Có thể bạn quan tâm
CHIỀU XUÂN VỚI TÁC GIẢ “NGÕ LỖ THỦNG”
Khoảng 4giờ chiều của một ngày đầu xuân năm 2010,tôi nhận được một cú điện của nhà thơ Kim Chuông : ”Ra Caphe Trung nguyên ngay, các anh về!”. Tôi vội đến ngay quán cà phê ấy ở thị trấn Vĩnh Bảo. Một đội hình văn thơ chính gốc Vĩnh Bảo đứng sẵn bên chiếc xe phủ đầy cát bụi. Anh Tô Ngọc Thạch bảo: “ Bọn anh về, chú là “trưởng nam” giữ quê, nên phải tìm một nhà hàng uống rượu mừng hai anh Thi Hoàng và Trung Trung Đỉnh vừa nhận giải thưởng văn học nhà nước”. Thi Hoàng cười còn anh Đỉnh lệnh: ”Mày phải tìm cái quán nào đặc trưng quê đấy!”
Tôi đưa các anh đến “Hương sơn quán”. Anh Đỉnh khoanh chân trên sạp tre nhìn qua phên mành, cánh đồng lúa xanh đang vờn trong gió xuân, vẻ mặt rất xúc động. Sau một hồi “keng chén”, tôi hỏi: “ Sao anh lại lấy bút danh Trung Trung Đỉnh nhỉ? Có phải anh chỉ muốn thường thường bậc trung? ”. Anh Đỉnh trừng mắt “Đừng có mà tán láo, mày định làm nhà báo hay sao mà phỏng vấn? Hôm nay chỉ uống rượu.”. Tôi đành trật tự ngay, không ngờ Thi Hoàng bảo “Ừ, thằng em nó hỏi câu hay đấy, chính tôi còn chả biết, ông cứ dấu im ỉm”. “Thế ông hỏi tôi bao giờ?”- anh Đỉnh cự lại. Im lặng một lúc lâu, đột nhiên anh Đỉnh đập tay xuống sạp “Chuyện này nó gắn với cái chuyện ngắn đầu tay của tớ cơ, hay gắn với cái gì nhỉ thôi đẻ tớ kể từ đầu” và anh kể:
“ Ngày ấy những năm 70 của thế kỷ trước, anh là lính ở mặt trận Tây Nguyên. Địch mạnh lắm do một phần là nó có xe cơ giới tăng viện. Trung đội anh họp thảo luận phương án đánh địch.Tất cả đều nhất trí là phải đánh cơ giới ngăn chặn tiếp viện. Khốn nỗi hai bên đường trước khi có cơ giới, thì máy bay do thám, pháo bắn, xe yểm trợ… lính ta mà lấp ở hai ven đường thì chỉ có mà bị nướng sạch. Một cậu lính nói “Hay ta trèo lên cây bọn nó không để ý bất ngờ bắn xuống!”. Thế là cả trung đội ồn lên bàn tán. Nhưng cũng ngay đêm ấy tớ đang trằn trọc thì được lệnh khẩn đánh vào đồn địch. Trận đánh thắng lợi thu được nhiều chiến lợi phẩm lắm. Một cậu lính bảo “Em thu được cái máy gì sáng loáng và hàng chục hôp vuông chằn chặn và thơm không thể chịu được, xử lý thế nào anh?” Tở bảo “Chắc là bánh đấy, cầm về mà chén ”. Mấy ngày sau, nhìn đống hôp vuông vẫn y nguyên mình nghĩ ngay, chắc không phải bánh, vì là bánh thì hôm nay cái hộp cũng không còn với tụi lính rừng luôn đói triền miên. Tớ chạy ra nhìn vào mấy khối vuông đã bóc. Thì ra… toàn giấy. Cầm một tập lên xem, đó là bản hướng dẫn đánh máy chữ. Cái máy “sáng loáng ” mà cậu lính bảo kia là cái máy chữ. Tớ bắt đầu đọc và thực tập trên cái máy ấy và viết bừa cái truyện ngắn chơi. Cuối cùng lại nghĩ ra câu chuyện mà trung đội họp bàn. Vừa nghĩ vừa kỳ cạch gõ “mổ cò” mãi cuối cùng cũng xong. Đại loại câu chuyện kể về một trung đội tìm cách đánh cơ giới của giặc. Để phá sự yểm trợ của chúng họ đã tạo ra yếu tố bất ngờ là nấp trên các tán lá cây, dùng hoả lực mạnh đánh chặn đầu, khoá đuôi. Cuối cùng trận đánh thắng lợi vang dội.Tớ lấy tên là “Trận đánh trên cây”. Mấy thằng lính giục ”Chuyện hay đấy, anh gửi đăng đi”. Và tớ gửi. Không ngờ, cái chuyện ngắn ấy lại được đăng ở tạp chí Văn nghệ quân đội và tạo cho tớ biết bao sóng gió cũng như cơ hội và là nguyên nhân trở thành anh “lều văn” đấy.”
- Hồi ấy mà đăng được một truyện là quá giỏi, anh viết đầu tay mà đã độc đáo thế - Kim Chuông nói.
- Độc đáo cái con khỉ, vì nó tớ suýt chết. Ông chính trị viên trung đoàn gọi tớ lên gấp. Tớ thắc thỏm lo suốt dọc đường. Quả nhiên, mới gặp đã bị choảng luôn “ Tại sao cậu không báo cáo làm điển hình cho cả trung đoàn học tập. Chuyện đánh Mỹ của riêng cậu hay sao?”. Tớ ngớ ra chả hiểu đầu cua tai nheo gì. ông ấy cho mình là làm bộ giả vờ bèn cầm quyển tạp chí vứt xuống “Thế cái gì đây?lại còn bút danh nữa, cậu định giả dạng à?” Tớ đâm hoảng, đúng thật, cái chuyện ngắn ấy của tớ được đăng thật. Còn cái bút danh có phải giả dạng gì đâu do là dốt đánh máy chữ thôi. Tớ định đánh chữ “Trung Đĩnh”là tên tớ thật, nhưng khi đánh được một chữ “Trung”rồi, ma xui quỷ ám thế nào lại viết thêm chữ “Trung” nữa, và chữ “Đĩnh” là do nhầm phím dấu thành “Đỉnh”. Ngày ấy không có máy vi tính, không xoá được và một trang đánh máy tớ phải đánh mấy ngày, nên thôi kệ. Đấy, lâu dần thành bút danh.
Thú thật tôi chưng hửng, cứ nghĩ bút danh thường phải có ý nghĩa gì đó ghê lắm. Hoá ra nhiều khi nó đến từ ngẫu nhiên, bình thường mộc mạc vậy.
Anh Đỉnh kể tiếp ”Ít ngày sau, Trung đoàn giới thiệu có một đoàn nhà văn đến làm việc và giao cho tớ phải tiếp. Này, cái ông trưởng đoàn, hồi ấy mới nghe danh, tớ y như cậu học trò lớp 1 đứng trước vị giáo sư đại học. Bây giờ là chiến hữu gặp nhau kể lại cứ bò ra cười. Các ông có biết là ai không? cái lão Nguyễn Khắc Phục đấy, lão ta giờ đang vùi đầu vào viết kịch bản 1000 năm Thăng Long rồi. Lần làm việc ấy, lão tự ý chén của tớ cả một nồi thịt gà rừng. Nhưng chuyện này kể sau, “keng đi”…”
Tôi biết cứ đà này chuyện còn”dài tập” nên chen ngang một câu:
- Thế cái trận đánh trong truyện củâ anh ấy có được trung đoàn đem ra thảo
luận làm phương án đánh không?
Anh Đỉnh cười rơi cả chén rươụ chỉ vào tôi :
- Thằng em đúng là chưa một ngày trận mạc. Thảo luận gì chứ, đấy là trận đánh tớ tưởng tượng
ra. Cấp trên sử dụng ý thưởng ấy thế nào tớ không biết. Còn đánh thật có mà chết toi hết, vì ở trên cây láy chỗ nào mà tránh đạn…
Chúng tôi cùng cười rung cả chiếc quán quê nhỏ chiều tháng giêng.