Bốn nữ thi sĩ trẻ Hải Phòng
Nguyễn Thùy Linh, Trần Ngọc Mỹ, Lương Kim Phương và Cù Thị Thương là bốn gương mặt của Ban văn trẻ Hội Nhà văn thành phố hoa phượng đỏ. Bốn cô gái trẻ trung nhiệt huyết theo đuổi bốn nghề nghiệp khác nhau Lương Kim Phương (Giáo viên THPT Trần Hưng Đạo); Cù Thị Thương (PV Báo Hải Phòng); Trần Ngọc Mỹ (Bác sỹ tại Bệnh Viện Đa khoa Quốc tế ), còn Nguyễn Thị Thùy Linh lại là kỹ sư kinh tế trong một Doanh nghiệp nước ngoài; Nhưng họ có điểm gặp gỡ chung đó là niềm đam mê văn chương trong “mái nhà ban văn trẻ” thành phố miền cửa sóng. Ở nơi đây trái tim mong manh nhạy cảm của những cô gái này bỗng lung linh tỏa sáng trên những trang viết. Ánh sáng tâm hồn!
Nếu Lương Kim Phương sắc bén trong những tác phẩm lý luận phê bình và giàu triết luận nơi miền thơ, thì Trần Ngọc Mỹ sâu sắc và đằm thắm với hồn thơ con gái, đôi lúc trong veo, tinh nghịch khi trở lại ấu thơ. Nếu Cù Thị Thương chăm chút với đổi mới với cách nghĩ cách cảm về cuộc sống trong các thi phẩm và trở thành từng trải nơi các trang truyện ngắn; thì Nguyễn Thị Thùy Linh vừa tinh tế trong các trang văn xuôi, sáng tạo trong dịch thuật và ngọt ngào nơi những vần thơ lục bát…
Tất cả đều đã đạt những giải văn chương có uy tín, tác phẩm của họ đã có mặt trên Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội và các trang báo, tạp chí các trang Website văn chương trên toàn quốc, và có cả những tập thơ đầu tay ấn tượng... Vốn liếng khởi nghiệp văn là vậy, chưa nhiều nhưng khá vững vàng. Và cái quan trọng hơn, họ như những cánh buồm vừa có miền neo đậu là chiếc nôi văn chương truyền thống vang dội các thời đất Cảng, vừa có tầm nhìn là biển trước mặt bao la…
Hội nghị Những người viết văn trẻ hôm nay họ tham dự là một điểm đến, nhưng phía trước còn bao la những bến bờ đang chờ những trái tim trẻ này đến lay thức để nó cất cánh bay lên.
Ban văn trẻ Hội Nhà văn Hải Phòng trân trọng giới thiệu chùm tác phẩm của các cô gái văn chương thành "Hoa Phượng".
Lương Kim Phương
Sinh ngày: 11.7.1982
Thạc sĩ Ngữ Văn
Hội viên hội liên hiệp VHNT Hải Phòng
Nơi công tác: Trường THPT Trần Hưng Đạo, An Lão, Hải Phòng
Sáng tác thơ và viết phê bình văn học
Đã có nhiều thơ, phê bình tiểu luận đăng trên báo chí Trung ương và địa phương như: Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Nghệ thuật mới, Quân đội nhân dân, Văn học và tuổi trẻ, Sông Thương, Cửa Biển….
Giải thưởng: - Giải nhì (Không có giải nhất) cuộc thi Thơ Hải Phòng năm 2014 do Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng tổ chức
- Tặng thưởng tác phẩm phê bình xuất sắc năm 2015 trên tạp chí Sông Thương của Hội VHNT Bắc Giang
Đã tham dự Hội nghị Những người viết phê bình trẻ toàn quốc do Hội đồng Lí luận phê bình Trung ương tổ chức vào tháng 8 năm 2015.
Mặt hồ và con chuồn chuồn
Những con chuồn chuồn giỡn nhau trên mặt nước
nhẹ bay
nắng chở niềm mê say
đậu xuống thành cơn mưa bất chợt
Về bên anh
buổi dạo chơi năm xưa
lời yêu bên mặt hồ thanh tĩnh
Không còn gặp lại
anh và em khác xưa
Sự trong lành của trời đất đong đầy trong mắt năm nào
thạch thảo đã rơi
li ti mùa thu
Có thể anh đã không còn cần tình yêu
thế giới chúng ta đã lâu không có nhau
những ô cửa căn buồng trông ra mặt hồ bị đóng kín bởi trò chơi thể xác
Chú chuồn chuồn cô độc góc hồ
tìm gì
Lời nguyện và mộng mị lãng du trườn qua mùa thu lâu rồi
Nỗi buồn
Nỗi buồn, ngươi là dòng sông biết bao giờ cạn
Khi sấm chớp mưa nguồn
Khi lũ trút đất đá và rác rưởi vào ngươi
Khi ngươi đổ về cửa biển thì bị trào ngược lại bởi những trận sóng giận dữ và kinh hoàng
Không ai giải thoát cho ngươi
Nỗi buồn, có khi ngươi là một áng mây mùi thiếu nữ
Vương vấn trôi qua một căn nhà cũ kĩ và mốc thếch
Tường vôi tróc lở
Mây tưởng đó là bảo tàng giấu những trầm tích
Mây sà vào cửa sổ
Kinh hoàng chuột bọ nằm lẫn với người
Rắn rết và mạng nhện
Giăng đầy trên những khuôn mặt người
Nỗi buồn, có khi ngươi là bông hoa bị tẩm thuốc biến màu
Ngươi không được nở đúng màu hoa của mình
Vàng phải thành xanh
Nâu phải thành tím
Kẻ hành khất bất lực
Không xin được cơm ăn và nước uống
Nhận về mình toàn thất vọng như ta
Hãy đi bên ta, nỗi buồn
Một ngày, ngươi nằm chết bên đường
Là khi ta không còn nữa.
Đà Nẵng 7-4-2016
Tác giả: Cù Thị Thương
Bút danh: Anh Thơ, Nam Phương
Sinh ngày: 13/9/1985
Quê quán : Mĩ Đức- An Lão- Hải Phòng
Cử nhân kinh tế khóa học 2007-2009 trường Cao Đẳng Tài Chính Quản Trị Kinh Doanh
Cử nhân văn chương khóa học 2008-2012 của khoa sáng tác và lý luận phê bình văn học nay là khoa viết văn- báo chí của trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Giải Thưởng: Giải nhì không có giải nhất cuộc thi truyện ngắn và ký tạp chí Cửa Biển 2014-2015
Người Lính Già Cô Độc
Anh chậm rãi hôn lên mái tóc hai màu vào một chiều thu cuối
Tự hỏi
em đã đủ hạnh phúc
Câu hỏi thừa sau bước chân đêm
Kéo em qua ngày không đêm nối tiếp
Chiến tranh
Anh ở lại nơi anh chiến đấu
Quen đông người
lạc bước tự do
Anh không dám bước qua chính mình
về với em
Sợ một tình yêu sẽ sớm làm em mỏi mệt
Anh không thể trở về cuộc sống
Cuộc sống khắc nghiệt của chiến tranh, của lòng tham mù quáng của sức mạng bạo tàn thay thế bình yên
Anh đã không thể ở ngoài dù biết nó là vô nghĩa
Anh cũng không thể trở về dù biết là vô nghĩa
Không thể cứ thế rũ mình bước qua
Điều đó là không thể
Như một trái mìn
Chờ ngày nổ
Anh sợ mình thương tổn
Tất cả
Quanh anh
Giếng Làng
Đong đếm những bước chân tha phương bằng khoảng thời gian thả mình theo hồi ức
Tiếng quê vẫn quen với những gương mặt cứ già lại trẻ
Giếng làng lặng lẽ
Thả mái tóc thề vào áng mây xanh
Rêu phong mùa không cùng lặp lại
Mắt giếng trong hơn
Khi bóng người cứ đi là đi mãi
Lời thề vuột bay
Mảnh trăng cứ nhọn hơn sau mùa lá rụng
Bập bềnh lòng giếng hẹp
Sóng sánh cả trời thu
Không thể vớt vụng khờ tuổi dại
Nối bước chân buổi hẹn trăng thề
Mái tóc đã hai màu mưa nắng
Trái tim nhàu đã hoen rỉ vì sương
Giếng lại trong hơn sau ánh mắt mùa vàng
Cứ thế thả
cả thời thơ dại ấy
Trần Ngọc Mỹ
- Sinh ngày: 18 tháng 02 năm 1985
- Giới tính: Nữ
- Dân tộc: Kinh
- Hiện công tác tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng.
- Là hội viên Hội nhà văn Hải Phòng 2016.
- Đã có bài in trên báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân Đội, Tuần báo VN HCM, báo Áo trắng, báo Quân đội nhân dân, Các tạp chí văn học và báo địa phương…
- Đạt giải thưởng trong các cuộc thi thơ: Thi thơ năm 2014 của HNV Hải Phòng. Thi sáng tác thơ tuyên truyền phòng chống ma túy của Bộ Văn hóa TT & DL. Thi thơ Haiku Nhật – Việt lần thứ 5. Thi thơ Đất và người Hải Dương…
- Tác phẩm đã xuất bản:
- 1. Tập thơ Khát những mùa yêu – NXB HNV năm 2015
Tập thơ Ban mai của bé – NXB HNV năm 2015
Em bé H’mong
Tuổi thơ tôi nhẹ gió
rong ruổi cánh diều tít tắp chân mây
cánh tay cha là bầu trời dịu mát
tấm lòng mẹ như biển hát đong đầy
Tôi ngồi đây
ngơ ngác
sấp ngửa ngày đêm dưới đỉnh thác
em bé H’mong cõi củi cháy nắng
da lấm lem đất núi bản mình
đôi chân miết mải hành trình mưu sinh
những ngón chai sạn bấm bầm đá sỏi
giọng líu lo không mệt mỏi
“mua cho con, mua cho con, mua cho con…”
Em bé H’mong lon ton
thay cha oằn lưng địu
thay mẹ ngực ấm vỗ về
tuổi thơ em trốn đâu đó có nghe
tiếng chim gọi hồn nhiên hót trên đồi cỏ
loài hoa dại uống sương trời nở rực sắc đỏ
tươi như nụ cười thiên thần
thèm đậu môi em
Tôi ngồi đây ngắm khuôn mặt chưa quen
lội ngược nửa chừng về tuổi thơ chân đất
chỉ khác tấm thân em mưa nắng khất thực
đâu vì trò chơi con trẻ
em bé H’mong
em bé H’mong
những ánh nhìn cứa trái tim khô nẻ.
Quán café 16
Nắng Hạ chấm vào ô cửa
ngắm nhìn mắt lá lung linh
bụi phố trôi đi
trong veo ở lại
Café 16 với mình
ngẫu nhiên niềm vui ở đó
ấm trong ánh mắt dịu hiền
bản nhạc ru em lặng lẽ
gột rửa hạt bụi lo âu
ngó ra bên ngoài lần nữa
người đàn bà gánh thiên đường qua cửa
những bông hoa nở rộ giấc mơ
thản nhiên trước gió
nhấp nhánh
tinh khôi
an nhiên chảy quanh chỗ ngồi
giọt giọt trầm tĩnh
ngỡ lòng nhẹ như mây bay…
Nguyễn Thị Thùy Linh
Họ tên: Nguyễn Thị Thùy Linh (Hải Phòng)
Sinh ngày: 16/06/1991
Tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân
Hội viên Hội nhà văn Hải Phòng năm 2016
Đã có các truyện ngắn, tản văn, thơ dịch nước ngoài và sáng tác thơ trên các tờ báo uy tín của Trung ương và địa phương
Đạt giải Tư thi thơ Hải Phòng 2014, giải Lục bát trăng Vàng cuộc thi thơ “Tổ Quốc và Đạo Pháp” năm 2016.
Chùm thơ đạt giải trăng Vàng: Bà nội; Làng
BÀ NỘI
Mõ chuông đã rải tím trời
Hoàng hôn rẽ tóc một người nằm mơ
Đồng xưa nối với bây giờ
Mảnh thon cái hạc ngẩn ngơ gọi chiều
Đỏ vườn cay mắt hạt tiêu
Mẹt nong bà sảy hoang liêu về đồng
Nỗi buồn đã kịp trổ bông
Quả chuông úp xuống thinh không cuộc đời
Bám quê bám ngọn lửa cời
Rặng tre xòe ngón gọi mời ngày xưa
Áo tơi manh nón chạy mưa
Đội mùa tất tả sấm vừa tới nơi
Xế trăng lặn vết đồi mồi
Cối kia vẫn nhớ khôn nguôi nhịp chày
Bấy nhiêu tuổi một lần xay
Hồn như vỏ trấu tuột tay gạo già
Áo bà đã hóa phù sa
Ao sen lặng giữa chén trà mùa thu
Lời Kinh cũng móm mém như
Miệng bà dẫn hạt đi tu dặm trường
Hai tay dắt nhớ dìu thương
Về đêm về với vô thường thời gian
Hương nhu, bồ kết chưa tàn
Thấy bà chải tóc cuối hoàng hôn xa.
LÀNG
Bù nhìn làm cứ như chơi
Lão nông cuốc mấy chân trời còn đau
Tiểu sành đã hóa đất nâu
Hồn ông cha vẫn đội đầu nắng mưa
Cầu ao kể chuyện sau xưa
Mảnh chiều găm đạn dạ thưa nửa chừng
Còn đây xương máu người dưng
Một ngày nổi gió chống lưng tìm về
Gọi làng trong mấy bờ tre
Tiếng gà xao xác cơn mê cuối đồng
Rạ rơm cháy cả mùa đông
Ngày trôi trên chiếc liềm cong giữa trời
Bù nhìn làm đấy mà chơi
Lặng câm đứng đó như người thiên thu
Nón rơm khất thực mộng du
Mồ hôi bỗng hóa sương mù bay lên
Ao chuôm ếch ộp vẫn hiền
Cô em khỏa nước tay liền giặt trăng
Bờ lau ngả tóc trăm năm
Làng che hồn cốt hóa trầm trong mây
Tay cầm nắm cỏ thơ ngây
Về vun xới lại những ngày bình yên.