Có thể bạn quan tâm
Số phận truân chuyên của nữ hoàng tuổi hổ
Ngồi trên ngai vàng và kết hôn từ thuở ấu thơ nhưng rồi mất ngôi, mất con, mất chồng. Có được 20 năm yên bình với người chồng kế, nhưng khi chết vẫn bị đẩy ra khỏi nơi an táng và thờ tự của dòng họ…đó là số phận của nữ hoàng đầu tiên của Đại Việt: Lý Chiêu Hoàng.
Nửa đời trước trắng tay
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Chiêu Hoàng là con gái vua Lý Huệ Tông. Khi bà chào đời, nhà Lý (1010-1225) đã vào thời kỳ suy tàn, vua Lý Huệ Tông (sinh năm Giáp Dần 1194) bệnh tật bất tài nên không đủ sức đảm đương được việc trị nước. Sử cũ ghi lại: “Bấy giờ thừa hưởng thái bình đã lâu ngày, giường mối dần bỏ, dân không biết việc binh, giặc cướp nổi lên không ngăn cấm được... chính sự ngày một đổ nát". Vì không có con trai, Huệ Tông truyền ngôi Hoàng thái tử cho Công chúa Phật Kim, sinh tháng Chín năm Mậu Dần (1218) về làm Thượng hoàng rồi đi tu ở chùa Chân Giáo. Năm 1224, Phật Kim lên ngôi, hiệu là Lý Chiêu Hoàng đổi niên hiệu thành Thiên Chương Hữu Đạo, khi mới chỉ có 7 tuổi và và là nữ hoàng đầu tiên ở Việt Nam. Nói vậy vì trong sử Việt có Trưng Trắc đã xưng nữ vương, nhưng “Vương” phải xếp dưới “ Hoàng đế” theo trật tự quy định của xã hội phong kiến.
Ở thời điểm ấy, Trần Thủ Độ (sinh năm Giáp Dần, 1194), đang giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ ngầm xây dựng một mưu lược xóa sổ nhà Lý. Để thực hiện nó, Trần Thủ Độ cho cháu mình là Trần Cảnh (sinh vào năm Mậu Dần, 1218) vào hầu Chiêu Hoàng trong cung. Với dáng vẻ khôi ngô tuấn tú, “cậu bé” Trần Cảnh nhanh chóng được “cô bé” Chiêu Hoàng sủng ái và phong cho chức quan nhỏ là Thị nội chính thủ. Mối tình trẻ con này đã được chính trị hóa thông qua bàn tay điều khiển của Trần Thủ Độ nên nhanh chóng trở thành cuộc hôn nhân Lý - Trần. Đến năm 1226, Chiêu Hoàng được Trần Thủ Độ sắp xếp nhường ngôi cho Trần Cảnh và trở thành hoàng hậu của Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Chiếu nhường ngôi cho chồng của Lý Chiêu Hoàng viết: “Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ… Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu…”. Vở kịch chính trị do 4 nhân vật tuổi Dần ( Lý Huệ Tông, Lý Chiêu Hoàng, Trần Thủ Độ, Trần Cảnh) tham gia với các vai diễn khác nhau đã kết thúc cơ nghiệp của Nhà Lý trên 200 năm.
Năm 1233, khi 15 tuổi Chiêu Hoàng sinh con trai đầu và đặt tên là Trần Trịnh, tuy vậy đứa trẻ này mất sớm, từ đó Chiêu Hoàng mắc chứng khó sinh nở. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc bà bị phế truất vào năm 1237 và bị giáng xuống làm “Công chúa”. Đây là bi kịch của Lý Chiêu Hoàng ở thời điểm 19 tuổi: mất ngai vàng, mất con, mất chồng và thành tội đồ của dòng họ Lý.
Nửa đời sau vùi trong quên lãng
Thời nhà Trần xuất hiện câu ca dao: “Trách người quân tử bạc tình/ Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao”, đó là có ý trách Trần Cảnh phế truất ngôi vị hoàng hậu của Lý Chiêu Hoàng, rồi chính ông lại “ban hôn”để ghép bà tái giá lấy tướng Lê Phụ Trần vào khoảng sau năm 1258 lúc ấy bà đã 40 tuổi. Tuy nhiên theo nhiều nhà nghiên cứu thì Trần Thái Tông cũng là người chịu bi kịch trong câu chuyện này, bằng chứng là khi Trần Thủ Độ ép ly dị Chiêu Thánh thì ông bỏ kinh thành lên chùa chứ nhất quyết không theo ý chú, mãi sau này với nhiều sức ép từ triều đình và dòng họ Trần ông mới chịu trở lại ngai vàng. Về việc ghép duyên với Lê Phụ Trần cũng có một nguyên do, đó là trong một trận đánh với quân Nguyên, Thái Tông cầm quân đốc chiến và bị vây khốn. Trên đường rút, Phụ Trần lấy ván thuyền che cho vua trước rừng tên của giặc bắn đuổi. Sau chiến thắng, Thái Tông khen Phụ Trần là người tri kỷ, nâng lên làm Ngự sử Đại phu.Vì vậy việc ghép duyên này có thể vừa là giải quyết mâu thuẫn trong nội tâm của nhà vua vừa không trái ý của họ Trần vừa tìm cho Lý Chiêu Hoàng một bến đỗ bình yên mới mà ông tin là sẽ tốt lành?
Quả nhiên Chiêu Hoàng mặc dù bị vứt bỏ khỏi vương triều nhưng đổi lại có 20 năm bình yên sống với người chồng mới là Lê Phụ Trần, một danh tướng ba triều vua và góp nhiều công tích trong cả ba lần chống giặc Nguyên Mông. Bà sinh được hai người con, một trai là Thượng vị hầu Lê Tông và một gái là Ứng Thụy Công chúa. Bà qua đời năm 1278 sau Thái Tông 1 năm.
Cái chết của Lý Chiêu Hoàng và nơi chôn cất di hài bà hiện vẫn là một ẩn số, bởi chính sử nhà Trần không ghi lại sự kiện này. Truyền thuyết dân gian thì cho rằng Lý Chiêu Hoàng phải an táng ở bên ngoài Thọ Lăng Thiên Đức và cũng không được thờ cúng tại đền Đô (nơi an táng và thờ tự của các vị Vua nhà Lý) vì quan niệm hẹp hòi của giai cấp phong kiến cho là bà có tội với dòng họ Lý. Sau này, người dân yêu mến và thương cảm số phận của vị nữ hoàng đã lập đền Rồng (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) để thờ tự bà. Như vậy, vị nữ quân chủ này đến khi chết số phận vẫn đẫm màu bi kịch./.
Nguyễn Đình Minh