“Cầu kiều” trong bài ca dao cổ
Truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc được thể hiện trong rất nhiều ca dao tục ngữ thành ngữ. Trong số ấy có một bài ca dao rất hay, nhưng trong đó có một từ ghép“Cầu Kiều” thì không mấy ai tường nghĩa: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu kính thày”.
Bài ca có một số dị bản do là văn học truyền miệng, nhưng từ “cầu kiều” ở bài ca nào cũng có. Khi đọc bài ca này, người Việt ai cũng hiểu được thông điệp mà nó muốn truyền tải, đó là phải yêu quý kính trọng người thày thì mới có thể trở thành người tài giỏi hữu dụng; và đó cũng là điều căn cốt nhất.
Mặc dầu vậy để thấu đáo nội dung bài ca thì không thể chỉ hiểu như vậy. Trong bài ca, câu “bát” rất rõ nghĩa, nhưng câu “lục” ẩn chứa tầng hàm ngôn cần lý giải. Cấu trúc của nhiều bài ca dao, các câu lục thường nêu một thông tin có sự tương đồng về hình thức với dụng ý so sánh, để vừa gắn kết và làm sáng rõ ý của câu bát cùng toàn bộ bài ca ; Nhưng ở đây, mật mã là từ “cầu kiều” chưa rõ ám chỉ gì?
Theo từ điển Hán -Việt của Thiều Chửu (1902-1954) là nhà văn hóa, dịch giả, cư sĩ, và từ điển của một số tác giả khác thì có ba cách giải nghĩa khác nhau. Ba cuốn từ điển của Nguyễn Quốc Hùng, Bửu Kế,Thiều Chửu, đều có chung chú thích “Kiều” với nghĩa loại từ là tính từ biểu thị sự cao và cong. Tuy vậy, trong từ điển còn nêu 2 loại nghĩa khác. Đó là từ “kiều”, với loại từ là tính từ lại đồng thời mang nghĩa mềm mại đáng yêu. Cũng tại đây, các cuốn từ điển đồng thời xác định từ “ kiều” mang nghĩa danh từ lại cũng mang nghĩa cao và cong.
Dựa vào cách tiếp cận nghĩa của từ vựng tiếng Việt và thông điệp của bài ca, ta có thể loại được cách giải thích từ “Kiều” mang nghĩa mềm mại đáng yêu. Tương tự từ kiều với loại từ xác định là danh từ cũng không đúng vì “Kiều” tiếng Hán có nghĩa là cầu ; vả lại danh từ không có chức năng bổ ngữ cho danh từ. Một số tác giả khác cho rằng, bởi là văn học dân gian, nên người xưa không chú trọng cấu trúc ngữ pháp trong cách tạo từ. Điều này có thể đúng, nhưng như vậy nghĩa “cao cong” là không có bởi “cao” và “cong” là hai tính từ. Mặt khác, so sánh “Thày” với sự “mềm mại đáng yêu” thì rõ ràng không đạt chuẩn mực.
Như vậy cách hiểu đúng nhất về từ kiều” là: nó thuộc loại từ tính từ, làm nhiệm vụ bổ nghĩa cho danh từ “cầu”; và nghĩa của cả từ ghép là cây cầu cao và cong. Từ đây cũng xác định được từ “kiều” trong bài ca không là từ viết hoa, tức là nó không phải là tên riêng của người hoặc vật.
Vấn đề tiếp tục đặt ra cây cầu cao và cong có ý nghĩa gì trong việc biểu thị ý kính trọng thày? Có rất nhiều giả thuyết đặt ra, nhưng hiện tại có hai cơ sở từ thực tiễn và truyền thuyết lịch sử có thể dựa vào để biện giải. Về thực tiễn, chiếc cầu cao cong sang trọng là chiếc cầu mà các nhà quyền quý thường cho đặt ở các hồ thủy tạ. Đứng giữa cầu (đỉnh cong nhất) có cảm giác như vượt lên đỉnh núi để ngắm trăng thanh hóng gió lành, thu khí tốt của vũ trụ.
Về truyền thuyết, nó gắn với sự tích Tào Tháo đánh Đông Ngô (Thời tam quốc 220-264), để tỏ rõ lòng quyết tâm và tin tưởng vào chiến thắng Tháo đã cho xây Đài Đồng Tước tại Lâm Chương Hà Nam với ý tưởng sau chiến thắng sẽ hưu trí tại đây, tuyển mỹ nữ vui thú cảnh hồi xuân. Sự kiện này đã được Khổng Minh dùng ly gián kế nói là Tháo sẽ bắt hai chị em Tiểu Kiều (Vợ Chu Du) và Đại Kiều (Vợ Tôn Sách) làm cho cuộc chiến Xích Bích nổ ra.
Đài Đồng Tước gồm 1 đài chính và 2 đài phụ ở phía đông và phía tây (Ngọc Long và Kim Phượng). Chúng được nối với nhau bằng những chiếc cầu cong nguy nga bề thế vững trãi. Tào Thực (Con trai Tào Tháo) đã làm phú ca ngợi rằng: Liên nhị kiều ư đông tây hề/ Nhược trường không chi đế đống; dịch nghĩa: Hai cây cầu nối từ đông sang tây/ như cầu vồng chói sáng giữa trời cao.
Từ đây “cầu kiều” trở thành biểu tượng của con đường chân lý sáng láng dẫn tới sự cao quý sang trọng quyền lực tột đỉnh. Như vậy hàm ngôn của toàn bài ca được biểu thị bởi 2 vế so sánh : muốn đạt thành tựu lớn thì phải bắc cầu kiều, tương ứng với sự học có kết quả cao thì “phải yêu kính thày”. Đấy là 2 điều kiện tiên quyết để con người lập được những thành công trong cuộc đời mình. Người thày được ngầm ví như cây cầu “cao cong” đặc biệt với những thuộc tính của thực tiễn và truyền thuyết được ngầm đối chiếu như phân tích trên dẫn trò chinh phục những đỉnh cao, những bến bờ.
Với những hàm ngôn quá sâu gắn với điển tích như vậy, rất có thể bài ca này do lớp trí thức Nho học sáng tác và rơi vào hiện tượng “Những bài thơ bay đi” theo cách nói của nhà thơ Xuân Diệu để trở thành ca dao. Và dân gian dùng bài ca khuyên nhủ con cháu trên tinh thần lấy thông điệp cơ bản để giáo dục là chủ đạo chứ không cần cắt nghĩa tường minh./.
*****