Chuyện hoa “kỳ”, lá “dị” trong văn chương Việt
Có hay là không có chiếc “lá Diêu Bông” và “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc” đã từng là câu hỏi tranh luận ở đời sống và ngay cả trên văn đàn Việt? Nhưng bỏ mặc các luận bàn, những “kỳ hoa, dị thảo” này vẫn cứ “mọc” và “nở” mãi trong văn chương và trong cuộc sống như những giai thoại mỹ lệ.
“Suốt đời không gặp sắc tầm xuân”
Đó là một phần trong câu thơ của Lưu Quang Vũ “ Hoa tìm mùa xuân suốt đời không gặp/ Anh suốt đời chẳng gặp sắc tầm xuân”. Bỏ đi ý tứ của tầng hàm ngôn thì ý thơ nói một điều có thật, đó là không tìm được màu tầm xuân “xanh biếc”? Hành trình đi tìm màu hoa ấy kéo dài dằng dặc bao năm vẫn chưa thấy. Giai thoại dân gian thì gắn vào đó câu chuyện đối họa giữa Chúa Trịnh Tùng và Tiến sỹ Đào Duy Từ. Theo đó, bốn câu đầu là lời của Chúa Trịnh Tùng với ý gọi vị tiến sỹ tài năng của triều Nguyễn về với nhà Trịnh. Sáu câu sau là lời họa lại với ý vừa là trách cứ Trịnh Tùng vừa thể hiện lòng trung thành với triều Nguyễn của Đào Duy Từ. Giai thoại này gắn với lý giải sắc tầm xuân “xanh biếc” là có thật, vì vùng đất Thanh Hóa quê của vị Tiến sỹ này có loài hoa tầm xuân ra hoa màu tím biếc. Song thật tiếc, theo công trình nghiên cứu của Nguyễn Xuân Đức thì có một loại hoa họ đậu có tên là Tầm Xuân. Hiện nay loài cây này được gọi là Đậu hoa tím, là một loài cây leo, thân thảo, thường được trồng làm hàng rào, quả đậu biếc dẹp và mọc ở các thân …
Sách Cây thuốc và vị thuốc VN của giáo sư - tiến sĩ Đỗ Tất Lợi (NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật, Hà Nội, 1995) thì cho biết: có loại hoa hồng năm cánh sắc màu xanh. Từ căn cứ này đã có nhiều người cho rằng nụ tầm xuân trong bài ca dao chính là nụ của loài hoa hồng xanh này. Tuy vậy loài hoa ấy có những hạn chế di truyền nên không tồn tại trong tự nhiên. Năm 2004, các nhà nghiên cứu mới chỉnh sửa gen để tạo ra hoa hồng có chứa sắc tố xanh. Như vậy thì ở thời đại “ca dao” xưa, nước ta không có loài hoa hồng xanh này.
Thực tế cây tầm xuân trồng nhiều ở Bắc và Trung bộ; theo tài liệu của Viện giống cây trồng Trung ương thì cây mọc thành bụi, toàn thân có nhiều gai nhọn. Lá dạng kép lông chim, hoa có 5 cánh, ban đầu hoa có màu hồng nhạt, sau chuyển sang sắc hồng đậm rồi cuối cùng có màu trắng. Quả hình dạng như quả xoan khi chín màu cam đỏ. Nếu đem so sánh có thể thấy ba loài cây này có nhiều đặc điểm khác biệt, chúng đều không phải là cây tầm xuân nở hoa xanh biếc được.
Đến đây thì nghi vấn được đặt ra là tác giả của bài thơ dân gian này nhầm lẫn giữa hoa đậu biếc với hoa tầm xuân hay còn lý do nào khác? Kết quả đến bây giờ “Nụ Tầm xuân xanh biếc” chỉ có thật trong bài ca dao. Bên cạnh đó là lý giải của các cây bút văn chương cho rằng nụ “Tầm xuân” xanh biếc ấy chỉ là hình tượng ngôn ngữ văn chương biểu thị cho “màu tâm trạng” trong chuyện tình yêu.
“Nào đâu thấy lá Diêu Bông bao giờ?”
Đây lại là câu thơ của Nhạc sỹ Phạm Duy khi chính ông cũng là một nhạc sỹ tham gia phổ nhạc bài thơ “Lá Diêu Bông” của Hoàng Cầm. Với người đọc hiện đại, chiếc lá Diêu Bông ngỡ được khẳng định là chiếc lá “ảo” đã là “mặc định”, thế nhưng không ngờ nó vẫn gây ra những tranh luận. Có tác giả đăng trên Facebook cả quyết đó là chiếc lá vông, vì theo tác giả nó có hình trái tim mà chị Vinh (nhân vật có thật khiến nhà thơ yêu say đắm) muốn đố Hoàng Cầm. Kỳ lạ hơn theo lời kể của tác giả Vũ Tuấn (báo Tuổi Trẻ 2019) thì khi hỏi về nó, bà Nguyễn Thanh Hưởng, một công nhân nghỉ hưu ngay cạnh ga Như Thiết bất ngờ khoe: "Lá cây đó mọc ở gò đất, làm đẹp da hả? Có đấy! Cô dùng từ khi con gái cô còn bé, da nó đẹp nhất vùng này!". Bạn thân của tác giả cũng từng kể ở một vùng hẻo lánh thuộc huyện Bá Thước, Thanh Hóa người Mường lấy một thứ lá trên vách núi để làm bùa yêu. Thậm chí nhạc sĩ Trần Tiến, người đã phổ bài thơ thành nhạc phẩm “Sao em nỡ vội lấy chồng”, cũng kể chuyện người dân tộc Phong Thổ (Lai Châu) có một thứ lá để làm ngải yêu tương tự…
Tuy nhiên chuyện tranh luận về lá Diêu Bông nhanh có hồi kết vì chính tác giả của nó khẳng định trong cuốn Tám Nhịp Tuần Du – NXB Văn Học 1999: “Trước mắt tôi, chị hiện ra rực rỡ như một thiên thần. Ngay lập tức, hồn tôi như bị chiếm đoạt đến đau điếng. Kể từ giây phút định mệnh ấy, tôi mê man chị chẳng còn biết trời đất...”. Mối tình đơn phương của cậu bé 10 tuổi Tằng Việt với chị Vinh thiếu nữ yêu kiều Đình Bảng hơn cậu tới 8 tuổi với một câu đố lửng lơ:” Chị bảo/ Đứa nào tìm được lá Diêu Bông/ Từ nay ta gọi là chồng” trải qua nhiều năm tháng rồi trở thành vô vọng. Khi trở thành thi sỹ Hoàng Cầm thì chính người con gái đó đã trở về với ông trong một giấc mộng và đọc cho ông “chép” bài thơ này.
Câu chuyện tình siêu lãng mạn ấy đã trở thành giai thoại văn chương đẹp đẽ kỳ ảo như vậy và cũng như “nụ Tầm xuân” kia mãi nở biếc xanh làm cho đời sống tâm hồn con người thêm thi vị.