Yếu tố sắc màu trong thơ

thanh_minh2Câu chuyện trong thơ có nhạc, có họa là câu chuyện ai cũng biết. Nhưng biết sắc màu được sử dụng với dụng ý gì là một vấn đề, khai thác nó để sử dụng trong dạy văn học văn lại là một vấn đề nữa. Màu trong thơ ở mỗi tác giả sử dụng một khác. Có người dùng nguyên màu như màu bản thể xanh, đỏ, tím vàng,.. có người dùng màu pha, tức là cái màu ấy được trộn với màu khác để tạo ra màu thứ ba. Cách “Vẽ” cũng khác, lúc được miêu tả phẳng, lúc trùng điệp, có nhiều khi pha với nhạc tính “Trắng phau cầu giá đen rầm ngàn mây” (Nguyễn Du)… nhưng có một đặc điểm cố kết đó là sắc màu gắn chặt với ánh sáng và điểm nhìn thị giác của nhà thơ. Và quan trọng hơn cả là màu trong thơ luôn là một dụng ý nghệ thuật. Điều này đặt ra cho những người dạy và học suy ngẫm với ý coi đó như một yếu tố nghệ thuật cấu thành trong quá trình cảm nhận tác phẩm.
 
Truyện Kiều của Nguyễn Du và Chinh Phụ Ngâm ở Đoàn Thị Điểm là hai tác phẩm văn học trung đại nổi tiếng. Khi đọc lại hai tác phẩm này tôi chợt nhớ tới tài năng dùng màu để vẽ bối cảnh và tâm trạng  tình yêu chớm nở, tình vợ chồng son sắc của hai thi sỹ. Dụng công dùng màu để xây dựng bối cảnh và tâm trạng trong những câu thơ trong Truyện Kiều và Chinh phụ ngâm để lại nhiều ám ảnh. Chúng tôi muốn gửi một chút cảm nhận nhỏ về những nội dung này, qua vài ví dụ nhỏ, để hy vọng chúng ta có thể chú ý hơn tới sắc màu trong các văn bản thơ.
Tháng ba, Chị em Kiều đi tảo mộ. Bức tranh tiết thanh minh như hút cả tầm nhìn bởi sắc màu trộn hòa ánh sáng: 
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Toàn một gam màu lạnh, cảnh đẹp trong vẻ đẹp lạnh lùng của tiết Thanh minh nơi nghĩa địa. Màu xanh của cỏ bát ngát. Tính từ “rợn” không biểu hiện nghĩa rùng rợn, mà là sóng cỏ theo gió xuân mà trỗi dậy tới chân trời. Và chân trời lại một màu xanh nữa nhưng không tả ra, mà màu xanh được gợi.     Trên cái nền muôn trùng xanh ấy thốt nhiên màu trắng tinh khôi của vài đốm hoa lê rắc lên. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, trắng không phải là màu mà là ánh sáng. Bởi Gam màu “lạnh”, đối lập về màu không có, trắng là độ sáng chứ không phải màu. Nhưng dù là gì thì trên cái thảm muôn trùng biếc cỏ kia, nhờ ánh sáng, hay màu trắng hoa lê cái lạnh giảm đi. Sự tương tác của nó làm cho màu cỏ xanh hơn và có sức sống. Đấy là bối cảnh mà Nguyễn Du dựng trước cho một cặp uyên ương gặp gỡ. Đẹp và thê lương, mộng mơ và u uất.
Rồi Kim Trọng xuất hiện:
Tuyết in sắc ngựa câu dòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.
Lại màu trắng của tuyết được gợi, khi miêu tả sắc con ngựa của Kim Trọng và lại một màu “non da trời” miêu tả  sắc áo của chàng. Cách miêu tả ấy qua ánh nhìn của Kiều. Nó rất  gần gũi, nhưng lại dường như bị đẩy ra xa xôi : ngựa như lẫn màu tuyết, áo như dính vào da trời. Màu ở đây không còn nguyên gốc mà bị trộn lẫn xa mờ. Đó là tâm lý của Kiều, một chút e ấp, vì đã biết chàng Kim là ai đâu nên cái nhìn của cô êm ả, lờ mờ, bảng lảng, nhẹ nhàng như ngưng tụ, lại như thoáng qua vậy. Mọi vật lại nhòa vào nhau không có ranh giới, cái nọ in vào cái kia, màu này pha vào màu khác. Thủ pháp tạo hình màu, nét và cả không gian cứ chạy về xa phía chân trời,  đã gây ra cái tâm lý phức tạp, đẹp và nhẹ khó nắm bắt của sớm xuân kỳ ngộ để sau này vô vọng. Hóa ra cái màu được miêu tả xa xôi bảng lảng ấy sức biểu hiện tâm lý người, và vẽ ra cả định mệnh thật ghê gớm, bằng nét bút thật tài hoa.
Tìm đến khung cảnh được thơ vẽ bằng màu trong Chinh phụ ngâm, gặp được câu thơ khá nét. Đó là cảnh chia tay:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh biết mấy ngàn dâu
  Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai
Câu 1, không có màu. Nỗi đau làm “mù” con người. Câu 4 có màu đen của sự chia ly bi ai, nhưng đó là màu tưởng tượng. Hai câu giữa là màu xanh với các sắc độ khác nhau. Từ láy "xanh xanh" tạo thành một tính từ mang sắc thái biểu cảm giảm nghĩa xanh. Màu mờ ảo, nhòe đi, trập trùng xa dần xa dần như bước đi của chàng và nỗi lòng rối bời của người thiếu phụ. Ở câu 3 từ "xanh ngắt" là một từ ghép, sử dụng tu từ ngữ âm  tắc sát - vần“ắt”,  màu xanh có sắc độ đậm lại và  tạo hình ảnh màu phẳng nhưng dựng đứng lên như một bức tường thành ngăn cách. Đó là tâm trạng tuyệt vọng của nàng..
AochangVà trong buồng the, đêm vắng, hình ảnh người chồng, trong tưởng tượng của nàng nơi chiến địa hiện dậy:
“Áo chàng đỏ tựa ráng pha
    Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in”

       Với Kiều, Kim Trọng là chàng trai lạ mới gặp, còn với người Chinh Phụ, người Chinh Phu đã là chồng. Bởi vậy  Kiều e ấp với ánh nhìn nhạt nhòa, còn người vợ với bao tình nghĩa sắc son phải nhìn trực diện vào chồng. Hình ảnh người chồng nổi bật với vai trò trung tâm đích ngắm, chiếm toàn bộ “trường nhìn” của đôi mắt vợ. Toàn bộ bức tranh chỉ có hai màu trắng đỏ. Một giáo sư vật lý có lý giải về đèn tín hiệu dừng là màu đỏ vì bước sóng của nó mạnh dễ đập vào mắt người nhanh và mạnh nhất. màu đỏ ở đây nổi lên, gần lại mắt ta, trên nền trắng nó chỉ phát huy thêm sức nóng và gần. Ở đây hệ màu phẳng đều không thay đổi độ và sắc. Chỉ một màu đỏ, như ráng chiều chói và buồn vô hạn. Chỉ một màu trắng đều như tuyết lạnh. Đường viền tách bạch hai màu, không pha trộn làm nhòe đi bởi ánh sáng.
 
Thực tế cho thấy rằng: thơ định làm thay tranh là thất bại, nhưng thơ không có một liên tưởng thị giác để tạo sắc màu, tạo tranh trong thơ thì giảm xúc cảm. Việc thi sĩ dùng màu với dụng công biểu hiện nghệ thuật là một ý đồ một công phu cần khám phá nghiêm túc trong quá trình phân tích thơ. Nếu bỏ đi yếu tố này thì thật là khiếm khuyết. Vấn đề xúc cảm thị giác cho người sáng tác là rất quan trọng và người dạy thơ, đọc thơ lại vô cùng quan trọng. Họ cần trang bị cho mình con mắt hội họa để cảm nhận thấu triệt được. Đương nhiên, phải cảm nhận và thể hiện nó ra như thế nào lại là câu chuyện của những người có “Con mắt tinh đời “.