Đọc thơ Nguyễn Đình Minh và nghĩ…

Nhà thơ Trần Nhuận Minh - Ủy viên Hội đồng thơ – Hội Nhà văn Việt Nam

1 -  Đọc thơ  của tác giả nào, tôi cũng chỉ chú ý có 2 điều thôi. Một là thông điệp của tác giả đó, có hay không, nếu có thì nó là cái gì, cái đó có rõ ràng sáng tỏ không? Và thông điệp đó viết ra từ gan ruột tác giả hay từ ngọn bút của tác giả? Hai, sau khi gấp sách lại, câu chữ có dư chấn gì không ?  ở trong lòng mình? Có hay không? Có thì có đến mức nào? Các cụ xưa gọi cái này là dư ba, là ý tại ngôn ngoại, là chữ tràn ra ngoài lời…Giống như tiếng chuông chùa, sau khi vị tăng thỉnh chuông xong, đã đặt cái vồ vào một góc tường rồi và đã bước ra, tiếng ngân của cái chuông, vẫn còn văng vẳng mãi… Người có chuyên môn cao, sẽ chỉ nghe tiếng chuông ấy thôi, mà nhận ra lượng vàng chung đúc trong quả chuông này, chiếm tỉ lệ  bao nhiêu phần trăm…

Tác giả nào có điều thứ nhất, tôi xếp loại  GIỎI. Tập thơ  nào có điều thứ 2, tôi xếp vào loại  HAY. Tôi đọc thơ Nguyễn Đình Minh cũng với tiêu chí ấy.

2 – Về thơ Nguyễn Đình Minh, tôi nghĩ thơ anh thuộc loại ôn hòa, trầm tĩnh, cấu trúc chặt chẽ, cân đối, câu chữ có độ tinh luyện nhất định. Tôi không thấy bài nào non tay, cũng không thấy câu chữ nào non lép. Đó là một ưu điểm, chứng tỏ tác giả là một người chịu học và có nghề, cũng là người lao động thơ nghiêm túc. Anh đi ra từ truyền thống và vẫn neo giữ được cái hơi của truyền thống trong các suy tư hiện đại, trong các chuyển tải tới bạn đọc những điều mới, cần quan tâm của ngày hôm nay. Truyền thống nhưng không bảo thủ, công thức và sáo mòn. Hiện đại nhưng không gay gắt, rối rắm và cực đoan, nhất là trong cách đặt câu và dùng chữ. Với các bước đi hài hòa và tương đối ổn định như vậy, tôi nghĩ là thơ anh sẽ còn đi được xa, sức còn giữ được bền, anh sẽ có nhiều người đọc hơn và đồng cảm với mình nhiều hơn một số tác giả khác. Có thể nói đó là một ưu điểm lớn của thơ Nguyễn Đình Minh. Nhưng chưa đủ.

3 - Và như thế, tôi rất coi trọng biểu cảm, bao gồm giọng điệu và các biểu hiện về hình thức, như cấu trúc, đặc biệt là ngôn ngữ và các hình thái biến động của nó. Dù nó có vị thế đặc biệt trong sự giao lưu với người đọc. Nhưng nó vẫn không phải là cái quan trọng nhất. Cái quan trọng nhất là các thông điệp mà tác phẩm phải chuyển tải tới người đọc. Cũng như con thuyền, cần phải chở  MỘT CÁI GÌ ĐÓ đến bến, còn chở bằng thuyền nan, thuyền gỗ hay thuyền sắt, dùng máy bao nhiêu sức ngựa hay như ngày xưa bao nhiêu tay chèo, nói cho cùng là rất cần thiết, nhưng đâu có phải là quan trọng sống còn, nếu con thuyền ấy giữa đường không bị đắm. Cái quan trọng nhất vẫn là chở cái gì, có cập được vào cái bến cuối cùng hay không? Tôi nghĩ là Nguyễn Đình Minh đã ý thức được điều này, nhưng ý thức ấy chưa đủ mạnh, để nó thành một ám ảnh nghệ thuật, để tạo ra sức nặng của các câu thơ. Và nó nhất quán.

4 – Có nhiều cách viết khác nhau. Viết theo cách nào cũng được, miễn là nó đạt hiệu quả. Nhưng tôi cho rằng, một tác giả đạt đến sự giản dị mới thực là có chân tài. Như Nguyễn Du. Tôi nghĩ thơ hay thường giản dị và thơ giản dị mới là thơ khó viết. Bởi vì sao? Bởi vì tâm thế phải thật trong trẻo mới viết giản dị được. Ý tưởng phải thật dồi dào mới viết giản dị được. Kiến văn phải thật thâm hậu mới viết giản dị được. Bút pháp phải thật già giặn mới viết giản dị được. Ngôn ngữ phải thật phong phú mới viết giản dị được. Đạt được cái giản dị là không dễ vậy. Không có những yếu tố trên, câu thơ sẽ rơi xuống giản đơn. Giản dị khác giản đơn là ở những điều ấy và như thế, cái giản dị đối lập với cái giản đơn. Trong nghệ thuật, giản đơn là tự sát. Thơ Nguyễn Đình Minh dường như còn băn khoăn khi chọn cho mình một bút pháp vừa nhất quán, cổ điển,  vừa phóng túng. Ở những bài thành công, anh đang tìm đường để đến với sự giản dị.

      Để gây ấn tượng nhanh, một số bạn trẻ, đã đề cao các thủ thuật của hình thức, và có người coi đó như là một cố gắng sinh tử của ngòi bút mình theo xu hướng “ hậu hiện đại” mà Phương Tây đã loại bỏ từ khoảng hơn 80 năm nay. Tôi nghĩ, các bạn đó đã nhầm và nội dung của “ hậu hiện đại” các bạn ấy, hiểu thế cũng không đúng, nhưng ta không bàn điều đó ở đây. Theo dõi thơ Nguyễn Đình Minh từ dăm bảy năm nay, tôi thấy anh không chọn cho mình phương cách này. Cũng coi anh là người có tầm nhìn xa. Các cái mốt đó nhằm tạo ấn tượng để buộc người ta phải chú ý ngay, là một chọn lựa có lẽ là cần thiết, nhưng nghĩ xa hơn, sẽ thấy nó nông nổi và nhất thời. Sau ít thời gian ngơ ngác, hoặc chăm chú theo dõi,  người ta sẽ chán, sẽ quên ngay. Và người có trí tuệ, sẽ nhận ra nó không phản ảnh được một điều gì là cốt lõi của sự sống.

5 -  Nói thơ Nguyễn Đình Minh đi ra từ xu hướng truyền thống là nói về tổng thể, về cái cốt lõi.  Không ít tác giả  viết theo xu hướng này, cuối cùng làm mình lẫn vào trong một dàn đồng ca của thơ hiện nay, có người lẫn đến mức cuối cùng bạn đọc không nhận ra cái cốt cách riêng của mình nữa. Tôi nghĩ là Nguyễn Đình Minh đã nhận ra điều ấy và anh đã cố tránh để tự tìm cho mình một lối đi riêng. Nhiều câu thơ của anh, lời lẽ đẹp, ngôn ngữ có dụng công, kiểu như: “ Chút gió se gỡ rối tóc tre làng” hoặc như “ Sóng bạc đầu về, tư lự gối bờ trăng”… Nhưng thú thực, tôi yêu những câu này hơn và nhớ về thơ anh, chắc  là tôi sẽ nhớ nhiều hơn những câu thơ như thế này: “ Cái ác đốt thành tro mà chẳng bao gìờ chết”,  hay:““Trong mê muội, quyền năng là bất tử ”, Hoặc:“Trong khi rình và giết con mồi / Thú hoang vẫn giữ nguyên mặt thật”… Đó là những câu sắc bén, giản dị mà vẫn sâu sắc,  có hương vị của trí tuệ và có dư ba… Những câu này trong thơ Nguyễn Đình Minh không nhiều, nhưng nó hé ra cho tôi thấy một năng lực khác của Nguyễn Đình Minh, để tôi có cơ sở mà tin rằng, nếu anh đưa thơ mình chủ yếu đi theo cách tư duy nghệ thuật này, coi nó là xu hướng sáng tạo cốt lõi của mình, thì trong tương lai, chúng ta sẽ có một nhà thơ xuất sắc.

6 – Mới đây, nhà văn Ma Văn Kháng có một bài viết rất tâm huyết đăng trên báo Văn Nghệ, khẳng định rằng, trong thành công của một nhà văn, tài năng chỉ chiếm 10%, phúc phận 20%, còn 70 % là sự may mắn. Tôi tin vào sự chiêm nghiệm và tổng kết của nhà văn Ma Văn Kháng. Vì vậy,  với tư cách là một bạn nghề, tôi chúc mừng thành công của Nguyễn Đình Minh, và nhân dịp này, xin chúc nhà thơ Nguyễn Đình Minh và các nhà thơ, các nhà văn cùng các bạn, có rất nhiều may mắn, để chúng ta sẽ có những thành công tốt đẹp hơn, những thành công cao hơn.