Muốn sang thì bắc cầu Kiều…
Trước áp lực của cơ chế kinh tế thị trường, nhiều nét văn hóa truyền thống đã bị tác động, trong đó phải thừa nhận thực tế có một số truyền thống văn hóa đẹp đã bị phôi phai. Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt các trang mạng xã hội đưa các tin bạo lực hoặc tha hóa trong quan hệ thày trò làm nổi cộm lên trong dư luận xã hội câu hỏi: Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” ngày nay liệu có phải đang bị băng hoại? Thậm chí ngay trong đội ngũ giáo giới không ít thày cô trước hiện tượng học sinh “Quậy phá” cũng nêu nghi vấn: Phải chăng, nét đẹp văn hóa ấy đã bị xói mòn do xu thế xã hội?
“Tôn sư trọng đạo” vốn là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Tục ngữ Việt cổ, nơi thể hiện nhận thức trí tuệ Việt đã nêu bài học quý thể hiện một thói quen văn hóa tốt đẹp “Mùng 1 tết cha, Mùng 3 tết thầy”. Từ ngàn xưa ca dao lưu truyền bài học như một triết lý dân gian: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Thời hiện đại, Lãnh tụ Hồ Chí Minh là người quan tâm đến giáo dục nhất. Khi đánh giá về đội ngũ nhà giáo Bác khẳng định “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội cho được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng ca ngợi “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Dẫn ra những điều mang tính lý luận này để khẳng định một hiện thực, từ xưa đến nay trong tiềm thức dân gian, hay trong những nhận định của các nhà chính trị, “Tôn sư trọng đạo” là một nét văn hóa đẹp không thể mai một và phải giữ gìn như một tất yếu.
Những ngày chuẩn bị vào đàu năm học, được chứng kiến câu chuyện xảy ra trên đất học Trạng Trình. Anh Phạm Quang Hòa 55 tuổi vốn là một cựu sỹ quan an ninh, hiện đang công tác tại Việtnam Airlines, thay mặt 400 thành viên của Hội những người Hải Phòng tại thành phố Hồ Chí Minh lặn lội về tận quê để trao những xuất quà cho các nhà trường làm lễ khai giảng và hỗ trợ các học sinh nghèo. Số tiền không nhiều, nhưng các Thày hiệu trưởng THPT tại Vĩnh Bảo rất xúc động. Trong câu chuyện , anh Hòa kể về những ngày tháng học tập gương mặt những thày cô anh nhớ và bạn bè trong hội qua anh gửi lời chào lời kính chúc nhân ngày khai giảng. Anh nói “Chúng em có trang Website riêng, chỉ cần đăng 1 tin về giáo dục Vĩnh Bảo sẽ có ngay 500 lượt truy cập. Hiện chúng em lập quỹ hỗ trợ tất cả các học sinh học tập tại thành phố Hồ Chí Minh”. Câu chuyện ấy chỉ là một câu chuyện trong số trăm nghìn câu chuyện tương tự nó tự nói lên một sự thật hiện hữu : “Tôn sư trọng đạo” nét văn hóa Việt chưa hề bị mai một.
Với sự phát triển của xã hội, trước cuộc sống hiện đại, niềm tin về truyền thống quý báu này có lúc có nơi ở đâu đó mang tính hiện tượng có thể bị giảm sút. Và đâu đó trong cuộc đời làm công việc “trồng người”, mỗi thầy cô có gặp phải những học sinh có những hành vi trái đạo đức truyền thống, song rõ ràng đó không phải là tất cả ý thức xã hội.
Tuy nhiên, do tác động của những mặt trái của nền kinh tế thị trường, bên cạnh những thành tựu đạt được của giáo dục hôm nay, sự nghiệp “trồng người” cũng đang phải đối mặt những thách thức cam go. Những biểu hiện xuống cấp về chất lượng, đạo đức, Hai tiếng “nhà giáo” vì thế có nơi có lúc cũng giảm bớt giá trị thiêng liêng. Tăng cường uy tín nhà giáo, thổi bùng lên ngọn lửa đạo học trên đất Cảng hoàn toàn không phải là điều quá khó. Suốt 10 năm qua, sự nghiệp giáo dục cuả thành phố luôn ở tốp đầu toàn quốc, đó là sự thật không thể chối từ. Kết quả ấy phản ánh một điều căn cốt là truyền thống văn hóa “Tôn sư trọng đạo” vẫn cháy nóng nơi mảnh đất đầu sóng.
Để giữ cho ngọn lửa ấy thiêng liêng và sáng mãi cần phải thấy sự nghiệp “trồng người” là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của mọi gia đình. Đó cũng chính là một bài học quan trọng giữ gìn, phát huy truyền thống đạo lý của dân tộc.