Giải pháp nào cho cuộc “Nội chiến tượng đài” ở Hoa Kỳ?

Khi chúng ta sống quen với nền nếp của nền văn hóa Việt có Tôn ti trật tựvà trong một xã hội như hiện tại đồng thời lại đang nhìn nước Mỹ với thái độ ngưỡng mộ một cường quốc thì sự bùng phát bạo động những ngày vừa qua trên quốc gia bá chủ hoàn cầunày khiến chúng ta thấy buồn và đặt ra nhiều nghi vấn.

Những uất hận sắc tộc vẫn ủ mầm trên mảnh đất Tự do

Nói một cách công tâm, nước Mỹ là hình ảnh tiêu biểu của “Thế giới tự do” theo cách đánh giá đương đại. Với trên 300 năm thành lập, chế độ nô lệ ở Mỹ đã được bãi bỏ bởi tổng thống Abraham Lincoln vào ngày 01/01/1863 và sau đó hơn một năm vào ngày 19/6/1865 đã được thực hiện triệt để trên phạm vi toàn nước Mỹ. Tuy nhiên hiểm họa sắc tộc vẫn không thể triệt tiêu, “tự do kiểu Mỹ”chưa phải là liều thuốc chữa trị dứt điểm căn bệnh phân hóa giàu nghèo; chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (Apartheid) vẫn âm ỉ cháy trong lòng Hợp chủng quốc. Nếu xem kỹ một chút về cuộc hành trình của lịch sử Hoa Kỳ có thể thấy rằng, trên đất nước hùng mạnh này vẫn có những cuộc trỗi dậy của những nhóm cộng đồng.

TS Nguyễn Tiến Hưng (Cố vấn của TT Nguyễn Văn Thiệu), người từng chứng kiến một cuộc bạo động  vào tháng 5/1970 kể lại: 29 Vệ binh Quốc Gia bắn 67 lượt đạn, giết chết bốn sinh viên và làm chấn thương chín sinh viên khác, chỉ trong vòng 13 giây. Vụ nổ súng của Vệ binh Quốc gia, còn được gọi là Biến cố tháng 5/1970: "Kent State Massacre", khiến cả nước Mỹ bàng hoàng. Trong một cuộc họp báo, Thống đốc Ohio Jim Rhodes đập bàn, cáo buộc sinh viên biểu tình là "un-American," và là "làm cách mạng". Lập tức, những cuộc biểu tình và bạo động lan tới cả thủ đô Washington.  TT Nixon đã được đưa tới Camp David hai ngày “lánh nạn”. Theo Charles Colson (luật sư của TT Nixon) thì quân đội đã được điều tới để bảo vệ chính phủ. Ông nhớ lại: "Binh sĩ từ Sư đoàn Dù 82 đã có mặt dưới hầm tòa nhà Executive Office Building (nơi làm việc của nhân viên văn phòng tổng thống, nằm sát cạnh Tòa Bạch Ốc). Và tôi nghĩ, 'Đây không thể là nước Mỹ. Đây không phải là nền dân chủ tự do lớn nhất trên thế giới. Đây là một quốc gia đang có chiến tranh với chính mình'."

Vào năm 1971, một số bộ tộc thổ dân châu Mỹ tổ chức một cuộc chiếm đóng núi Rushmore lập hẳn một nhóm cầu nguyện trên đỉnh núi và phủ một tấm vải liệm tượng trưng lên khuôn mặt trang nghiêm của tượng 4 vị tổng thống “khai quốc công thần” nước Mỹ được tạc bằng đá cẩm thạch, để phản đối. Nguyên do là ngọn núi đá cẩm thạch này lại thuộc lãnh địa mà Mỹ xâm chiếm của bộ tộc Lakota.

Báo National Interest, ngày 20/8/2018, đưa tin người biểu tình xô đổ bức tượng Liên minh miền Nam “Silent Sam” tại Đại học Bắc Carolina . Những bức tượng này từng đứng ngạo nghễ và hiên ngang trong khuôn viên Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill từ năm 1913 và tạo hiệu ứng đe dọa hơn 700 bức tượng tương tự ở hàng chục thành phố, thị trấn khác toàn Liên bang.

Những minh chứng trên chỉ là ví dụ cho thấy việc đập phá tượng đài và bạo động đã hình thành trong lòng Hoa Kỳ từ rất lâu.  Nhìn tổng quát thì quan điểm về tượng đài anh hùng ( thuộc nhóm tượng di sản) của nội bộ nước Mỹ có những quan điểm “chéo ngoe”! Một số người cho rằng các bức tượng đã tôn vinh một cách không chính xác những người muốn duy trì chế độ nô lệ. Những ý kiến trái chiều cho rằng kéo sập tượng đồng nghĩa với xóa bỏ lịch sử.

Trong khi giới lãnh đạo tôn sùng ví như phát ngôn ngày 10/6, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ở Capitol Hill: "Các tượng đài ở Capitol nên thể hiện những lý tưởng cao đẹp nhất của người Mỹ, thể hiện chúng ta là ai và cảm hứng khiến chúng ta là một quốc gia". Trong khi đó một bộ phận người Mỹ (phần lớn là người da đen) cho rằng chúng là di sản về chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc: "Tượng đài tưởng niệm những người đã cổ súy cho sự tàn bạo và dã man để đạt được mục đích thuần túy phân biệt chủng tộc là sự lăng mạ đầy lố bịch đối với các lý tưởng đó. Tượng những kẻ đó là nhằm tôn vinh lòng thù hận chứ không phải là di sản. Chúng phải bị dỡ bỏ".

Sở dĩ vậy là bởi tư tưởng dân tộc luôn chảy trong huyết thống của các thế hệ, nó sẽ bùng phát khi có điều kiện hoặc có tác nhân kích động như chất xúc tác cho phản ứng xảy ra. Điều kiện đó là gì? Trước hết là đại dịch Covid tàn phá nước Mỹ, song bi thương hơn là người da đen có nguy cơ tử vong vì COVID-19 cao gấp 2,4 lần mà lý do là kinh tế thấp và màu da. Đó là nguyên nhân trực tiếp, nhưng sâu xa hơn, thống kê từ Diễn đàn Kinh tế thế giới tổng hợp thì: người Mỹ gốc Phi có khả năng đi tù cao gấp 5 lần người da trắng; 72% hộ người da trắng sở hữu nhà ở, so với 41% hộ da đen; tài sản bình quân của một hộ da trắng là 171.000 đôla - gấp 10 lần một hộ da đen; người lao động da trắng có thu nhập cao hơn 32% so với người da đen, và cứ 5 đàn ông da đen thì 3 người từng bị cảnh sát xét hỏi không có lý do chính đáng...Cái gì tạo ra những hệ quả như vừa nêu? Rõ ràng có thể nhìn thấy ở đây một sự phân biệt đối xử, một sự bất bình đẳng về màu da.

 Nếu đọc cuốn  “Cội rễ” của Alex Haley, một tiểu thuyết viết về hành trình đi tìm nguồn cội của một nhà văn Mỹ gốc Phi một cuốn sách đã miêu tả nỗi nhục nhã ê chề "xương núi máu sông" của tổ tiên người Mỹ da đen khi bị ép đến miền đất hứa này. Nó đánh thức ở những người da màu Mỹ nỗi niềm hoài cổ tổ tiên, và ý thức dân tộc không bao giờ tắt. Tâm lý dân tộc ấy đã tạo ra sự phẫn nộ khi phải chấp nhận sự tồn tại của tượng đài tôn thờ những kẻ gây ra đau đớn và bóp nghẹt văn hóa dân tộc họ trong quá khứ. Còn cái chết của George Floyd chỉ là “nguyên cớ” tạo ra  một hiệu ứng domino xóa bỏ các tượng đài… trong khi nguyên nhân là những kết quả được tích lại trong những thế kỷ thời gian ủ cháy âm thầm trong lòng nước Mỹ.

Cuộc Cách mạng văn hóakiểu Mỹ?

Nhìn về hình thức cuộc nổi dậy và đạp phá tượng đài này có vẻ mang mô hình “Cách mạng văn hóa màu sắc Mỹ”. Đòi quyền tự do dân chủ bác ái bình đẳng thì không có vấn đề gì, ở đâu trong thế giới loài người cũng đều được khuyến khích, nhưng đập phá lịch sử văn hóa thì rõ ràng là phi văn hóa. Trong số những bức tượng bị kéo có những cái tên rất đáng được nghiêm túc suy nghĩ về công lao của họ, dù họ có phạm những sai lầm, ví như Cristoforo Colombo nhà thám hiểm tìm mở châu Mỹ, ông Francis Scott Key, tác giả của quốc ca Mỹ - “The Star-Spangled Banner”. Đặc biệt Tổng thống lập quốc Washington từng là người mà vào năm 1799  đã tuyên bố trả tự do cho tất cả các nô lệ da đen của gia đình, điều này đã được các sử gia Hoa Kỳ công nhận.

Họ là những nhân vật đã thuộc về lịch sử. Nếu đập tượng đài của họ có phải là sự phỉ báng lịch sử và sự vô ơn? Nếu phân tích đến cùng thì họ quả nhiên là các chủ nô, nhưng họ cũng là người giải phóng và đem đến một cuộc sống tốt đẹp hơn tại mảnh đất Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cho cháu con của  người da đen, mà rõ ràng người Phi châu hiện tại cũng  như công dân nhiều quốc gia (kể cả quốc gia người da trắng) phải mơ ước. Nói thế để thấy tính chất 2 mặt của vấn đề; và để nhận thức đúng cần có đánh giá khách quan về xu thế chính trị chi phối từng thời điểm lịch sử và công tội của các nhân vật lịch sử.

Quan trọng hơn cả là hành động đe dọa đập phá tượng Chúa Jesu và Đức Mẹ Mary là hành động điên rồ, bởi nếu xét về góc độ văn hóa đây chỉ là các nhân vật truyền thuyết; còn nếu xét về góc độ tín ngưỡng thì đây là hình tượng của thế giới tâm linh luôn chính phục trái tim các tín đồ từ viễn cổ. Nếu hoạt động phá dỡ tượng nhằm mục tiêu chính trị thì các nhà hoạt động này quá ngây thơ về chính trị. Nên nhớ “trêu” vào Đức chúa Jesu và mẹ Mary có nghĩa là tuyên chiến với số lượng khổng lồ các tín hữu có mặt ở mọi quốc gia trên quả đất. Khảo sát năm 2011 của tổ chức điều tra dân số nhân khẩu học Pew Resaarch Center, ngày nay có khoảng 2,2 tỉ tín hữu Cơ Đốc và hàng tỷ dân số Đạo Tin lành (thờ Chúa Jesu). Đất nước Hoa Kỳ lại là nơi dân số theo 2 dòng đạo này chiếm đại đa số, do vậy nếu đụng chạm vào tín ngưỡng thờ phụng chúa Jesu chắc chắn quả báo sẽ đến ngay từ làn sóng thần của các tín đồ trước khi có một cơn sóng thần đến từ thế giới tâm linh... Do đó nếu đặt vấn đề các cuộc bạo động có bàn tay âm mưu ở thời điểm nhạy cảm bầu cử Tổng thống đang diễn ra thì có thể chính các ông “Trùm cuối”lãnh đạo cũng còn non nớt bởi một mặt họ đang phá hoại nước Mỹ, tạo ra những tiền lệ xấu và tự vạch mặt âm mưu chính họ. Tổng thống Trump hơn một lần đã ám chỉ“Đối thủ của tôi không phải Nga và Trung Quốc mà là Đảng Dân Chủ”. Tất nhiên đó chỉ là ám chỉ, nhưng sự thật những con sóng cuồn cuộn xô nghiêng ngả thành trì nước Mỹ, làm hình ảnh của cường quốc số 1 méo mó đi và thế giới nhìn thấy trên lưng “gã khổng lồ Hoa Kỳ”có những vết sẹo, những lỗ thủng được bắn bởi viên đạn “nội chiến”thì không khỏi thất vọng.

Xem thế mới biết nhận thức văn hóa của công dân Hoa Kỳ còn nhiều điều phải học tập thêm, nó không xứng tầm với danh hiệu công dân một cường quốc và khẩu hiệu tự do công bằng bác ái ở quốc gia này vẫn còn nhiều góc khuất phủ đầy ảo ảnh.

Giải pháp nào cho cuộc “Nội chiến tượng đài” ở Mỹ?

Xét theo quan điểm tính 2 mặt của một sự vật hiện tượng, thì bản thân mỗi bức tượng dù bị thù ghét và đập phá vẫn là một sản phẩm kiến trúc do con người tạo dựng và vì thế bản thân khối vật chất đó là văn hóa, nó có những tác dụng tốt của nó. Nó là sự gợi nhớ tái tạo lịch sử nhắc nhở loài người, là đề tài văn học, là bài học luân lý giúp con người từ đó nhận ra chân thiện mỹ…vấn đề đặt ra là giải pháp nào để cân bằng 2 luồng tư tưởng đối nghịch và sử dụng chúng có hiệu quả nhất.

Khi bức tượng của nhà buôn nô lệ người Anh là Edward Colston đã bị người biểu tình lật đổ và ném xuống biển từ cảng Bristol (Anh quốc) hôm 7/6, tạo ra hai luồng quan điểm đối lập thì họa sĩ đường phố người Anh Banksy, đề xuất giải pháp khá hài ước, ông viết trên Twitter: "Có một ý tưởng có thể phục vụ cả hai nhóm những người tiếc nhớ Colston và những người không. Chúng ta lôi ông lên từ dưới nước, đặt ông trở lại lên bệ tượng, cột sợi dây cáp vòng quanh cổ ông và làm thêm vài tượng đồng thể hiện người biểu tình với kích cỡ thật đang kéo ông ta sụp xuống. Mọi người đều vui. Một ngày đáng nhớ". Tất nhiên “sáng kiến” của Edward Colston  không bao giờ được các quốc gia thực hiện.

Nhưng vấn đề là vẫn phải có một giải pháp?

Loài người từ ngàn xưa vẫn luôn có cách ứng xử là triều đại này hủy diệt triều đại trước để toàn trị hóa hệ tư tưởng của mình. Trong hệ thống các phương cách thực hiện tham vọng đó thì công tác văn hóa tư tưởng được coi trọng và việc xây dựng tượng đài làm biểu trưng tôn vinh tư tưởng của triều đại là một công việc. Tuy nhiên ngay từ khi mới tạo dựng nó đã luôn gợi ra sự công phẫn trong lòng những thế lực đối lập; giải pháp chính trị này sẽ thất bại khi triều đại đó sụp đổ và những bức tượng của các nhân vật chính trị thường là đối tượng bị tấn công đầu tiên. Cuộc “Cách mạng văn hóa”của Trung Quốc và phong trào đập phá tượng đài ở Mỹ đang có xu hướng lan dần sang các nước phương Tây hiện nay là những minh chứng gần gũi nhất.  Điều đáng buồn là chúng ta cứ ngỡ mình là văn minh và đang ở thế giới văn minh nhưng thực ra có nhiều việc ta vẫn tư duy và hành động như thời trung cổ hoặc có cái nhìn mang nặng tính tư tưởng mà bỏ quên các giá trị khác. Bà Siphiwe Laura Stewart - Đại diện của chiến dịch kêu gọi xóa bỏ tượng đài Cecil Rhodes ở Anh chop rằng: “ Lịch sử đã thay đổi. Chúng tôi đang yêu cầu một biểu tượng công bằng cho lịch sử quốc tế mà đến nay nó vẫn còn giá trị và đại diện cho tất cả mọi người”.

 Khi đọc thông tin về việc hạ bệ các tượng đài Lênin cao 3.45m được tạc bằng loại đá đỏ Karelian bị giật sập tại Kiev (Ukraina) vào ngày 8 tháng 12 năm 2013 hay bức tượng của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông cao 37m  bị đập bỏ tại huyện Thông Hứa, tỉnh Hà Nam ngày 7/1/2016; Bây giờ lại nhìn bức tượng Oasinh tơn tổng thống đại cường quốc Hoa Kỳ bị kéo đổ sấp mặt trên nền đất, tôi chợt nhớ một câu thơ của Nhà thơ Cộng sản Việt Nam, Tố Hữu Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.Tôi không có ý bình luận về câu thơ này mà chỉ nghĩ rằng nó gợi ra một phương cách sử dụng tượng đài cá nhân lịch sử tham gia làm chính trị, các bộ tượng tâm linh (ở đây có 2 loại, một là đã tạo tác và 2 là sắp tạo tác). Hãy lựa chọn chỗ đứng của các nhân vật làm chính trị trong những Viện bảo tàng và cho Thần thánh nơi những ngôi đền của riêng hay miền đất có cư dân quần cư gắn liền với đạo giáo của họ. Các thế hệ sau đến gặp họ tùy thuộc cảm xúc và thái độ chính trị, tín ngưỡng của mình xin hãy tự đánh giá ngợi ca hay trút hận. Tất nhiên ngay cả điều này cũng cần cân nhắc ví như bức tượng sáp lớn của Adolf Hitler đặt trước bức tranh về trại hủy diệt Auschwitz-Birkenau, nơi hơn một triệu người đã bị giết dưới chế độ Đức Quốc xã đã bị gỡ bỏ khỏi bảo tàng De Mata Trick Eye, Java, Indonesia. Về cách làm này nước Đức có một quan điểm sử dụng có thể là khá ổn, theo đó họ cho rằng việc xóa bỏ quá khứ không phải là lựa chọn thông minh và thay vì trưng ra không gian cộng đồng những bức tượng của kẻ gây ra thảm kịch cho con người, thì  họ đầu tư bảo tồn các di vật liên quan đến cuộc chiến và tưởng nhớ số phận những nạn nhân mà Hitler là tác giả.

Xét trên các khía cạnh như vậy để thấy các giải pháp mang tính pháp luật cứng rắn chưa phải là giải pháp tối ưu để bảo tồn các tượng đài, bởi phong trào phá tượng có thể tạm dừng vì sự đe dọa của cánh cửa nhà tù, nhưng ngọn lửa hận thù lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Vấn đề căn cốt vẫn là triệt tiêu dược sự thù hận của lòng người và cân nhắc lợi hại khi xác định mục tiêu sử dụng các bức tượng khi có ý tạo tác ra.

Nhà văn Nguyễn Đình Minh