CHÚC VĂN TƯỞNG NIỆM 100 NĂM NGÀY MẤT CỦA DANH NHÂN VĂN HOÁ NGUYỄN KHUYẾN
Thạc sỹ Nguyễn Đình Minh
Phụng thảo
Ngày hôm nay.
Trong tiết xuân bốn mặt hoa cười
Đất Hà Nam một ngày mở hội
Xóm làng phấp phới cờ bay
Đền thờ uy nghiêm hương khói.
Nhớ người xưa:
Sinh thành đất mẹ Văn Khê
Dưỡng dục quê cha Yên Đổ
Dòng nho gia theo nghiệp bút nghiên
Nguồn trí sáng từ nền khoa cử (2)
Tuổi ấu thơ gia cảnh thanh bần
Khi ích tráng giang sơn nghiêng ngả.
Sự học bao phen lận đận chốn trường thi
Mưu sinh một thời lao đao nơi xóm nhỏ.
Siêng năng trồng ngũ cốc tứ mùa mài đức dưỡng tâm
Chăm chỉ việc sách đèn, nhật nguyệt sôi kinh luyện trí.
Bút hạ mây bay
Văn hành vũ thí
Đứng đầu thi hương niên mậu tý, vang đất Thăng Long
Thủ khoa hội thí năm tân mùi, động Kinh thành Huế
Giữa sân rồng, bút lực đoạt đình nguyên.
Trong điện nội, Quân vương ban áo mũ. (3)
Trống nổi rung đất Ý Yên
Cờ bay rợp trời Yên Đổ
Hà Nam đát học, rạng ngời tên tuổi Tam nguyên
Bình Lục dòng thơ, lẫy lừng bút danh nhị giáp (4)
Đời quan, bao đận thăng trầm
Hành tẩu, nhiều phen khốn khó
Quảng Ngãi Bố chánh thăng quan
Quốc sử toản tu giáng bổ(5)
Hai chữ thanh cao cốt cách, gìn giữ nếp nhà nho, gương báu tự răn
Một lòng yêu nước trung trinh, đau đáu nỗi thương đời, trái tim máu rỏ
Xã tắc suy vong, nửa tây nửa ta
Triều đình yếu hèn, phe công phe thủ
Từ quan treo ấn, nơi cố hương, quyết chí lui về (6)
Đóng cửa phòng văn, vòng danh lợi, dứt lòng từ giã.
Nỗi buồn cất cánh thu xanh
Niềm đau ai vầy mắt đỏ (7)
Ung dung tự tại vườn Bùi (8)
Nhàn nhã thong dong lối cỏ
Áo mặc nâu phèn
Cơm ăn độn củ
Vần thơ câu đối giúp làng quê
Chén rượu cuộc cờ vui tri kỷ
Truyền Đạo thánh bất chấp uy quyền
Dựng Sư môn nghiêm minh quy củ
Phê văn không vị sang hèn
Răn dạy toàn năng dũng trí
Nhớ nước, cúi đầu thẹn với ông Đào (9)
Thương dân, ngẩng mặt buồn trông hoa cũ.
Tấc lòng đành gửi gió mây
Mảnh hồn trút vào thi phú
Đau đáu một lòng thương nước - Yên Đổ thi tập, Quế Sơn (10)
Bời bời những nỗi đau dân - Bách lưu thi văn , Cẩm ngữ,
Thẳng ngay tựa trúc, tiếng cười thâm thuý nho gia
Huyền diệu như mây, câu thơ mộng màng thi sĩ.
Đức độ trăm họ mến yêu
Văn tài nghìn nhà kính nể.
Viên mãn hai tiếng Tam Nguyên
Vẹn tròn một đời quân tử
Bụi trần tục rũ áo lùi xa
Cuộc bể dâu lòng son nguyện giữ.
Bảy mươi tuổi đại khoa đạt đỉnh, “hạc lội mây ngàn” (11) trác tuyệt thơ Nôm
Ba tư năm xử thế vẹn toàn “ ái quốc ưu dân” trọn đời chung thuỷ.
Chúng con nay :
Nối dòng đạo học của người xưa
Dạy dỗ cháu con, đường rộng mở
Trau dồi tri thức, hội nhập trí tuệ đông tây
Xây dựng quê hương, giữ gìn gia phong tiên tổ
Giáo dục cất cánh bay lên
Hưng thịnh nước nhà chuyển đổi
Lộ trình rộng mở năm châu
Vị thế ngang tầm bốn bể.
Nhìn về hậu thế tâm trọn niềm vui
Nghĩ tới tiền nhân lòng không tủi hổ.
Chỉ thương người :
Mấy phen chìm nổi tuyết sương
Một đời thăng trầm giông tố
Tâm thấm cõi nhân gian, mà đại nghĩa yên dân chỉ đến cõi bồ đề.
Chí gửi bốn phương trời, nhưng giấc mộng phò vua hoá thành cơn gió thổi.
Núi Phượng Hoàng(12) đành cất cánh thăng thiên.
Thơ bia mộ (13) còn ngậm hờn buốt nhói.
Màu thu xanh vẫn lưu bút ngàn năm
Đỉnh học vấn còn trường tồn thiên cổ.
Cẩn cáo.
Ngày rằm tháng giêng năm kỷ sửu 2009.
CHÚ THÍCH
1- Nguyễn Khuyến tên thật là Nguyễn Văn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miễn Chi, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1835 tại quê ngoại - làng Văn Khê, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Hà. Quê nội của cụ ở làng Và, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Hà.
2- Cha là Nguyễn Tông Khởi (1796-1853), thường gọi cụ Mền Khởi, đỗ ba khóa tú tài, dạy học. Mẹ là Trần Thị Thoan (1799-1874), con cụ Trần Công Trạc, từng đỗ sinh đồ (tú tài) thời Lê Mạt. Thuở nhỏ, ông cùng Trần Bích San (người làng Vị Xuyên, đỗ Tam Nguyên năm 1864-1865) là bạn học ở trường cụ Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị.
3- Năm 1864, Nguyễn Khuyến đỗ đầu cử nhân (tức Hương Nguyên) trường Hà Nội. Năm sau ông trượt thi Hội, thi Đình nên phẫn chí ở lại kinh đô học trường Quốc Tử Giám. Đến năm 1871, ông mới đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên. Từ đó Nguyễn Khuyến thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.
4- Theo các nhà sử học. Do Triều Nguyễn không phong danh hiệu Trạng nguyên nên Nguyễn Khuyến chỉ được coi là nhị giáp ( điều này đôi câu đối ở từ đường ông cũng ghi như vậy)
5- Năm 1873, ông được bổ làm Đốc Học, rồi thăng Án Sát tỉnh Thanh Hóa. Năm 1877, ông thăng Bố Chính tỉnh Quảng Ngãi. Sang năm sau, ông bị giáng chức và điều về Huế, giữ một chức quan nhỏ với nhiệm vụ toản tu Quốc Sử Quán.
6- Nguyễn Khuyến cáo quan về Yên Đổ vào mùa thu 1884.
7- Nguyễn Khuyến tự vầy đỏ mắt để lấy lý do mắt kém không ra làm quan.
8- Vườn thơ của Nguyễn Khuyến.
9- Đào Tiềm - Nhân vật kiên quyết từ quan bất hợp tác với triều đình – theo sử TQ. Ở đây Nguyễn Khuyến tự thấy mình không bằng Đào Tiềm vì vẫn vấn vương với thế sự.
10- Ông để lại các tập thơ văn Quế Sơn thi tập, Yên Đổ thi tập, Bách Liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ và nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối... truyền miệng.
11- Nguyễn Khuyến có biệt tài về thơ văn chữ Nôm, phong cách thường ung dung, phóng khoáng, nhuốm đậm tư tưởng Lão Trang và triết lý Đông Phương. Nhà vua khi đánh giá về bài thi Hội đình nguyên đã phán “ Nếu ví văn của các thí sinh như gà vịt trên sân thì văn Nguyễn như hạc bay trên trời vậy”.
12- Ông qua đời tại Yên Đổ ngày 5 tháng 2 năm 1909, nhưng học trò ông bí mật mai táng ông tại núi Phượng Hoàng huyện Ý Yên. Nơi đây có lăng mộ ông mới xây dựng.
13- Nguyễn Khuyến lúc sắp mất có làm bài thơ tự cảm trong đó có câu :
“ Ghi vào mấy chữ trong bia
Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu
14- Nguyễn Khuyến, tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miễn Chi, thường được gọi là Tam nguyên Yên Đổ, sinh ngày 15 tháng 2, 1835 - mất ngày 5 tháng 2, 1909, được mệnh danh là nhà thơ của dân tình làng cảnh Việt Nam. Năm 2007, Trường THPT Bán công Vĩnh Bảo chọn làm tên trường khi chuyển sang hệ THPT công lập.