Có thể bạn quan tâm
Đền bù hư ảo
Chức năng đền bù hư ảo
Luận điểm nổi tiếng của C. Mác: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” đã làm nổi bật chức năng đền bù hư ảo của tôn giáo. Giống như thuốc phiện, tôn giáo đã tạo ra cái vẻ bề ngoài của “sự giảm nhẹ” tạm thời những nỗi đau khổ của con người, an ủi cho những sự mất mát, thiếu hụt của con người trong cuộc sống. Chức năng đền bù hư ảo không chỉ là chức năng chủ yếu, đặc thù mà còn là chức năng phổ biến của tôn giáo. Ph. Ănghen, đưa ra một đĩnh nghĩa có tính chất kinh điển về tôn giáo như sau: “Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo vào đầu óc con người của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đó mang hình thức những lực lượng siêu nhiên”. Do vậy, ở đâu có tôn giáo ở đó có chức năng đền bù hư ảo.
Chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng tôn giáo là một hiện tượng xã hội, nó có nguồn gốc từ những sự hạn chế của các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và đối với nhau. Sự bất lực trước những sức mạnh tự nhiên cũng như xã hội đã nảy sinh nhu cầu đền bù cho những hạn chế đó. Thật vậy, con người luôn tiềm ẩn những nỗi bất lực, yếu đuối nhất định. Bởi trong mối quan hệ xã hội phức tạp và với thế giới tự nhiên có những điều con người không thể vượt qua . Thực tế đó, khiến con người cảm thấy bất lực trước mối quan hệ này. Cho nên, trong bất kỳ một xã hội nào ở trong những điều kiện lịch sử khác nhau tôn giáo đã và luôn đóng vai trò là yếu tố đền bù hư ảo cho sự bất lực yếu ớt của con người, an ủi, khuyến khích, động viên họ hướng vào những lực lượng siêu nhiên, do mình tưởng tượng ra để giải quyết sự yếu kém, bất lực của mình trước những hiện tượng tự nhiên và xã hội.
Đền bù hư ảo còn xuất hiện trong đời sống tâm linh của con người. Đời sống tâm linh là một hình thức đặc biệt của ý thức con người và ý thức xã hội. Đã có những khuynh hướng sai lầm về vấn đề này khi đồng nhất đời sống tâm linh với chủ nghĩa duy tâm, với mê tín dị đoan. Hướng đến thế giới tâm linh dường như là một nhu cầu trong đời sống tinh thần của con người, đồng thời là một trong những cách để con người sống lương thiện hơn, tốt đẹp hơn. Khi lọc bỏ những yếu tố có màu sắc thần bí và mê tín dị đoan, phần tinh tuý, trong sáng của đời sống tâm linh sẽ hiện ra, đó là những giá trị văn hoá đầy bản sắc và chứa đựng ý nghĩa nhân văn.
Những khía cạnh tích cực của đền bù hư ảo
Mặc dù, chức năng đền bù hư ảo tạo ra những tác dụng tiêu cực là làm cho con người xa rời cuộc đấu tranh của thế giới trần tục, tách quần chúng khỏi cuộc đấu tranh năng động, phức tạp, lâu dài, gian khổ của thế giới trần thế; Nhưng đền bù hư ảo của tôn giáo hay văn hóa tâm linh có một ý nghĩa to lớn trong đời sống của con người.
Đền bù hư ảo trở thành nguồn động viên, an ủi con người một cách rất hiệu quả. Nó có thể giúp con người lãng quên thế giới đầy những khó khăn, sự lo âu, nỗi sợ sệt trên trần thế để tìm đến một sự giải thoát trong thế giới hư hư - thực thực của tôn giáo.
Đền bù hư ảo trong đời sống tâm linh, văn hoá tâm linh,… là những vấn đề hết sức tế nhị. Cho đến nay, rất nhiều câu hỏi nảy sinh xung quanh những vấn đề đó vẫn chưa có lời giải đáp thực sự khoa học. Tuy nhiên, nếu soi xét vấn đề dưới lăng kính của thế giới quan duy vật biện chứng, chúng ta có thể thấy những sự thực khá đơn giản. Bất kỳ ai cũng dễ nhận thấy rằng, việc hướng về thế giới tâm linh dường như là một nhu cầu tất yếu trong đời sống tinh thần của con người. Nhu cầu này giúp con người xoa dịu những nỗi đau trần thế, vượt qua được những khó khăn, những thử thách nghiệt ngã của cuộc đời dù chỉ là về mặt tinh thần. Khi gặp những nỗi đau, những điều bất hạnh, bất kỳ ai cũng có nhu cầu được sẻ chia, được an ủi. Và, những lúc rơi vào tình huống như vậy, có lẽ rất nhiều người sẽ hướng về thế giới tâm linh để cầu mong một sự che chở, vỗ về, dù họ biết chẳng bao giờ có một phép màu nào cả.
Những nỗi đau quá sức chịu đựng của con người nhỏ bé, yếu đuối ẫn thường xẩy ra trong cuộc đời ngắn ngủi. Một người vợ mất chồng, một người bị thương nặng khi mắc tai nạn giao thông… chắc sẽ vô cùng đau khổ. Họ sẽ làm gì nếu không hướng về thế giới tâm linh để được tiếp thêm nguồn sức mạnh tinh thần, để được an ủi, vỗ về.
Trong xã hội, chức năng đền bù hư ảo của tôn giáo và đời sống tâm linh, còn mang một ý nghĩa giáo dục. Sự đèn bù chỉ thật sự được đền khi con người gieo “Nhân” tốt thì mới được đền bởi “quả “ phúc dầy. Nguyên lý này tạo ra ý thức và cách hành xử chân thiện. Ngoài ra thế lực siêu nhiên đứng ngoài thế giới như một lực lượng “Thưởng thiện phạt ác” mà làm cho con người kính phục. Nhiều quốc gia khi tuyển lao động nước ngoài khi xem lý lịch mà khai : Không tôn giáo, là bị loại. Theo quan điểm cực đoan của họ người không sợ thần thánh thì chẳng sợ ai nữa nên không thể quản lý nổi. Sự thật thì rất hiếm người không theo tôn giáo hoặc không có niềm tin tâm linh. Ví như ở Việt nam có ngày giỗ tổ và hình thức thờ cúng tổ tiên ai cũng theo cả. Việc thành kính với tiên tổ trong tâm người Việt chính là kính để yêu quý và cầu xin những đền bù hư ảo của tiên tổ. Trong quá trình ấy, cộng đồng được gắn kết và ý thức dân tộc xóm làng, tổ tiên của con người dược gắn kết.
Tôn giáo nói chung và chức năng đền bủ hư ảo nói riêng như một bài toán kích thích khoa học kỹ thuật nghiên cứu phát triển. Bởi mỗi khi nào con người giải quyết được một điều con người khao khát thì có một nội dung con người không cần đến vai trò của Tôn giáo. Thực tế cho thấy, dù khoa học, công nghệ có tiến bộ đến đâu đi chăng nữa, thì những bất hạnh của con người vẫn cứ xảy ra. Có lẽ, chừng nào trên trái đất này còn có những khổ đau và bất hạnh thì chừng đó, con người còn có nhu cầu hướng về thế giới tâm linh và do vậy, đời sống tâm linh vẫn tiếp tục tồn tại. Anh hùng vũ trụ Liên Xô (cũ) Iuri Gagarin, khi tiếp xúc với các cự quân nhân để kể về chuyến bay lên vũ trụ, một cựu đại tá đã hỏi “Thế lên đó con có gặp Chúa không?” khi được trả lời không thì vị đại tá đó lắc đầu “các con chưa đi đến được nước Chúa rồi”. Câu chuyện này, thật khó bình luận nhưng chắc chắn nói lên một sự thật : mơ ước của con người trong chinh phục tự nhiên gần như mới ở giai đoạn bắt đầu. Và vì vậy Tôn giáo, niềm tin tâm linh vẫn tồn tại, khi tồn tại, nó vẫn đóng vai trò nêu lên “Giả thiết” để kích thích khoa học phát triển mạnh mẽ hơn để lý giải tự nhiên.
Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, bất kỳ một quốc gia, một dân tộc nào trên thế giới đều có một đời sống tâm linh phong phú. Đối với người Việt Nam , trải qua bao thế kỷ thăng trầm, đời sống tâm linh của người Việt vẫn tồn tại và vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển, vẫn tiếp tục được đặt ra với không biết bao nhiêu bí ẩn, khêu gợi trí tò mò và cả những thách đố lớn lao đối với khoa học chân chính. Tuy nhiên rất cần tới sự nhận thức đúng đắn về bản chất của nó và sử dụng niềm tin vào nó khi nào và ở đâu. Vấn đề đền bù hư ảo có những hạn chế, nhưng có những mặt tích cực của nó, rất cần sự nhận thức đúng đắn tránh sai lầm tả khuynh trong nhìn nhận đánh giá và ra những quyết định sai lầm.