Có thể bạn quan tâm
Hình ảnh Hoàng Cầm trong “Lá Diêu Bông”
Thi nhân với giấc mơ Kinh Bắc
Hoàng Cầm, sau vụ Nhân văn Giai phẩm, sau những vấp ngã, với ông, như một cơn địa chấn tâm hồn, Nhà thơ quay về lòng mẹ để tìm sự an ủi, giải thoát... "Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc".
Hình ảnh mẹ thật và người mẹ quê hương thời thơ ấu, hiện dậy trong giấc mơ hồi cố. Tập thơ Về Kinh Bắc được viết ra cuối năm 1959 đầu 1960 là biểu thị của giấc mơ này. Nhà thơ đã coi tập thơ “Về kinh bắc chính là tập thơ cột sống” của đời ông. Nó là sự chưng cất, kết đọng tinh túy của văn hóa kinh bắc, cũng là tinh túy của “văn hóa gốc Việt”. Tập thơ này cùng với tác giả phải trải qua những biến động thăng trầm. Tập bản thảo có minh họa của họa sĩ Bùi Xuân Phái và mẫu bìa của Văn Cao đã “lưu lạc” từ năm 1982 đến nay vẫn chưa tìm lại được. Tập “Về Kinh Bắc” đã được in ra nhờ trí nhớ của tác giả và những người ái mộ thơ ông.
Tập thơ như giai điệu hồi ức tâm tưởng có tám khúc (1. Khấn nguyện, 2. Kiếp trước, 3. Rũ bụi gia phả, 4. Rồi tất cả cùng đi, 5. Còn Em, 6. Điểm trang, 7. Rồi lại đi, 8. Về với ta). Khúc thứ năm, dường như là trọng điểm ký ức dồn tụ về và lung linh lên bởi trong năm bài thơ: Cây Tam Cúc, Lá Diêu Bông, Quả Vườn Ổi, Cỏ Bồng Thi, Nước Sông Thương. Điều đặc biệt ở năm bài thơ này là nhân vật trữ tình “Em”, là một cậu trai có thật, đó chính là tác giả; và nhân vật “Chị” là một cô gái hàng xóm có thật, gấp đôi tuổi “Em” bấy giờ. Nó khác biệt với tất cả những đại từ phiếm chỉ “Em” mà tác giả viết trong các bài thơ cùng tập mang giới tính nữ, tác giả dùng như đối thoại, hô ứng với tâm trạng mình.
Chùm năm bài thơ này, trong đó có “Lá Diêu bông” là một giấc mơ mãnh liệt kéo dài suốt một đời người, mà ẩn tàng trong đó một ham muốn bản thể: tình yêu và nhục dục, phát sinh từ thưở ấu thơ, và sau đó là sự nhớ nhung day dứt…
Câu chuyện tình có thật
“Em đi trăm núi nghìn sông!
Nào tìm thấy Lá Diêu Bông bao giờ…”.
Phạm Duy
Chiếc lá Diêu Bông không có, nhưng câu chuyện tình của cậu bé trai 8 tuổi thì lại có thật. Chuyện tưởng lạ của một thời xa ngái, nhưng lại là không lạ của hiện thực. Dante (1265 - 1321), thi sĩ lớn của thời đại Phục Hưng, vào năm lên tám, trong một vũ hội đã yêu Béatrice. Lermontov (1814 – 1841) Thi hào Nga cũng vậy. Thi sĩ biết yêu từ tuổi lên tám không phải là chuyện lạ. Tình yêu của Hoàng Cầm với chị Vinh, đặc biệt hơn ở chỗ Chị là người lớn, một thiếu nữ gấp đôi số tuổi của thi sỹ lúc ấy.
Hoàng Cầm viết “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” để phác hoạ hình ảnh vùng Kinh Bắc quê ông với bóng dáng trang phục diễm kiều cuả cô gái quê. Năm Hoàng Cầm lên 8 tuổi, phải đi học trên tỉnh. Một lần về thăm nhà, cậu bé Hoàng Cầm đã gặp người con gái 16 tuổi, tên là Vinh bước vào hàng xén cuả mẹ. Cậu bé 8 tuổi với trái tim lãng mạn đã chạm phải “tiếng sét ái tình”. Sự yêu kiều trong y phục "Váy Đình Bảng" và xuân sắc như lửa của tuổi dậy thì nơi chị Vinh ngay lập tức đã "đốt cháy" cậu bé. Hoàng Cầm hồi tưởng: “Tôi còn nhớ mồn một một buổi chiều muà đông… Chị đi về phiá cánh đồng chiều còn trơ cuống rạ Những dãy nuí xanh xanh mờ xa in hình như dao khắc trên nền trời cuối hoàng hôn. Bí mật, tôi lặng lẽ lần theo chị. Tôi thấy chị thẩn thờ tìm đồng chiềụ cuống rạ. Rồi chị lẩm bẩm một mình, dầu chị biết chắc tôi lẵng nhẵng theo sau lưng : Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông, từ nay ta gọi là chồng…”.
Tiếng sét ấy đã đi sâu vào trái tim, gần 70 năm sau Hoàng Cầm tâm sự: “Trước mắt tôi, Chị hiện ra rực rỡ như một thiên thần. Ngay lập tức, hồn tôi như bị chiếm đoạt đến đau điếng. Kể từ giây phút định mệnh ấy, tôi mê man chị chẳng còn biết trời đất, ất giáp, quên cả đến học hành, sách vở, suốt ngày chỉ ngong ngóng sang bên kia đường số 1, xe xế nhà tôi khoảng 20 mét, nơi thiên thần cuả tôi ngồi bán quán nghèo, phố nhỏ điù hiu, tỉnh nhỏ… Tôi phải lòng chị, cứ thế giăng mắc tơ tình quanh chị suốt 4 năm trời, đến năm tôi 12 tuổi thì chị đi lấy chồng”.
Câu chuyện hồi tưởng ấy, đủ sức chân thành khẳng định cái mối tình định mệnh ấy với chiếc lá Diêu Bông đi suốt cuộc đời nhà thơ như dòng sông thật ảo.
Và ảo tưởng tình yêu
Sự thú nhận chân thành của tác giả đã giúp chúng ta giải mã vấn đề tình yêu xuất hiện sớm ở độ tuổi thiếu niên. Cần nhớ rằng quê Kinh Bắc với những lễ hội truyền thống tạo ra sự sinh hoạt cộng đồng sầm uất, con người giao tiếp thường xuyên chứ không khóa kín như ở một số vùng quê khác. Những câu ca Quan họ thấm đẫm chất tình yêu lứa đôi và lối biểu diễn với những liền anh liền chị “lúng liếng” đa tình có sức ảnh hưởng lớn đến những ham muốn tình yêu cho lứa tuổi trẻ thơ. Đọc “Về Kinh Bắc” mới thấy hết được những khung cảnh thơ mộng, những hoàn cảnh gần gũi trai gái được “đẩy vào nhau”: Trong một đám chơi Tam cúc, cận kề xem hội, cùng đi trên cánh đồng vắng… sóng mắt, đường nét cơ thể, hơi thở nồng nàn… đánh thức sóng lòng của cậu bé tám tuổi bừng dậy. Sự thật, đó là sự thức dậy sớm của giới tính yêu cầu giải phóng và đó là tình trai gái.
Tuy nhiên, điều này xét về mọi phương diện điều kiện, cái khao khát ấy không có đáp số. Bởi thế, cái khao khát chiếm hữu dâng lên song nó chỉ đạt đến sự hóa thành giấc mơ cưới được chị.
Lá Diêu Bông là một ảo tưởng, một ảo tưởng tình yêu. Hình ảnh chiếc lá Diêu Bông, cũng như hình ảnh đền Bà Sấm, bến Cô Mưa…là những hình ảnh sáng tạo bằng tưởng tượng. Hoàng Cầm đã tự sự, “Lá Diêu Bông là chiếc lá huyền thoại, chiếc lá ngây thơ về một tình yêu đầy mộng mị thời thơ ấu”. Gần đây, một số nhà nghiên cứu cho rằng, lá Diêu Bông, do âm hưởng, gợi đến lá vông, tức bộ phận sinh dục nữ (ca dao: Ngồi lá vông, chổng mông lá chốc; Hồ Xuân Hương: Đố ai biết được vông hay chốc hoặc chính hình dạng chiếc lá: ngồi lá tre, tè he lá mít) tức thân thể người phụ nữ, đã gợi liên tưởng tình dục ở cậu bé. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong quá trình tìm kiếm không mệt mỏi của nhân vật em với hy vọng thỏa mãn yêu cầu của người tình trong mộng.
Trong cái dòng xúc cảm hồi ức ấy bài thơ như một chân trời xa cũ sống lại với bầu khí quyển yêu mà cậu bé háo hức. Bài thơ cũng là một đối thoại câm, diễn ra trong một không gian buồn, cánh đồng chiều hoang lạnh trơ lại toàn cuống rạ, thơ thẩn hai bóng người.
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thờ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị thẩn thờ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Điều quan trọng là hai cái bóng ấy đều đi tìm tình yêu của mình trong tâm trạng cô đơn và khao khát. Nhưng cái đích của mỗi người một khác. Ở đây lời thơ gợi về nội dung câu chuyện cổ khởi thủy, Chị và Em đành phải lấy nhau khi thế gian chỉ duy nhất có hai người và sinh hạ ra loài người. Nhưng đó là chuyện cổ, còn sự thật thì không thể nào khác. Và phải chăng như muốn để cắt đứt - một cách rất tế nhị của gái vùng Quan họ - cái tình cảm phảng phất mơ hồ cảm nhận được từ em đang phát sóng, bằng cách yêu cầu tìm một chiếc lá không hề có, cũng như cái khao khát của em không thể có.
Chị bảo:
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Tình của em sục sôi, nên kiên quyết muốn khẳng định , muốn thoát cái xác phàm 8 tuổi để thay bằng sức mạnh của tuổi trưởng thành, minh chứng cho sự trưởng thành; muốn biến cái không thể thành có thể:
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày: Đâu phải Lá Diêu Bông.
Muà đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãng bên sông.
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xoe chỉ cắm trôn kim.
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn.
Chị chau mày: Đâu phải Lá Diêu Bông.
Muà đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãng bên sông.
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xoe chỉ cắm trôn kim.
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn.
Tại sao lại hai ngày? Thời gian quá dài mà cũng là quá ngắn. Hai ngày cho một câu “đố lá” hiểm hóc của chị thế là ngắn, nhưng hai ngày để em phải kiếm tìm thế là dài. Nhưng hai ngày em đã tìm được lá, lại nói nên độ say mê, sự kiên quyết thực hiện bằng được mục tiêu chinh phục trái tim chị của em. Nhưng rồi thời gian trôi, em vẫn không từ bỏ lòng yêu, “Mùa đông sau””Ngày cưới chị””Chị ba con” em vẫn đi tìm lá. Một sự dằng dặc, một sụ bền bỉ kéo dài. Cái gì đã làm nên động lực ấy: Tình yêu. Cần lưu ý rằng, đến thời điểm cuối cùng đưa lá thì cậu bé đã là chàng thanh niên rồi. Thời điểm ấy mọi sự nhận biết đã trưởng thành. Cái không thể của mối tình, cái hoàn cảnh thực tế, chắc chắn chàng trai đã hiểu. Nhưng anh không có ý dập tắt ngọn lửa yêu cháy câm lặng đã châm lên từ thưở thiếu thời. Nó như một thứ vĩnh hằng, một phần của cuộc đời, như hơi thở nhà thơ vậy.
Mười một dòng thơ ngắn nhưng là cả một đời đi tìm kiếm của nhà thơ với hy vọng và thất bại. Thời gian tăng lên không ngừng, kết quả thu lá về của nhà thơ cũng tăng lên nhưng tất cả tỷ lệ nghịch với mong muốn: Thất bại ngày càng lớn dần. Bao nhiêu lá, nhưng vẫn trắng tay chiếc Lá Diêu bông!
Nhưng buồn hơn, nỗi đau khổ của chị cũng tăng dần lên theo thời gian. Có lẽ sẽ xa vào thô thiển nếu đặt câu nghi vấn, nhân vật trữ tình Chị, có yêu em hay không? Nhưng dám chắc vì chuyện yêu của Em mà chị đau khổ. Bắt đầu là giận “Chau mày”, rồi thất vọng “lắc đầu” rồi “Chị cười xoe chỉ cắm trôn kim”, một nụ cười báo hết, đèn đỏ vì “Ván đã đóng thuyền”; rồi cuối cùng là “Phủ mặt chị không nhìn”. Hình ảnh người con gái hao mòn dần do sức bào mòn của thời gian và nỗi khổ nơi nhà chồng đã biến chị thành gái “ ba con, má ố răng vàng”, rồi chăng? Nó làm chị buồn mà che mặt, hay Chị buồn vì em khiến chị hoài niệm cái kỷ niệm tươi đẹp vô vọng một thời lấp lánh ánh cầu vồng chân mây xa vời mà sự lụi tàn luôn biết trước? Dù gì, thì Chị đã không quên, trong tâm thức chị vẫn có em câu chuyện tình Em –Chị vẫn sống nơi đấy tim người đàn bà ấy.
Có điều, cái không thể vẫn là không thể. Chiếc lá như kỷ niệm buồn, như vật hứa thề trĩu nặng theo bước chân thi sĩ và luôn vang lên da diết:
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọị
Diêu bông hời … ới Diêu Bông!
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọị
Diêu bông hời … ới Diêu Bông!
Bài thơ khép lại trong tiếng kêu buồn. Đó là tiếng kêu bất lực của tình yêu ở đầu đời niên thiếu của thi nhân. Tưởng trái tim con trẻ dại khờ, dễ quên, nhưng không phải. Dấu ấn của tiếng sét ái tình ấy đã thiêu đốt nhà thơ suốt cả cuộc đời.Nó như một báu vật thiêng liêng ông nâng niu gìn giữ. Chỉ có điều nó giống như một bóng trăng dưới dáy ao, nhìn vào thì được chứ không thể cầm lên.
Đến sức sống dư ba
Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 12 tháng giêng năm Nhâm Tuất (tứ ngày 22/2/1922) tại Bắc Giang, nhưng quê gốc của ông ở Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh, quê hương nổi tiếng cuả Quan họ Kinh Bắc. Ông là nhà thơ nổi tiếng một thời và bài thơ Bên kia Sông Đuống của ông đã xếp vào danh sách những tácphaamr đi cùng năm tháng. Năm thi sỹ tròn tuổi 75, bè bạn đã chọn lọc khoảng 300 bài thơ liên quan đến hình ảnh 13 người đẹp đi vào trái tim nhà thơ để làm tập “Thơ Hoàng Cầm – 99 tình khúc”. Trái tim của Ông vẫn trẻ trung rạo rực: “Tôi biết ơn tất cả những người con gái đã đi qua đời tôi, đã gieo gió bão trên cánh đồng thi ca cuả riêng tôi”. Những tác phẩm của ông trong đó có Lá Diêu bông đã làm tên tuổi ông đi vào ký ức người Việt…
Hoàng Cầm là một loại dược thảo, lá dài và nhỏ; còn lá “Diêu Bông” được vẽ bằng trái tim yêu. Lá Diêu Bông lãng mạn ấy đã sa vào cuộc đời thi sĩ và trở thành định mệnh tình yêu của chính ông. Suốt một đời tìm lá, nhưng chẳng có chiếc lá nào là Lá Diêu Bông! Chiếc lá của sự oái oăm, sự thất vọng, sự khao khát cháy bỏng và rất đỗi mơ hồ ảo mộng.
Nhiều nhạc sĩ đã rung rộng với hồn thơ Hoàng Cầm và lấy Lá Diêu Bông làm chất liệu cảm hứng. Nhạc sĩ Phạm Duy viết ca khúc Lá Diêu Bông ở hải ngoại vào giữa thập niên 1980 trong tuyển tập “Thấm thoát mười năm” xuất bản năm 1985. Khoảng năm 1990, nhạc sĩ Trần Tiến phổ biến bài này mang âm điệu dân ca. Hoàng Cầm, trong một bài phát biểu của mình trên VTV, đã cho rằng cả hai nhạc phẩm của Trần Tiến và Phạm Duy đều không làm ông hài lòng. Tuy nhiên, sự thật khi được chắp thêm cánh nhạc người đời, đặc biệt là những trái tim đa cảm đa sầu, đã tìm thấy chiếc “Lá Diêu Bông”- chiếc lá tình yêu lạ, rất tươi xanh trong khí quyển, lấp lánh trong bầu trời tâm hồn thi sĩ.