Giải mã những bài thơ đậm chất triết lý trong tập thơ “Ủ ấm trái tim” của Nguyễn Đình Minh

PGS.TS Nguyễn Đức Thuận -  Nguyên Trưởng khoa Ngữ văn trường Đại học Hải Phòng

Đọc tập thơ Ủ ấm trái tim của Nguyễn Đình Minh, bên cạnh chất trữ tình đằm thắm của một hồn thơ vốn xuất thân và gắn bó với đồng quê và mái trường, tôi cho rằng: còn có một dòng chảy lấp lánh chất triết lý trong thơ anh.Nguyễn Đình Minh có thơ đăng trên thi đàn đã khá lâu, từ những năm 80-90 của thế kỷ trước. Đến nay, anh đã có 6 tập thơ cho ra mắt bạn đọc, từ tập thơ đầu tay Câu hát ngày xa (NXB Hội Nhà văn, 2004), tiếp đến Người hát quan họ đêm Tây hồ (NXB Văn hóa dân tộc, 2005) rồi đến Ủ ấm trái tim (NXB Hội Nhà văn, 2011), Mắt cỏ (NXB Văn học, 2013), Thức với những tập mờ (NXB Hội Nhà văn, 2014) và mới đây là Lặng lẽ đời cây (NXB Văn học, 2016). Tác giả của những tập thơ này đã được nhận các Giải thưởng của: Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2013), Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng (các năm 2011, 2012), T.Ư Hội khuyến học Việt Nam (2010)… Anh đã khẳng định chỗ đứng khá vững vàng với tư cách của một nhà thơ Việt Nam hiện đại.

Không ồn áo, lên gân, không cố mặc vào cho thơ mình bộ áo đặc quánh và rối rắm về chữ nghĩa ngôn từ của phạm trù triết học, Nguyễn Đình Minh có một cách thể hiện giọng điệu triết lý riêng trong thơ. Khác với những nhà thơ như Trần Dần, Chế Lan Viên…thuở trước, chất triết lý trong thơ Nguyễn Đình Minh không biểu hiện ở những khái niệm triết học, mà thường ẩn trong những hình ảnh thơ và những ngôn từ thơ. Hình ảnh trong thơ anh đậm đặc và chúng đảm đương nhiệm vụ chuyên chở những ý nghĩa triết lý nhân sinh. Anh cho rằng, thành quả không từ trên trời rơi xuống. Để có được “cây lục bát” tài hoa và sự thành danh như Đồng Đức Bốn, nhà thi sỹ đồng quê ấy đã phải nhặt nhạnh:

Chắt chiu gom một vốc hạt

Bòn từ vỉa quặng thời gian

Chất dầy những đớn đau

Rồi nhà thi sỹ ấy còn phải biết tích góp, chịu khó:

Xin từ cánh cò, hạt nước, gió đất, mây trời

Hòa trong rượu nhạt

để mới có được những bài thơ “Nở hương thơm của ca dao/ Trĩu nặng cành cây lục bát” (Cây lục bát). Thông điệp mà Nguyễn Đình Minh muốn gửi tới bạn đọc: người làm thơ, để có thơ hay đã phải lăn lộn, đam mê với cuộc sống, thậm chí đến mức phải “đổ mồ hôi óc” (Xuân Diệu) thì mới có được những vần thơ tỏa sáng. Chuyện “nghề”, chuyện “bếp núc” trong sáng tạo thơ, anh cho phải là như vậy! Không thể dễ dãi và càng không thể lười nhác, cẩu thả trong sáng tạo! Sống một nhịp với cuộc sống lớn, sống với “cái ta” và cả với “cái tôi” thi sỹ, để có được chất sống và tình yêu mới tạo rung động cho thơ. Trong bài “Câu chuyện hoa sen” anh lồng gửi vào đó một nghĩ suy mang tính triết luận: liệu ở trong “tháp ngà” của cuộc sống, tâm hồn thơ có tỏa ngát hương sen?

Trong giếng ngọc hoa sen liệu có còn thơm không?

                                                                           (Câu chuyện hoa sen)

          Nhiều khi, trong cuộc sống, người ta trốn chạy, xa lánh, dửng dưng và “vô cảm” với những “rác bên đường” của cuộc đời (“Trăng lướt vội, lo long lanh thành nhem nhuốc/ Gió chạy qua, sợ vấy tanh hôi”). Nhưng chỉ có cỏ, cỏ “nhỏ nhoi”, “câm lặng”, “tự ném mình vào trong rác” cắm rễ xuống cỗi cằn để tìm chất sống, “quằn quại sinh sôi”, và thật bất ngờ là sức vươn dậy của cỏ, cỏ bật ra từ rác bẩn “tanh hôi”, “nhem nhuốc” một “Chút mầm xanh ngơ ngác/ Nghe dế mèn hát khúc hồng hoang” (Đêm rác)… Ở đời, biết chia sẻ với những thân phận bất hạnh, biết nhận về mình nỗi gian khó, thì cũng có thể nhận lại từ nơi ấy những niềm vui, niềm hạnh phúc! Triết lý mà mang giá trị nhân văn sâu sắc. Biết sưởi ấm cho mọi người thì chính mình cũng được nhận về hơi ấm! Thơ Nguyễn Đình Minh đậm chất nghĩ suy, chất triết lý, nhưng anh thể hiện điều cần nói lại rất nhẹ nhàng, có hình, có sắc, có độ sâu như thế!

Điều diệu kỳ và hạnh phúc trong cuộc sống của mỗi con người là tình yêu. Nhưng tình yêu thật mong manh, dễ vỡ, “đêm đen và bão tố, bất thường” có thể xảy ra bất kỳ lúc nào! Một người đã có nhiều trải nghiệm về cuộc sống ở tuổi anh, anh đã có thể nhận ra: “Thế giới của trái tim mỏng manh/ Không quy luật và đầy bất trắc”! Chẳng có gì ngạc nhiên cả, đáng trách là tại bởi “người đàn ông vụng dại trong ta/ đi yêu bằng mắt” (Trái tim người đẹp)! Nhưng xưa nay, đàn ông vẫn yêu như vậy!

Câu chuyện ở “Phòng cấp cứu” là cuộc chiến đấu sinh tử về sự sống và cái chết, được ẩn dụ hóa giữa “bóng đen” với “thế giới trắng” của những cánh áo blu. Chỉ có thể “bằng tình yêu và lửa” nhiệt tình của những trái tim nhân ái, bằng đạo lý của tình người “với những dòng mồ hôi túa lạnh” mới có thể “hủy diệt” được bóng đen của thần chết! Tôi nói tính triết lý của thơ Nguyễn Đình Minh ẩn vào hình ảnh là bởi thấy như vậy! Chìa khóa giải mã những điều anh nghĩ suy và anh gửi gắm trong thơ của mình, đó chính là những hình ảnh thơ! Nguyễn Đình Minh là nhà thơ, dù viết thơ triết lý, anh vẫn đi đúng với quy luật và đặc trưng của văn chương xưa nay. Ví như “Cây gỗ mục quang dầu” hẳn sẽ đẹp lên rất nhiều, có khi giá tới “ngàn Đô”, nhưng nó “nếu làm củi không đủ sôi ấm nước”. Thế mà người đời “nâng niu như nâng trứng hứng hoa”! Nó đối lập với bó củi người mẹ già phải “oằn lưng vượt dốc” mang về, mà “giá rẻ như bèo”.  Bởi vì suy cho cùng:

Trăm sự đều từ con người

Thổi sương mù vào con đường chân lý

Biến những cái cần thành vô nghĩa

Nâng niu những cái có không cần.

                                             (Nghĩ về cây)

          Bài thơ này anh lấy triết lý từ cảm hứng văn chương dân gian, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Vấn đề hình thức và nội dung trong triết học cũng là một trong những vấn đề cơ bản.

          Hai bài thơ anh xếp liền nhau: “Và lá mãi mãi trong cây”“Đêm hoa quỳnh” cho thấy tác giả gắng sức đi tìm ý nghĩa của sự sống như thế nào. Biện chứng của sự sống là sự phủ định để phát triển. Em “đừng đau khi thấy cành trơ vỏ/ Lá vẫn hoài thai trong cây”. Anh đã quan sát và nghĩ suy thật lâu về bông hoa quỳnh khi hoa nở về đêm: “đau đớn nụ trồi ra”, “nụ hoa khóc chào đời” trong tiếng gió hoan ca mừng vui, trong tiếng vĩ cầm của chú dế mèn, trong giọt nước mắt của cỏ… Khi đứa bé cất tiếng khóc chào đời, hạnh phúc cũng đi ra từ nỗi đau xé ruột của người mẹ. Sự sống hiện hình và sinh sôi từ những đớn đau! Không có ngoại lệ!

          Nhận thức giữa “thực” và “ảo” trong cuộc sống cũng không hề dễ! Bài thơ “Không gian” cho thấy tác giả đã dùng trí tưởng tượng để nói đến một vấn đề rất sâu sắc, đó là sự nhận biết về chính bản thân mình. Con chim soi và hót trước gương, rồi soi trên mặt nước sông, tất cả đều là ảo ảnh! Chỉ có lượn bay giữa một vùng “không gian rộng lớn trong “gió vương hương đồng ngai ngái”,“dưới cánh bay”“bạt ngàn màu xanh cỏ dại”, chim mới cảm thấy “hân hoan” với môi sinh … “Những bông hoa giả” rực rỡ trong tủ kính không một lần được “uống ánh trăng tan”, và cũng không cảm nhận được sự “nồng nàn ấm lạnh” của thiên nhiên thì làm sao có được vẻ đẹp “thắm sắc màu thân thiết’ như bông hoa của tự nhiên. Điều ngộ nhận của con người nhiều khi bắt đầu từ những nhầm lẫn giữa “thực” và “ảo”!

Sự sống và cái chết là quy luật muôn đời của thế gian. Nhưng “Thượng đế vô tâm” “mấy trăm tỷ năm” nay đã “quên ban cho mặt trời đặc ân/ được chết”! Hình như “đặc ân” đó của Thượng đế đối với mặt trời có trái quy luật? Có thể nói, Nguyễn Đình Minh là một nhà thơ có sức suy nghĩ táo bạo và cũng…khá lạ!

Trong “Chiều Bái Đính”, ngắm những Đức Phật tọa nơi Đài sen ngàn năm, anh thấy:

Phật quá khứ lặng im.

Phật hiện tại bấm đốt ngón tay tính toán

Phật vị lai hy vọng mỉm cười.

Tiếng chuông vang trong thinh không đánh thức nỗi niềm trăn trở của nhà thơ, liệu rằng:

hạt Bồ Đề

có nảy mầm cây?

          Nguyễn Đình Minh cũng có những bài thơ anh lấy tiêu đề trực tiếp từ những khái niệm triết học, như các bài “Không gian”, “Thời gian”, “Vật chất”…để nhận diện bản chất của sự sống. Sự sống là bất tử, vượt lên trên tất cả! Sự sống thách thức thời gian! Nhưng nếu trong cuộc sống này, con người sống “giữa dòng văn minh vật chất phù hoa” thì tình người sẽ ra sao? Có thể sẽ là những cái bắt tay với “bàn tay tượng gỗ”, sẽ là “nụ cười/ như bấc cạn dầu”, “những đứa con lạnh lùng rời vòng tay cha mẹ”, vô cảm! Anh rung lên tiếng chuông cảnh báo về sự “động đất” giữa “văn minh vật chất phù hoa” với tinh thần, tình cảm của con người! Anh liên tưởng đến “Những cơn bão không có gió”, biết bao nhiêu triết gia, chính trị gia đã nói nhiều, viết nhiều “vì con người, vì một đất nước”, nhưng chiến tranh vẫn cướp đi bao nhiêu “sinh linh”, “những dòng máu đỏ” vẫn “chan vào nhau”, “những màu da xếp chồng nhau/ trên cỏ/ đợi ngày trở lại cõi hồng hoang” cát bụi… Chỉ có những trái tim vĩ đại và nhân ái của người mẹ mới gánh nổi những nỗi đau vô tận của “những cơn bão không có gió” ấy!

Đề tài thơ triết lý trong tập thơ Ủ ấm trái tim của Nguyễn Đình Minh khá rộng. Anh quan tâm tới những vấn đề chính trị lớn lao, như vấn đề chiến tranh trên thế giới và sự sống con người, vấn đề đồng tiền và nhân phẩm (Cuộc chiến sinh tồn), những tính toán sai lầm của các nhà chính khách có thể đem đến “vô cùng nhiều cái chết” và những “thảm họa dai dẳng kinh hoàng” cho con người (Cái chết). Anh “Thưa chuyện với Trạng Trình” về “đạo Thánh nhân”: “Dân vi quý”, “Dân vi bản” là điều luôn “được thắp sáng giữa đời”…

Tuy nhiên, còn một vấn đề anh không thể không quan tâm, là vấn đề nhận diện “cái thật” và “cái giả”, “cái thiện” và “cái ác” xáo trộn trong cuộc đời. Với một nhà thơ, điều đó không thể không đặt ra trong nghĩ suy. Bài thơ “Mặt nạ” và bài thơ “Những chiếc áo thiên thần” có cùng ý tưởng như thế của tác giả. Con thú hoang rình giết con mồi “vẫn giữ nguyên mặt thật”, người nghệ sỹ dùng mặt nạ như một ẩn dụ để che đi cảm xúc, “Nhưng trong cuộc đời/ con người thích đeo mặt nạ”… là để nhắm đến những toan tính vị kỷ! …Triết lý trong sự đối sánh đem đến nhận thức sâu và ấn tượng cho độc giả. Người ta mặc vào “những bộ comple sang trọng”, đeo huân chương trên ngực áo, rồi mỉm cười (xã giao, giả dối) với nhau, cũng là để mưu cầu đua tranh quyền lực. Thước đo giá trị con người nhiều khi đã bị đảo ngược (Nghĩ trong mắt bão)…

Những bài thơ triết lý trong tập thơ Ủ ấm trái tim của Nguyễn Đình Minh giàu hình ảnh. Triết lý sâu mà vẫn giàu chất… thơ, không nặng nề, giáo điều. Sức mạnh của nghệ thuật thi ca là ngôn ngữ hình tượng. Điều này thực sự lại đấy ắp trong những bài thơ triết lý của tác giả. Tiết tấu của những bài thơ này được tạo dựng từ những nhịp thơ chắc và khỏe. Đó cũng chính là điểm mạnh trong tập thơỦ ấm trái tim của Nguyễn Đình Minh.

Trên quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, giữa đồng bằng vàng lúa và xanh tươi hoa màu, nơi ấy đã xuất hiện một nhà thơ nối tiếp tiền nhân thuở trước, anh đã có những dòng thơ đậm chất triết lý, đem đến cho bạn đọc những giờ phút ngẫm suy về cuộc sống. Điều đó thật thú vị. Nhà thơ nổi tiếng Bạch Cư Dị đời Đường (Trung Quốc) cho rằng: “Gốc của thơ là tình cảm. Lá của thơ là ngôn ngữ. Hoa của thơ là âm thanh. Quả của thơ là nghĩa lý”. Nhà văn Nguyễn Tuân thì nói, đại ý: Thơ là cái gì đó đóng lại, còn người đọc có trách nhiệm mở ra những nội hàm tiềm ẩn ở bên trong. Thơ Nguyễn Đình Minh bước đầu cũng đã có được tinh thần của những câu nói đó. Giải mã chất triết lý những bài thơ trong tập thơ Ủ ấm trái tim của Nguyễn Đình Minh để cùng tác giả tiếp cận với vẻ đẹp muôn màu của cuộc sồng, trong đó có vẻ đẹp về trí tuệ, tư tưởng, đánh thức những liên tưởng tiềm ẩn trong thế giới tâm hồn của mỗi người, âu cũng là một điều mà bạn đọc thơ anh thầm cảm ơn tác giả.

 

                                                        An Hưng thự viên, trung thu 2018

                                                                                N.Đ.T