Có thể bạn quan tâm
Tổ chức đào tạo người viết văn trẻ Hải Phòng- Kỳ vọng một thế hệ vàng tiếp nối
Tham luận tại Hội thảo của các Hội Liên hiệp VHNT 10 tinh thành phố tại Ninh Bình với đề tài
“Sáng tác văn học trẻ, gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương”.
Hải Phòng là miền đất đầy sóng gió đồng thời cũng là mảnh đất văn chương. Thế kỉ XX, Hải Phòng đóng góp cho văn chương Việt Nam những tên tuổi nổi bật: Khái Hưng, Nguyên Hồng, Văn Cao, Lê Đại Thanh… Tiếp sau đó đã có một thế hệ những nhà văn thành danh trên văn đàn Việt, nhưng giờ đây liệu Hải Phòng có một thế hệ trẻ vững vàng tiếp nối hay không?
Nổi chìm một thời văn trẻ
Từ những thập niên 70 của thế kỷ XX, Chi hội Văn nghệ Hải Phòng đã hội tụ được các cây bút còn trẻ thành danh ở thời kì văn học sau 1975. Hàng loạt những tên tuổi của văn chương đất Cảng nổi danh như: Thanh Tùng, Thi Hoàng, Dư Thị Hoàn, Đồng Đức Bốn, Mai Văn Phấn, Vũ Thị Huyền (thơ) hay: Nguyễn Quang Thân, Bùi Ngọc Tấn, Bão Vũ, Đình Kính, Đoàn Lê (văn xuôi)…
Ở thời kỳ mở cửa Hải Phòng là mảnh đất địa đầu của cơn bão thị trường. Cơ chế của nền kinh tế này đã biến mảnh đất nơi đây thành một khu vực sôi động với những tiết tấu cuộc sống của xu thế công nghiệp hóa, giao thương, đô thị hóa... Đương nhiên thi ca Hải Phòng không tránh khỏi những tác động chi phối mạnh mẽ của quy luật ấy.
Nhà văn Lương Kim Phương, người trong cuộc của thế hệ nhà văn trẻ Hải Phòng cho rằng: “Năm năm gần đây, những cái tên mới được gia nhập Hội Nhà văn VN như: Công Nam, Nguyễn Quốc Hùng, Dương Thị Nhụn, Nguyễn Đình Minh thì tuổi đời của họ đã không còn trẻ. Một số cây bút mới được phát hiện và có một số giải thưởng nho nhỏ như: Đỗ Thị Hồng Vân (văn xuôi), Trần Thị Lưu Ly (thơ) thì cũng đã trên dưới 50. Một số cây bút trẻ xuất thân từ Hải Phòng nhưng lại thành danh ở những miền đất khác như: Khánh Phương (phê bình), Cấn Vân Khánh (truyện ngôn tình), Phạm Vân Anh (thơ). Những cây bút thế hệ 7X, 8X của Hải Phòng được gọi là trẻ hiện nay có thì cần hơn nữa sự dấn thân cho văn chương”.
Nối lại mạch nguồn
Tưởng chừng như có sự đứt gánh, như có một lỗi “truyền lửa” của các thế hệ đàn anh, nhưng sau Đại hội Hội NVHP nhiệm kỳ 2013-2018, với chủ trương khôi phục Ban văn trẻ, ngày 7 tháng 10 năm 2014, Hội Nhà Văn Hải Phòng tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ những người viết trẻ Hải Phòng. Câu lạc bộ thành lập với tính tự chủ cao với mục tiêu vừa tập hợp lại các thành viên cũ, phát triển thành viên mới; vừa đổi mới phương thức hoạt động tại “sân nhà” vừa mở các liên kết phối hợp với các Hội, đơn vị văn học trung ương và tỉnh bạn.
Đến nay, CLB có 24 thành viên với 01 tiến sỹ, 05 thạc sỹ 05, 16 cử nhân thuộc các chuyên ngành LLPB, Dịch thuật, Văn xuôi và Thơ. Họ làm ở nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng chung một mái nhà Văn trẻ, ấm áp sự sẻ chia trong sáng tác cũng như trong đời sống.
Sức trẻ của CLB được phát huy tối đa, theo đó các thành viên lập chung 1 trang Facebook, 24 Mail giúp các thành viên không còn khoảng cách, các vấn đề văn chương dược trao đổi cập nhật, trở thành một diễn đàn nội bộ nhanh và thông suốt.
Kế hoạch công tác được xây dựng hàng năm có chủ định, không tham nội dung mà chú trọng tính cần thiết. Nội dung căn bản được xác định là bồi dưỡng nghiệp vụ văn chương, hun đúc ngọn lửa thi ca, chất liệu sáng tác… Qua 2 năm thành lập, CLB đã chủ động đề xuất và phối hợp tổ chức 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Trung tâm Viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện. Bên cạnh đó, CLB chú trọng tới các cuộc giao lưu văn học nhắm tới việc học tập kỹ năng sáng tác như cuộc giao lưu với các nhà thơ Thi Hoàng, Trần Đăng Khoa thu hút hơn 100 học sinh chuyên văn và giáo viên các trường THPT Huyện Vĩnh Bảo tham dự. Tọa đàm “Những người viết văn trẻ Hải Phòng đồng hành cùng nhà thơ Mai Văn Phấn” với sự tham gia của sinh viên Khoa Ngữ văn trường Đại học Hải Phòng được dư luận chú ý…
Đặc biệt Ban Chủ nhiệm CLB có sáng kiến đề nghị liên kết mail, Facebook giữa các tác giả trẻ với các nhà văn giàu kinh nghiệm, và tại đây những “lớp học” truyền nghề vẫn thầm lặng diễn ra từng ngày giữa các thế hệ, một sự trao truyền vô tư vì cái đẹp và sự phát triển nguồn mạch văn chương mai hậu cho vùng đất sóng.
Công tác quảng bá tuyên truyền văn học trẻ được đặc biệt coi trọng. Trong 2 năm hoạt động, nhiều cây bút trẻ được lên sóng truyền hình Hải Phòng như Thúy Mỹ, Phạm Thúy Nga, Lê Mạnh Thường. Đài Tiếng nói Việt Nam đã giới thiệu tác giả phê bình trẻ Lương Kim Phương; Tạp chí Cửa Biển, Báo Hải Phòng cuối tuần, Báo An ninh Hải Phòng giới thiệu nhiều sáng tác của các tác giả trẻ. Nhiều hoạt động giới thiệu ra mắt tác phẩm tại Thư viện thành phố, Ngày sách Việt Nam, Đêm thơ…Trang thông tin điện tử vanhaiphong.com có chuyên mục “Sáng tác trẻ”. Đến nay 24 thành viên CLB đều có ít nhất 3 chùm thơ, 2 truyện ngắn, 2 bài LLPB và dịch thuật được đăng tải trên báo chí. CLB cũng chủ động liên kết với Tạp chí VNQĐ, Báo Văn nghệ, Người Hà Nội, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh… trong đó CLB đã cùng với Ban Thơ Tạp chí VNQĐ xây dựng một số chuyên đề nghiệp vụ. Từ đây có những tác giả là cộng tác viên gần gũi như Lê Mạnh Thường, Trần Ngọc Mỹ, Phạm Thúy Nga… CLB có 5 tác giả có tập thơ của mình, riêng Trần Ngọc Mỹ trong 2 năm xuất bản 2 tập thơ. CLB Văn trẻ Hải Phòng đang hướng tới chỉ tiêu đạt 50% thành viên là hội viên Hội Liên hiệp VHHP trong nhiệm kỳ hoạt động.
Văn trẻ Hải Phòng đang ở đâu giữa văn đàn Việt?
Nhờ những hoạt động trên và bằng niềm say mê văn học, khả năng và bản lĩnh sáng tạo của riêng mình, tác phẩm của CLB những người viết văn trẻ Hải Phòng nối tiếp mạch nguồn của lớp tác giả lớn tuổi giàu suy nghĩ , chứa chan cảm xúc, gồ ghề động sóng và mộng mơ; đồng thời mang đến vẻ mới lạ của hình thức hiện đại vang động tiết tấu cuộc sống vùng đất sóng và nhịp đời. Các cây bút văn trẻ Hải Phòng không có ai cách tân theo những trường phái mới gây tranh luận; sự cách tân ở các tác giả nhìn chung đều gắn với mạch nguồn và phát triển phù hợp với thời đại về cả nội dung và hình thức. Dường như các tác giả văn trẻ nơi đây có chung nhận thức: sự cách tân nào cũng đi đến cái đẹp, do vậy không ít nhà thơ hòa vào dòng thơ lục bát và tạo được một số thành công nhất định như Bùi Thu Hằng, Phạm Văn Tuấn, Đào Mạnh Long.
Vẻ đẹp của văn trẻ Hải Phòng về hình thức chính là sự cách tân trong độ cho phép phù hợp với cảm nhận của số đông độc giả; Sự đa dạng về đề tài được khai thác từ tính chất đặc trưng của miền đất đầy sóng gió có nhiều biến động phong phú đặc biệt là chất trí tuệ có hàm lượng cao hơn, cảm xúc hơn trong các tác phẩm. Đọc thơ , văn của tác giả trẻ Hải Phòng dễ thấy sự già dặn trong triết lý, trong kiến giải những hiện tượng, quy luật cuộc sống chủ đạo nổi lên là nỗi âu lo, sự thương cảm cho số phận con người và con đường phía trước được thể hiện bằng nhiều cung bậc cảm xúc.
Tác phẩm của văn trẻ Hải Phòng có những thành công ban đầu: Nguyễn Đình Minh - giải B của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Lê Mạnh Thường Giải bút ký xuất sắc của tạp chí VNQĐ; Lương Kim Phương, Nguyễn Thùy Linh, Trần Ngọc Mỹ, Lưu Ly, đạt các giải Nhì, Ba trong cuộc thi “Thơ Hải Phòng 2014”, Cù Thị Thương, giải Nhì cuộc thi truyện ngắn và ký của Tạp chí Cửa Biển 2013-2015…
Trong bối cảnh xã hội có quá nhiều sự đổi thay, sự cám dỗ đặc biệt là áp lực, chi phối trong một đô thị lớn, những người viết văn trẻ Hải Phòng vẫn kiên định con đường viết văn. Trước một nền tảng mĩ học đang có những thay đổi, trước xu thế cách tân mạnh mẽ… đã tạo nên những áp lực lớn không chỉ cho những người viết nơi đây. Dường như nhận định ra phong cách của 24 cây bút văn trẻ Hải Phòng bây giờ là quá sớm, nhưng nhìn vào sự chấp nhận dấn thân trong cô độc để cống hiến tài năng, phẩm tính; nhìn những thử thách cam go mà người viết trẻ dám đương đầu, có thể hy vọng Hải Phòng có một thế hệ tiếp nối vững vàng trong tương lai./.
Nhà thơ Nguyễn Đình Minh - Trưởng ban Văn trẻ Hội Nhà văn Hải Phòng