Đặng Huy Giang - "Lòng lo mặt trời còn thức dậy sớm mai lên? "
(Đọc “Bên thềm 4.0” của Nguyễn Đình Minh, NXB Hội Nhà văn 2019 - Bài in Tạp chí NV&TP tháng 10)
Bàn về những cái lớn mà không cao đàm khoát luận, không đao to búa lớn, không lên gân lên cốt, lại như người chọn đường khó mà đi – đó là thành công đầu tiên của nhà thơ người Hải Phòng Nguyễn Đình Minh. Đó cũng là thành công của một cách nói, lối diễn đạt. Và đó cũng là con đường đi muôn thuở của thi ca.
Thực tế đã chứng minh: Không ít người thông minh, vì mải mê “thơ hóa” những vấn đề mình đặt ra, mà làm mất đi cái vốn có của mình và ngày một xa rời mình. Thi ca nói chung sinh ra không phải chỉ để nói cho đúng, mà để nói khác, nói hay… Chưa kể còn phải độc đáo, khác biệt, không lặp lại. nếu chỉ để nói đúng, xin anh hãy viết báo.
Cách đây đã lâu, khi có người hỏi tôi: “Theo ông, viết báo và làm thơ có gì khác nhau?”, tôi đã trả lời: “Khác nhau nhiều chứ. Một đằng không cần cảm xúc, phải đẻ đều như gà công nghiệp. Còn một đằng cần cảm xúc, đẻ theo ngẫu hứng. Một đằng cần sự thông minh, tỉnh táo. Còn một đằng không hoàn toàn như vậy. Đôi khi sự tỉnh táo thông minh có thể giết chết chất thơ như bỡn”. Khi trả lời câu hỏi thứ hai: “Chả lẽ viết báo và làm thơ lại “công” nhau đến như vậy sao?”, tôi đáp: “Nói đúng ra chúng chỉ “công” nhau về mặt tư duy thôi. Một đằng trực tiếp, cụ thể. Một đằng gián tiếp trừu tượng. Khi nào anh viết báo thì anh phải trong vai nhà báo, khi nào anh làm thơ hoặc viết văn thì anh phải trong vai nhà thơ, nhà văn. Tuy nhiên, nếu anh viết báo mà có văn, giàu chất văn thì tuyệt vời”. Rồi tôi tạm phân biệt một bài báo hay và một bài thơ hay như thế này: “Một bài báo hay trước hết phải có tính chân xác, tính phát hiện, tính cập nhật và có tác động lớn đến dư luận. Và trước khi coi đó là “hay”, nó phải “đung” cái đã. Còn một bài thơ hay phải có ý, có tứ, có ý tưởng và gợi cho người đọc những ngẫm ngợi tiếp sau đó. Một bài thơ đúng khó có thể coi là một bài thơ hay.
Liên hệ với “Bền thềm 4.0”, độc giả có thể thấy: Nguyễn Đình Minh đã tỏ ra cao tay và xử lý rất linh hoạt những sự kiện, những vấn đề mang tính phổ quát của xã hội loài người nói chung, xã hội Việt Nam nói riêng, theo cách của một nhà thơ. Anh không sa đà vào bề nổi, mà đi sâu vào bề chìm vượt lên những gì thuộc về thống kê thuần túy vừa sơ cứng, vừa sơ lược. Anh đã né được “viết cho đúng” để “viết cho khác, viết cho hay” và đúc rút được những gì thuộc về quy luật của muôn đời.
Vì thế mà trong “Thông điệp vô thanh”, Anh mới nói về sự không giới hạn của lòng thàm và cái ác: Nhưng lòng tham không có mắt/ Và cái ác chẳng bao giờ vì cái thiện mở tai nghe. Vì thế mà trong “Ăn chay”,và “Thiền và sóng sinh tồn”,anh mới nói về những mối đe dọa và nỗi mong manh của đời sống, của thân phận con người: Chợt hiểu vì sao dưới trời khắc khoải những hồi chuông; Lòng lo mặt trời còn thức dậy sớm mai lên? Và: Mỗi phận người vẫn như con thuyền giữa dòng dâu bể/ Treo phận mình trên đầu sóng nhân gian…
Rồi từ theo tổng kết của tạp chí “Nghiên cứu quốc tế”: “Trong 5000 năm qua, nhân loại chỉ có 292 năm không chiến tranh”, Nguyễn Đình Minh chuyển hóa thành những câu thơ thuyết phục:
Sinh mạng người như sỏi đá bị ném vào những cuộc viễn chinh
Tiếng súng sằng sặc cười dài 5 thiên niên kỷ
Dùng mực máu, bút xương ghi lịch sử loài người là vậy
Chiến tranh tự bao đời đều không có trái tim.
(Chiến tranh không có trái tim)
Đan xen vào đó, anh còn có những câu thơ triết luận, mới đọc lên đã thấy ngạc nhiên: Kẻ thất trần là loài người chưa bao giờ khác được/ Trong những cuộc chiến tranh từ tiền sử đến ngàn sau (Bên bờ dông bão), vẫn biết thêm một thì mất một/ Nhưng tính làm gì chuyện của trái tim (Sao không…?), Anh tìm mãi trong thiền bỗng gặp mình/ Như một phần hạt cát/ Đang tìm về sa mạc buổi sớm mai (Bỗng gặp mình)…
Trong “Bên thềm 4.0” của Nguyễn Đình Minh không thiếu những câu thơ đáng nhớ. Đây là một lời nhắn nhủ và cũng là một lời khuyên: vì thế, nếu là hoa hãy nhớ thơm/ Nếu là cỏ hãy nhủ lòng đừng quên biếc (Đọc Lão Tử thời 4.0).
Đây là một câu hỏi và cũng là một sự mong ước: Sao không như ngọn nến/ Đốt cháy mình và chết dưới trời xanh? (Chiếc bóng).
Đây là một mong ước, hướng tới sự cao xa vĩnh cửu: Và năm tháng dẫu chuyển dời không hoài nghi sự thật:/ Con chim nhỏ là công dân tử tế của bầu trời/ Còn bông hoa là chủ nhân giữ niềm tin của đất ( Có phải là nước mắt).
Còn đây là cái đích lý tưởng mà nhân loại phải hướng tới:
Mọc lên giữa đường địa đàng trần thế
Những ngôi nhà kết bằng hạnh phúc, tình yêu
Tiếng của trái tim được chọn làm ngôn ngữ của loài người
Nhà nước là con tàu trái đất
Trôi trong khí quyển tự do giữa bình yên vũ trụ
(Giấc mơ đeo mặt nạ)
Sau cùng xin được giới thiệu bài thơ “Thiền và sóng sinh tồn” để hiểu thêm cái căn bản, cái cốt lõi về nội dung, hình thức cũng như tâm thế của Nguyễn Đình Minh qua “Bên thềm 4.0”:
Thiền và sóng sinh tồn
Đức Đạt Ma chín năm đối diện với bức tường
Vắt bụi trần khỏi xác phàm, thoát vòng nghiệp chướng
Tâm tịnh nơi thiền định
Thanh thiết bước đạo hành…sắc sắc không không
Chín năm ấy, trời không tắt bão dông
Mặt đất vẫn vơi đầy núi sương sông máu
Chỉ một mình Người chân tu mà đắc đạo.
Ta chín phút ngồi thiền
Hồn nghẹn đắng những giọt sầu rỏ về từ quá khứ
Tai dội tiếng ngoài trời mưa rơi, nắng vỡ
Lòng lo mặt trời còn thức dậy sớm mai lên?
Chín phút ấy quả đất vẫn xoay vần
Thế giới vẫn đảo điên như từ xưa vẫn thế
Nước xuôi về sông bể, nỗi buồn chảy ngược về tim…
Chẳng đổi được kiếp phù du dẫu có tịnh thiền
Trong thung lũng lửa thời gian, cây bồ đề chẳng vĩnh hằng biếc lá
Mỗi đời người vẫn như con thuyền giữa dòng dâu bể
Treo phận mình trên đầu sóng nhân gian!
Phố Khuất Duy Tiến đêm 13-9-2019