Đời thường của nhà văn đoạt giải văn học Asean

 

Hội nhà văn, nhà thơ người Vĩnh Bảo từ năm 2010 đã lập lệ “dù ai đi đâu về đâu” cứ đến ngày giỗ cụ Trạng thì đều về gặp gỡ 1 ngày, trong số ấy Trung Trung Đỉnh là hay bị “kiểm điểm” nhất vì năm thì không về, năm lại về muộn. Năm nay theo lệ ấy tôi nghĩ bụng “bố này phải làm lịch từ sớm”,điện cho anh mãi nhưng máy toàn nằm ngoài vùng phủ sóng. Khoảng 12h trưa tôi gửi một cái mail, ngay lập tức anh trả lời, có mấy  chũ nhưng lỗi đánh máy sai be bét với nội dung” Ông ơi, tôi đang bên Mỹ, không biết có về kịp k? Chúc vui”. Tôi chưng hửng, vừa thương anh giờ này vẫn thức (Chắc lệch múi giờ) vừa vì nghe nhạc hiệu kiểu này đoán ngay lão bỏ cuộc.

adinh1

Phạm Lưu Vũ có một bài thơ hài mô tả chân dung anh Đỉnh:

Làng văn có một anh giai
Văn chương bò mộng, hình hài thiếu nhi
Nửa đời là những chuyến đi
Có khi gặp bến, có khi lạc rừng
Có khi giữa cuộc tưng bừng
Đọc thơ như thể cắm sừng vào thơ
Có khi chợt hóa ngẩn ngơ
Hỏi anh lính trận bây giờ còn thiêng?

Anh Đỉnh từng tuyên bố “tôi đi chơi cũng thiếu thời gian”, ban đầu nghe vậy tưởng lão huyênh hoang cho oai, nhưng khi tìm hiểu kỹ hoá ra không phải. Có dịp đi cùng anh từ Nhà xuất bản Hội Nhà văn ra một cái quán uống cà phê cách đó chừng 200m đã 5 lần nghe anh từ chối “tao bận lắm, có thằng em dưới quê lên chơi”. Vừa ngồi xuống quán đã có 4 ông bạn xuất hiện. Bạn anh, Nhà thơ Kim Chuông kể: lão này có rất nhiều “tiểu yêu” hắn muốn làm các việc vặt cứ sai lung tung, vá xe, mua hộ cái áo lót, đến “cho tao ngủ nhờ một tối”… tát cả đều xong béng. Mà tất cả lại hào hứng thành tâm mong đợi được hỗ trợ anh như vậy thế mới lạ. Anh Đỉnh, người thấp, tóc hoa râm, chẳng vồ vập ai bao giờ, khi nói thì thủng thẳng thế mà như cục nam châm hút rất nhiều cây kim. Anh thân thuộc như con em của 10 bản làng Tây Nguyên, và nói tiếng dân tộc Gia Rai, thành thạo, năm nào anh cũng vào đó 1 thời gian vì trước anh là lính ở đó và đã từng uống máu ăn thề với dân, uống hết bát to máu trâu, lấy cây củi than đỏ rực đặt ngang ngực, thịt cháy xèo xèo, mắt nảy đom đóm, miệng vẫn cười tươi. Bây giờ vẫn còn nguyên một cái sẹo to đùng ở ức ngực. Nhà văn, nghệ sỹ ai cũng quen cả, rồi đến bạn lính cũ, nhà văn Mỹ, Nga, người hâm mộ…Một tác giả văn chương là bạn anh tính:  nếu ông này chơi với mỗi người khoảng 10 ngày thì lão phải có 200 tuổi thọ.

Cũng bởi tính xuề xoà và tin người nên nhiều khi anh bị những vố đau. Năm 2009 nghe anh kể về cuộc đi Nga học trường Gorki ba tháng và lại có một em Nga xịn chân dài “xin chết”. Anh bảo: ngay câu chào đầu tiên của tao bằng tiếng nga em đó đã ngã vật ra. Theo tôi được biết, ông này thuộc loại “I-a muti” (theo cách nói vui : tôi mù tịt), bèn hỏi anh chào thế nào? À “ban-sôi-a pi-zờ-đa đe-vu-sờ-ka” - anh nói. Đến lượt tôi bò ra mà cười. Anh phát tôi rõ đau và lệnh “Im, tao kể lại thế thôi, ừ ngu thật đi nghe bọn nó xui dại, ai lại gặp em chân dài miên man tán ngay cái “món ấy” to! Trước tao đã bị thằng Phạm Xuân Nguyên chửi cho 1 lần, hoá ra mày cũng biết à”. Thế anh chào công chúa Thái thế nào, lúc ấy anh quỳ xuống nhận giải mà mắt chẳng nhìn vào cái giải. Anh cười khì “tội gì tao phải quỳ, nhưng em công chúa có cái váy rất đẹp”.

Trung Trung Đỉnh là người không may về tình duyên, cô vợ cả đã bỏ anh, nhưng tình yêu con của anh thì hết mực. Theo hồi ức của nhiều bạn văn, anh nhiều lần đi trại viết đều mang theo bé Thảo con gái đi theo. Bây giờ anh lập gia đình mới và Thảo đã lớn. Nhà văn Nguyễn Quang lập kể :  “Một hôm anh gọi điện ầm lên nói đến ngay đến ngay không tao chết giờ, tao sắp tự tử đây này. Mấy thằng ba chân bốn cẳng chạy đến, hỏi sao, anh vừa khóc vừa nói con Thảo nó giận tao... con Thảo nó giận tao. Tưởng nó giận gì hoá ra nó dỗi tí, sang nhà dì nó ngủ lại, thế mà cuống cà kê, làm như trời sắp sập đến nơi”. Có lần lên anh chơi thấy thằng bé nhà anh đến giờ học vẫn chơi điện tử, anh có ý nhắc, nó gắt lên: “Để con chơi hết ván”, thế là anh co người lại giống hệt một cậu lính binh nhì trước ông đại tướng. Năm con anh thi đại học, anh điện suốt 1 tiếng máy di động đòi tôi tư vấn cháu thi trường nào. Sau đó kết luận, ừ mày là chuyên gia giáo dục nói đâu ra đấy, không như nhà văn bọn tao cứ lãng đãng.

Trung Trung đỉnh nói vậy, nhưng nhiều khi anh rất tinh quái. Người vợ mới của anh hay ghen, đàn bà thì hay ghen, nhưng đàn bà của văn sỹ thì không ghen mới là lạ. Anh biết vậy, nhưng anh ít khi giải thích vì trước người đẹp anh bao giờ cũng có vẻ cả nể. Trước ngày hội NVVN họp tổng kết năm 2013, anh kể có một cô nhà thơ nọ rất thích anh, nhưng tính cô này khác người, cứ nhằm vào 22 giờ để gọi, mà gọi thì tán dóc rất dai. Vào giờ ấy, nghe điện thoại reo, anh bảo vợ nghe. Cơn ghen của bà chị bừng bừng, chị cầm máy vì đang tức nên bấm ngay vào nút nghe quát anh”cái con ấy nó gọi chứ còn ai!”, chẳng dè cô kia nghe thấy và nhất quyết bắt chị phải nhận cuộc gọi. Cô ta lên lớp cho chị một bài dài. Anh Đỉnh kể”Nó cứ nói chú Đỉnh thế này, chú Đỉnh thế kia ca ngợi tao như vĩ nhân; và két luận: cô phải tự hào vì lấy được chú của cháu, bạn bè của chú cháu làm gì có con này con nọ. Bà xã tái mặt xin lỗi, cô ta vẫn kiểm điểm… nửa tiếng sau tớ bảo: Chết chưa, mình cứ nghi ngờ tớ? ”. Từ đấy vợ anh đâm ra tự hào vì chồng mình.

Trong chuyện đời nhiều chỗ anh rất bản lĩnh. Khi về thăm Đền Trạng, một nhà văn nói với anh Đỉnh, kia là mấy ông cán bộ, theo tôi ông ghi tặng họ mấy cuốn sách vừa đạt giải. Tôi thấy anh rất chần chừ rồi kê sách lên mui xe viết dòng đề tặng. Chờ đến khi mấy vi chức sắc này ra chào anh mới đưa sách mà vẫn băn khoăn với tôi “Bọn này chắc gì đã đọc? Mày chứng kiến nhé, năm 2009 tao từ Hà Nội về tạ cụ Trạng, bất ngờ gặp thằng bạn to nhất cái huyện mình, nó bắt tay giữa đường, chào lạnh nhạt rồi thản nhiên đi bộ vì đến giờ tập thể dục của nó”.

Khi ngang qua Bạch Vân Am anh sửng sốt hỏi “Mày có quen tay Tiến sỹ anh hùng này không, bảo nó tháo cái biển ở gốc cây to tổ bố kia xuống.Trước cụ Trạng mà dám huyênh hoang vậy sao?”.

adinh2Còn khả năng sáng tạo của anh thật tuyệt vời, năm 2009 anh nhận giải thưởng Nhà nước về VHNT, các đầu sách luôn gia tăng đặc biệt toàn tiểu thuyết: bộ ba tiểu thuyết Ngược chiều cái chết, Tiễn biệt những ngày buồn, Ngõ lỗ thủng… mới đây lại ra Lạc rừng, đạt cái giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, rồi giải Asean.

Tôi nhớ vào khoảng năm 2000 có nhiều tác giả đến cơ quan tôi chơi: Vũ Quần Phương, Thi Hoàng, Kim Chuông… tôi ngỏ ý muốn lập lại con đường viết văn đã bỏ dở từ 10 năm trước và nhờ các anh giúp đỡ, tất cả đều cổ vũ ủng hộ; riêng anh Đỉnh nói: các ông ơi, đừng dẫn nó vào con đường khổ ải này, bọn mình khổ nhục thế là đủ rồi, để cho nó sung sướng. Nhưng anh vẫn quan tâm và nhắc nhở tôi nhiều lần về nghề. Tôi nghiệm ra sức hút từ anh là sự chân thành rất ruột thịt và sức làm việc cùng tài năng của anh như một ma lực ám ảnh cuốn tôi theo.