Cuộc sống cần lời yêu thương

(Nhân đọc tập thơ Ủ ấm trái tim của nhà thơ Nguyễn Đình Minh, NXB Hội Nhà văn)

                                                        Dương Thị Nhụn - Tạp chí văn nghệ Cửa Biển

CARWYH9RTrong lúc người người làm thơ như hiện nay và thơ đang đi tìm một hướng đi mới cho phù hợp với nhịp sống hiện đại thì để tìm ra một tập thơ đáng đọc và tìm ra một tác giả có phong cách dường như hơi khó. Cũng có thể đâu đó có tác giả cố công tìm kiếm cách thể hiện mới để hoà nhập với thế giới song khó được người đọc chấp nhận. Người ta nêu ra các khái niệm mới như “hiện sinh”, “hậu hiện đại” hay “tự do”... để đưa thơ vào trạng thái rối rắm bằng cách đánh đố câu chữ với người đọc, thậm chí người đọc không thể hiểu nội dung của một bài thơ cụ thể nào đó nói lên điều gì. Thật may, Nguyễn Đình Minh với tập thơ thứ ba “Ủ ấm trái tim” đã không đi vào mê hồn trận của cách diễn đạt khó hiểu đó.

Nhà giáo- Nhà thơ Nguyễn Đình Minh, hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng, đã đến với thơ từ những năm 80 của thế kỉ trước. Anh lấy thơ làm điểm tựa cho cuộc sống đang chứa đựng đầy rẫy những bất trắc. Thơ chỉ rung lên khi trong anh đầy cảm xúc. Trước những đau thương mất mát hay bắt gặp chỉ một khoảnh khắc bất ổn trong đời thường đã thấy những câu chữ hiện ra. Từ hiện thực trần trụi xuất hiện tầng lớp ngữ nghĩa  khiến người đọc phải ngẫm ngợi, đôi khi xót xa. Chính vì thế mỗi người cần “Ủ ấm trái tim” như nhà thơ Nguyễn Đình Minh mong muốn.

Đã đến với thơ điều đầu tiên là phải có trái tim nhạy cảm. Nguyễn Đình Minh suy nghĩ về cuộc đời, thế sự đang diễn ra bằng một giọng điệu thơ đầy biến động.

Cỏ là sinh vật cần loại bỏ khi nó tồn tại ở chỗ không thuộc về nó. Song cỏ là mầm sống mạnh mẽ khiến các sinh vật khác phải khâm phục:

Cỏ nhỏ nhoi/ Cắm rễ xuống cỗi cằn tìm đất sống/ Lá hổn hển cỏ xanh trong bụi bặm/ Trong chất chồng những khạc nhổ lên men/ Những mục nát cũ mèm/ Bòn giọt nắng/..... Chút mầm xanh ngơ ngác/ Nghe dế mèn hát khúc hồng hoang.

Giữa thời kinh tế thị trường, vạn vật chen nhau tồn tại. Nhà cao tầng, đường bê tông hay những con tàu của thế giới văn minh: ... “một ngày/ bật tiếng kêu vì mất những bình nguyên xanh” là lời cảnh báo cho những con người Vật vã trong văn minh công nghiệp thì con người cần phải cân bằng cuộc sống bằng cách riêng của mình. “Dẫu giao thừa có đến ở giữa đường/ Nhưng vẫn biết có người thân mong ngóng.” Và ngộ ra: “Bao bạc tiền bỗng chốc có như không”

Nhà thơ Nguyễn Đình Minh có cách nhìn lí trí với một tâm hồn thi sĩ, do vậy  thơ anh không có cảm giác bơ vơ, mất mát và sướt mướt nuối tiếc những cái đã qua. Nhìn về quá khứ qua lăng kính làng cũ, chợ quê hay kỉ niệm xưa cũ vẫn thấy một lối ra. Anh yêu làng quê theo cách riêng và gắn bó máu thịt với nó: Ta không phải người Digan/ Quấn lều chạy xa mùa lá vàng/ .../ Ta không phải bầy chim di trú/ Tránh gió phương Bắc tìm nắng phương Nam/ Sinh ra trong bùn/ Mồ hôi nhuộm vàng bông lúa/ Còng người trong cối xay tre/ Nghe hạt thóc xiết vỏ mình thành gạo/ Mùi cơm quê thơm suốt cuộc đời.

Sự tương tác giữa tình cảm con người và hoàn cảnh tạo nên những cảm nghĩ mà Nguyễn Đình Minh muốn bày tỏ với một phong độ chắt lọc, tinh khiết, không rườm rà, song có mức thông tin cao, đột phát, nhưng cô đọng và khúc triết. Đi qua một thời bon chen tầm thường đầy toan tính như hành xác, không chỉ tác giả mà ai cũng phải giật mình khi một ngày nào đó trở về quê hương. Mọi thứ vẫn bình dị, thân thương và nhỏ bé như ngày ấu thơ. Vẫn dáng mẹ gầy tất tả lo từng bữa cơm manh áo. Và: “Tôi cúi đầu yên lặng/ Hương trầm mang về một không gian/ Cái không gian xa lắc/ Một thời/ Vội vã nghe chiều/ Xúc đổ vào đêm.”

Tập thơ Ủ ấm trái tim khá dày dặn theo nghĩa đen và cả nghĩa bóng. Người đọc không cảm thấy mệt mỏi khi tác giả cứ chú trọng vào một chủ đề hoặc theo một thể thơ nào đó. Suy tư triết luận đan xen với thơ tình yêu, lối thơ tự do như kể có thơ lục bát vần điệu  như Đêm rác, Hiểm hoạ, Vật chất, Những cơn bão không có gió, Cuộc chiến sinh tồn, Tản mạn trước hoàng thành, Bóng....

Dùng thơ để biểu tả cảm xúc trữ tình là điều dễ hiểu. Tác giả giàu nội lực để đi từ cái cụ thể đến cái trừu tượng, từ cái tưởng là mâu thuẫn song thật ra sự vật chuyển động có nguyên do của nó.

Nhà thơ Nguyễn Đình Minh có lẽ cũng đã tự mở cho mình một con đường đến với thi ca.