chất. Nói như thế không có nghĩa là tập thơ không thơ mà ngược lại, như chính anh đã nghĩ về câu thơ nó phải được vớt lên từ bụi bặm ven chiều. Đấy là thơ hay.
Nhưng, lý giải được về một hướng thể hiện biểu cảm từ cách nhìn của Nguyễn Đình Minh như tôi nói ở trên như thế nào cho phải để có thể khẳng định rằng đây chính là một tập thơ hay là một điều khó. Nói thế đủ thấy tác giả tập thơ, ngoài việc phải có kiến thức, còn phải lao động nghiêm túc và thậm chí rất khó nhọc, cộng với đôi chút bạo dạn. Tất cả những yếu tố ấy đều ở trạng thái thức. Chúng ta cũng chẳng mất công hay cũng chẳng cần đi tìm cái bí quyết thơ về hoặc từ bình diện được mượn nghĩa “Tập mờ”, mà cứ nhìn thẳng vào những câu thơ đang hiện diện kia, nó biểu đạt như thế nào?
Đọc bài đầu sách: Tự thoại cùng Tổ quốc tôi, tôi đã thấy Nguyễn Đình Minh có hướng “ôn cố tri tân”, muốn nhận diện hơn là tô hồng như ta thường thấy. Ngay từ đầu, ta đã đồng điệu với những cọc gỗ Bạch Đằng và những ngọn sóng ngàn đời vẫn cứ tức tưởi. Máu và nước mắt chứ không phải bánh mỳ và hoa hồng. Tuy ở “Tự thoại…” dòng truyền cảm còn đang lẫn giữa lời văn của truyền thống và cách tân nên hơi gợn sợ cái tư duy dòng chạy vị đuối sức. Vậy rồi, so sánh với toàn tập, với sự thăng tiến của nội dung, ta lại thấy “Tự thoại cùng Tổ quốc tôi” đã khéo ở vị thế trình tập.
Thật vậy, như vừa bước qua bậc thềm ý thức, Nguyễn Đình Minh đã cất cánh, ùa vào khoảng trời rộng lớn của mình bằng những câu từ tự do nhằm thỏa mãn nhu cầu chuyền tải ý nghĩa và hành động. Những vùng mờ tối mới là màu chủ đạo cho bức tranh nhiều màu. Có lẽ đây là yếu tố phấn khích cho chuỗi các bài thơ đồng điệu của anh. Để bạn đọc nhận ra được nội dung tứ thơ coi mặt chìm khuất, lấm láp là cốt lõi của sự hiện diện đẹp đẽ… tác giả đã rất tự nhiên dùng tính ước lệ cao để làm phương pháp dẫn lối. Những câu thơ của “Khèn mèo… như tức tưởi không gian”, như ước định một “chân cầu thang mòn gót trai Mèo” và:
Túi hạt tình trong tiếng khèn anh để lại
Trăng đã vẹt rồi
Em có nhận ươm gieo?
Rồi những câu thơ tự nó “ăn mày khúc ấu thơ”, vượt qua “Những chẳng đường bão táp” để lại trở về với ngõ ao làng:
Tôi nhớ, sau lũy tre xanh – những ngôi nhà đắp đất
Có bầy trẻ thi nhau ném vỡ cả bầu trời…
Một tình cảm nhất quán, đeo đuổi nuốt quãng thời gian có âm sắc, có héo úa, có tù đọng và có lúc hóa vàng ròng. Nhưng để tựu chung một ý thức và trách nhiệm. Chúng được khắc họa cho một âu lo hơn là vui mừng; Và như một cảnh báo hơn là một sự dối trá:
“Đá hoang vu ngóng trời đợi gieo một tiếng chim/ Chiếc gậy tra hạt mùa…/ Mẹ buốt tay cắm vào tầng đất rắn/ Sau cơn mưa không còn ngạt ngào hương nấm/ Và chẳng có tiếng Nai tác mẹ giữa đêm ngàn/ Lịm tắt bài ca cạn suối, khô nguồn”.
Còn đây: “Gương mặt trong áo quan thoáng cười nhẹ màu son/ Điếu văn tụng ca hết lời thống thiết/ Những ngẫu nhiên biến thành tất nhiên bất diệt/ Tròn trĩnh điểm mười”. Và, như thế, Nguyễn Đình Minh đã rất khéo ước định cho cái quy luật của sự ngạo cười kia thật là tròn trặn. Có lẽ không có cái tròn trặn. nào hơn được con số điểm 10. Số mười bao gói cái ác, cái thiện còn số không thì đâu có gì!
Những bài thơ trong tập của Nguyễn Đình Minh không chú ý trình tự chủ đề hay đề tài mà quan trọng hơn anh như tập trung thể hiện kỹ năng sáng tác, tạo thành loạt bài phát triển cùng hướng. Chúng có mối quan hệ chặt chẽ bởi cái nhìn và cách nghĩ luôn thể hiện tính logic, xuyên suốt các tác phẩm. Muốn diễn đạt nội dung bài thơ theo tư duy tìm cốt lõi phía sau mặt gỗ được phết sơn, mặc nhiên phải dùng đến tư duy trìu tượng và thể hiện tính ước lệ cao. Như vậy, Nguyễn Đình Minh đã chọn được cho mình một lối thơ mới, tự nó tạo dựng lên một phong cách.
Có thể tôi bị cuốn hút khá sâu về một cái nhìn riêng và lạ nên ít chú ý đến cảm xúc, hoặc là do chính tại cấu trúc tập thơ nặng về phương pháp nên tự nó hạn chế các trạng thái cảm xúc tác giả. Hay nói như chính tác giả: “Thức với những tập mờ” được hiểu là thức với ngữ nghĩa chứ không chỉ thức với hoàn cảnh thực tiễn. Thực ra, ở thơ mới, nhiều khi chính bạn đọc phải dày công hơn trong việc tiếp cận tác phẩm. Theo đó, nếu chỉ là cảm thụ thông thường ta thấy Nguyễn Đình Minh bộc lộ phẩm chất đa cảm. Thơ anh cũng như con người đang ở độ chín nên ý nghĩa và tình cảm luôn dòn nén, ẩn khuất, tạo cho bạn đọc khoảng trống để tự phát triển theo đuổi suy nghĩ. Ta thường gặp ở anh một trạng thái hay chứ không phải chỉ là một câu thơ hay:
Ừ, gió cứ cô đơn bay mặc gió
Lửa rượu tình gọi núi kết đôi
Bếp nhà mình bên sườn non đang đỏ
Tựa vào em
Thong thả ở dưới trời.
Và đây:
Câu thơ vớt lên từ bụi bặm ven chiều
Và sợi âm thanh não nề trôi ra từ thăm thẳm đen đôi hốc mắt
Trong những khoảng trời mưa giông, bão giật
Thật lạ kỳ
Chúng neo lại hồn tôi.
Hà Nội, tháng 10 năm 2014
Nhà thơ Bùi Việt Mỹ
Tổng biên tập Báo Người Hà Nội