Đọc “Thức với những tập mờ” của Nguyễn Đình Minh

Xin nói ngay, tôi chưa được đọc Nguyễn Đình Minh nhiều; có lẽ tôi hiểu con người ông hơn là am hiểu thơ ông - một con người sôi sục, đắm say và hết lòng. Là do hoàn cảnh địa lý và đặc thù đời sống văn chương của nước nhà mấy chục năm qua là sách in dễ, dễ in mà trở nên quá nhiều. Tôi chỉ được đọc Thức với những tập mờ  theo nghĩa đọc đi đọc lại và mỗi lần đọc là mỗi phát hiện thêm.Lý thuyết tập mờ (FUZZY SET THEORY), do giáo sư Lotfi Zadeh của trường đại học California - Mỹ đề ra năm 1965. Từ điển Toán học ghi chú như vậy, nhưng thực ra, tập mờ đã có mặt trong đời sống, trong tư duy của phương Đông ít nhất là khi Kinh Dịch  hoặc chậm lắm là khoa Tử vi đẩu số can dự vào đời sống. Tập mờ ra đời nhằm giải quyết cái logic không đầy đủ dữ liệu, can dự vào khoảng giữa cái đúng cái sai, cái bất định lượng - chất:

 

 

Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào mảnh chĩnh, hạt ra cánh đồng

Tại sao vẫn là em, mà ở hoàn cảnh này chỉ làm chỗ cho bọ gậy thành muỗi nhưng trong điều kiện khác lại làm nên cái bát ngát xanh của cánh đồng làng? Tại sao con cháu ông Bí thư Tỉnh ủy nọ lại có đến 3 đứa được chữa điểm thi từ trượt thành đỗ đại học, đỗ cao chót vót trong cùng một quy trình thi nghiêm ngặt? Ở Thức với những tập mờ, Nguyễn Đình Minh muốn khám phá đời sống, bày tỏ thái độ cũng như cảm thông chia sẻ với những mảnh đời ngang trái, nỗi éo le “cấy lúa thành năn, trồng lau ra mía” đang diễn ra trước mắt, hằng ngày:

 

Có những buổi bia cỏ vỉa hè, chiều đổ

Câu thơ bạn rơi vào hoàng hôn

Ứa lửa

Ủ ấm hồn tôi giữa nóng lạnh cuộc đời

Soi khoảng giao thoa giữa đôi bờ thật ảo

                (Tiếng nhị hoang và câu thơ lấm láp)

 

Đây nữa, Sài Gòn hòn ngọc viễn Đông, cờ xe như nước ban ngày, đèn đường rực rỡ buổi tối nhưng ban đêm về khuya lại có một Sài Gòn khác, một phần mờ khác đã hiện ra rành rõ:

 

Có những linh hồn thoát xác

Bay qua tiếng ngáy nặng nề

Và hoảng hốt thấy mình lại trở về vũng rác

Nồng nặc mùi nhân gian, mặn muối cần lao

                                         (Sài Gòn đêm)

 

Trong bài thơ thật nhiều xót xa, bài “Chuyện đêm suông” nhà thơ cắt nghĩa cái phần mờ còn lại sau cả chuỗi cái rõ:

 

Người uống rượu thâu đêm nhắm với nỗi buồn

Và những kẻ mà ma men đã nhập vào hồn vía

Kết thúc cơn say túy lúy

Cả bầu trời chỉ còn chiếc vỏ chai rỗng không

 

Nhưng cả chuỗi “cái rõ” kia thật ra lại bắt đầu từ “cái mờ”: Nỗi buồn. Buồn thất tình? Buồn thế sự? Hay chỉ là một nỗi buồn suông? Tác giả không nói rõ, nhân vật say thì đã chết rồi. Vậy nên nguyên cớ của nỗi buồn mãi mãi vẫn chỉ là một tập mờ man mác.

Một bài thơ hay khác, bài “Lỗ đen” có vẻ như được xác định hơn:

 

Hơn hai nghìn năm … Chúa buồn bã bỏ đi

Lời răn vào tai này rồi chui qua tai kia bay mất

Cây Thập Ác hóa thành cây gỗ mục

Cái ác đã giải thiêng đường về bến bờ hạnh phúc

Con người dùng nó đào huyệt giữa lòng mình

Tích gió lỗ đen

 

Vâng, xác định rằng cái ác chính là lỗ đen trong vũ trụ người, trở thành một lực hấp dẫn kinh khủng khiếp mà không một vật chất nào cưỡng lại sức hút một khi đã không may sa vào “từ trường” của nó. Ví như người ở Siry, ở dải Gaza, ở Cosovo…không thể thoát được khẩu súng mà số phận dồn họ đến. Nhưng đó chỉ là logic suy đoán chưa đầy đủ dữ kiện của người đọc, suy đoán tập mờ. Mặt khác, “lỗ đen” là gì thì vẫn còn là một lý thuyết, chưa có thực chứng rõ ràng – nó mới chỉ là một lý thuyết khả tín của các nhà vật lý vũ trụ và ở đây, nó đã là hình dung nghệ thuật của Nguyễn Đình Minh, vâng, hình dung nên nó lại là một tập mờ. Từ gợi mở mù mờ của nhà thơ, chúng ta có thể nghĩ tiếp: Lỗ đen vũ trụ dẫu có thật đi chăng nữa, thì cái kinh khủng khiếp của nó vị tất đã hại nổi ai; do đó mà lỗ đen vũ trụ vị tất đã đáng sợ bằng lỗ đen trong vũ trụ người?

Ngay sau bài “Lỗ đen” là bài “Nhân ngư” – tả con cá cảnh mang tên nhân ngư, cũng là một vùng mờ khác có sẵn trong thế giới người:

 

Hình như đã gặp những con cá ở bể đời

Những con cá biết nói cười

Tàng hình trong những khuôn mặt nạ

(…) Những siêu cá hóa người

Có thể vô hình

Có thể ở ngay bên cạnh ta như là tri kỷ

(…) Nên ánh sáng mặt trời

Kết trùng trùng lưới vây công lý

Muôn đời thường kéo những mẻ suông

 

Đặt cạnh nhau và hai bài trở thành song kiếm hợp bích: Cái ác và sự giả trá máu lạnh nhân danh những cái tốt đẹp như “tri kỷ”, như “mặt trời” như “công lý” chỉ còn như lưới kéo suông. Lưới kéo suông là một tập mờ xiết bao hàm chứa! Nếu không có sự dễ dãi liên tưởng gần (lạnh như máu cá) vốn là căn bệnh trầm kha và dai dẳng của thơ Việt, ta có thể nói đây là một bài thơ hay. Ở một bài thơ khác, Nguyễn Đình Minh ngợi ca những người dám tự chiến để đánh bật cái ung nhọt trong mình, xin mượn hình ảnh ấy để mong muốn nhà thơ hãy dồn trọng lực cho cấu tứ - cũng tức là cho toàn bộ lao động thơ. Liên tưởng xa luôn tạo nên những bất ngờ mà bất ngờ là môi sinh của xúc cảm.

 Nhưng Nguyễn Đình Minh vẫn là người tin yêu, là người hăm hở sống. Bởi, như nhà thơ xác định sẵn trong “tập mờ”, đối nghịch với ác không chỉ có thiện, nó còn có trạng huống buông ác tích thiện,  bởi vì trong quá trình chuyển hóa âm dương, khi thiếu dương lúc thiếu âm; cuối ngày là rạng sáng, cuối đêm là sang ngày. Ông tin vào quy luật chuyển hóa – có lẽ vì vậy mà ông chuyên tâm làm thầy? Xin đọc bài “Ánh mắt” ngay sau song kiếm hợp bích trên đây. “Ánh mắt” lý giải về cái ác ngay cả khi nó được biện minh nhân danh cái thiện:

 

Ta nâng súng bóp cò vì cái thiện, cái yêu tin

Nhưng đạn vãi vô hồi vào mục tiêu không xác định

Đem lòng ra giặt giũ trong ánh sáng trắng

Cái bóng màu đen

Vẫn thít dưới chân mình

và tác giả có cặp so sánh trác tuyệt về ánh sáng và bóng tối chuyển hóa lẫn nhau, trong “hộp đen” – tập mờ:

 

 

- Bóng tối nẩy mầm

Ngạo nghễ chiếm không gian

- Và đêm tối mỗi ngày

Lại gói cả trời xanh

 

                                                               *

                                                            *    *

 

Trong Thức với những tập mờ, Nguyễn Đình Minh dành nhiều quan tâm đến hiện tượng nghịch lý của các hoàn cảnh, số phận. Trên bảng giá trị đời sống, như ông cha ta có hẳn một lý thuyết về sống chậm, như “ăn kỹ no lâu”, như (cứ đợi) “trăng đến rằm thì trăng tròn” hay “yêu nhau từ thuở lên năm/ mẹ bồng ra ngõ anh cầm tay em”…Còn con người hiện đại thì vội vàng đến không cả kịp sống, như một nghịch lý được miêu tả trong “Những hạt vàng ta buông bỏ”:

 

Bỏ lại một dải hoàng hôn như bài ca dao chín

Con tàu đè gió vút đi muốn cướp khoảng thời gian

 

mà không biết rằng, đây mới là giá trị đích thực của cuộc đời:

 

Vẫn còn chiếc xe ngựa theo gió trôi cạnh sườn non

Ông lão vuốt chòm râu nhuộm đầy trăng bạc

Suối du dương khoan thai

Khúc tình ca ngàn năm sơn cước

Lấp lánh những giọt sao xanh rơi trên cỏ đường mòn

 

Nghịch lý trong “Đám tang thời công nghệ” như một lời điếu cho thói vô cảm đang cá thể hóa con người. Văn chương của chúng ta đã đi qua thời cảnh báo nạn đâm thuê chém mướn, nạn khóc thuê, khóc công nhật trong đám tang của nhà trọc phú; những tưởng nó đã một đi không trở lại cùng với hiện thực phê phán đã xa. Hóa ra bây giờ nó đầy rẫy trong hàng phố, xóm thôn ngay nơi chúng ta đang sống. Hóa ra, cảnh huống giả trá trước cái chết nó vẫn tàng ẩn, như một tập mờ, chỉ chờ khi hoàn cảnh và điều kiện thuận lợi, là phần mờ ấy rõ lên rồi dần trở nên thống ngự:

 

Những tiếng gào xé ruột xé gan

Phát ra từ một đĩa CD có kèm theo nhạc

Người quá cố nằm giữa thơm khói hương trầm

 

Nhà thơ Lương Vĩnh, một người cho đến nay vẫn đi xe đạp và dùng điện thoại bàn hôm vừa rồi có than phiền về một kẻ rất thông minh mà chỉ vì nghiện game điện tử mà trở nên hư hỏng, chả còn biết thương xót ai, tình cảm con người đã bị hủy diệt. Đó là một lý thuyết chưa được kiểm chứng; nhưng tôi đã có kinh nghiệm về âm nhạc điện tử đã giết chết ý nghĩa đám cưới mà nó phụng sự. Đám cưới là nơi người đến gặp người, biết thêm một người mới, nơi họ nhà gái gặp gỡ để biết thêm về nhà trai và ngược lại; tóm lại, đám cưới là nơi tình cảm gặp tình cảm chứ phải đâu để cho một lũ vô cảm dùng tiếng ồn tiếng gào rú ra mà hăm dọa con người? Mà chúng hù doạ con người nhân danh văn minh tiến bộ cơ, mới thật dã man. Nhưng xin trở lại với bài thơ mà đọc xong về những sự vô cảm xung quanh cái chết của một con người, chúng ta không thể không ứa nước mắt mà thốt lên: Từ đâu, cái gì đã dồn chúng ta đến cơ sự này:

 

Đã biến mất những cánh đồng tâm hồn

Những mầm xanh rất đời hình như không có thật

Bỗng thấy hoài nghi, người trong quan tài có chết

Còn những khách viếng đám ma

Có sống thật không?

Và những cánh hoa tâm linh

Vô hồn, phả vào không gian mùi hương nhựa.

 

Nghịch lý ở bài “Dòng chữ máu” dãi bày một thực trạng, trên tường, trong sách, trong kinh điển người ta viết những slogal, những khẩu hiệu, và dùng những dòng chữ ấy dưới danh nghĩa lời răn, nhưng trên cuộc sống thực, nó lại chỉ còn như một vật trang trí lòe loẹt cho hành vi tha hóa con người và môi trường sống của con người:

 

Vẫn nghe tiếng quằn quại xé mình sinh đẻ

Ra con người

Ra những cuộc chiến tranh

Ra máu và mồ hôi đổ tràn theo mẫu hình “nguyên thủy” mới

Ra sự hủy diệt mạnh hơn cả động đất sóng thần

Tôi kinh hoàng nhìn lên bức tường văn minh

Dòng chữ máu:

Con người, ngươi làm ra tất cả!

 

Tôi dành những lời cuối để nói về bài “Gửi những người đã chết” để gấp lại tập thơ Thức với những tập mờ. Bài thơ không nói về thiện ác – những dữ kiện lập nên số phận cá nhân và cộng đồng, cũng không nói về sự chuyển hóa của chúng; càng không nhắc đến các nghịch lý vốn là “hộp đen” của những kết cục, là tập mờ của số phận con người. Nhưng lại có tất cả những điều vừa nói, cố nhiên, nói ở ngoài lời. Bài thơ mượn lời của kẻ sống, gửi đến những người đã chết. Họ có thể là nhà thơ, đã dùng ngàn ngàn trang bản thảo để hỏa thiêu xong chính mình – cũng dùng ánh sáng lửa thiêu để “soi sáng đường về trời”. Họ có thể là người lính trận sau khi bị viên đạn “găm vào đầu.” Nhưng có thể họ lại là:

 

Những kẻ ta thường coi là vô lại

Đã quay về nghĩa địa ngủ yên rồi

Bao ông lớn quyền uy vênh vác sang giàu

Đem tất cả vùi sâu ba thước đất

 

Lời nhắc nhở chung như một tất yếu ấy vốn là điều muôn năm cũ. Cái chỗ mà thơ cất lên là ở chỗ này:

 

Ta thấy thương người thương mình

Vốn chỉ là giọt nước giữa biển mặn cuộc đời

Như mây tụ rồi lại tan giữa trời

Giữa cõi sống có sinh có diệt

Thấy thương những ánh lửa kim tiền

Những ngõ hẹp ken đầy bao xác sống

Giữa giông tố vần xoay gẫy vụn cánh uy quyền

Cỗ xe hư danh lao vào trống rỗng…

 

Chuyến tầu đã đưa những người năm cũ rời ga Nhân Gian

Hành trình theo đường ray Chuyển Kiếp

Ta một mình trong vũng chiều sắp tắt.

 

Khép lại, để ngân lại những vang vọng của toàn tập. Nó nhắc chúng ta thấm thía hơn cái đám ma hoa giả cùng đĩa CD khóc, có thể giật mình mà bớt chăng những hành vi gian trá lọc lừa tàn độc của cái văn minh mà trên bức tường văn minh in dòng chữ máu. Thức với những tập mờ nhắc nhở chúng ta rằng, cái tàng ẩn những dữ kiện số phận nén trong tập mờ kia rồi ra sẽ can dự vào cuộc sống chúng ta, len lỏi vào tận tâm can, mọi xó xỉnh của cộng đồng một khi mỗi chúng ta buông lơi cho quỷ dữ - những điều kiện mờ chồng tích tụ sẽ hiện rõ ngay khi chúng ta bất lực, buông lơi.