Cặp câu đối hành trình ngàn năm cùng tết Việt
Khi Tết đến Xuân về, trong muôn nỗi hoài niệm về thời quá vãng, người Việt ai cũng nhớ một cặp câu đối đã hành trình cùng tết Việt mấy ngàn năm “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Có nhiều thứ song tồn cùng ngày Tết cổ truyền và luôn hiện hữu trong những ngày đón tết, nhưng đôi câu đối này như một nét văn hóa khó phai mờ, nó in dấu ấn đậm đà trong tâm thức Việt ở mọi lứa tuổi, cho dù không hiểu mấy về nó nhưng ai cũng thuộc nó và đọc lên hứng thú.
Khó có thể xác định cặp câu đối này ra đời từ bao giờ, nhưng căn cứ theo những khái niệm được dùng chỉ vật trong nó, có thể xác định cặp câu đối phải bắt đầu từ lúc nước Việt có chữ viết và chắc chắn là chữ Hán và khi dân gian xuất hiện thú chơi câu đối tết. Hầu hết các văn bản tồn tại đều thống nhất ở tên gọi sáu yếu tố danh từ, chỉ khác biệt duy nhất một tiếng trong từ ghép nói về “pháo”. Hiện theo chúng tôi sưu tầm được có hai bản, một nói “tiếng pháo” và một “xác pháo” thay từ “tràng pháo”. Ở những văn bản phổ thông câu đối có hai vế, với sáu yếu tố là danh từ chỉ vật được nhắc đến là: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Xét về ngữ âm, có sự đối chỉnh gần tuyệt đối (trắc trắc, bằng bằng, bằng trắc trắc đối với Bằng bằng, bằng trắc, trắc bằng bằng). Ông Phạm văn Hợp (Hội sử học Hải Phòng) có đưa ra vế đối khác trong đó tiếng “Tràng” trong từ “Tràng pháo” được thay bằng “Tiếng” (Tiếng pháo). Nếu vậy xét về mặt đối ngữ âm là chỉnh tuyệt đối, nhưng tiếc rằng văn bản này không mang tính phổ thông. Khi bàn về sự lệch đối ngữ âm, ông Ngô Đăng Lợi, Chủ tịch Hội Sử học( HP) cho rằng, đó cũng là cách hay bởi nó phản ánh thực tế nhân sinh không gì toàn vẹn cả.
Có sáu yếu tố được lựa chọn tiêu biểu cho sắc màu hương vị tết, thì ba yếu tố vật chất (Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh) đi kèm ba yếu tố tinh thần (Câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo). Đó là sự cân đối hòa hợp như mong muốn của tất cả mọi người và cùng tạo lên con số (lục), đó là lộc xuân mà trời đất và cuộc sống ban tặng là âm dương hòa hợp.
Một không khí tưng bừng được tái hiện trong tưởng tượng của người đọc, người nghe khi liên tưởng về những ngày tết xưa: đó là thú ẩm thực có vị béo, cay, dòn, có hương của cánh đồng vị thơm của gạo đỗ xanh; có sắc màu xanh đỏ – những sắc màu nổi bật sinh động tươi vui của mùa xuân và có cả âm thanh giòn giã của tiếng pháo như reo vui giữa đất trời.
Cái độc đáo của câu đối chính là việc đưa hình ảnh “câu đối đỏ” vào trong vế đối. Bởi tất cả sẽ nhạt nhẽo, thô kệch nếu con người không có góc tâm hồn, không có trí tuệ. Hình ảnh “câu đối đỏ” như ánh lửa ấm nồng xua đông tàn, và sáng lên một nét hoa đào giữa ngày xuân. Nó phản ánh thú chơi câu đối ngày xuân của người Việt, đồng thời cũng ngợi ca truyền thống trọng văn của cha ông từ ngàn đời, mà ở thời điểm thiêng liêng nhất của một năm không thể được quên.
Đặc biệt có yếu tố tâm linh mà ngày nay trong dân gian cũng rất ít người chú ý, đó là cây nêu. Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp, là ngày Táo quân về trời, đó là một cây tre cao khoảng 5-6m. Ở ngọn thường treo nhiều thứ: Bùa trừ tà, vàng mã, bầu rượu bện bằng rơm, cá chép giấy (cho ông táo lên trời), giải cờ vải điều, những chiếc khánh (chuông gió) nhỏ bằng đất nung… Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Sách Gia Định Thành Thông Chí (Trịnh Hoài Đức) ghi: “Bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là “lên nêu”… có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ“. Ngày 7 tháng Giêng triệt hạ, gọi là “hạ nêu” trong khoảng thời gian dựng cây nêu đến khi hạ, người Việt kiêng đòi nợ người khác để tạo mối quan hệ tốt đẹp ấm cúng của cộng đồng trong những ngày vui.
Cặp câu đối làm sống dậy một không gian hướng về nhân sinh, hướng về cõi tâm linh với trời cao và tiên tổ. Một ý thức, khát vọng đón cái mới cái đẹp đẽ tốt tươi, song hành với ngăn chặn diệt trừ cái xấu, cái ác. Nó cũng đồng thời mang đậm dấu ấn của cộng đồng cư dân làm nghề lúa nước theo lịch mặt trăng với văn hóa ẩm thực là sản phẩm nuôi trồng và thú chơi trí tuệ tao nhã của một thời “mực Tàu giấy đỏ” cùng tín ngưỡng dân gian đậm sắc màu truyền thuyết.