Những kỷ lục chưa xác lập của Truyện Kiều

Các nhà khoa học Xã hội và Nhân văn đã công bố, Truyện Kiều đạt 5 kỷ lục thế giới và 7 kỷ lục quốc gia. Tuy nhiên tìm những kỷ lục về Truyện Kiều có lẽ vẫn còn là công cuộc kéo dài, trong phạm vi nghiên cứu nhỏ, chúng tôi xin nêu thêm một số thống kê để các nhà kỷ lục học tham khảo.

Bốn kỷ lục thuộc phạm vi nghệ thuật

1. Truyện Kiều là tác phẩm có số lượng nhân vật điển hình lớn nhất trong một tác phẩm văn học. Soi chiếu đặc điểm của hình tượng điển hình vào tác phẩm, có thể thấy không có bất kỳ tác phẩm nào của Văn học Việt Nam mà nội dung tái hiện được số đông nhân vật điển hình như vậy. Chúng ta dễ dàng nghe thấy trong dân gian từng ví về người đẹp: “Đẹp như Kiều”, về phụ nữ hay ghen “máu Hoạn Thư” , hay gọi kẻ lừa tình là  “ Sở Khanh ”;Tương tự ta có thể thấy cách ví này áp dụng với nhiều nhân vật: Từ Hải, Hồ tôn Hiến, Tú bà…

2. Truyện Kiều số câu lục bát chuẩn mực theo niêm luật đạt tỷ lệ cao nhất trong các tác phẩm cùng viết bằng thể thơ này. Đặc biệt, các câu lệch chuẩn được sáng tạo tài tình. Trong 1627 câu bát của Truyện Kiều, câu nào cũng chuẩn, Nhưng trong 1627 câu lục có 26 câu lệc chuẩn. Nhà thơ Vương Trọng đã xác nhận “vậy, ta tính được 26 câu lục lệch chuẩn, chiếm tỷ lệ chưa đến 1,6% tổng số câu lục” và xét tổng số 26/3254 câu (lục bát) thì tỷ lệ này chỉ là 0,8%.

3. Trong Truyện Kiều, có nhiều hình ảnh về các loài hoa trong tự nhiên nhất với tần suất xuất hiện khác nhau. Nguyễn Du đã nhắc đến 15 loài hoa là: Đào (21 lần), Mai (12 lần), Sen (13 lần), Lan (5 lần), Cỏ lau (2 lần), Hồng (6 lần), Lê (5 lần), Cúc (4 lần), Hải đường (2 lần), Trà mi (2 lần), Phù dung, Lựu, Mẫu đơn, Liễu, Huệ. Phẩm chất của hoa trong từng tình tiết truyện lại thể hiện ý nghĩa khác biệt : chỉ người con gái, chỉ mùa, vẻ đẹp, nỗi đau…

4.Tác phẩm sử dụng nhiều và thành công nhất hệ thống thành ngữ thuần Việt lẫn thành ngữ Hán Việt. Theo thống kê chưa đầy đủ các loại thành ngữ từ 3-8 âm tiết được sử dụng nhiều, trong đó thành ngữ sử dụng nguyên dạng là 106, thành ngữ cải biến sáng tạo là 41. Việc sử dụng thành công vào một tác phẩm thơ số lượng thành ngữ lớn như vậy thì trước Nguyễn Du và sau Nguyễn Du chưa từng có.

Ba kỷ lục thuộc phạm vi ảnh hưởng vào đời sống xã hội

1.  Truyện Kiều là cuốn truyện mà người dân toàn quốc vô cùng ngưỡng mộ. Một tác phẩm có nhiều người biết đọc biết viết thuộc đã là hiếm, nhưng Truyện Kiều lại có nhiều người mù chữ thuộc nhất.Việc đọc thuộc truyện kiều hoặc bộ phận truyện diễn ra ở tất cả các vùng dân cư Bắc Trung bộ ngay từ trước Cách mạng tháng Tám, thời điểm mà nước ta 95% dân số mù chữ. Người ta đọc nó, vận vào ngôn ngữ giao tiếp nhiều nhất và không khác gì dùng ca dao tục ngữ. Điều này tạo nên một kỷ lục khó có tác phẩm nào trước và sau Truyện Kiều sánh kịp.

2.Truyện Kiều được dịch ra trên 20 ngôn ngữ khắp thế giới, được nhiều quốc gia chọn làm đề thi phổ thông, đại học và tái bản hàng ngàn lần. Đây là một kỷ lục mà ít tác gia văn học Việt Nam nào vượt qua. Truyện Kiều là tác phẩm được giảng dạy trong ngành giáo dục rất sớm, dẫu ở thời điểm nước Việt Nam đang bị đô hộ bởi ách Thực dân hay chia cắt với 2 chế độ chính trị khác nhau. Từ thời Pháp thuộc Truyện Kiều đã được đưa vào trường học, Giáo sư Hoàng Như Mai (sinh ngày 6-8-1920) cho hay ”Thời của tôi, học sinh được học về Nguyễn Du ngay từ tiểu học”.Sau Cách mạng tháng 8/1945 tại miền Bắc ( Chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa) và tại miền Nam (chế độ Việt Nam cộng hòa) đều có chương trình giảng dạy Truyện Kiều trong nhà trường.

3. Truyện Kiều là tác phẩm được nhiều bậc quân vương và chính khách yêu quý sử dụng. Ngay ở sau thời điểm ra đời không lâu, truyện đã thu hút được sự chú ý của vua Minh Mạng và sau được Vua Tự Đức dù ghét về việc Nguyễn Du xây dựng tư tưởng nhân vật Từ Hải nhưng vẫn say mê “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng / Xếp tàn y lại để dành hơi”. 

 Truyện Kiều và Nguyễn Du có ảnh hưởng lớn đến các lãnh tụ của Đảng và nhà nước ta mà tiêu biểu là Hồ Chủ Tịch. Năm 1946, đáp lại thịnh tình của bà con Việt kiều tại Pa-ri đưa tiễn, Bác  đọc hai câu Kiều: “ Gìn vàng giữ ngọc cho ngay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”. T.Lan, trong “Vừa đi đường, vừa kể chuyện” thuật lại: Bác đã đọc và dạy những người đi theo học từng đoạn, giải thích từng chữ trong Truyện Kiều. Về sau, trong thơ ca, bài nói, bài viết của Bác ta càng gặp nhiều câu phỏng Kiều, tập Kiều.

 Nhiều lãnh tụ cũng từng đề cập đến tác phẩm này. Ngày 7, 10 tháng 2/1966 Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong bài phát biểu về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Ông đặc biệt đề cao Truyện Kiềubất hủ. Rồi ông dẫn chứng hai câu thơ Kiều: “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”.

Với các chính khách nước ngoài, có thể ghi nhận việc hai tổng thống Mỹ đã vận dụng Kiều khá thành công trong các tình huống đối ngoại. Năm 2000, Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn đáp từ Chủ tịch  Nguyễn Minh Triết đã vận Kiều: “Nhân dân Hoa Kỳ vui mừng vì đã đến lúc chúng ta có thể trở thành đối tác. Như trong Truyện Kiều đã nói: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”(Báo Nhân Dân, 18-11-2000). Năm 2006, khi dự hội nghị APEC, Tổng thống Mỹ GJ.But khi nói về Việt Nam đã có kinh tế thị trường từ lâu đã đọc câu Kiều “ Đợi ngày nạp thái vu quy/Tiền lưng sẵn có việc gì chẳng xong”…

Những tìm hiểu này cũng chỉ là tham góp, bổ sung; các kỷ lục về Truyện Kiều vẫn chưa dừng ở những con số thống kê như hiện nay, nó vẫn được tiếp tục tìm kiếm và xác lập giống như chủ nhân của nó, Nhà thơ Nguyễn Du, người Việt Nam duy nhất  2 lần được thế giới vinh danh là Danh nhân văn hoá, năm 1965 bởi Tổ chức hoà bình thế giới và năm 2014 bởi tổ chức UNECO.

 

 Nguyễn Đình Minh