“Sấm ký” của Trạng Trình có phải do người đời sau sáng tác?- Nguyễn Đình Minh

Trong bài “Về văn bản tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm “ TS. Phạm Văn Ánh (Viện Văn học) cho rằng: “Phần Sấm kí có nhiều dấu hiệu rõ ràng do người đời sau sáng tác. Vì thế, thay vì mặc nhận/ tin là của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nên tìm hướng nghiên cứu, tiếp cận phù hợp”.

 Kết luận trên có phần dè dặt thận trọng, nhưng hàm ý không thừa nhận “Sấm ký”?

Vừa qua tại quê hương danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Di sản văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm - Tư tưởng và khuynh hướng thẩm mỹ”  do Viện Văn học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội) và UBND TP Hải Phòng phối hợp tổ chức. Tham dự Hội thảo có nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn học văn hóa Trung ương và Hải Phòng. Hội thảo này với mục tiêu góp phần dẫn tới quyết định nâng cấp Khu di tích văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thành Di tích quốc gia đặc biệt; trong dó có một số tham luận không dấu diếm mong muốn đề nghị với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) tôn vinh Nguyễn Bỉnh Khiêm thành danh nhân văn hóa thế giới. Tuy nhiên có một nội dung dường như bị bỏ ngỏ dó là nghiên cứu về Sấm ký của Cụ Trạng.

Khi đề cập Nguyễn Bỉnh Khiêm với tư cách Trạng nguyên để ca tụng trí tuệ, học vấn của ông, điều đó hoàn toàn đúng, nhưng trong lịch sử khoa bảng Việt Nam có tới 48 Trạng nguyên. Nói Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà chính trị lớn vẫn đúng, nhưng tầm vóc của ông khó qua Nguyễn Trãi và ca ngợi ông là nhà thơ lớn là chuẩn xác, song khó lòng vượt được Nguyễn Du. Nguyễn Bỉnh Khiêm là người thày lớn bậc “vạn thế sư biểu” đây là điều không cần bàn cãi, nhưng lịch sử giáo dục Đại Việt vẫn có Chu Văn An sừng sững án ngữ trước dòng chảy Nho học.

Nói như vậy để thấy rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhìn từ góc chiếu này vẫn chỉ là một nhân vật văn hóa, lịch sử nằm trong nhóm kiệt xuất của dân tộc mà thôi. Tuy nhiên cái mà Trạng Trình vượt qua nổi lên ở vị trí số một mà Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du chưa đạt đến chính là tư cách Nhà Lý học phương Đông thời kỳ trung đại. Song thật đáng tiếc, ở Việt Nam, Lý học Nguyễn Bỉnh Khiêm từ 500 năm trước đến nay vẫn chỉ đi trên con đường dân gian ponclo (truyền miệng), nó chỉ như chiếc bóng đồng hành cùng lịch sử văn hóa cộng đồng.

Trong tàng thư lưu trữ hiện nay, Sấm kí hiện còn 3 bản chính: Trình Quốc công kí(VNv.102); Sấm kí bí truyền (VHv. 2261); Trình Quốc công sấm kí, kí hiệu (A.345). Bản thứ 4 làTrạng nguyên Trình Quốc công sấm kí, kí hiệu (AB.345). bản này viết theo thể thơ lục bát, gồm 208 câu, bản này có dấu hiệu xa mờ chất Nguyễn Bỉnh Khiêm nhất, có nhiều dấu hiệu mạo danh. Đánh giá về Sấm ký, trong bài “Về văn bản tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm “ TS. Phạm Văn Ánh (Viện Văn học) cho rằng: “Phần Sấm kí có nhiều dấu hiệu rõ ràng do người đời sau sáng tác. Vì thế, thay vì mặc nhận/ tin là của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nên tìm hướng nghiên cứu, tiếp cận phù hợp”.

Kết luận trên có phần dè dặt thận trọng, song lại hàm ý không thừa nhận Sấm ký? Với những kết luận kiểu này, từ nhiều năm nay của giới nghiên cứu phê bình cộng với những nhận thức gắn với với chủ trương vô thần tuyệt đối, đặt "Người trên địa vị tối cao của con người." tôn thờ kỹ thuật và sản xuất tạo ra những “tín ngưỡng khoa học”… đã coi Sấm ký như một sản phẩm duy tâm. Chính điều này nảy sinh thành một quy định bất thành văn là bỏ qua nghiên cứu Sấm ký với tư cách là tác phẩm triết học; Nếu có, thì những công trình nghiên cứu dù là nghiêm túc nhất vẫn chưa mở được kho báu này. Đồng thời sự lưu hành của các nghiên cứu cũng chỉ nằm trong phạm vi hẹp.

Một vấn đề đặt ra là nếu không có Sấm ký thì làm sao ở thời điểm ngay khi ông qua đời bài văn tế của Tiến sĩ Đinh Thời Trung khóc thầy lại  khẳng định tài lý số của thầy :

Một kinh Thái Ất thuộc lòng
Đốt lửa soi gan Dương Tử
... Một mình lý học tinh thông
Hai nước anh hùng không đối thủ...
Đạo thống Thánh nhân tự tiên sinh mà truyền ra
Bờ cõi Thánh nhân duy tiên sinh là thấu đáo
....Đuốc ngọc chưa tàn ba ngọn
Văn viết đã xong...

Trạng nguyên, Lại bộ thượng thư Giáp Hải đời Mạc (giai đoạn ngay sau đó) đã viết thơ ca ngợi tài lý học của Nguyễn Bỉnh Khiêm và tên tuổi của ông trong giới Nho gia đương thời cũng như công lao của ông đối với triều Mạc,

Sau Liêm Khê lại có Y Xuyên,

Lý học ngày nay bậc chính truyền

Long bảng đứng đầu tên sấm dậy,

Chống trời cột vững sức cường kiên

Bốn triều nghiệp lớn tay anh kiệt,

Chín lão dung nghi dáng khách tiên.

Và sau này, Sứ nhà Thanh là Chu Xán, tương truyền cũng là bậc kỳ tài  tinh thông Lý học thừa nhận “An Nam lý học hữu Trình tuyền”.  Rồi Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân, danh sĩ và là đại thần nhà Lê trung hưng, trong  Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký,  viết: "Ôi! Trong thiên hạ có nhiều vua chúa và người hiền. Những người ấy lúc sống thì vinh, lúc chết thì hết. Nhưng Ông (Nguyễn Bỉnh Khiêm) đến nay đã 7, 8 đời, gần thì sĩ phu, dân chúng chiêm ngưỡng như núi Thái Sơn, như sao Bắc Đẩu; xa thì sứ nhà Thanh là Chu Xán nói rằng nhân vật Lĩnh Nam tinh thông Lý Học chỉ có Trình Tuyền, đã viết vào sách truyền vào Trung Quốc, coi là 1 bậc thánh nhân ở nước Nam vậy".

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp sống thời Tây Sơn, Quân sư của Vua Quang Trung ca ngợi Trình Tuyền hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có tài huyền cơ tham tạo hóa (mưu cơ thâm kín can dự cả vào công việc của tạo hóa) hay phiến ngữ toàn tam tính (một lời ngắn gọn mà bảo toàn cho cả ba họ).

Mặt khác Trạng Trình với những năng lực huyền cơ của mình cũng đã được đạo giáo tôn thờ. Không phải đơn giản mà Tòa thánh Tây Ninh, thánh địa  của đạo Cao Đài xây dựng từ năm 1927 (Tây Ninh ), Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hóa duy nhất Việt Nam được công nhận là một vị thánh của một tôn giáo chính thức. Ông được suy tôn là Thanh Sơn Chân nhân, một trong ba vị thánh linh thiêng của Đạo Cao Đài, được vẽ trong bức tranh thánh và thờ phụng gần thế kỷ qua…

Nhiều nhà nghiên cứu Pháp, Trung Quốc, Nhật, Liên Xô, Hoa Kỳ, Ấn Độ … có công trình nghiên cứu giá trị về Nguyễn Bỉnh Khiêm. nhiều nghiên cứu sinh Pháp, Liên Xô, Hoa Kỳ, Nhật, Đài Loan, … đã làm Luận văn Tiến sĩ về đề tài Trạng Trình, trong đó có vấn đề nghiên cứu Trạng Trình với tư cách nhà triết học..

Những chứng minh nói trên cho thấy việc công nhận Nhà Lý học Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có cả một bề dày lịch sử, đi qua rất nhiều thời đại và được sự kiểm duyệt khắt khe của thời gian. Người cùng thời, người gần thời với Trạng Trình bảo có, con cháu 500 năm sau bảo không, có lẽ không chỉ là sự khiếm nhã mà còn là bất kính là kéo đổ một tòa tháp văn hóa cao vọi, niềm tự hào của quốc gia.

Đành rằng chúng ta không phủ nhận Sấm ký có những hạt sạn vương vào từ nhiều nguồn làm mất nguyên bản thuần khiết như khi nó sinh ra. Những chất tạp trong sấm ký theo chúng tôi bị đẩy vào từ nhiều nguồn: Do học trò của ông ghi lại mà tam sao thất bản, do dân gian thánh hóa ông mà tự sáng tạo ra hoặc do các thế lực thù địch nhau tự mạo danh ông viết sấm để làm binh vận tinh thần… Song dù gì vẫn phải khẳng định Sấm ký là có thật và chủ nhân của nó là Trạng Trình, nó tồn tại như một “cốt lõi” và bị chêm xen bởi những hạt sạn vừa nói.  Đây cũng chính là môtip điển hình xảy ra ở thời kỳ viễn cổ. Khi so sánh tương đương thì nó giống như  thánh Tản Viên là huyền thoại thêu dệt quanh nhân vật con rể Vua Hùng vốn là nhân vật lịch sử có thật tên là Nguyễn Tuấn, (Xem lịch sử đền Lăng Sương, hiện nằm ở xã Trung Nghĩa, Thanh Thủy, Phú Thọ).  như những yếu tố kỳ vĩ khác xen vào các chứng tích còn tồn tại  của Đền Hùng, Cổ Loa Thành, Hồ Hoàn Kiếm…

Câu hỏi đặt ra là: có thể xác định được bản Sấm ký chính chủ Nguyễn Bỉnh Khiêm hay không? Câu trả lời này thuộc về các nhà quản lý văn hóa, các chuyên gia văn hóa; tuy nhiên chúng ta thấy rất rõ rằng, ở thời điểm hiện tại khi khoa học công nghệ phát triển, sự hợp tác đa phương trên lĩnh vực văn hóa, thông tin… là những điều kiện nghiên cứu thuận lợi; Và nếu có sự chỉ đạo kết hợp với việc dụng công và tâm trí  của nhà nghiên cứu, thì văn bản Sấm ký chắc chắn sẽ được trả lại với nguyên gốc, cho dù nó còn có những khiếm khuyết cần tiếp tục bổ sung.

15 tham luận ghi trong kỷ yếu và rất nhiều tranh luận khác tại hội thảo đã đề cập tới khá nhiều vấn đề và khẳng định bức chân dung Nguyễn Bình Khiêm nổi lên là nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà tư tưởng, nhà thơ lớn trong lịch sử dân tộc, có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng trong thế kỷ XVI. Tuy nhiên vẫn chưa có những công trình nghiên cứu hoàn hảo để làm sáng rõ một Nguyễn Bỉnh Khiêm thật khác biệt, mặc dù cuộc sống văn hóa xã hội Việt Nam và nước ngoài nửa thiên niên kỷ qua lại tôn thờ ông theo đúng ý này. Trong đời sống văn hóa người Việt, Sấm ký tồn tại như  một “đặc sản” của gia tài Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đến với thế giới Nguyễn Bỉnh Khiêm chúng ta có thể sẽ rất sùng kính một đỉnh núi Trạng nguyên đàu triều, vườn hoa thi ca hàng ngàn đóa tỏa sắc hương, tấm lòng yêu nước vằng vặc như vầng trăng rằm, những tòa ngang dãy dọc của một lâu đài đạo học… nhưng ta chợt nhận ra sẽ rất thiếu vắng nếu trong cái không gian ấy không có một tiếng chuông ngân lên từ quả chuông Sấm ký.