Yếu tố sex trong bài thơ “Bánh trôi nước”

Thế giới trong thơ Hồ Xuân Hương  khởi nguồn từ thân phận người phụ nữ, đậm đặc sự rung động, run rẩy của nội tâm: Những nỗi buồn đơn côi và bi kịch; những khát khao bản thể bị cầm tù, những cảnh ngộ trớ trêu, đắng cay chua chát.  Thơ Hồ Xuân Hương đầy cá tính, khẳng định mạnh mẽ cái "tôi", đồng thời dám bộc lộc cảnh ngộ riêng và thái độ ứng xử của chính bản thân mình. Về phương diện này Xuân Hương là nhà thơ là cây bút thể hiện nhân bản con người phụ nữ cao nhất từ xưa đến cuối thế kỷ XX. Khát vọng ấy riết róng, nóng bỏng, dữ dội nhưng lại được bọc trong lớp ngôn từ thơ và khuôn chặt bởi luật Đường thi.
Với cách ấy, Hồ Xuân Hương đã để lại sân thơ Đường luật nơi miền thơ Nôm trung đại Việt một chiếc “bánh trôi nước”, trắng, tròn, thơm ngọt mà cũng biết mấy nổi chìm.
             Thân em vừa trắng lại vừa tròn
             Bảy nổi ba chìm với nước non
             Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
             Mà em vẫn giữ tấm lòng son
 
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
HXH1Sinh thời Xuân Diệu ca tụng Xuân Hương là “Bà chúa thơ nôm”. Danh hiệu “chúa” thể hiện không chỉ ở việc Nữ sĩ là cây bút điêu luyện với thi pháp Đường thi, mà còn ở chỗ Bà đã sử dụng làm phát tiết những ý nghĩa hàm chứa của tiếng Việt ẩn tàng trong chữ Nôm. Và điều cao diệu hơn là thủ pháp gợi đa nghĩa trong những hình tượng ngôn từ, đồng thời là một ý chí dám làm những điều “lệch chuẩn”, trong xã hội kỷ cương  phong kiến hà khắc.
Nhận thức là vậy, nhưng khi đưa vào trường học, bài thơ được hướng dẫn giảng dạy theo định hướng cảm nhận một tầng ý nghĩa. Đó là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp trong trắng, nhưng đầy nỗi truân chuyên đau khổ. Song vượt lên những điều ấy, cái lưu đọng, cái riết ghì của họ vẫn là một tấm lòng son đỏ biểu tượng đẹp đẽ về nhân phẩm truyền thống.
Theo chúng tôi, cách hiểu này chẳng có gì sai cả, nhất là bài thơ lại nằm trong chương trình sách giáo khoa , giảng dạy cho lứa tuổi học trò. Một lứa tuổi mà bản ngã cảm hiểu văn học còn non nớt, và bản ngã tri nhận cuộc sống còn rất ngây thơ trong sáng. Sự dừng lại ở đó là ổn. Tuy nhiên, bài thơ cũng như thân phận Nữ sĩ lại bị nhiều cây bút xoáy vào làm cho “Bảy nổi ba chìm với nước non”. Thực chất, các bài tranh luận trên văn đàn là tranh luận về cách cảm cách hiểu. Tựu trung lại các ý kiến phân loại như sau:
- Loại thứ nhất: cho rằng bài thơ là hình ảnh của chính Nữ sĩ và nói về người phụ nữ Việt với nỗi đau và những phẩm chất cao đẹp.
- Loại thứ hai: nhất quyết cho rằng, bài thơ mang yếu tố Sex. Những hình ảnh trong bài thơ và nhiều thi phẩm khác, nói về cái rất cụ thể. Đó là các bộ phận  của cơ thể người đàn bà, hay miêu tả các cuộc làm tình.
Dường như các quan điểm đều có cái lý riêng, rất khó bắt bẻ phủ nhận. Nói khái quát tất cả đều đúng cả. Nhưng tất cả lại đều còn có chỗ sai cả. Có lẽ cái sai của các tác giả chính là ở chỗ họ quá dùng ý chí chủ quan để bảo vệ quan điểm của mình; nên chỉ đưa ra các ý kiến phê phán quan điểm khác để quên mất bản chất thực sự của văn học là tính hình tượng. Mà tính hình hình tượng thì gợi lên sự đa nghĩa. Một nhà thơ nổi tiếng người nước ngoài đã nói ; Bài thơ là của tôi, còn cái ý của nó là do anh gán cho. Nhờ có đặc điểm này mà thơ lung linh huyền ảo thông qua cách cảm hiểu của người đọc. Bây giờ khó còn ai bắt được người đọc phải hiểu thế này thế kia mới là đúng. Ví như ta đọc Truyện Kiều, thì trong tâm mỗi người có một cô Kiều riêng (xét một khía cạnh vẻ đẹp hình thể) của mình, để yêu thương. Điều này khác xa với hình dáng (cố định) một diễn viên đóng vai Kiều trên phim hoặc sân khấu.  Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã kể khi gửi đăng bài thơ “Qua Thậm Thình”( bài thơ nổi tiếng, sau này được in trong sách giáo khoa tiểu học), một nhà biên tập tại Tạp chí văn nghệ Phú Thọ (lúc ấy) khi đọc hai câu:
Không còn dấu cũ lầu son
Phía sau thành phố khói vờn trong mây
Đã trừng mắt lên mà quát “anh định bảo thành phố, nhà máy bị đốt cháy hết à” và bị liệt vào loại tư tưởng dao động, có ý ám chỉ sự tan rã sụp đổ của hạ tầng cơ sở vật chất XHCN. Và bài thơ không được đăng! Đấy là cách cảm văn học chủ quan ngây thơ và "chụp mũ" ấu trĩ.
Như trên đã nói, bản thân thi phẩm là một thế giới. Nhà thơ sáng tạo lên các hình tượng ngôn từ, các hình ảnh trên cơ bản nhờ hai trường liên tưởng: Liên tưởng đồng dạng và  liên tưởng tiếp cận (giống với, gần gũi với). Đương nhiên cũng không thể hiểu một cách thô sơ là “giống” tới mức có thể nhìn bằng mắt thịt, mà nhiều khi để phát hiện ra cái “giống” phải nhìn bằng "con mắt xanh" - “Con mắt tinh đời”.
Một nhà phê bình cho rằng khi Xuân Hương viết “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” thì rõ ràng không phải Bà viết “em” mà là “thân em”. Từ đó suy ra các tính từ "trắng"," tròn" là biểu thị cái cụ thể: đôi trái đào của người phụ nữ. Đấy là cách liên tưởng đồng dạng về hình khối và màu da. Tác giả “Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, một bài thơ sex đắt giá” viết: “chúng tôi cho rằng bài thơ” Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương đơn giản chỉ là bài thơ tình, nói về vẻ đẹp “cặp tuyết lê” của người phụ nữ, theo đó là những cảm xúc ái tình chân thực, có pha chút trào phúng nhẹ nhàng “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”. Và nữa “Thành ngữ “ bảy nổi ba chìm”, thông thường chỉ sự vất vả cơ cực của số phận con người, nhưng ở đây Hồ Xuân Hương dùng với nghĩa miêu tả cụ thể cái bánh trôi nước, lại ngầm tả cặp vú bảy phần nổi ba phần chìm, với đầy đủ “nước non” vừa hư vừa thực” Nhưng quan điểm tiếp cận thì lại nhìn theo hướng đó là đức phẩm trắng trong tròn trịa vốn có ở người phụ nữ Việt. Để phản biện ý kiến cho là Sex này, tác giả PN đã nêu: “ Bánh trôi nước là một thứ bánh mà các cụ ta ngày xưa thường làm để thờ cúng tổ tiên và lễ thần linh, do đó, không thể có chuyện Hồ Xuân Hương dùng nó để ẩn ý mô tả cặp tuyết lê của người phụ nữ”.
Tương tự câu “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”, người theo liên tưởng đồng dạng nghĩ tới hoạt động làm tình của các nhân vật “kẻ” trên cặp tuyết lê kia khi âu yếm nhẹ nhàng, lúc thô tục vũ phu ngấu nghiến. Theo lo gic này, hàng loạt bài thơ của Xuân Hương khi nhìn nhận dưới góc độ sex được thể hiện ở nhiều cấp độ từ khơi gợi bằng những hình ảnh trực giác
HXH2Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc chải cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch Đào nguyên suối chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
Đi thì cũng dở, ở không xong.
(Thiếu nữ ngủ ngày)
Và đến liên tưởng mạnh về khao khát một cuộc mây mưa:
Thân em như quả mít trên cây
Da nó xù xì, múi nó dầy
Quân tử có thương thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay.
(Quả mít)
Những tranh luận trên đã đang và sẽ vẫn diễn ra và phạm vi của nó không chỉ ở trên văn đàn. Câu thơ của Nữ sĩ hóa ra như một tiên tri “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”!
 
 
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
 
         Nho sĩ Hoàng Đức Lương (Thời Hồng Đức Lê Thánh Tông-1460-1497) cho rằng “Thơ là mùi vị ở ngoài mùi vị, miệng thường không nếm được, là màu sắc ở ngoài màu sắc, mắt thường không thấy được”. Đó là một quan niệm về thơ thâm thúy. Mặt khác lý luận văn học cũng chỉ ra rằng nhiều khi tư tưởng tác phẩm lớn hơn tư tưởng tác giả. Và rằng, sản phẩm chủ quan của người viết, nhiều khi khơi gợi ra những liên tưởng khách quan của người cảm nhận. Trên thực tế, bài thơ như viên ngọc mà ánh sáng nhận thức chiếu rọi vào cũng chỉ nhận được những phần nét đẹp khác nhau tùy thuộc vào góc chiếu và cảm nhận của người soi chiếu, những biên độ ánh sáng khác nhau…
3Từ cách tiếp cận này chúng tôi cho rằng, bài thơ của Nữ sĩ vốn đa mang đa tình này, thực sự đa nghĩa. Việc khẳng định thế này thế kia về cái hay của nó là lẽ đương nhiên, đúng với không khí tiếp nhận trong miền khí quyển thơ. Nhưng bắt người đọc phải hiểu thế này thế khác thì lại là chủ quan.
Về cách tiếp nhận ý nghĩa bài thơ theo truyền thống cần tôn trọng. Nhất là nó có trong chương trình giáo dục. Chúng ta khó có thể bình giảng nghĩa sex một cách vô tư trên bục giảng. Nhà thơ Lê Minh Quốc nhấn mạnh rằng: “Sex là một vấn đề vừa thiêng liêng vừa tầm thường. Thiêng liêng như sex trong thơ Hồ Xuân Hương đa tầng đa nghĩa”. Áp vào bài thơ “Bánh trôi nước”, khi thực hiện bình giảng, liệu có nên đi quá xa tầng nghĩa truyền thống? Để rồi sa vào những mục tiêu khác, ban đầu có vẻ thu hút nhưng hệ quả, những tác dụng phụ có thể xuất hiện thật khó phòng ngừa.
Đương nhiên, ở thời đại ngày nay, Sex không phải là điều cấm kỵ. Ở trong thơ, theo nhà thơ Phan Hoàng cho rằng người làm thơ nói đến sex là nói đến cái đẹp của sex trong thời đại mình. “Độc giả tìm đến thơ là tìm đến cái đẹp. Cho nên người làm thơ có nói về sex cũng phải chuyển được cái đẹp trong sex của thời đại mình đến đông đảo công chúng”. Quan niệm này không sai, nhưng với lứa tuổi học trò, hãy để cho các em lớn lên có đủ bản lãnh đối mặt và phân định cái xấu cái tốt.  Sự học tập là suốt đời, và người Việt vốn có tâm hồn thơ nên đến một thời điểm thích hợp các em sẽ tự có những cảm nhận và biết sử dụng sản phẩm của thơ mang lại hữu ích cho cuộc sống.
Và vì vậy hãy để cho bài thơ “vẫn giữ tấm lòng son”, nghĩa là hãy giữ nguyên nó như giữ một viên ngọc toàn bích, đừng cắt xẻ, đừng sờ mó vội vàng bởi sau khi bỏ tay mình ra trên sự toàn bích của viên ngọc ấy có dấu ố hoen  bởi vân tay của mình. Chúng ta sẽ mãn nguyện hơn, khi trở về lâu đài thi ca trung đại và chiêm nghiệm bài thơ này theo cách đọc của nhà thơ Thi Hoàng “Một kiểu đọc lý thuyết và một cách đọc hưởng thụ.Đọc lý thuyết là tìm sự đắc ý, còn đọc hưởng thụ là tìm sự sướng khoái. Đắc ý thì chỉ trong não bộ, còn sướng khoái thì không chỉ trong não bộ mà ở khắp cơ thể”.