Có thể bạn quan tâm
Đến với bài thơ hay “Làng tre” của Nguyễn Đình Minh
Tiến sĩ, Nhạc sĩ - Nguyễn Đình San - Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam
Làng tre
Thoát nơi ồn ã phố phường
Nhà vây oi ngạt bụi đường kẹt xe
Vỡ òa bát ngát trời quê
Cánh có chớp thả bùa mê thảm vàng.
Nghiêng xiêu gậy chống thời gian
Đón con, ngoại đứng đầu làng ngóng trông
Đầy sân gió nội hương đồng
Thuyền mơ sương khói bến sông trước nhà.
Vó bè cất áng mây sa
Dế lang thang giữa mượt mà cỏ tơ
Cánh sen lần giở tuổi thơ
Mặt ao đựng bóng cả bờ tre xanh.
Ngoại cười ấm mái nhà gianh
Chè tươi ngọt nước chum sành ngày xưa
Miếng trầu têm đỏ nắng trưa
Chung chiêng kẽo kẹt võng đưa gió vờn.
Bồ rau chụm lửa ba hòn
Bánh chưng vuông bánh giầy tròn ở đây
Bao phen bão táp vần xoay
Làng tre vẫn ở chân mây cuối trời?
Đã từng có rất nhiều bài thơ viết về làng quê Việt Nam. Lại cũng không ít sáng tác thơ, văn nói về cây tre mà có lẽ nổi tiếng nhất là tác phẩm của nhà báo Thép Mới ra đời cách đây đã rất lâu. Vậy mà đọc bài thơ trên của Nguyễn Đình Minh, tôi vẫn bị ám ảnh và cảm thấy rất mới mẻ, cứ như lần đầu tiên được tiếp cận một bài thơ viết về nông thôn, về làng quê. Nông thôn Việt Nam bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Tất cả hầu như đã được bê tông hóa đến 90%. Có lẽ chỉ còn chút ít vùng miền nơi miền núi heo hút là còn nhà mái tranh, mái lá, tường bằng tre, nứa hoặc đất. Còn thì hầu hết đã được xây bằng gạch, mái bằng hoặc lợp ngói, tôn.
Nhưng quê ở trong tôi mãi mãi vẫn là những ấn tượng đậm đà, không bao giờ có thể quên về một nơi thơ mộng, lãng mạn, gợi nên những gì êm đềm, sâu lắng và thanh bình nhất. Vậy nên bắt gặp ngay khổ thơ đầu tiên của Nguyễn Đình Minh, tôi đã vô cùng thú vị, thấy như nhà thơ nói hộ cảm xúc của mình. Cái từ “thoát” quả thật là đắt với ai ở thành phố mà được về quê, nhất là bây giờ chốn “ồn ã phố phường” đã ở vào tình trạng “Nhà vây oi ngạt bụi đường kẹt xe”. Lại về với chốn đối ngược hẳn khi có “Cánh cò chớp thả bùa mê thảm vàng”. Chính vì vậy mà hai chữ “vỡ òa” mới đắc địa khi gắn liền với câu “Vỡ òa bát ngát trời quê”. Người ta vẫn hay nói “vỡ òa niềm vui” hoặc “cảm xúc vỡ òa”. Còn nhà thơ ở đây lại nói như ta đã thấy. Hóa ra cái cuộc sống “oi ngạt” chốn thị thành kia đã trở nên quá bức xúc nên khi về với “bát ngát trời quê” mới như vậy. Đây là cách diễn tả đã đi được tới tận cùng cảm xúc. Tôi thích cách nói, cách phô diễn của Nguyễn Đình Minh. Và đó cũng là phong cách riêng của anh trong hầu hết những bài thơ anh đã cho ra đời. Từ ngữ anh dùng luôn thông tin được hết mọi biểu cảm. Nói cách khác, khó có thể tìm được những chữ nghĩa khác có thể biểu đạt được hơn những điều anh muốn chuyển tải đến người đọc.
Toàn bộ bài thơ là hàng loạt những chi tiết, hình ảnh gợi nên một miền quê không cụ thể nhưng lại hiển hiện rất sinh động những gì quê kiểng, truyền thống nhất. Nhưng lại rất hiện đại. Vừa quê với ý nghĩa xa xưa, lại vừa hiện đại như là có luồng gió mới của thời buổi hiện tại thổi về. Những con thuyền, vó bè, cánh sen, những chú dế, ao làng…là những cảnh vật muôn thuở của mọi làng quê Việt Nam, không có gì mới. Nhưng lại được tác giả viết :“Thuyền mơ sương khói”, “Vó bè cất áng mây sa”, “Cánh sen lần giở tuổi thơ” và “Mặt ao đựng bóng cả bờ tre xanh” thì quả là những quan sát xuất thần. Ta cần lưu ý hai chữ “sa” trong câu “Vó bè cất áng mây sa”, tác giả viết s, chứ không x. Có nghĩa : mây sa xuống (rơi xuống) sông và chiếc vó cất lên. Chứ không phải là đám mây ở xa (không gần). Một câu thơ quá cầu kỳ. Nhưng hình ảnh thì đã khiến người đọc tha hồ mà hình dung, tưởng tượng.
Đó là tác giả tả cảnh quê. Đến khi tả tình ở đoạn cuối cùng, nhà thơ cũng vẫn duy trì lối tìm hình ảnh thật “độc” để gây ấn tượng lạ lẫm cho người đọc mà “miếng trầu têm đỏ nắng trưa” của “ngoại” là một quan sát, liên tưởng thật thú vị. Tôi cứ bị ám ảnh mãi hai câu thơ cuối cùng khi đọc hết bài thơ : “Bao phen bão táp vần xoay/Làng tre vẫn ở chân mây cuối trời”. Một cách nói vừa lấp lửng lại vừa gợi mở. Đúng là thời gian trôi, thế gian biến đổi “vũng nên đồi”. Nhất là thời buổi kinh tế thị trường hiện nay thì những “cơn bão” thời cuộc sẽ không thể không tác động mạnh đến thôn quê. Nhưng “Làng tre vẫn ở chân mây cuối trời” tức là những gì cố hữu nhất, truyền thống, thơ mộng và đẹp nhất, vùi tít tận trong sâu thẳm mỗi con người chúng ta thì vẫn còn đó, không hề bị suy xuyển. Phải chăng tác giả muốn nói điều đó? Hy vọng là như thế. Hy vọng thôi và sẽ cùng phấn đấu để đạt được điều đó.
Thơ Nguyễn Đình Minh thuộc loại thơ có cảm xúc nhưng giàu trí tuệ, thể hiện rõ tác giả có tri thức chứ không dễ dãi, làm thơ như một thói quen như nhiều người sẵn sàng mỗi ngày có thể làm được vài bài. Có cảm giác tác giả “Làng tre” rất khó tính với từng câu, chữ, hình ảnh, không dễ vừa ý với những gì bằng phẳng, đơn giản, đơn điệu. Vậy nên phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới có thể thẩm thấu hết mọi ý tình anh gửi gắm trong mỗi câu, mỗi chữ. Như vậy là kén người đọc. Nhưng thơ hiện đại cần như thế. Tuy nhiên, ta cũng dễ thấy thơ anh như một mâm cỗ toàn những món ngon, đắt tiền. Nhưng lại quá nhiều. Giá mà anh biết bớt đi để thay bằng một vài món khác bình dân, giản dị, gần gũi với người đọc đại trà thì người ăn sẽ có thể thấy ngon miệng hơn và sẽ ăn được nhiều hơn./.