Thơ như một đối thoại với cái ác
(Đọc tập thơ Ở đây, lúc này của Nguyễn Đình Minh)
Văn Chinh
Một cuộc đối thoại khi gay gắt hết lời lúc giễu cợt ý nhị. Trong các đấu khẩu triền miên ấy, có lúc thơ như bất lực, tổn thương nhưng nhìn chung, đó là cuộc đấu khẩu nảy lửa và không khoan nhượng. Định dạng này của thơ không mới, xưa Maiakovsky đã từng muốn “thơ phải đập bàn quát mắng”, Chế Lan Viên từng tạo riêng một tập, đặt tên là “Những bài thơ đánh giặc”, Nguyễn Quang Thiều triền miên đối thoại với cái ác theo cách riêng mãnh liệt của ông, đến Nguyễn Đình Minh, khẩu khí lúc nào cũng sục sôi, lo lắng, bất yên trước cái ác diễn ra hằng ngày, thời sự, trước mắt. Thơ ông đặt con người cùng ngôi nhà của nó là trái đất trong thế báo động sống còn:
Ngộ nhận vai chủ nhân của trái đất này
Khi Covid gầm như sóng thần báo ngày tận thế
Có hiểu mình chỉ là khách trọ
Mang rác thải văn minh đầu độc địa cầu? [Chủ nhân]
Trái đất và cái ác sẽ trở lại nhiều lần trong thơ Nguyễn Đình Minh; đây là đoạn mở đầu của bài Viên đạn buồn thứ nhất:
Tiếng mõ u trầm rơi xuống sóng sông Hằng
Vùng đất của các Lạt-ma oan hồn giăng mặt đất
Thánh địa Vaticăng
Khói phủ đen trên nóc nhà thiêu xác
Tiếng chuông nức nở gửi trời xanh
Còn đây là đoạn cuối của nó:
Những tử thần Covid
Vẫn giương vuốt nhe nanh uống máu nhân gian
Ta đã xưng hùng chúa tể trái đất xanh
Có thể cầm súng lên và không hề sợ chết
Nhưng bắn vào đâu khi quân giặc vô hình?
[…] Nên phải chăng,
Ta đã bắn vào sự ngạo cuồng của mình
Viên đạn buồn thứ nhất?
Cái “viên đạn” vô cảm, vô trách nhiệm ấy đã giam chặt tình yêu trong các ốc đảo căn hộ của con người:
Tình yêu cũng rời ghế đá
Nụ hôn bây giờ thành vũ khí sát thương. [Trong gió tử thần]
Căn hộ giãn cách đã trở thành nhà tù; con người thành tù nhân mà đồ chơi duy nhất của nó chỉ là “chơi với” cô đơn:
Giam mình giữa nhà tù không có chấn song
Tự trách mình gây nên bao hiểm trở
Lạnh lùng với người, dựng rào chắn thiên nhiên
Bây giờ cầm cái cô đơn
Vào bẽ bàng nghe… tiếng lâu đài đang sụp đổ. [Song sắt vô hình]
Thậm chí, nó biến tình yêu hạnh phúc thành “góa bụa” – một tình cảnh đa nghĩa và thật bùng nổ:
Thảng thốt tiếng chim mơ vụt tắt giữa lặng im
Hoa khép cửa tự thơm mùi góa bụa
Câu thơ uống trăng bên hè phố
Bẽ bàng hóa khách vô duyên! [Trăng đêm Covid]
Giam chặt và “hồi chuông nức nở gửi trời xanh” đã vọng về mặt đất mà trở thành hồi còi báo động hãi hùng – hãi hùng nhất là chưa biết nó còn rền rĩ cho đến bao giờ:
Dịch Covid rồi tan,
Nhưng có một loại vi trùng bất tử
Mang hình hài người nhưng không có trái tim [Loài vi trùng bất tử]
Dịch covid đã và đang tan đúng như dự cảm của nhà thơ. Nó để lại di chứng nặng nề: Nhiều triệu người chết, nền kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng, di chứng “hậu covid” là thật nặng nề đối với những người có bệnh nền, thậm chí là đẩy nhanh cái chết tự nhiên của rất nhiều người. Cũng nó đặt con người về đúng vị trí mong manh và đầy nhược tật; ấy là một thức nhận ơn huệ vô cùng quý giá khả dĩ giúp con người bớt ngạo ngược hách xằng trước Mẹ đất đai:
Ta như kẻ lữ hành, khách trọ trần gian
Ăn mày cuộc đời từ lá rau hạt gạo
Che sự yếu hèn sau lần áo mỏng manh
Tự số hóa mình vào văn minh kỹ trị
Khi thế giới bị nhấn chìm trong dịch dã
Hóa hạt trấu nổi nênh… trên ngọn sóng thần. [Ta là ai]
Cũng như hình tượng “góa bụa”, “cầm cô đơn” ở trên; cái “tự số hóa” ở đây đã được chèn hàm nghĩa mới và nhờ vậy, các đoạn nhiều luận đề đã hóa thơ, là thơ. Như hương cốm làm thơm tho, làm non lại chiếc lá sen già gói nó.
Tập Ở đây, lúc nàycủa Nguyễn Đình Minh chia làm ba phần, phần I tôi đã đọc và dẫn ở trên có tên Trong mắt bão- ở trong chỗ yên tĩnh nhất của cơn bão corona virus Vũ Hán để nói về nó. Tôi hiểu là hãy nói về cái ác một cách bình tâm nhất. Chính nhờ bình tâm nhất, nhà thơ đã khép lại phần I với đinh ninh chỉ có trái tim mới chữa được chứng ác vô cảm đang tàn phá trái đất. Và ông ngồi ngậm ngùi nhớ học trò trong mùa giãn cách rồi thốt lên:
Rằng chỉ có trái tim thông minh mới làm ra phép lạ
Làm năng lượng yêu thương cho nhịp đập địa cầu. [Tháng Tư đợi…học trò]
Phần II có tên: Chiến tranh, tại sao?gồm những bài thơ viết về cái ác xưa cũ nhất của nhân loại: chiến tranh. Cội nguồn của nó đây, lòng ham muốn quyền lực của con người đã đẩy chính đồng loại của nó vào một kiếp sống vô nhân tính, “treo trái tim trên đỉnh gậy quyền năng” để họ chỉ còn là những con thiêu thân chém giết và để bị chém giết còn chính quyền lực thì gặt hái được cả vinh quang lẫn tiền bạc:
Người vẫn hóa thiêu thân mê muội lửa
Trên đỉnh gậy quyền năng treo cổ trái tim mình
Vứt khuôn mặt mẹ cha cho, thế bằng mặt nạ
Ngạo nghễ cười câu chuyện túi ba gang? [Gửi chiều cuối năm]
Chiến tranh chỉ còn là dĩ vãng thương đau trong thơ Việt mấy mươi năm qua, vì đó là khoảng thời gian dù vẫn còn bom đạn nhưng tiếng nổ của nó ở đâu đó xa xăm dội đến. Chỉ từ đầu năm nay, cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa Nga và Ukraine xảy ra - oái oăm thay họ lại đều là bạn của người Việt ta thì tiếng nổ của bom hành trình, của máy bay bắn rốc két mới như dội thẳng vào tim óc chúng ta. Một việc khó nói, nói sao về quan hệ bạn bè Nga – Ukr – Việt trong đó Nga – Ukr gần gũi thân thiết hơn; giữa họ còn có nghĩa đồng bào? Nhưng với riêng cái ác thì không thể không nói vì im lặng ở đây là đồng lõa. Nhà thơ đã cất lời nghiêm khắc, trong bài 24 giờ bóng tối, ông viết:
Những lớp sẹo bồi thêm lên mảnh vá tâm hồn
Máu lại nhuộm bầm thịt da lịch sử
Mầm hòa bình…chết trẻ giữa gió tanh!
Đây nữa, nghiêm khắc và đanh thép, nói như Maia, giờ là lúc thơ phải đập bàn:
Văn hóa của nghìn năm chỉ sau một đêm
Biến thành miền hoang phế
Sau tiếng gầm của con thú chiến tranh
[…] Âm thầm tiếng niềm tin sụp đổ
Máu ròng ròng
Trên nhãn mác văn minh.[Thời thiếu lửa thừa bom]
Thơ không chỉ tiếc xót các công trình kiến trúc văn hóa ngàn năm bị bom đánh sập, thơ còn lên án kiểu cấm vận ô trọc: Cây sồi gần 200 năm tuổi của đại văn hào Nga Ivan Turgenev bị cấm tham dự cuộc thi “Cây của năm ở châu Âu” và Liên đoàn mèo quốc tế cấm mèo nuôi ở Nga được đăng ký trong sổ phả hệ của tổ chức này. Trong bài Cuộc chiến thời văn minh, nhà thơ viết:
Thêm cả chú mèo và cây sồi làm đích ngắm
Dưới những tòa tháp vùng kinh đô ánh sáng
Biết ai tủi hổ bẽ bàng?
Câu thơ hay gợi nhớ những câu thơ hay khác. Trong trường ca Khúc hát người anh hùng, Trần Đăng Khoa mô tả vết hằn bàn tay của đồn Coóc tát cụ Đình:
Mắt bỗng thoáng cái gì như là làn bụi
Hai má dần hằn nổi
Những ngón tay dài và thon
Vết những ngón tay tụ lại tím bầm
Hình dạng giống bản đồ nước Pháp
Người Pháp, nước Pháp có “tủi hổ bẽ bàng” chăng trước hành vi sỉ nhục của chính những đứa con mình, như Coóc năm xưa, như cái hội nhân danh tôn vinh cây xanh, tôn vinh mèo kia lại đi bắt nạt đến cả cây cả mèo? Tôi không biết, nhưng tôi chắc những câu thơ ấy xứng đáng có mặt trong túi khôn nhân loại, không ngượng nếu in trên Tạp chí Thơ nước Mỹ.
Nhưng thời hiện đại còn có một chiến tranh kiểu khác, nó là Cuộc chiến thời văn minh, một đặc trưng thời đại. Trong cuộc chiến tranh ấy không có bom đạn, kẻ thù dường như cũng vô hình bởi đó là lòng tham của chính ta với sự ngờ nghệch, tối mắt phụ họa. Trong cuộc chiến này, càng nghèo càng là mồi ngon cho các đối thủ; càng yếu thế thì càng thất thế. Cuộc chiến tranh bom đạn còn bị giới hạn bởi sức công phá và sức chịu đựng của những kẻ giao tranh, trong Cuộc chiến thời văn minh này, kẻ tấn công càng lúc càng mạnh, kẻ bị tấn công càng ngày càng yếu thế. Yếu thế hơn kẻ tấn công nhưng dần dà cũng khá hơn chính nó, điều sẽ giúp nó chịu đựng lâu dài, đôi khi, như Châu Phi nghìn trùng chống đỡ cuộc chiến này đã hàng trăm năm chưa dứt. Đây là cách thức của cuộc chiến tranh ấy:
Nhưng đất nước những ngày mở cửa
Nếu tự biến mình thành cây súng vô tri
Mà ngón tay bóp cò là tờ Đô la Mỹ
Nếu để đồng Euro gói bàn thờ tiên tổ
Có ai đặt tay lên trái tim tự hỏi:
-Ta là ai và ta còn gì?
Cuộc chiến tranh trung cổ, kẻ tấn công sát phu hiếp phụ, chiếm đất sáp nhập, để lại những thương bệnh binh tàn tật… Còn Cuộc chiến thời văn minh có vẻ như bờ cõi vẫn vẹn nguyên, kẻ thua cuộc hoặc đã nhảy lầu tự tử hoặc biến thành kẻ làm thuê; trên mảnh đất của tổ tiên ông bà vẫn là con cháu hậu duệ, nhưng chúng đã bị thương tổn, những vết thương không bao giờ lành:
Dẫu vẫn còn đây đất đai và núi rừng, sông bể
Nhưng hồn nước Việt đâu rồi?
Dẫu vẫn vẹn nguyên mái nhà và cả lũy tre
Nhưng ta đã thành khách trọ. [Chiến tranh mềm]
Những kẻ thua cuộc rất dễ phải bán thân nuôi chồng con, những kẻ bán thân có cả một “bài ca ngành nghề” của mình: Bài ca cơm nguội. Họ nài nỉ:
Đêm Siem Reap day dứt năm canh
Tiếng ca nhuộm thê lương vào ánh trăng hoang dại.
- Anh ơi cơm nguội cũng là cơm…
Cuộc chiến đạn bom là trải nghiệm đắt giá và vô cùng quý giá của dân tộc ta, dù đã mệt mỏi suốt 30 năm chống Mỹ, đang trong thời gian xả hơi, 1979 chúng ta lại chiến đấu chống xâm lược và đã chiến thắng. Chúng ta có kinh nghiệm chiến thắng trong các cuộc chiến đạn bom:
Tiếng chiến tranh rung mặt mỗi bàn thờ
Vành tang trắng gói suốt đời tiếng nổ[Đất nước toàn những dòng sông cái]
Cũng phải trải nghiệm quá nhiều đắng cay, nhận thức mới trở nên rạch ròi: Tôi hiểu cộng là thêm/ Nhưng hóa trừ, thành chia, đều có thể/ Hiểu sự vô tội của con dao, chiếc búa, quả bom/ Mà chỉ lòng người luôn mang thai độc tố/ Đẻ vào cuộc đời muôn dạng chấn thương![Những phép cộng có độc]. [Nhưng còn cuộc chiến tranh mềm, chúng nhân danh văn minh phát triển? Đây là một nan đề, phải huy động tổng lực nghìn năm văn hóa, phải trở về với trong lành bất biến của tổ tiên ta, như Nguyễn Đình Minh hình dung và tôi đồng ý:
Tôi quét dọn ngôi nhà tâm hồn mình
Nhận ra hành tinh như một kho rác bụi
Thấy lời Phật mọc thành rêu bên tai đá
Và tiếng chuông nhà thờ
Ngã sõng soài trên mặt tháp bê tông! [Tâm hồn]
Nhưng hình như câu trả lời cho nan đề trên nằm trong phần thứ III của tập thơ mang tên Nhà thương trái timmà đoạn thơ dẫn từ bài Tâm hồn là một toát yếu? Xin hãy đọc Uống rượu ở mép đường biên, để thấysự “trở về” làm người là một cách chống “cuộc chiến thời văn minh”:
Lý Bạch chết vì mò trăng trong sóng rượu
Trường Giang chẳng hóa sông thơ?
Chí Phèo tỉnh dưới mảnh trời lá chuối
Nhìn máu cạn hơi men
Mới khát làm người…
Nhân cách và tình yêu là hai tố chất Người tối thiểu và trước hết. Có nó mới là người, nếu không, nếu “…bụng không gian chỉ tích đầy dân số/ Những tòa tháp ngông cuồng chọc mắt trời xanh” thì ấy là mầm mống của chiến tranh các kiểu. Đằng khác, khi có tình yêu thì nhân cách vụt trở nên sáng rỡ, có thể yên tâm “ngay cả chết đi rồi” [Xuân Quỳnh] mình sẽ được chôn cất ở nơi đất sạch, đất của mình với chan chứa tình yêu:
Và có thể ngày mai vì giữ đất này
Sẽ ngã xuống trong người không giọt rượu
Dưới sim tím ngát núi đồi
Vẫn đoán biết giữa chờ mong ngóng đợi
Bước em lội qua chiều
Mang rượu đến cho tôi…
Khi đụng đến nhân tình thế thái ở thời mà ông dùng đi dùng lại “4.0”, thơ Nguyễn Đình Minh đau xót, phẫn nộ và ào ạt ngôn ngữ đay nghiến:
Miệng nhân gian bú mớm sữa người
Rồi phun ra sóng thần, bão táp
Và trái tim chưa bao giờ có mắt
Chẳng nhìn thấy máu tươi
Ngập ngụa nơi không gian bom mìn hủy diệt
Đùn ra vực thẳm đêm ngự trị ngàn đời. [Những chiếc lỗ đen]
Đấy là Nguyễn Đình Minh nói với cái ác, còn đây là nói với chúng ta, với chính mình như chỉ ra chứng bệnh ung thư, hút mọi dưỡng chất nuôi người để nuôi bệnh:
Kính thiên văn với chính mình lại quên soi
Trên và trong mình trăm nghìn hang hốc
Nhìn sự thật bằng bàn tay che mắt
Để tiếng chuông chùa
Theo gió trượt ngoài tai… [Những chiếc lỗ đen]
Tôi muốn coi hơn 40 bài thơ ở phần III là các phương thuốc chữa trị vết thương, căn bệnh do cái ác gây ra cho con người. Hầu hết chúng là thơ tình. Một thời Việt Nam có triết lý “tiếng hát át tiếng bom” và quả nhiên, đã át được thật. Bây giờ, trong các cuộc chiến mới, cái ác già rơ hơn, quỷ quyệt hơn và nhất là chúng nhân danh các điều tốt đẹp; những thương tổn chúng gây ra cho trái tim người là muôn hình vạn trạng. Để chống lại cái ác, tiếc thay lại chỉ có thứ vũ khí duy nhất là tình thương, bác ái và hỉ xả như Đức Phật dạy. Hay như nhà thơ đã nói về nhân cách và tình yêu mà ta vừa đọc. Một cuộc chiến không cân sức? Có thể, nhưng chính vì vậy nhân loại càng phải kiên trì, tình yêu thương phải huy động tối đa, tổng lực. Phải học thiên nhiên để khiêm tốn làm người là một phương thuốc:
Chợt nhớ phải nghiêng mình trước ốc sên
Ngạo nghễ bước lên đỉnh kim tự tháp
Khi con người điên cuồng chạy đua khốc liệt
Đến tàn hơi…
Rồi sấp mặt xuống lối mòn! [Bước lạc đà]
Trong thiên nhiên có phép nhiệm màu, vừa thanh tẩy tâm hồn người vừa mách bảo – ban cho người minh triết:
Bên mùa hoa vắt kiệt hương
Là bầy quả non tơ gội đầu trong gió sớm
Và ta biết,
Khi chín rồi thì chúng thanh thản rụng
Lại hóa mầm cây đội đất mà vươn. [Nghĩ trong mùa lá rụng.]
Biển đã quá già nua đến bạc cả đầu
Vẫn quằn quại một nỗi lòng xát muối
Thủy triều xuống, thủy triều lên lầm lũi
Con sóng trôi, con sóng nổi…
Về đâu? [Một thoáng vạn chài]
Thiên nhiên chính là ánh sáng để con người phơi phóng hồn mình sau khi giặt giũ: Ta đem lòng mình tìm giặt trong ánh sáng [Neo đậu ở nhà mình.] Vâng, thanh tẩy phơi phóng để rồi, ta chợt hiểu hồn Việt vẫn là bầu sữa nuôi dưỡng ta, chạy chữa băng bó cho thương tổn lòng ta:
Đã bao lần lòng cập bến bờ quê
Gặp hoa sen ao làng thơm hương mẹ
Bà nội run run đỡ cả thời viễn cổ
Gói nghìn năm trong một miếng trầu cay.
[…] Những làng tre rồi sẽ về đâu
Tiếng Việt còn nhận nhau nơi chân trời góc bể
Tre có đan xanh thành chiến lũy
Và muôn lòng còn kết trận cờ lau…? [Những làng tre về đâu]
Con người sẽ được chữa lành mọi “vết thương thị thành” [Lương Tử Đức] khi đoạn tuyệt với chủ nghĩa kim tiền, với bả giàu sang vị kỷ giam con người trong các tòa chung cư cao ốc hoặc bị cuộc chiến thị trường hất ra tấm thân xơ xác:
Cập bến quê, thau rửa mảnh tâm mình
Bỗng ùa về đầy hồn rơm vía rạ
Sông dát nắng vàng trưa lấp lóa
Mái lá dựng dưới trời, rười rượi bóng tre xanh. [Đậu xuống quê hương]
Tôi đặc biệt thích bài Nhà Thương nào…cho thơ? trong phần III. Nó bất ngờ cung cấp một logic: Trái tim, nơi thơ trú ngụ; một khi trái tim bị thương tổn thì thơ cũng thương tổn. Tôi giật mình ngẫm lại, nhận ra một sự thật cay đắng: Quả là có thơ phụng sự thị trường, thơ ca ngợi cái mà kẻ ác nhân danh, thơ đọc trong phòng khách của tỷ phú nhờ buôn đất mua 1 lãi 1000; mua 1000 m2 đất của một hộ trung nông, đẩy họ thành hộ nghèo rồi sẻ ra giá trị 1 m2, xây tặng họ căn nhà cấp 4, than ôi!
Nhà thương như một ga chờ
Trung chuyển kiếp phù du nhân thế
Về bến bụi đời đón tâm tình bao thế hệ
Chuyến tàu đoạn trường… đã hết đường ray.
[…] Và vì đời mà nhức xương, rỉ máu…
Sao không có nhà thương nào cho thơ?
Thơ đành nương vào trái tim thi sỹ
Trái tim thành nhà thương, thành nơi tri kỷ
Điều dưỡng những câu thơ. [Nhà Thương nào…cho thơ?]