Bài thơ “Ghẹo cô hàng chiếu” của Nguyễn Trãi

 

Ả ở đâu ta bán chiếu gon,
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân thu phỏng độ chừng bao tuổi,
Đã có chồng chưa, được mấy con?

 

Thơ đối đáp hoạ nguyên vận của Nguyễn Thị Lộ:

 

Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Can chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân thu phỏng độ trăng tròn lẻ,
Chồng còn chưa có, có chi con!

 

 Nguồn: "Giai thoại văn học Việt Nam",

 Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch, Nxb Văn học, Hà Nội, 1988

 

 

Ả ở đâu ta...? - Vũ Hữu Sự

 

Mối tình của Nguyễn Trãi và “cô bán chiếu gon” là một mối tình đẹp, mối tình giữa trai tài và gái được cả sắc lẫn tài, bắt đầu từ một bài thơ. Nhiều người bảo đó là giai thoại, nhưng tôi tin đó là chuyện thực. Bởi với hai con người tài năng và tài hoa nhường ấy, thì làm quen nhau bằng thơ là việc rất bình thường. Chuyện rằng một hôm trên đường, gặp cô bán chiếu xinh đẹp, Nguyễn Trãi liền đọc một bài thơ “Ả ở đâu ta bán chiếu gon?/Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?/Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi?/Đã có chồng chưa, được mấy con?”. Và ông quan một thời của triều Hồ, lúc đó đang trong cảnh “Góc thành Nam, lều một gian/No nước uống, thiếu cơm ăn...”, chắc cũng không ngờ rằng cô bán chiếu gon lại thông tuệ đến thế, khi được cô trả lời cũng bằng bốn câu thơ. Chỉ có khác là sau câu trả lời rằng: “Em ở Tây Hồ bán chiếu gon”, là một lời trách rất nhẹ nhàng nhưng cũng rất tình tứ: Rõ ràng là chàng nhìn thấy em quẩy gánh chiếu, nhờ cái gánh chiếu trên vai em mà chàng biết em là người bán chiếu. Và gánh chiếu vẫn còn trên vai em thì hiển nhiên là chiếu đang còn. Thế mà: “Sao chàng lại hỏi hết hay còn?”....

Cái câu hỏi chiếu hết hay còn của chàng, nó rất vô lý nhưng cũng rất hữu lý như câu hỏi của anh chàng nọ rằng em có nhặt được chiếc áo anh để quên trên... cành hoa sen không vậy. Đó không phải là câu hỏi của người cần mua chiếu, bởi nếu cần mua chiếu, thì sau câu hỏi chiếu hết hay còn, phải là giá chiếu bao nhiêu. Chàng chỉ mượn chiếu để hỏi người, như thể chàng trai kia mượn chuyện để quên chiếc áo trên cành sen để lân la, nào là anh chưa có vợ, trong khi áo anh thì sứt chỉ đường tà, nào là anh muốn mượn em về khâu cái áo sứt chỉ đường tà ấy... Biết thế, nên “Mận hỏi thì đào xin thưa/Vườn hồng có lối, nhưng chưa ai vào”, rằng “Xuân xanh vừa đúng trăng tròn lẻ”. Trăng tròn là mười lăm, lẻ, là một, tức là năm ấy cô bán chiếu gon vừa mười sáu tuổi. Và “Chồng còn chưa có, nói chi con?”

Cô bán chiếu gon ấy là Nguyễn Thị Lộ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bà sinh năm Canh Thìn(1.400) ở làng Hải Hồ (sau đổi là Hải Triều) thuộc tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên phủ Tân Hưng (ngày nay là xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Làng Hải Triều tên nôm là làng Hới, có nghề dệt chiếu nổi tiếng. Thời trước, “ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới” luôn là niềm mơ ước, là mục tiêu hướng tới của bất cứ người nông dân nào. Gạo hom là đặc sản của Thái Bình. Cây lúa hom thân dài, ưa những chân ruộng trũng. Hạt lúa hom bầu như hạt nếp cái hoa vàng, đuôi hạt thóc có râu. Cơm nấu bằng gạo hom vừa thơm, vừa dẻo vừa đậm đà. Giường hòm là loại trên giường dưới hòm, vừa dùng để nằm vừa dùng chứa đồ tế nhuyễn hay dùng... chứa thóc, ngày xưa chỉ những hộ khá giả mới có loại giường này. Chiếu Hới dệt bằng loại cói trắng bóng như ngà, vừa mềm, vừa nhẹ, vừa đẹp, đắp lên người ấm hủm. Cơm hom, giường hòm, chiếu Hới là 3 tiêu chí nói lên một đời sống sung túc, no đủ. Thuở bé Nguyễn Thị Lộ được cha, một lương y hay chữ, cho đi học và trực tiếp rèn dạy. Vốn thông tuệ, nên bà sớm làu thông kinh sử và biết làm thơ. Giặc Minh tràn sang, cha bị giặc giết hại. Từ đó, bà sớm khuya tần tảo cùng mẹ nuôi dạy các em, và vì mưu sinh, bà đã lên Tây Hồ bán chiếu. Nguyễn Trãi sinh năm Canh Thân (1.380), năm 1.400, khi triều Hồ thay thế triều Trần, ông ra thi, đỗ tiến sĩ và được triều đình trao ngay chức Ngự Sử đài chánh chưởng. Đất nước gặp nạn ngoại xâm, cha bị giặc bắt giải về Trung Quốc, ông đi theo với ý định làm tròn chữ hiếu.

Nhưng đến biên giới, nghe lời dạy “Tìm cách rửa nhục cho nước mới là đại hiếu” của cha, ông quay về, ngày đêm miệt mài viết “Bình Ngô sách” để chờ minh chủ, và chính thời kỳ đó ông đã gặp bà. Như vậy năm “cô bán chiếu gon” vừa đúng tuổi “trăng tròn lẻ” thì Nguyễn tiên sinh ba mươi sáu. Và năm ấy là năm Bính Thân (1.416). Sách “Đất và người Thái Bình” chép rằng sau khi lấy nhau, hai người đã vào Lam Sơn theo Bình Đinh vương Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa (1.417). Tại đó Nguyễn Trãi trở thành mưu thần số 1 cạnh Bình Định vương, còn Nguyễn Thị Lộ thì dạy dỗ con em các tướng lĩnh và sát cánh trong mọi công việc của chồng. Giặc tan, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Trãi được trao chức Hành khiển, được ban tước Quan phục hầu. Nhưng rồi chỉ mấy năm sau, mâu thuẫn nội bộ trong triều đình càng ngày càng căng thẳng, dẫn đến việc nhà vua sát hại hai công thần khai quốc là Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, bản thân Nguyễn Trãi cũng bị bắt giam, tuy về sau được tha nhưng không còn được vua tin dùng như trước nữa. Năm Quý Sửu (1.433) vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) mất, thái tử Nguyên Long lên nối ngôi (tức Lê Thái Tông). Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú chép rằng “Khi ông (Nguyễn Trãi) lo việc nước, những chiếu thư, từ mệnh (Nguyễn Thị Lộ) đều được dự, nhuận sắc. Thái Tông nghe tiếng, vời nàng về hầu, phong làm Lễ nghi Học sĩ

Lễ nghi Học sỹ là chức quan dạy học trong nội cung. Như vậy, trong lịch sử giáo dục Việt Nam, bà xứng đáng được tôn vinh là nhà giáo nữ đầu tiên. Lê Thái Tông lên ngôi khi mới 11 tuổi, trẻ người, ham chơi. Trên cương vị của mình, nữ nhà giáo Nguyễn Thị Lộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không chỉ dạy dỗ các cung nữ, mà bà còn thuyết phục được cả vị vua trẻ người non dạ này, như lời ca ngợi của Vũ Quỳnh, sử gia triều Lê “Nguyễn Thị Lộ đã cảm hoá được nhà vua, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị việc nước”. Năm Kỷ Mùi (1.439), vợ chồng bà xin nghỉ, về ẩn ở Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương ngày nay), nhưng chỉ một năm sau, cả hai lại được nhà vua gọi ra để lo việc nước. Ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1.442), vua Lê Thái Tông đi tuần miền đông, duyệt binh ở thành Hải Dương, Nguyễn Trãi đã đón vua nghỉ ở Côn Sơn, là nơi ông từng ở. Rời Côn Sơn về kinh, nhà vua đã ra lệnh cho Nguyễn Thị Lộ đi cùng. Đến Lệ Chi viên (tức vườn vải, ở thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay), nhà vua nghỉ lại. Và chính tại đây, thảm án Lệ Chi viên đã xảy ra, khiến ba họ (họ cha, họ mẹ, họ vợ) nhà khai quốc công thần Nguyễn Trãi, gần bốn trăm người, bị tàn sátTài năng là thế, nhân cách và đức độ là thế. Vậy mà oan nghiệt thay, sau vụ án Lệ Chi viên, cùng với những lời thiên lệch, thiếu khách quan, thậm chí rất bất công của nhiều sử gia phong kiến, còn một ngoa truyền không biết xuất phát từ đâu, cứ bám riết lấy oan hồn của vị nữ học sỹ tài danh, khiến nỗi oan của bà càng dầy thêm. Rằng Lệ Chi viên chính là nơi thân sinh Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh mở trường dạy học. Một hôm, Nguyễn Phi Khanh sai học trò sáng mai phát quang cái bụi rậm cạnh nhà học đi. Đêm ấy, cụ mơ thấy một người đàn bà dắt 3 đứa con nhỏ đến, xin cụ thư thả hãy phát quang bụi rậm, để mẹ con bà ta tìm được chỗ ở khác. Cụ nhận lời, nhưng rồi vô tình ngủ quên mất. Bừng mắt dậy thì lũ học trò đã phát sạch bụi rậm. Khi phát, thấy một con rắn lớn và 3 con rắn con trong hang, chúng đã giết chết hết. Nhớ lại giấc mơ, Nguyễn Phi Khanh ân hận vô cùng, nhưng không sao được nữa. Đêm ấy đang đọc sách, cụ thấy một con rắn trườn trên xà nhà, nhả ra một giọt máu rồi biến mất. Giọt máu rơi đúng vào chữ “đại” trên trang sách và thấm xuyên 3 trang giấy. Đó chính là điềm báo rằng hồn oan của con rắn quyết báo oán. Và Nguyễn Thị Lộ chính là hoá thân của hồn rắn với mục đích gây hoạ giết vua, khiến con cháu Nguyễn Phi Khanh mắc đại hoạ “tru di tam tộc”. Vì thế trước lúc lâm hình, Nguyễn Thị Lộ đã nhảy xuống sông, hoá rắn bơi đi mất

 

Nguồn: NongNghiep.vn