Có thể bạn quan tâm
NGƯỜI “Ủ ẤM TRÁI TIM”
Đọc “Ủ ấm trái tim” tập thơ của Nguyễn Đình Minh – NXB - Hội Nhà văn, 2011 Nhà thơ Kim Chuông - Hội NVVN .
Năm 2004, khi tập hợp, chọn lựa và cho in tập thơ “Câu hát ngày xa”, tôi đã cảm hứng, viết tặng Nguyễn Đình Minh, một nhà giáo, một tác giả thơ của quê hương đất Trạng lời phẩm bình tập sách.
Chặng đường khởi đầu thơ của Nguyễn Đình Minh được trình làng ở hai tập “Người hát quan họ đêm Tây hồ” (2005) và “Câu hát ngày xa,” (2006). Phải nói, đây là những gì vọng vang của hồn thơ được dào lên từ phía bờ xa nơi dòng chảy thật lắng xanh, nồng đượm.
Như vậy, điều khẳng định thuộc vai trò trước nhất, Nguyễn Đình Minh, một hồn thơ dễ rung, dễ thấm. Thơ với anh là hai phía nhập hòa của cái Tôi trước cái “vô biên độ”. Trước nhu cầu người viết cần “Ủ ấm trái tim”.
Ở hai tập thơ này, không ít lần, người đọc từng dừng lại cùng Nguyễn Đình Minh khi ngẫm về một câu “ca dao” trong cái nhìn, cái “nghiệm” trước hiện thực cuộc đời : “Nổi nênh mặt nước cánh bèo/ Câu ca dao ấy mang theo một đời”. Hoặc : “Người đi mang cả cuộc tình/ Mảnh trăng rơi xuống sân đình vỡ đôi” (Tiễn người). Hoặc, khi trước “Mùa hoa gạo” : “Làng giống một bàn tay run trong cơn đói/ Trăng vẹt cong như chiếc lá lúa gầy…”
Quả tình, không nghi ngờ gì nữa, Nguyễn Đình Minh đã đi từ “cái Có”, cái nội lực của hồn thơ nơi trời phú cho anh. Nền tảng này sẽ bắt đầu, sẽ làm nên những lộ trình là gì, ở niềm tin, ở bến bờ hẹn đợi.
Vận động, đổi khác để có được cái Mới, cái Hay là “cái khát” của mỗi người cầm bút ở dọc đường tìm kiếm. Nguyễn Đình Minh đã gắng “thoát ra khỏi mình,” mở một hướng tìm ở chặng đường chuyển tiếp này bằng “Ủ ấm trái tim”.
Vâng. “Ủ ấm trái tim”. Mà, trên hết là người viết tự “ủ ấm trái tim mình” trước bao nhiêu “khỏang trống” cần phải được lấp đầy. Bởi, nhà thơ, người luôn đeo nặng trong mình bao nỗi niềm trước ngổn ngang thế sự. Bởi, nỗi dày vò trong suy tư, cảm nhận kia, với thơ, sẽ “giải thóat”, sẻ chia thế nào trong tư duy, kiến giải.
Rồi, với thơ. Thật quan trọng là phẩm cách, thể cách. Là cái “hồn.” Và, cái “giọng” thơ vậy !
Ở “Ủ ấm trái tim”, dễ thấy, Nguyễn Đình Minh đã ý thức khá rõ trên một dòng chảy mới. Một giọng điệu thơ trong vận động, tái tạo. Nhà thơ đã lận lội giữa bộn bề, xô tấp của những câu thơ được đẻ ra từ cái nền mà người viết luôn bám theo “đại giác”. Đại giác của cảnh. Đại giác của sự. Đại giác của cái gọi là Thời và Đời ... Để rồi, thi liệu cộm lên cái va đập, diện kiến. Cái cảm ngỡ lặn sâu dưới cái nghĩ trội vượt.
Ví như, khi nhìn vào khoảng không gian biến đổi, Nguyễn Đình Minh chợt thốt lên trong “Hiểm họa”. Thơ tựa vào “giọng điệu mở,” thơ bước qua những ràng buộc nhịp vần, câu chữ để có sức khái quát, bao trùm trong gợi tình, gợi cảnh: “Những ngôi nhà cao tầng vươn giữa trời xanh/ Sự ngạo nghễ che dấu điều khao khát/ Không gian/ Con đường bê tông/ Oằn mình trong từng cơn nóng lạnh/ Dưới trăng mơ thầm thĩ tiếng cỏ xanh…
Hoặc, vẫn là giọng điệu ấy, Nguyễn Đình Minh lại kiếm tìm ở một năng lượng mạnh được dồn vào “cái nghĩ” :
“Cỏ nhỏ nhoi/ Cắm rễ xuống cỗi cằn tìm đất sống/ … Chút mầm xanh ngơ ngác/ Nghe dế mèn hát khúc hồng hoang…” (Đêm rác)
Hoặc, khác hẳn với mảng thơ đẫm chất trữ tình, ở “Ủ ấm tái tim”, Nguyễn Đình Minh đã đi trên giọng thơ xô bồ, đanh chắc. Thơ khóang đạt một không gian của tầng nổi để khơi sâu cái lắng đọng tầng chìm.
Dĩ nhiên, với thơ, điều cao sâu, cốt lõi, là “hồn”. Là trái tim nhà thơ trong vệt loang thấy được ở sức rung, ở sự quan tâm của người nghệ sĩ đi giữa vũ trụ, giữa năm tháng, cõi người ? Nhưng, giọng thơ, một trong những hình thức đã góp phần làm nên Nguyễn Đình Minh ở cách xới lật, cách khơi dậy điểm sáng với sức mạnh, với những ấn tượng riêng của nó. Ở “Ủ ấm trái tim”, Nguyễn Đình Minh đã tựa vào “lối mở” này để tạo nên những lát cắt qua rất nhiều đối thoại.
Từ, “… Siêu bão đổ vào bờ
Những thành quách lâu đài nghiêng ngả
Đại thụ gẫy cành bật tung gốc rễ
Biết bao loài tầm gửi bị cuốn trôi …” (Nghĩ trong mắt bão).
Hay, đến “Thời kinh tế thị trường”, vẫn là khuôn định ấy, nhưng Nguyễn Đình Minh muốn mình khác đi ở những gì quen thuộc trong lối cũ cái dễ trơn, dễ xuôi êm bằng sức đốt cháy những câu thơ se, đanh. Đặng, đem lại cho người đọc cái ranh giới, cái tiếp cận khi “đưa thơ hướng về văn xuôi trong đổi mới, nhập hòa” :
“Thời kinh tế thị trường/ Tình yêu phập phồng cùng thông tin chứng khóan/ Tai nghe lời yêu, tai hướng về giá hàng tăng giảm/ Ghế đá công viên nụ hôn hình như cũng gấp gáp hơn” …
Và đây nữa, cũng từ lối mở ấy mà người viết thức dậy ánh sáng nhận biết. Hoặc, phát hiện được những cảm xúc tinh sâu trong nghĩ suy, luận thuyết : “Những cơn mưa và những cơn mưa theo mùa rồi cũng ngớt/ Trả lại tiếng chim kéo bổng trời xanh/ Nhưng có cơn mưa không mùa, không dứt/ Cơn mưa trong trái tim người đàn bà thời chiến tranh …” (Cơn mưa)
Hoặc, đây là cái “ngộ” khi nhà thơ ngắm nhìn “Những bông hoa giả”:
“ Lộng lẫy chẳng thể lụi tàn/ Trăm kiểu dáng/ Những bông hoa rực rỡ trong tủ kính/ … Không rễ bám đất sâu/ Không có mặt trời bỏng rát/ Không cả hoàng hôn/ Không có những đêm ủ sương/ Và nồng nàn ấm lạnh …” v.v …
Tránh khỏi lối “luận đề” khô cứng, Nguyễn Đình Minh có được những tứ thơ, bộc lộ khá rõ thái độ, tư tưởng, tình cảm của nghệ sĩ sáng tạo qua cách nhìn, qua những lát cắt, biểu hiện cái bất ngờ, sâu ở các bài “Đồng hóa, Cái chết, Trái tim người đẹp, Những bông hoa giả” v.v …
Ở “Ủ ấm trái tim”, với Nguyễn Đình Minh, bên cạnh một giọng điệu mới mẻ, đổi khác, người hành trình vẫn muốn cái hiệu quả cùng lúc có được ở sức mạnh tổng hòa các yếu tố kết đọng. Đó là, cái thật riêng ở ngôn thi, hình thi. Ở bài thơ, ở câu thơ cần sức đẩy, sức nổ, sức cháy riêng nữa ở cả giọng và hồn. Ở cái cảm đam mê với cái nghĩ trầm lắng. Rồi, nghệ thuật kể và tả. Kể và Gợi. Rồi, cụ thể và trừu tượng. Phi lý và hữu lý v.v …
Cái quý ở “Ủ ấm trái tim”, ở Nguyễn Đình Minh là nhà thơ đã đi từ chính mình mà “thoát mình,” để tìm mình ở một bến bờ, thử thách mới.
Trong bộn bề của dòng trôi dẫn dắt, những đồng vọng, những tự vấn, những cắt nghĩa có được từ hai chiều : “Ta” và “cõi Nhân sinh dài rộng, Nguyễn Đình Minh đã tự thắp lửa ở mảng thơ như thế … Trước tiên, anh đã “Ủ ấm trái tim” mình!
Hải Phòng, Những ngày Trọng Đông, 2011
KC