Cảm nhận về tập thơ “Ở đây, lúc này” của Nguyễn Đình Minh – NXB Hội Nhà văn 2022

Hà Phú

Những ngày cuối thu , “ trời se lạnh, sương thu mờ ảo , trăng thu bạch, khói thu xây thành ”, tôi nhận được một món quà quý gửi từ Hải Phòng của một người bạn cùng khoa Ngữ Văn ngày ấy: Tập thơ Ở đây, lúc này  của nhà giáo – thi sỹ đất  Cảng Nguyễn Đình Minh. Đọc tập thơ mà trong lòng tràn đầy cảm xúc. Đây là một tập thơ hay, độc đáo và rất lạ.

 

Tâp thơ:  “Ở đây, lúc này ” dường như nói về  một thời gian, không gian cụ thể. Nhưng không phải thế.Thơ Nguyễn Đình Minh  đã gợi ra cho bạn đọc một thời gian đằng đẵng, không gian rộng lớn đến vô cùng. Thi sỹ  đã đưa tôi  trở về quãng thời gian của năm  2019, cả đất  nước ta cũng như toàn thế giới sống trong một nỗi kinh hoàng.

Lúc ấy, mọi thứ như mờ đi bởi hình bóng co rona, thứ quái vật mắt thường không nhìn thấy mà ám ảnh, đi vào  cả giấc mơ của con người:

Mặt đât thì nín thở

                                Bước chân Co rona thao túng cả màn hình”

                                                                                                          (Ngày vụn  vỡ)

Nhà thơ vốn có tâm hồn bay bổng, để viết lên những tiếng hát cuộc đời, vậy mà giờ đây, “ lúc này ”cũng phải sững sờ thú nhận:                             

“ Chỉ biết thơ tôi có một ngày vụn vỡ

                                   Câu chữ vô hồn…

                                  Phai nhạt gió thời gian.”

                                                                                                  (Ngày vụn vỡ)

Thi sỹ  dường như đã làm cho thời gian ngưng đọng, cuộc sống ồn ã, vui nhộn hàng ngày bỗng chạy đi đâu, có người lại thu mình trong nỗi sợ hãi:        

Nhện thả lưới tơ đan xuyên mặt phố

                                          Đầy trời mây xám màu tang

Chấp chới ánh đèn cấp cứu

   Người hoảng hốt náu mình sau những chấn song…”

                                                                                                  ( Trong gió tử thần)

Ở ĐÂY, LÚC NÀY không chỉ nói về đau thương đại dịch mà còn khẳng định sức sống mãnh liệt của thiên nhiên và con người !

                             ‘Rồi thế giới sẽ hồi sinh trở lại

                                          Sớm ngày mai vẫn thức dậy mặt trời.” 

                                                                                                                 (Chủ nhân)

Nguyễn Đình Minh đã đem đến cho người đọc niềm tin vào sự sống và tương lai, khuyên nhủ ta có lúc sống cần chậm lại để hướng về những ngày tươi đẹp thanh bình, giản đơn mà có lẽ sống sâu xa:

                                       “ Bỗng khát mảnh bếp chiều tỏa khói cơm thơm

                                        Mẹ vín gậy chờ ta về đầu ngõ”

“Tình nghĩa vợ chồng gieo những mùa xanh                                                                                              Trăng xuống sông hát đồng dao cùng con trẻ .”  

Tôi rất thích hình ảnh “mảnh bếp chiều tỏa khói cơm thơm”  . Đây là hình ảnh thơ  có sức gợi rất lớn : nhỏ bé đáng yêu, mà ấm áp vô cùng. Trong cuộc sống xô bồ hiện đại những  khoảnh khắc đáng yêu này xuất hiện ít đi nhiều. Tôi nghĩ, đó  là điều đáng chân quý của thơ anh. Xuất thân là thầy giáo, khi đã trở thành  nhà  giáo – nhà thơ , anh vẫn luôn đau đáu về các thế hệ học trò trong những ngày đại dịch. Đó không chỉ đơn thuần là nhớ nghề mà còn là nỗi khắc khoải đầy yêu thương đến thế hệ tương lai :

                                     

 “ Sân trường lạnh tanh,

 Phượng nghẹn ngào ứa lá

                              Mặt trống nghỉ trái mùa…

                              Ngóng  muôn  trùng mây úa

                              Học trò tôi bây giờ ở đâu?”

                                                                              ( Tháng Tư đợi…học trò.)

Câu hỏi trong khổ thơ này gợi cho tôi nhớ  lại  bài thơ “ Bên kia sông Đuống”  của Hoàng Cầm , cũng có những câu hỏi xoáy vào lòng người như thế : “ Bây giờ tan tác về đâu ”,  “ Chuông chùa văng vẳng nay người  ở đâu ” , “ Bây giờ đi đâu về đâu ” … Câu hỏi không đợi ta trả lời mà như đóng đinh vào lòng ta những vờì vợi nhớ thương.

Ở phần một TRONG MẮT BÃO, tôi rất thích hai bài thơ: Tiếng chào đời đêm đại dịch” và “Để sự sống tái sinh”. Hình ảnh CON NGƯỜI hiện lên đẹp đẽ, sáng rực :

                                       Băng khẩu trang bác sĩ thẫm mồ hôi    

                                                                        Sản phụ gồng mình vượt tầm tay thần chết

                                       Tình người vẫn lung linh như ngọc

                                      Kịp sáng lên trong bụi bặm cõi đời.”

Nhà thơ đã gợi lại hình ảnh bà mẹ- bác sỹ  đã gồng mình để cứu  lấy con người, rồi trong giấc ngủ chập chờn, ướt đầm vai áo bởi nỗi nhớ thương con. Đúng là sự sống nảy sinh từ cõi chết, trong đau thương ánh sáng vẫn rạng ngời:

                                                “ Lẽ sinh sôi là chánh niệm người ơi!

                                      Như nguồn sáng thiêu tàn đêm đại dịch

                                       Thành đôi cánh diệu kì bay qua cõi chết

                                       Cho ta tin,

                                      Sự thần thánh của con người.”

                                                                                 (Tiếng chào đời đêm đại dịch)   

Đến bài thơ Để sự sống tái sinh, nhà thơ đã khắc họa sống động đoàn quân Nam tiến. Miền Nam gọi ,miền Bắc trả lời chẳng khác nào như khi xưa : “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.  Những đoàn tàu, đoàn xe nối tiếp nhau chở những chiến binh áo trắng hừng hực nhiệt huyết, đầy ắp những yêu thương chân thành, mãnh liệt.Họ đã gửi lại quê hương  mẹ già, con thơ… để vào đây cứu lấy những mạng  người:

                                      “ Bạn đã thành chiến binh lên đường chiến đấu

                                       Cầm lòng giấu bao điều trong lặng im…”

Và trong đoàn quân ấy có những người mắc bệnh và có những người đã hy sinh nơi chiến trường khốc liệt không tiếng súng này. Cảm ơn nhà giáo- nhà thơ Ngyễn Đình Minh đã thay lời muốn nói cho hàng triệu con người!   

                   “Có khác biệt nào giữa chết với hy sinh?

                              Bạn chọn dâng cuộc đời cho đồng loại

                             Vì sự sống con người mà chiến đấu.

                             Và cả vì tôi…

                             Bạn đã quên mình!” 

Những vần thơ này của anh không chỉ là tấm lòng biết ơn mà còn là lời nhắc nhở. Nhà thơ khiến cho những người trong đại dịch đã chùn bước, lẩn tránh, nhất là  những kẻ đã lợi dụng dịch dã để làm giàu trên nỗi đau của nhân dân phải tự suy ngẫm, phán xét lại mình. Có thể khẳng định , thơ Nguyễn Đình Minh đã góp phần thanh lọc tâm hồn con người! 

Bài thơ Đợi thuyền  trong phần thứ hai đã để lại trong tôi ấn tượng mạnh. Thời chống Mĩ, những con người ấy đã làm cho huyết mạch của cuộc kháng chiến lưu thông . Nhà thơ tạc nên hình bóng của những nữ thanh niên xung  phong đã không tiếc tuổi xuân vì miền Nam ruột thịt:

                          “ Mái tóc đã hết màu xanh

                              Cho rừng núi Trường  Sơn

                             Và một nửa trái tim, tình yêu của chị

                             Đành lòng vùi đi cho ấm đất  chiến trường.”

Họ đã hóa thân thành những  bến không chồng:                  

                              “ Giữa những cơn đau rạn vỡ

                              Hóa thân thành bến không chồng”

                                                                                                          ( Đợi thuyền)

Vinh quang nào chẳng có mất mát và đớn đau!  Độc  lập  tự do nhiều khi phải trả bằng xương máu !  Bởi thế anh viết: “Cái giá của một thời / Vì độc lập tự do và sự sống/Như chân dung vinh quang và đau đớn/Như nước mắt hoa hồng giấu mặt…thầm rơi!”. Nhà thơ có cảm nhận rất riêng về mười  cô gái thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc. Từ những tận cùng của mất mát và thất vọng, con người Việt  Nam vẫn hướng tới tương lai: “Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn chồi nảy cây” ( Mười cái trứng –Cadao). Sự liên tưởng thú vị, bất ngờ này đã bất tử hóa mười cô gái thanh niên xung phong. Các o khôngchết mà mãi mãi  đi về cùng trời xanh mây trắng“ Và mười cô gái tuổi đôi mươi/ Gánh  Tổ quốc trên vai …rồi ngã xuống/ Hóa những nốt trầm trong điệu hò Ví Dặm/ Theo vĩnh hằng mây trắng bay…” ( Khói hương  Đồng Lộc).

Tập thơ Ỏ ĐÂY, LÚC NÀY có ba phần, tôi thích phần ba hơn cả!  Ở phần này có nhiều lời thơ, câu thơ, hình ảnh chân thực , giản dị, đời thường nhưng vẫn chứa đựng những triết lí sâu xa của cuộc đời. Nhà thơ đã viết những vần thơ ai đọc  cũng hiểu nhưng mức độ nông sâu thì lại tùy thuộc vào lứa tuổi, trình độ từng người.Tôi còn nhớ những bài các cháu được học, được hát “Con chim yêu tổ như ta yêu nhà/ Chim mà mất tổ/ Chim buồn không ca ” hoặc “  Ra vườn hoa em chơi /Em không hái một bông hoa nào/ Hoa đua thắm nhìn em hoa cười/ Bông hoa này là của chung.” Ai dám chắc rằng đây chỉ là những lời răn dạy trẻ em: “ Nhện vắt ý nghĩ của mình thành tơ đan lưới/ Những sợi tơ như hương như khói/. Bủa giăng mọi nẻo không  gian….Sa vào những vòng dây trói/ Ve sầu trút  tiếng than như khúc cầu hồn/ Bọ ngựa buông gươm gục ngã/ Muỗi, ruồi…/ Than khóc kêu oan”!

Đọc bài thơ: “Nếu thành phố không có trái tim”, tôi chợt thấy mình lớn lên một chút, nhận ra rằng con người là chủ nhân đích thực của thế gian này: “Thành phố nếu không có người/ Ánh nắng buồn tênh chìm vào tóc cỏ/ Mọt sẽ tiêu dao trong các bảo tàng/Công viên thành rừng rêu phong ghế đá/Giấc mơ về trời và thơ tan vào gió/Tất cả hóa hồng hoang…”  Nhưng trên tất cả cuộc sống này, thế giới này cần có  một trái tim yêu thương, rộng mở:  “ Thành phố hóa vô hồn/ Vì thiếu một trái tim”. Giá trị cốt lõi của cuộc đời này chính là tình thương , sự đồng cảm và tha thứ  giữa  những con người. Bởi thế mà bài thơ: “Nghĩ trong mùa lá rụng”, nhà thơ đã tâm sự mọi vật đều tuân thủ theo một quy luật nhất định, ta hãy thuận theo tự nhiên: “ Bỗng thương loài người trong hỗn độn rối ren/ Tự chất lên mình oằn vai gánh nặng/ lòng tham không biết bỏ, buông!”. Nhà thơ đã nói một cách sâu sắc triết lí cuộc đời bằng  những  lời tâm tình dịu ngọt, đi vào lòng người: “Đừng ngỡ vô cùng là bể/Khi cô đơn một cánh buồm/Qua biển là làng chờ đợi/Mẹ nơi đầu ngõ ngóng trông”.

Đọc phần cuối của tập thơ, ta thấy rất nhiều làng mạc với những  lũy tre,cảm thức làng, những ngày chợ tết, những hồn phố, những lời ca, bài hát Đúm, những đêm trà sen…Nhưng đọng  lại trong tôi nhiều nhất lại là Bất ngờ hương ổi: “Vẫn biết đời là đổi thay/Mây đêm đã rời ngực núi/Ngồi nghe chiều rơi gốc ổi/Hương mùa còn lãng đãng bay.” .

Kết thúc tập thơ là một bài thơ khác lạ, nhưng bài thơ gần với chủ đề của phần này theo tôi là bài Nhà thương nào…cho thơ. Nhà thơ Nguyễn Đình Minh đã đặt  ra câu hỏi mà ta chỉ có thể trả lời bằng tình yêu và trái tim: “Ừ thôi vậy, vốn phận người đá sỏi/Những câu thơ bầm dập đớn đau/Tự hành xác để viết lên khắp  địa cầu/Và vì đời mà nhức xương, rỉ máu…/Sao không có nhà thương nào cho thơ?”. Có một câu nói rất hay của các bậc hiền tài mà tôi rất tâm đắc: Trước một trí tuệ tôi cúi đầu. Trước một trái tim tôi qùy gối. Nguyên Đình Minh đã  giúp bạn đọc hiểu ra rằng chỉ có trái tim giàu lòng nhân ài mới có thể sản sinh, nuôi dưỡng và chữa lành những vết thương cho thơ!

Yêu nhau có nói cũng không cùng” (Xuân Diệu)  muốn nói nhiều  lắm nhưng lại  chẳng biết nói gi. Tôi sẽ chờ đợi  thi sỹ ở những tập thơ sau!

                                                              Vĩnh Yên, những ngày cuối thu năm 2022

                                                                                        HÀ PHÚ