Thử hình dung không gian và ánh sáng trong “Đây thôn Vĩ Giạ”
"Đây thôn Vĩ Giạ" là thi phẩm tuyệt tác của Hàn Mặc Tử, nhưng xét riêng về yếu tố không gian ánh sáng thì có sự kỳ lạ. Trong bài thơ sự chuyển dịch của không gian ánh sáng như nhảy cóc và tưởng chừng như bất hợp lý về logic: đang rực rỡ thì buồn bã u uẩn, đang rõ ràng thì nhạt nhòa tan biến. Phải chăng đó là cái “điên” trong thơ thi sỹ? Nhưng nếu bình tĩnh suy lý ta sẽ thấy rất rõ có một bầu trời tâm trạng chi phối bầu trời trong bài thơ hiện tại. Cái tứ xót xa nuối tiếc, cái tình yêu tuyệt vọng làm thành thể thống nhất của bài thơ.
1.Không gian, ánh sáng trong thi phẩm.
"Đây thôn Vĩ Giạ" có cấu tạo ba khổ thơ, tất cả đều vang lên day dứt âm điệu của những câu hỏi càng về sau càng da diết hơn, và khắc khoải hơn. Bản thân những câu hỏi này tự gợi mở một không gian khác, một nguồn sáng khác đối lập với không gian và ánh sáng đang được hiện dậy trong hệ thống những ngôn từ.
1.1. Vườn xa ngái chẳng thể về
Mở đầu là một câu hỏi trách cứ nhẹ nhàng, nhân vật hỏi là người ngoài đang đứng trong không gian vườn Vĩ Giạ chứa chan ánh sáng và sắc màu ngà ngọc:
Cảnh được nói đến là một sáng bình minh đẹp mà hình ảnh trung tâm là nắng mới lên. Hơn một lần ta từng ấn tượng với những “nắng tươi”, “nắng ửng” trong thơ Hàn, còn ở đây là “nắng mới lên”. Điệp từ “nắng” đã tỏa sức nóng cho bức tranh, cho sự sống, nắng ở đây trong và sáng đang trải dài trên những tán cau còn ướt đẫm sương đêm. Tả ánh sáng mà tả luôn cả không gian trong sáng có chiều cao mặt đát đến hàng cau, hàng cau đến trời xanh.
Bốn câu thơ tả cảnh vật , con người bằng một gam màu thanh thoát, ẩn hiện, lung linh. Tất cả đều được chiếu sáng bởi nguồn sáng nắng tự nhiên, để rồi hiện lên một nền xanh nhiễm sáng “mướt quá” quyến rũ, một gương mặt “chữ điền” ẩn hiện. Hai hình ảnh so sánh và ẩn dụ, khơi gợi nhiều liên tưởng thú vị. Thủ pháp này bên cạnh việc cho thấy cảnh và người nơi Vĩ Giạ thật hồn hậu, thân thuộc đáng yêu gắn bó chan hòa trong nhau thì còn thấy một thứ ánh sáng trong xanh lung linh (như ngọc) và ánh sáng chuyển động tạo ra sự vừa ảo mờ vừa thực của một khuôn mặt hồn hậu “chữ điền” thấp thoáng bởi lá trúc che ngang. Khung cảnh của toàn bộ khổ thơ đem đến đầy ánh sáng, sự khoáng đạt và ngập tràn năng lượng sống.
Không gian và ánh sáng của bức tranh Vi Dạ tuyệt tác này được sáng tạo bởi tưởng tượng hoặc từ một hoài niệm. Nó quá đẹp và huyền ảo bởi nó được tạo bởi trí tưởng và nguồn sáng phát ra từ trái tim khao khát sống hướng ngoại. Nhưng đồng thời nó lại ẩn dấu sự u sầu. Ngay ở đầu đã xuất hiện một câu hỏi day dứt”Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Bản thân câu hỏi này cho thấy tác giả trự mình khẳng định loại mình ra khỏi cái không gian sống động sắc màu sự sống. Không gian cảnh sắc tuyệt vời kia hóa ra chỉ là cái tưởng tượng, cái mà tác giả không nhập thế để thụ hưởng bình thường với tất cả các giác quan của người bình thường. Tác giả đã ép được những dòng thơ tưoi tắn từ cảm nhận của thời quá vãng mà nay không còn nữa. Từ đây có thể thấy Thi sĩ tạo ra một vùng không gian và ánh sáng mênh mông lung linh tươi tắn từ một không gian đối nghịch. Đó là không gian của trại phong Gò Bồi, ở đó tác giả đang căn bệnh quái ác hành hạ. Có điều những giây phút tuyệt vọng của nhà thơ lại bừng len ánh sáng của niềm yêu.
1.2.Thuyền xa không chở được trăng
Chính cái niềm yêu tuyệt vọng ấy đồng thời tạo ra cảm quan không gian và ánh sáng ở khổ thơ thứ hai:
Một không gian mênh mông, chuyển vần nhưng lại chứa đầy sự chia lìa. Trong 3 tầng của không gian: Bầu trời, mặt đất, mặt nước tầng nào cũng diễn ra cảnh u uẩn : nếu ở tầng cao chót mây gió ly tan mỗi thứ một đường, tầng giữa hoa bắp buồn soi bóng mặt nước sầu thì ở tầng thấp nhất là nỗi buồn vì sự hư không. Hình ảnh thuyền chở trăng là một hình ảnh thơ đẹp, nhưng muôn đời nó chỉ đứng trong thơ mà thôi. Thuyền thật, trăng có thật, nhưng thuyền chở trăng thì lại ảo.
Ánh sáng của bầu trời mây gió rõ ràng không phải thứ ánh sáng rực rỡ bình minh ở khổ thơ đầu. Dường như một thứ ánh sáng bàng bạc, yếu ớt. Trong cái không gian khá tĩnh, những chuyển động rời rạc nhẹ nhàng. Hoa bắp và mặt nước vì thế mà nhòe đi mất màu. Ở đây nó không hừng hực sức sống mướt xanh như ngọc nữa và con người cũng không còn rõ ràng mà chỉ gián tiếp hiện lên qua đại từ ai mà thôi. Điểm sáng trung tâm là sông trăng và con thuyền, nhưng trăng không được miêu tả về độ sáng và không có sự lung linh. Trăng chỉ giao cảm với nước tạo thành sông trăng, để rồi theo nguồn trôi mất hoặc tự mất theo thời gian. Khó có thể nói rằng đây là dòng sông trăng đẹp theo lo gíc bình thường được. Nguyễn Bính viết về trăng: “Đêm nay mới thật là đêm/ Ai đem giăng sáng đổ lên vườn chè”. Chỉ ngần ấy cũng đủ để thấy sắc màu rờ rỡ của ánh trăng trên lá chè non tơ đang hứng khát khao. Dòng trăng như chuyển động sung sức. Ngược lại sông trăng ở đây như mặt phẳng dẹt, im lặng. Thuyền thì nằm tĩnh không có sự giao cảm. Thuyền và trăng tách rời nhau, cái kết quả thuyền chở được trăng về là không xác định; Sự liên lạc gắn bó giữa chúng vẫn còn là nghi vấn “có chở trăng về kịp tối nay ?”.
Chúng ta đã bắt gặp những câu thơ của Nguyễn Trãi “Thuyền chở yên hà nặng vạy then”, hay “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền” của Hồ Chí Minh. Nếu so sánh, thì thấy rõ, thuyền – trăng hay thuyền – khói sóng có kết quả hiện hữu. Còn ở đây, dấu hiệu của những hình ảnh đẹp và thơ mộng trong Đây thôn Vĩ Giạ không có sự gắn kết phát triển mà luôn có xu thế hờ hững tạo thành một liên kết yếu. Chúng đẹp trong sự cô đơn và tuyệt mỹ trong xu hướng ly tan.
Hàn Mặc Tử luôn nói đến sự chia ly. Sự chia ly ông viết rất xót xa, ở nhiều tác phẩm giống như sự mất vĩnh viễn. Trong các cuộc chia ly ấy thi sỹ hình dung ra những không gian khác nhau, những cõi khác nhau: Người đi một nửa hồn tôi mất / Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ. Ở khổ thơ thứ hai, dường như tác giả tự bứt mình ra đến với không gian chìm trong ánh sáng đời thực; nhưng từ phân tích trên cho thấy rõ ràng có một không gian khác ánh sáng khác, đó là sự u ám trong khuôn viên của “lãnh cung” mà thi sĩ đang tồn tại. Và ở đó nỗi tuyệt vọng cô đơn của nhà thơ tìm đến một không gian ảo tự dựng lên để trú ngụ, nhưng vẫn không yên. Kết cục vẫn là gió thổi mây trôi, mặt nước buồn, hoa bắp gần như vô cảm. Và thuyền chảng chở được trăng về, trăng theo nước cuốn đi.
1.3. Người quá xa xôi “mờ nhân ảnh”
Ở khổ thơ thứ ba, có hai không gian được miêu tả đồng thời chứa đựng hình ảnh cô gái xứ Huế và tâm tình thi nhân
Một vẻ đẹp hữu tình của xứ Huế hiện lên gắn với một tình yêu kín đáo, dịu dàng, thơ mộng và thoáng buồn. Không gian một con đường mà điệp ngữ “đường xa” kéo dài ra tít tắp vô tận không biết điểm dừng. Trên đó là nhân vật em xuất hiện,ánh sáng dược thanh lọc gọn lại chỉ còn một điểm trắng, nhưng “áo em trắng quá nhìn không ra”. Trong cái vùng sáng ấy cặp mắt của thi nhân chỉ thấy áo chứ không thấy người. Áo trắng, cái hình ảnh đặc trưng của nữ sinh trường Đồng Khánh, của một người con gái, nhưng lại không phải cô gái cụ thể nào. Áo chứ không phải con người bằng xương bằng thịt đang sống; áo trắng chứ không phải con người với một tâm hồn hiện hữu phong phú. Nó nhạt nhòa trong vùng không gian sương khói của thực tế thiên nhiên xứ Huế hay trong lòng, trong thực tại một không gian xác định mà thi sĩ đang sống?
Dường như lần đầu tiên xuất hiện sự chuyển tiếp không gian rất tinh tế ở ngay trong tổ chức nội tại của khổ thơ. Không gian ngoài kia chuyển hướng vào trong “lãnh cung”. Bản thân cụm từ “ở đây” đã tự nói rõ điều này? Phạm Xuân Tuyển, trong cuốn “Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử”, Nxb. Văn học 1997, xác định, bài thơ vốn có tên đầy đủ là "Ở đây thôn Vĩ Giạ". Bấy giờ, nhà thơ đang tuyệt giao với tất cả, đến ở một chốn hoang liêu mạn Gò Bồi, cách li hoàn toàn với bên ngoài. Và cái nơi "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh" là sự biểu hiện trực tiếp của chốn bất hạnh thi sỹ đang bị lưu đày. Theo logic ấy sẽ dễ nhận ra một vùng sáng mờ ảo để rồi không nhận ra người: “sương khói mờ nhân ảnh”. Nếu ánh sáng rực rỡ tươi tắn ở khổ thơ đầu được khởi phát từ tấm lòng, thì sự nhạt nhòa yếu ớt ảo mờ của nguồn sáng cuối bài cũng từ lòng thi sỹ mà khởi phát. Có một chút “điên” đã xuất hiện ở đây như đã hơn một lần thi sỹ tự nói : "Tôi đang còn đây hay ở đâu? / Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?”. Cái sự “mờ nhân ảnh” dường như cũng nói nhiều chiều: người con gái bên ngoài trên con đường xa kia không còn nhìn rõ, hay chính thi sĩ đang tự nhạt nhòa với cuộc sống, đang dần tan biến vào quên lãng của cõi hư vô?
2. Miền không gian và ánh sáng nơi cõi lòng tuyệt vọng chi phối miền không gian và ánh sáng bên ngoài.
Ở thời điểm này không gian thật mà nhà thơ đang sinh tồn là trại phong Quy Hòa (hoặc Gò Bồi?). Tại đây ông tự coi mình như một cung nữ bị đày trong lãnh cung : Ngoài kia xuân đã thắm hay chưa? / Trời ở trong đây chẳng có mùa/ Không có niềm trăng và ý nhạc / Có nàng cung nữ nhớ hương vua.
Có thể thấy được một không gian khép kín, không thời gian không gian và hương sắc. Suy nghĩ và cảm xúc trì trệ đến triệt tiêu và khát khao một nỗi nhớ sâu kín và mãnh liệt “nhớ hương vua”! Và trong Hàn Mặc Tử đang chất chứa nỗi Đau thương và tâm trạng điên. Đau thương là cội nguồn sáng tạo, còn Điên là hình thức của sáng tạo ấy. Đau thương là nguồn gốc khởi phát một tình yêu tuyệt vọng. ở Hàn Mặc Tử, nỗi đau và sự tuyệt vọng lại là nguyên nhân chính mà nhờ nó tình yêu thăng hoa. Thi sĩ đã nói được cái quy luật phổ quát của chuyện yêu, khi thất bại càng cố quên thì càng nhớ, càng ám ảnh. Bên miệng vực của cái chết, niềm yêu sống, yêu đời trở lên khao khát rừng rực hơn bao giờ hết.
Và trong lăng kính của niềm yêu, bóng tối của đêm chết bị đẩy lùi, một thứ ánh sáng nội tâm rực lên thành nguồn phát; nó chan tưới vào cảnh sắc của không gian bên ngoài mãnh liệt, tạo ra cho chúng sự lộng lẫy, rạng rỡ, thanh khiết lung linh. Và dù có buồn đến ủ dột nhưng vẫn mang một nét đẹp tinh tế. Như vậy cái “điên” ở nhà thơ họ Hàn là càng tuyệt vọng càng yêu và nó trở thành một cảm quan, một đường hướng hình thành lên thi phẩm chi phối cảm xúc, trí tưởng tượng.
Nghịch lí bi kịch của một thân phận đã tạo ra cấu trúc không gian và ánh sáng cho thi phẩm: Một không gian thực tại đang cầm tù, đọa đày thi sỹ và một không gian tươi xanh mộng ảo hay trang nhã ngoài đời sống; Một nguồn ánh sáng u uất nội tâm và cảnh sắc tràn ngập hơi thở trần thế. Tất cả tụ lại nơi một con người. Không gian, sắc màu lung linh tươi sáng chỉ là nửa kia chỉ là phía sáng của một tái tim đang bị nhấn chim trong bóng tối của số phận. Trong giờ phút bi quẫn nhất, tiếng thơ vút lên thành lời tỏ tình với cuộc sống, tình yêu bằng cảm xúc đau thương tuyệt vọng.
Lối kết cấu “nhảy cóc”, đứt đoạn mạch trong Đây thôn Vĩ Giạ, ở ba vùng không gian trong ba khổ thơ hoàn toàn có tính logic. Đó là chúng tuân theo một lo gic nhất quán của tứ thơ với vẻ đẹp riêng trong một nội tâm không bình yên. Những hình ảnh ngoại giới, chỉ là cái thực hiện hữu từ mắt nhìn. ẩn tàng trong đó là cái mà thi nhân còn trao gửi một niềm đau khuất lấp .
Bởi vậy mà ba câu hỏi của bài thơ dẫn đến ba cảnh chính: vườn xa, thuyền xa, khách đường xa.Vườn đẹp và rực rỡ nhưng chẳng về được, thuyền chưa chắc đã chở được trăng về và khách chỉ là một cái bóng trắng. Ba vùng không gian và ánh sáng hội tụ lại tạo ra một thế giới bên ngoài. Thế giới ấy luôn song hành và đối lập thế giới thực tại, thế giới có hoàn cảnh số phận của thi sỹ. mà ở đó không gian là không gian của sự giam cầm và ánh sáng luôn nhạt nhòa. Tác giả không thấy rõ bất cứ gì, không chắc chắn bất cứ gì. Nó chi phối sự hình thành tất cả tứ thơ, hình ảnh thơ của Đây thôn Vĩ Giạ, nó giống như một bầu trời ẩn trong một bầu trời.
Điều tuyệt vời xảy ra trong hiện tượng này và cũng là khẳng định sự khác biệt, cái tôi trữ tình của tác giả ở chỗ, trong hoàn cảnh bi thương ấy, nhà thơ không gục ngã, ông miên man trải lòng mình bằng những khúc rung của tâm hồn vào ngoại giới, rất thật, rất chân thành, dù rằng nó rất xót xa.
Phụ lục : Bài Thơ ở dạng nguyên thể ban đầu:
Ở ĐÂY THÔN VĨ GIẠ
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền?
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay;
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa khách đường xa,
Áo em trắng qúa nhìn không ra;
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?