Giáo dục đại học Mỹ, sự khác biệt
Phần 2: Chương trình, phương pháp đào tạo và vấn đề kinh doanh đại học
1.Chương trình và phương pháp
Dung lượng thời gian học 4 năm chương trình đại học tại Mỹ chỉ khoảng 40% số thời gian sinh viên tại Đại học Việt Nam phải học ( Việt Nam 2.183 giờ so với Mỹ 1.380 giờ ). Có thể lấy một ví dụ cụ thể chương trình học kinh tế ở Việt Nam đòi hỏi 1.451 giờ khi mà ở Mỹ chỉ là 480 giờ (độ chênh 3 lần ). Vấn đề đặt ra là lượng tri thức sinh viên cần tiếp nhận được trong khung thời gian ấy, không hề có chuyện sinh viên Việt Nam sẽ tiếp thu được kiến thức cao gấp hơn 3 lần so với sinh viên Mỹ. Điều này cho thấy tại các Đại học Mỹ thì giờ để sinh viên tự học, nghiên cứu là chính và cách thức giảng dạy trên lớp cũng rất ngắn gọn khoa học.
Chương trình đại học Việt nam, rất nặng về lý thuyết, mà nhiều phần học sinh ở Mỹ chỉ học trong chương trình sau cử nhân. Với việc coi trọng ứng dụng thực hành, các cử nhân tại Mỹ sau khi ra trường có thể hòa nhập nhanh với công việc được phân công và giai đoạn tập sự việc rút ngắn rất nhiều. Bên cạnh đó Ở đại học Mỹ sinh viên có quyền tự chọn đến 1/3 thời gian học dù học bất cứ ngành chính nào; việc tự chọn giúp học sinh mở mang kiến thức về nhiều ngành học khác nhau. Nhờ đó, cho phép học sinh hợp tác nghiên cứu liên ngành, phân tích và nhìn vấn đề không bị cục diện bó hẹp vào chuyên môn của mình. Và sau khi ra trường, họ có thể làm việc ở nhiều chuyên ngành khác nhau trong đời sống xã hội. Triết lý giáo dục ở Mỹ cho phép và trang bị cho sinh viên thực hiện việc đổi ngành mà không bị hụt hẫng. Đây chính là sự lúng túng của đại học Việt Nam trong nhiều năm qua, khi đào tạo ra thế hệ sinh viên ít khả năng hoạt động thực tế hoặc chỉ biết ngành duy nhất dẫn đến tình trạng thất nghiệp ngay từ khi chưa tạo nghiệp.
Để dễ dàng hình dung ra phương pháp dạy bậc đại học ở Mỹ có thể lấy kết luận của Đoàn khảo sát thực địa thuộc Viện hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ, năm 2006, nhận xét về phương pháp dạy và học đại học của Việt Nam như sau: Phương pháp giảng quá phụ thuộc vào các bài thuyết trình và ít sử dụng các kỹ năng học tích cực, kết quả là có ít sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên trong và ngoài lớp học. Quá nhấn mạnh vào ghi nhớ kiến thức theo kiểu thuộc lòng mà không nhấn mạnh vào việc học khái niệm hoặc học ở cấp độ cao (như phân tích và tổng hợp), dẫn đến hậu quả là học hời hợt thay vì học chuyên sâu. Sinh viên học một cách thụ động .
Về cách dạy ở trường đại học Mỹ, nội dung bài giảng được thông báo trước về mục tiêu cần đạt, địa chỉ nguồn học liệu tham khảo… trong đó để tìm hiểu bài giảng trước, hoặc củng cố lại sau khi nghe, sinh viên có thể lên website của thầy cô xem lại. Thầy cô trình chiếu nội dung hoặc phát bài giảng rồi nói về những vấn đề đó. Tại giờ học hầu như chỉ là các vấn đề khó cần giải thích thêm.
Tại trường, quan hệ giữa thày trò là rất thân thiện, sinh viên nhận được sự khuyến khích thực sự từ thày cô. Giáo sư sẽ cộng thêm điểm khi mỗi khi sinh viên chỉ ra điểm sai trong bài giảng của mình. Ngoài giờ học chính thức, các giáo sư thường dành khoảng 2- 4 tiếng mỗi tuần để sinh viên có
thể dễ dàng tới trao đổi hay giải đáp thắc mắc ở văn phòng riêng của họ.
Điều khác biệt nữa là cách thức đánh giá sinh viên. Ở Mỹ trong một kỳ, một sinh viên thông thường học 5 môn. Mỗi môn có từ 3 đến 6 bài kiểm tra. Như vậy là sinh viên ở Mỹ phải học liên tục. Quá trình này đặt lên sinh viên một áp lực phải liên tục nghiên cứu chuỗi kiến thức. Hệ thống bài kiểm tra được cấu tạo mức độ khó và tổng hợp, tăng dần làm cho sinh viên không ngừng phải vận động tiếp cận để đảm bảo các yêu cầu. Tính ưu việt của phương pháp này ở chỗ nó không để kiến thức đã học bị bỏ quên mà luôn vận động tăng tiến, mà quá trình bồi đắp lại từ từ đủ thời gian “thấm và ngấm”. Câu chuyện này khác biệt hẳn so với Việt Nam là sinh viên thi theo kỳ, và những kỳ thi phải vùi đầu ôn rồi thi trong 2-3 ngày; và kết quả chỉ là sự trả bài theo lối “học gạo”.
2. Vấn đề kinh doanh đại học ở Mĩ
Các đại học Mĩ , dù là công hay tư, đều không có mục đích kinh doanh, không có cổ phần viên hưởng lợi nhuận. Đại học tư hay đại học công đều có một hội đồng quản trị ( thường gọi là board of trustees) có nhiệm vụ gây quĩ, theo dõi tài chính, đề ra phương hướng giáo dục và bổ nhiệm hiệu trưởng. Ở đại học tư thì người trong hội đồng quản trị là do hội đồng quản trị đương nhiệm bổ nhiệm. Ở đại học công thì do thống đốc tiểu bang hoặc thị trưởng bổ nhiệm. Mỗi thành viên đều có nhiệm kỳ, thường là 5 năm, và tự giải nhiệm nếu không được bổ nhiệm lại. Trừ chủ tịch hội đồng là có lương khi làm việc toàn thời gian, các thành viên khác không có lương nhưng được trả chi phí tham dự các cuộc họp. Hội đồng quản trị thường bao gồm những thành viên là: người có đóng góp kinh phí lớn và có uy tín để gây quỹ cho trường; các nhà giáo dục và văn hóa; các nhà chính trị về hưu có uy tín. Nói chung, họ là những người vừa có uy tín, vừa năng động hoặc có khả năng đóng góp vào việc xây dựng uy tín cho trường. Họ được nhận được phần thưởng là mang tên trường, tên khoa, tên một tòa nhà hoặc một phòng học mang tên họ.
Tài chính đại học công từ học phí (người học phải nộp) là 19%, từ chính quyền địa phương 11%, 36% từ chính quyền trung ương, phần còn lại 10% dựa vào đóng góp của người hảo tâm hoặc từ tài trợ nghiên cứu. Đại học tư dựa nhiều hơn vào học phí (42%) . Mức chênh về đóng góp của người học với 2 loại hình trường rất phân biệt, năm 2001-2002, sinh viên vào trường công lập đóng học phí 3.500USD/ năm, trong khi học tại tư thục là 16.000 USD/ năm. Tuy vậy số học sinh muốn vào các trường tư thục lại là chủ yếu và quan trọng là dù vào loại hình nào các sinh viên cũng được nhận hỗ trợ của nhà nước. “Sự hỗ trợ này được hiểu là sự hỗ trợ của những người nộp thuế được định hướng đáp ứng nhu cầu giáo dục cho người nghèo, nhóm nghèo, yếu thế…”- (Kinh tế học các vấn đề xã hội – Paul W.Grimes, Nxb Lao động, Hà Nội, Tr 115 )
Về mặt luật pháp, các trường tư phần đông đều tổ chức thành những công ty phi lợi nhuận ( non-profit corporations ) chịu sự kiểm tra của sở thuế và luật pháp và khi hội đủ điều kiện về quá trình hoạt động được luật pháp chứng nhận là công ty “vô vị lợi”. Công ty loại này không phải trả thuế doanh thu khoản thu học phí và phần lợi nhuận. Lợi nhuận công ty đương nhiên được giữ lại để đầu tư phát triển vì trường không có cổ phần viên. Mặt khác, luật pháp Mĩ cho phép những người đóng góp vào công ty vô vị lợi được trừ phần đóng góp khỏi thu nhập chịu thuế. Đây là phương cách hay chính sách “nhân dân và nhà nước cùng làm” ở Mĩ để phát huy hoạt động ủng hộ giáo dục một hình thức XHHGD.
Tất nhiên vẫn có một bộ phận công ty (Thường là các cơ quan nghiên cứu phát minh) hoạt động kinh doanh; theo luật Mĩ phải loại này phải chịu thu nhập kinh doanh. Tuy nhiên nếu lợi nhuận đem đóng góp cho trường thì phần đóng góp này có thể trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế của công ty kinh doanh.
Bên cạnh đó vẫn có những trường đại học có mục tiêu kinh doanh, có chủ sở hữu và lợi nhuận thuộc về sở hữu chủ, nhưng những đại học này chỉ là những trường dạy nghề, họ phải chịu đóng thuế doanh thu và thuế lợi tức và hầu hết không được công nhận là có tư cách đại học.
Tính chất phi lợi nhuận của giáo dục Mỹ là nguyên nhân giúp ta hiểu được vì sao Mỹ không mở các trường đại học ở nước ngoài một cách mạnh mẽ mặc dù là một siêu cường giáo dục.
Khi nhìn vào thực tế này, khó có thể hình dung được lãi xuất từ giáo dục, nhưng trên những tính toán khoa học, có thể nhìn ra ở Mỹ có một “Ngành công nghiệp giáo dục đại học” và tạo ra những giá trị thặng dư khổng lồ. Trước hết nó tạo ra nguồn tài nguyên quý giá là nguồn nhân lực chất lượng cao - vốn người (Human capital), trong đó có 26000 tiến sỹ/năm và 60 % trong số đó thuộc công dân Hoa Kỳ. Đương nhiên nguồn nhân lực này khi tràn vào xã hội sẽ tạo ra những giá trị kinh tế văn hóa cực lớn. Xét riêng về giá trị kinh tế, tỷ suất lợi nhuận đầu tư vào giáo dục đã đóng góp cho nèn kinh tế quốc dân với tỷ trọng rất cao. Ở thời điểm năm 2000, ngành giáo dục đại học Mỹ với trên 4000 trường đại học, cao đẳng đã tạo ra 197 tỷ USD chiếm 3% tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ. Nó tạo ra 2% công ăn việc làm cho công dân, bằng với số dân làm nông nghiệp, cung cấp lượng sản phẩm giáo dục khổng lồ, 66% dân số độ tuổi 25-29 đã được học ít nhất 1 trường Đại học hoặc cao đẳng và nhập trên 50% số học sinh THPT vào học. Bên cạnh đó là sự đầu tư trở lại nguồn lãi xuất để phát triển các trường tạo thành hệ thống cơ sở vật chất đại học khổng lồ mà trên thế giới ít có quốc gia nào bì kịp.
Với 2 phần trình bày, mặc dù chỉ có một số nội dung của nó được đề cập nhưng chúng ta dễ dàng có thể nhận thấy sự khác biệt của Giáo dục đại học Mỹ . Sự khác biệt này bắt đầu từ triết lý giáo dục mà ở đó yếu tố thời gian được quý trọng, yếu tố hướng vào đáp ứng, kích thích nhu cầu tự học, tự nghiên cứu, thực hành và sáng tạo; sự gắn kết với thực tiễn được nêu lên cho người học như một sự tất yếu hàng đầu. Có thể nhìn nhận giáo dục đại học Mỹ như nền giáo dục đáp ứng thực tiễn muôn vẻ phát triển chứ không phải thực dụng như vẫn lầm tưởng. Và để đáp ứng triết lý ấy, là tất cả các yếu tố chương trình, nội dung, phương pháp, môi trường, kiểm định đánh giá…và cả kinh doanh giáo dục được xây dựng tương thích tạo ra sự phát triển của cả hệ thống. Đây cũng là những vấn đề khi so sánh với giáo dục đại học ở Việt Nam chúng ta thấy còn quá nhiều sự khác biệt.
-------------------------