Sấm Trạng Trình từ bài thơ trên bia đá mới khai quật? - P1. "Di ngôn chí"
Ngày 28.5.2020, Tại Hải Phòng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố kết hợp với các nhóm nghiên cứu đã đứng ra làm chủ thể tổ chức một hội nghị bàn về 2 tấm bia đá mới khai quật, được cho là của Trạng Trình, trong bia có khắc bài thơ “Di ngôn chí”. Một sự trùng hợp hữu duyên nào đó, thông điệp của bài thơ trên đá khá trùng với bài thơ chép tay từ bản của NXB Cây thông 1920, do viên cựu đại sứ Nguyễn Đức Diên tặng tôi.
- Văn bản bài thơ chép tay của vị cựu đại sứ.
Ngày 02 tháng 5 năm 2018, nhóm nghiên cứu độc lập của Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh (Trưởng khoa Khoa học cơ bản – Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội) đã tìm kiếm, khai quật được 2 tấm bia đá quý tại cánh đồng nuôi rươi sát sông Tuyết giang thuộc địa phận xã Kiến Thiết huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng (biên giới giữa quê ngoại – Tiên Lãng và quê nội – Vĩnh Bảo của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Ngày 19.3.2020, Văn phòng Chính phủ với Văn bản 2120/VPCP-KGVX, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, giao cho UBND TP Hải Phòng phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thu thập thông tin về quá trình phát hiện hiện vật, tổ chức nghiên cứu, đánh giá để có kết luận chính xác về giá trị của các di vật, hiện vật phát hiện theo quy định về di sản văn hóa, đồng thời yêu cầu các đơn vị có giải pháp phù hợp để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, địa điểm khảo cổ và các dị vật khảo cổ. Sau khi có ý kiến của Văn phòng Chính phủ, UBND TP Hải Phòng giao Sở Văn hóa Thể thao chủ trì, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Tuy nhiên, đến nay một Hội thảo chính thức cấp thành phố vẫn chưa được thực hiện. Ngày 28.5.2020, tại Hải Phòng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố kết hợp với các nhóm nghiên cứu đã tự đứng ra làm chủ thể tổ chức một hội nghị bàn về 2 tấm bia đá này.
Trước đó, dư luận trong hoạt động quản lý nhà nước lẫn cư dân mạng đã dậy sóng tranh luận thật giả, đúng sai… về 2 tấm bia; Bản thân nội dung ghi trên 2 tấm bia đá cũng chứa nhiều thông tin như chỉ dấu hiệu những bia đá còn lại, vị trí 3 ngôi mộ của Vương triều Mạc (với từng chức vụ), những ngôi mộ khác đặc biệt là mộ phần Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đang ở đâu đó giữa 2 huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo…; nói vậy để thấy thông tin còn rất dày và rất giá trị đòi hỏi sự vào cuộc nghiên cứu quy mô bài bản hơn nhiều lần, thậm chí phải là cấp quốc gia thì vấn đề mới sáng tỏ.
Với tư cách người quan sát và nhiều lần tham gia vào quá trình, thông tin mà tôi muốn mang lại trong bài viết này, trước hết chỉ nói về bài thơ “Di ngôn chí” trên tấm bia khai quật được.
Điều đặc biệt là Bài thơ do 2 nhóm Hán Nôm của Hà Nội và Hải Phòng dịch thuật độc lập và được công bố tại Hội thảo về 2 tấm bia đá nói trên, có thông điệp khá trùng hợp với một bài thơ chép tay của vị Cựu Đại sứ mà tôi xin phép tạm giấu tên (Ông từng làm đại sứ nhiều nước Đông Âu và Đông Nam Á) do duyên tình cờ đã tặng tôi. Theo trao đổi đây là một bài thơ ông sưu tầm trong một thư viện ở Sài Gòn hồi sau giải phóng, nó được in bởi Nhà xuất bản Cây thông vào năm 1920. Rất tiếc không có bản chứ Hán. Trong giới hạn cho phép, tôi xin đăng lại bài thơ này và hai bản dịch của 2 nhóm nghiên cứu trong Hội thảo để bạn đọc so sánh. Phần dịch nghĩa và bình luận xin dành lại bài đăng sau. Dưới đây là toàn bộ văn bản.
Di huấn Trình Quốc Công
Bạch Vân hoàn thủy tứ bách niên
Tuyết giang lưu báu tác tả viên
Thiết mộc nhật lai tầm đích huyệt
Quy thử nguyệt triều thủ xà tiêu
Tản sơn xuân thủy ngưu tinh tụ
Đà linh nhị khẩu xuất thánh minh
Long cuồng ưng nộ Đông Hải biến
Phá điền phi dậu Việt kiến vinh
Cựu Đại sứ sưu tầm – NXB Cây thông 1920
Trong bản chép tay của ông Cựu Đại sứ có lẽ từ “Tiêu” trong câu 4 bị chép nhầm bởi đặt từ này vào bài thơ sẽ bị thất vận, một điều không thể có với bậc Đại Nho như trạng Trình. Tôi nghĩ có lẽ đây là từ “Tiên” với ý nghĩa là trước. Về tiêu đề có thể bài thơ lưu truyền không có tên, và tên này do người biên tập tự đặt?
- Văn bản bài thơ trên bia đá do 2 nhóm Hà Nội và Hải Phòng dịch
Nhóm Hải Phòng : TS Hán Nôm Cung Khắc Lược –“Tứ quái thư pháp Việt Nam” nguyên giảng viên Đại học Thái Nguyên, nguyên cán bộ Viện Hán Nôm Việt Nam cùng GĐ Trung tâm Thư pháp Hải Phòng Lê Thiên Lý và PGĐ Trung tâm Thư pháp Hải Phòng Hoàng Phan.
貽 言 志
Di ngôn chí
白 雲 還 始 四 百 年
Bạch Vân hoàn thủy tứ bách niên
雪 江 淆 與 化 左 田
Tuyết giang phần dữ hóa tả điền
適 時 來 生 尋 的 穴
Thích thời lai sinh tầm đích huyệt
清 持 空 族 墓 復 原
Thanh trì khổng tộc mộ phục nguyên
傘 神 選 諦 為 心 梵
Tản thần tuyển đế vi tâm phạn
沱 靈 南 替 伯 聖 明
Đà linh nam thế bá thánh minh
北 狂 西 怒 東 海 變
Bắc cuồng tây nộ Đông hải biến
戊 戌 英 君 越 建 榮
Mậu tuất anh quân việt kiến vinh
Nhóm Hà Nội : TS Nguyễn văn Vịnh Trưởng khoa Khoa học cơ bản – Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội và cộng sự dịch, có sự tham khảo từ các nhà Hán Nôm trong và ngoài nước.
貽 言 志
Di ngôn chí
白 雲 還 始 四 百 年
Bạch vân hoàn thủy tứ bách niên
雪 江 墳 嶼 化 左 田
Tuyết giang phần dữ hóa tả điền
適 時 來 生 尋 的 穴
Thích thời lai sinh tầm đích huyệt
清 持 皇 族 墓 復 原
Thanh trì hoàng tộc mộ phục nguyên
傘 神 選 諦 為 心 梵
Tản thần tuyển đế vi tâm phạn
沱 靈 南 替 伯 聖 明
Đà linh Nam thế bá thánh minh
北 狂 西 怒 東 海 變
Bắc cuồng Tây nộ Đông hải biến
戊 戌 新 君 越 建 榮
Mậu Tuất tân quân Việt kiến vinh.
3. Những sự giống và khác biệt giữa các văn bản
Về sự giống nhau: cả 03 bản đều mang thông điệp khá trùng nhau đó là dự ngôn về phần mộ liên quan tới Mạc tộc , biến động ở biển Đông với cuộc xung đột Bắc – Tây (Trung – Mỹ?) đồng thời tiên đoán những sự kiện tương lai của nước Việt.
Về sự khác nhau: Giữa nhóm Hải Phòng và Hà Nội do cùng đọc chữ trên bia đá nên trên cơ bản nhận diện mặt chữ và nội dung ý nghĩa của từng chữ giống nhau; duy chỉ có 02 chữ khác đó là chữ Khổng (nhóm HP) hay Hoàng (nhóm HN) trong câu 4 “Thanh trì (khổng/hoàng?) tộc mộ phục nguyên” và chữ Anh (nhóm HP) hay chữ Tân (nhóm Hà Nội) trong câu cuối của bài: “Mậu Tuất (anh/tân?) quân Việt kiến vinh”.
Tuy vậy, cả hai bản này chỉ có câu 1 trùng toàn bộ với bản của ông Đại sứ, phần còn lại gồm tên bài thơ và các câu từ 2 -8 nếu không lệch về từ thì về cụm từ hoặc cả câu. Cụ thể:
1.Tên bài thơ: Trong bản dịch của 2 nhóm Hà Nội và Hải Phòng đều có chung tên “Di ngôn chí” còn bản chép tay của ông cựu Đại sứ lại là “Di huấn Trình Quốc Công”.
2. Các câu chứa từ, cụm từ hoặc cả câu khác với 2 bản dịch của nhóm Hải phòng và Hà Nội
Câu 2: Tuyết giang lưu báu tác tả viên; Khác: “lưu báu tác tả viên”
Câu 3: Thiết mộc nhật lai tầm đích huyệt; Khác: “Thiết mộc nhật lai”
Câu 4: Quy thử nguyệt triều thủ xà tiêu; Khác toàn câu
Câu 5: Tản sơn xuân thủy ngưu tinh tụ; Khác “sơn xuân thủy ngưu tinh tụ”
Câu 6: Đà linh nhị khẩu xuất thánh minh; Khác: “nhị khẩu xuất”
Câu 7: Long cuồng ưng nộ Đông Hải biến; Khác: từ “Long” và “Ưng”
Câu 8: Phá điền phi dậu Việt kiến vinh; Khác: “Phá điền phi dậu”
Để kết luận phần bài này tôi xin nêu ý kiến cá nhân rằng, sở dĩ có 2 văn bản có thông diệp giống nhau nhưng chữ nghĩa lại có sự chệch đi như vậy là bởi bản được in, tức là được lưu truyền sẽ không thể rõ ràng bởi mục tiêu giữ bí mật mộ phần, nên chính tác giả của nó làm chệch đi. Mặt khác, do “tam sao” hàng 400 năm nay nên “thất bản” là điều dễ xảy ra. Trong khi văn bản đá là thông tin chuẩn đầy đủ nhất cần tôn trọng. Mặc dù vậy văn bản lưu truyền và được in này góp phần khẳng định chắc chắn đó là tác phẩm của Cụ Trạng Trình mà bằng một cách tính phi thường nào đó Cụ đã cho phát lộ để chỉ dấu cho cháu con có niềm tin để tiếp tục tìm kho “lưu báu”?
NĐM