Nguyễn Đình Minh mảnh hồn quê còn neo đậu - ( Đọc tập thơ “Lặng lẽ đời cây” – NXB Văn học 2016)
Những mảnh hồn làng
Sống cả cuộc đời với quê, nhà thơ Nguyễn Đình Minh hiểu và thấy rõ những thăng trầm biến đổi của mỗi nét quê trong nhiều khúc ngoặt của lịch sử. Có người thấy nhiều, thấy ít nhưng với cảm nhận của một tâm hồn đa cảm của thi sĩ, cái logic của một nhà mô phạm, Nguyễn Đình Minh không chỉ thấy nhiều, hiểu tường hiểu tận để rồi những cảm xúc tự thân của người sáng tạo bật ra những câu thơ yêu quê đấy mà giận người thế đấy. Bắt đầu yêu từ cây lúa: “Cây lúa uống mồ hôi mà sinh ra ngọc thực/ Gạo kết trắng tinh khôi từ nóng lạnh cõi người” (Hạt lúa). Không thể kể hết những câu thơ viết về cây lúa của người dân lúa nước đất Việt trên đất nước mà người người làm thơ nhưng hai câu thơ này dường như được thoát ra, bay lên, đọng lại rồi lại chảy thẳng vào mạch đời. Những hình ảnh đối lập từ bản thân quá trình hình thành hạt gạo. Hạt gạo được coi như “ngọc thực” với hình ảnh kết trằng tinh khôi được tạo nên từ gian khổ với hình ảnh “mồ hôi”, từ nỗi buồn, niềm vui của cuộc đời với hình ảnh “nóng lạnh cõi người”. Ca ngợi hạt gạo, ca ngợi nghề trồng lúa nhưng lại có thể tạo nên một trường liên tưởng về tất cả sự vật, hiện tượng trong đời sống. Từ đơn giản đến khái quát, có thể thấy cảm xúc tuôn trào của người quê với cây lúa nhưng lại thấy được cái ngẫm ngợi sâu xa đến tất thảy những khó khăn- thành quả, khổ đau- hạnh phúc trong cuộc đời. Viết về cây lúa, mạch cảm xúc của nhà thơ bắt đầu trải rộng: “Đất nước dẫu thăng trầm, chưa khi nào rời vai đôi bồ lúa”, hay “ hạt thóc hóa ngọc thiêng lung linh trong hương khói đền hùng” (Hạt lúa) đến từng chi tiết: “Cây lúa ngàn năm vẫn cắm rễ trong bùn” , “ Và miếng ăn để tồn tại mỗi ngày/ lại từ hạt âm thầm kết giữa bùn quê ( Hương bùn)”.
Phù sa trên cánh đồng quê là sự kết tinh của rất nhiều sự sống và nơi đến từ những đỉnh đồi “Muôn hạt phù sa bị dòng sông đánh cắp của những đỉnh đồi” (Tắm tiếng chuông chùa). Câu thơ uyển chuyển như dòng nước mang những hạt phù sa. Từ “đánh cắp” gợi lên hình ảnh sống động của những dòng sông, có lẽ chỉ có người quê mới hiểu được giá trị của mỗi con sông đỏ nặng phù sa chảy giữa những cánh đồng xanh mướp rượt. Đó còn là những hình ảnh thân quen, đặc sắc riêng của mỗi cánh đồng trên đồng bằng châu thổ sông Hồng. Nhưng giữa những mùa lúa, đất quê Trạng còn có những mùa thuốc lào nức tiếng Bắc- Nam “ Gió thuốc lào/ Hun những chiếc nong phơi nhuộm lửa tháng năm/ Hầm hập cháy như mặt trời trên đất/ Sợi thuốc ăn nắng chín vàng”(Tháng 5 quê nội). Cụ thể đến từng chi tiết “hun những chiếc nong phơi”, “sợi thuốc ăn nắng” để thấy được sự am hiểu của nhà thơ với nghề truyền thống của quê mình nhưng với hình ảnh “nhuộm lửa tháng năm”, “mặt trời trên đất” kết nối những liên tưởng đẹp trong lòng người đọc. Hai câu thơ mang cả cảm xúc yêu quê, lại mang cả trí tưởng tượng không giới hạn của một thi sĩ để những câu thơ mang những mảnh hồn quê bay lên, đẹp chói lòa trước mắt người đọc, như dựng một bức tranh quê đầy ảo diệu với mặt trời trên đất, nắng như lửa tháng năm.
Nhiều nữa những câu thơ gợi lên những hình ảnh đẹp đến thế: “ Ai gắp miếng hoàng hôn bỏ vào trong bát rượu”, tâm thức đẹp “ Uống hồn quê thơm giữa bát sành”, thơ mộng đến thế “Mảnh trăng cong mắc ngọn tre làng”( Chiều nhấp men đồng). “ Trăng giấu vàng trong bát nước chè xanh/ Tục ngữ góp bàn chuyện cuốc cày đồng áng/ Hoa sen tẩm thơm vào lũi lầm cay đắng/ Khúc ru nôi ủ ấm giấc mơ nghèo”( Nghe thì thùng trống hội)… Nguyễn Đình Minh họa lại bức tranh làng quê bằng những ngôn từ giản dị nhưng đầy hàm súc của mình như chàng trai 18 lần đầu yêu và đầy tôn thờ tình yêu ấy nhưng cũng như trưởng lão đã qua những trải nghiệm yêu ghét cuộc đời để chưng cất những vần thơ như mật, như rượu từ những mảnh hồn quê: “ Hoa gạo chỉ ngó môi con gái làng mà hóa lửa/ Tiếng sáo cũng cất mình bay ngơ ngẩn dọc triền sông” (Tháng ba ơi) hay “ Trâu nghỉ việc đồng nằm nhóp nhép nhai rơm/ Nải chuối vào mâm xòa tay ôm bầy quả/ Cơm ủ ngấm chín men, trở mình dậy rượu/ Mưa tìm nhau lất phất chạy bên thềm” (Tết giữa nôi quê). “Theo cánh chuồn kim” mà coi “ Biêng biếc mặt ao làng như là biển tuổi thơ tôi/ Tre chải tóc bần thần nghiêng chiều gió thổi/ Lấp loáng ánh chuồn kim xuyên nắng vàng như sợi/ Theo thuyền giấy mong manh/ Thả những hạt mặt trời”.
Thân phận người phụ nữ quê đầy xa xót
“Lặng lẽ đời cây” không chỉ khắc họa một làng quê với những hình ảnh đẹp gần gũi và thân thuộc. 68 bài thơ hầu hết là cảm xúc buồn thương đầy xa xót “ Tiếng chày giã những nén dồn thành cục đêm/ Trăng bật tung ra khỏi cối/ Người đàn bà thầm lặng quệt mồ hôi/ Trút tiếng thở dài đã nhão ra vào bóng tối”. Không phải vì công việc mà đó là những mất mát tình cảm” Chiến tranh đã biến người chồng chỉ còn là nỗi nhớ/ Những khát khao chắp đến ngàn lần chẳng nối được… một vòng ôm” để rồi người đàn bà đó “ Vắt những khát thèm chính chuyên ra ngoài thể xác/ Những giây phút sống đau hơn chết/ Cắn đến bật máu môi, để tắt tiếng cỏ cây lặng lẽ sinh tồn” (Vọng tiếng chày khuya). Chỉ thơ mới có thể khơi sâu đến thế, tạo vệt loang dài như thế về nỗi niềm chinh phụ. Những hình ảnh mới đấy sáng tạo từ “ cục đêm” đến hình ảnh “trăng bật tung khỏi cối”, tiếng thở dài nhão ra vào bóng tối. Thầy phù thủy của ngôn từ nhưng lại mang trái tim của bồ tát để cảm nhận, thấu hiểu và sẻ chia. Nhà thơ dùng sức mạnh của ngôn từ để chia sẻ với người đọc một cách mạnh mẽ sự thấu hiểu của mình. Đau đáu như thế, nhức nhối như thế về một phận người cần lắm những yêu thương.
Còn cả một “Xóm đá không chồng” “Mùi bồ kết bỗng thơm vô duyên/ Giữa nhão nhoẹt tiếng thở dài đêm làng gái góa” để “ Cũng đôi lần hạnh phúc dừng chân đứng gọi trước nhà/ Tim òa khóc vẫn ghìm lòng mà chốt cửa/ Quả cau dần khô, lá trầu dần héo úa/ Đọng lại bóng đàn bà/ Phơ phất dưới trăng suông”. Câu chuyện về những người đàn bà thương tật và nhiễm chất độc từ chiến trường trở về ôm nỗi đau xoáy sâu đến tận cùng bản thể.
Và còn có “Người đàn bà thời công nghiệp” với những hình ảnh đầy hiện thực “Nai nịt như Ninja, rồ máy, rời làng/ Đua với thời gian cùng dòng xe ken chật/ Duy nhất lộ ra đôi mắt đói/ Thờ thẫn màu chì”. Những cô giáo miền cao “ Lần lượt rủ nhau đi như vóc dáng một thời xuân/ Nỗi thương đất thương người níu lòng ở lại/ Mùi đàn ông đôi lần thoảng qua làm khoảng không tê dại” Để “ Nhưng đứa con của riêng mình/ Dẫu vãn nửa đời cô vấn chưa có được” ( Gió hú cổng trời). Những “ đời cây” lặng lẽ bên nông nỗi đời mênh mông đi vào thơ của Nguyễn Đình Minh làm lòng người mắc cạn. Ở đó bạn đọc như nhìn vào sâu hơn, đồng cảm hơn với những phận người bình dị đó.
“Tham sân si” cõi người…
“Loài người tự phong mình là chúa tự nhiên/ Mớm cho nhau bùa mê xây lòng mình thành hiểm trở/ Trái đất có một thôi mà trăm ngàn ngôn ngữ/ Mặt địa cầu bị xé nát bởi đạn bom…”. Những câu thơ không dành cho một số phận, một quốc gia mà dường như dành cho cả loài người trên trái đất này. Một câu thơ xóa nhòa mọi khoảng cách giữa các dân tộc, màu da, lãnh thổ để chạm đến những quan niệm sống nhân bản nhất. Triết lý của đạo của đời. Con người với sự tự cao tự đại coi mình là “chúa tự nhiên”. Sống bằng ảo tưởng, khơi sâu sự hiểm trở của lòng mình. Lòng tham con người gây nên những chết chóc, bất hạnh mang tên “đạn bom”. Bởi có thể “Những giá trị nhân sinh bị nhầm là cỏ rác/ nên con người ngàn đời bị cùm chân trên mặt đất/ chậm chạp kéo lê mình về phía huyệt thời gian”. Bằng trải nghiệm cuộc sống, bằng bản năng yêu thương, tầm cao trí tuệ, nhà thơ thoát ra để nhìn lại cuộc sống của những kiếp người bị cùm chân trên mặt đất. Những con người chậm chạp lê mình về phía huyệt thời gian bởi coi những giá trị nhân sinh là cỏ rác.
Ở giữa cuộc sống, từ trên cao nhìn xuống, từ phía dưới nhìn lên nhà thơ thấy được nỗi nhức nhổi đầy nhân bản : “Khi mắt bị thôi miên bởi ánh kim tiền/ Chìm giữa từ trường của phấn son lơi lả/ Từ cuống họng, từ thẳm sâu….Tiếng bản năng gào réo/ Ta bóc mình trần trụi thành con” (ngôi chúa thứ tư). Những câu thơ mang tầm triết luận về bản chân con người. Phần con và phần người được nhìn nhận rành rẽ để bóc tách một con người. Những câu thơ như một chiếc gương trong suốt để người đọc tự soi chiếu chính mình. Để nhận ra, để ý thức nuôi dưỡng phần người mà kìm chế bản năng phần con. Những suy nghĩ sâu sắc cùng với cảm xúc nhức nhối đẩy câu thơ với âm lượng lớn tiếng nói đòi được ý thức kìm chế phần con dung tục để tìm đến những phẩm cách thiêng liêng của con người.
Sau tất cả, những tham sân si, những mê muội của con người, nhà thơ tin lắm: “Giải độc cơn mê bằng một chút hương bùn/ Tỉnh lại trước ngày xưa/ Mẹ vẫn tựa vào khuya đợi ta bên ngọn đèn dầu mờ tỏ/ Nơi lòng làng tựa hoa sen trong đêm thương khó/ Lúa nước tích nắng mưa kết muôn hạt vàng ròng/ Ta giặt giũ lại ta ở chính giếng đình” ( Ngôi chúa thứ tư). Ông cho rằng chỉ mẹ và quê hương mới có thể giũ sạch con người. Mới là nơi giang rộng vòng tay yêu thương nhất cho mỗi đứa con trong lầm lạc trở về.
Mỗi bài thơ của Nguyễn Đình Minh đều khiến người đọc yêu quê thêm chút nữa, trăn trở và đau đáu hơn chút nữa. Người với người được kéo xích lại gần nhau bởi mỗi người đều có một hồn quê trong tâm khảm. Mỗi người đều có trong mình một kí ức về làng quê với cây đa, giếng nước, mái đình, cây lúa, con sông… Mỗi người đều có một người mẹ ở một mảnh quê nào đó. Và quê hương Việt Nam là người mẹ của tất cả người Việt. Một đất nước dựng nước từ cánh đồng lúa và giữ nước bằng những làng tre.