Hoạt động đánh giá giáo viên

Đã từ rất lâu đến bây giờ chúng ta vẫn đánh giá giáo viên bằng những tiêu chí định tính nhiều hơn định lượng; và thực tế những tiêu chí này còn quá nhiều những điều bất cập ,đồng thời không hề có sự thống nhất giữa các cơ sở giáo dục.

ý nghĩa căn bản của công tác đánh giá là sự cải tiến - như một tác giả nước ngoài khẳng định nó là một thứ nhiệt kế. Mặc dù nhiệt kế không trị được sốt nhưng nhờ nó mà trị được bệnh. Trong những năm gần đây các nhà giáo dục đang hướng vào xây dựng chuẩn giáo viên,nhưng vấn đề chuẩn giáo viên bậc THPT chưa được xác định.Và đương nhiên chúng ta cũng chưa xây dựng được chuẩn hoạt động đánh giá giáo viên.

Hoạt động đánh giá  là một hoạt động được tiến hành ở bất cứ một ngành nghề nào, nếu coi đánh giá là một giải pháp để phát triển thì công tác này trở nên vô cùng quan trọng. Hoạt động đánh giá cũng được mở rộng sang lĩnh vực giáo dục, kể cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học trên thực tế nó là một công việc không thể thiếu được.Dưới đây, theo giới hạn của đề tài, dựa trên cơ sở lý luận được trang bị và thực tiễn công tác; bài viết xin đề cập tới công tác đánh giá giáo viên bậc trung học phổ thông ở Việt Nam ,với các nội dung.

- Hiểu về khái niệm đánh giá như thế nào ?

- Xác định/miêu tả hoạt động của giáo viên bậc THPT và đề xuất chuẩn mong đợi.

- Xây dựng các bằng chứng đánh giá.

Cơ Sở khoa học và thực tiễn  Của công tác đánh giá giáo viên

1. Khái quát về khái niệm "đánh giá"

Đánh giá bao gồm cả việc thu thập, phân tích, giải thích và sử dụng các thông tin về con người nói chung. Trong hoạt động đánh giá, thông tin được thu thập, xử lý, phân loại - hay nói cách khác là thu thập các "bằng chứng" một yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu. Không có bằng chứng việc đánh giá chỉ là những ý kiến cá nhân chưa đủ căn cứ để có thể đưa ra những kết luận về một vấn đề gì. Hơn nữa công tác đánh giá liên quan tới việc đưa ra nhận xét về những vấn đề quan trọng như giá trị, chất lượng, hiệu quả của hoạt động của giáo viên trong mối tương quan tới số đông học sinh và các đồng nghiệp khác.

L.A.Braskamp coi đánh giá như một hoạt động " ngồi bên nhau ". Đánh giá là hình ảnh "các đồng nghiệp ngồi bên nhau , hỗ trợ nhau bằng cách đưa ra những nhận xét xây dựng , thiện chí , những gợi ý cho sự tiến bộ , sự cùng quan tâm tới lơi ích của tập trung và gìn giữ những giá trị của trường  học.

2. Đánh giá hoạt động của giáo viên

Với cách hiểu đáng giá là "ngồi bên nhau" nhiều nhà nghiên cứu về công tác đánh giá giáo viên đã nhấn mạnh sự đan xen của nhiều yếu tố trong quá trình này. L.A.Braskamp và J.C.Orey đã sơ đồ hoá việc đánh giá như sau:

Nếu một trường học vừa mong muốn thúc đẩy sự phát triển của giáo viên, vừa mong đáp ứng các mục tiêu phát triển của nhà trường thì việc đánh giá giáo viên phải đáp ứng được mục tiêu kép này. Khái niệm đánh giá như một hoạt động "ngồi bên nhau" nhấn mạnh đến tính nhân văn và tính xã hội của hoạt động đánh giá. Việc đánh giá theo sơ đồ trên bao gồm 3 hoạt động đan xen nhau: hình thành kết quả mong đợi hay xây dựng chuẩn cho công tác đánh giá; thu nhập bằng chứng; sử dụng bằng chứng. "ngồi bên nhau" diễn ra trong tất cả các giai đoạn của quá trình đánh giá.

xây dựng kết quả mong đợi hay chuẩn đánh giá

Chức trách của giáo viên là rất phức tạp và đa dạng. Việc đánh giá giáo viên do vậy phải phù hợp với sự phức tạp và đa dạng đó. Để đánh giá giáo viên một cách chân thực và hướng họ vào sự phấn đấu hoàn thiện nhất thiết phải xây dựng chuẩn cho việc đánh giá. Đây là một việc làm phức tạp bao gồm xác định các loại hình công việc thuộc chức trách của giáo viên và xây dựng kết quả mong đợi từ các loại hình công việc ấy. Vì vậy trước hết phải mô tả đầy đủ công việc của giáo viên, xác định tầm quan trọng của từng loại hình công việc cần được đánh giá và người đánh giá chúng. Hơn nữa khi xác định các hoạt động và kết quả mong đợi từ các hoạt động này phải tính đến lợi ích của cá nhân giáo viên và của tập thể.

1. Xác định chức trách của giáo viên bậc THPT

Trong suốt lịch sử phát triển của giáo dục  ở Việt Nam, giáo viên luôn được tồn vinh là kỹ sư tâm hồn, là người có vai trò quyết định tới chất lượng của giáo dục và đào tạo và thực tế họ đã có những đóng góp quan trọng vào mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho tổ quốc vào những gia đoạn khác nhau của lịch sử nước nhà.

Tuy nhiên chức trách, vai trò của giáo viên các  trường THPT  cũng thay đổi trong tiến trình lịch  sử đó. Tất cả những yếu tố liên quan đến sự thay đổi thích ứng này, cần được tính đến khi xác định các loại hình công việc thuộc chức trách của giáo viên. Quan điểm về cách xác định đầy đủ và chính xác công việc của giáo viên  được cấu thành từ 4 yếu tố chính.

- Giảng dạy và chủ nhiệm

- Nghiên cứu.

- Dịch vụ chuyên môn phục vụ cộng đồng.

- Bổn phân công dân với tư cách là nhà giáo.

Dưới đây bài viết xin miêu tả công việc của  GV bậc THPT theo mô hình 4 phần này.

1.1. Giảng dạy

Trong bối cảnh mới ,để thích ứng với mối quan hệ cân bằng động GD -XH, công tác giảng dạy  học trong giai đoạn hiện nay được xem xét rộng  hơn việc đơn thuần truyền đạt kiến thức cho học sinh. Menge (1990) đã xác định "bản chất của việc giảng dạy là sáng tạo ra những tình huống mà ở đó sự học diễn ra một cách phù hợp, công việc mà giáo viên cần làm là sắp xếp các tình huống để có thể tiến hành giảng dạy một cách có hiệu quả". để làm được điều đó giáo viên cấp THPT cần có được những phẩm chất sau đây.

-Kỹ năng xây dựng kế hoạch giảng dạy

-Kỹ năng tổ chức và tiến hành dạy học trên lớp

-Kỹ năng tổ chức,quản lý,tư vấn giúp đỡ học sinh ngoài giờ học

-Kỹ năng giao tiếp

-Kỹ năng lập hồ sơ giảng dạy, hồ sơ học sinh, học liệu

-Kỹ năng đánh giá (bản thân - đồng nghiệp - học sinh - chương trình)

-Kỹ năng sử dụng công nghệ dạy học và nghiên cứu

-Kỹ năng thích ứng với những thay đổi trong giáo dục và xã hội

Chúng tôi cho rằng trong nhóm kỹ năng nêu trên, một trong những kỹ năng mang tính đặc thù của ngành sư phạm là vấn đề  dạy kiến thức. Cần phải nhìn nhận việc tổ chức dạy học dưới nhiều góc độ. Dưới đây bài viết sẽ  cụ thể nội dung của hoạt động này.

1.1.1- Phần tổ chức dạy học

a - Lên lớp :

thực hiện giảng dạy cho học sinh trong các hình thức tổ chức dạy học khác nhau (giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành ngoài trời...) tạo không khí học tập thoải mái, tôn trọng cá nhân và sự khác biệt của tập thể lớp học, đảm bảo tốt chất lượng gìơ dạy.

- Báo cáo khoa học (hội thảo, tập huấn).

b- Tư vấn, giám sát, hướng dẫn, cố vấn cho học sinh.

- Giám sát các hoạt động học sinh tại phòng thí nghiệm, thực tập, dã ngoại...

- Tư vấn cho học sinh về các vấn đề học tập, thi cử...

- Tư vấn cho học sinh về nghề nghiệp (Hướng nghiệp), học thuật.

1.1.2. Công tác chủ nhiệm

- Tìm hiểu và nắm vững học sinh trong lớp về mọi mặt có biện pháp tổ chức giáo dục sát đối tượng, nhằm thúc đẩy sự việc tiến bộ của cả lớp.

- Cộng tác chặt chẽ với phụ huynh học sinh; chủ động phối hợp với các giáo viên bộ môn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội có liên quan trong hoạt động giảng dạy và giáo dục học sinh.

- Nhận xét, đánh giá và xếp loại học sinh cuối học kỳ và cuối năm học; đề nghị khen thưởng và lỷ luật  học sinh; đề xuất danh sách học sinh được lớp thẳng, phải thi lại, phải rèn luyện thêm về hạnh kiểm trong hè, phải ở lại lớp; hoàn chỉnh việc ghi sổ điểm và học bạ học sinh.

- Báo cáo thường kỳ hoặc đột xuất (nếu có tình hình đặc biệt) về tình hình của lớp với hiệu trưởng.

Điều 29 - điều lệ trường THPT 11/7/ 2000

1.2. Hoạt động nghiên cứu.

Hoạt động nghiên cứu trong chức trách của giáo viên bào gồm tất cả các hoạt động phát hiện hoặc tích hợp các kiến thức có thể đóng góp cho kho tàng kiến thức của nhân loại, hoặc cho chính bản thân giáo viên, giúp học có được những hiểu biết rộng hơn, sâu hơn về bộ môn đang giảng dạy / về công tác quản lý lớp chủ nhiệm, hoặc tạo ra những kiến thức tổng hợp, liên môn kích thích nhu cầu nghiên cứu sâu hơn về những vấn đề liên quan. Hoạt động nghiên cứu có thể được cụ thể hoá như sau:

- Thực hiện đề tài về chuyên môn nghiệp vụ (chủ trì, tham gia).

- Viết sáng kiến kinh nghiệm giảng dạy

- Báo cáo tại các hội nghị khoa học cấp trường cấp cụm cấp sở hoặc cao hơn.

- Viết bài cho các báo hoặc các chuyên san khoa học.

1.3. Dịch vụ chuyên môn phục vụ cộng đồng.

Ngoài hai hoạt động giảng dạy và nghiên cứu các nhà quản lý giáo dục cấp THPT thấy cần phải đưa vào phạm vi chức trách của giáo viên một loại hình công việc nữa. Nếu xem giảng dạy - nghiên cứu - phục vụ cộng đồng là trách nhiệm của một  trường THPT , thì 3 nhiệm vụ này cũng là nhiệm vụ của từng giáo viên. Trong điều kiện hiện nay, ngoài  trường THPT  của mình, giáo viên với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm của bản thân có thể tham gia vào nhiều hoạt động hữu ích khác ở các  trường THPT  khác, thuộc các khu vực kinh tế - xã hội khác. Những hoạt động này cũng cần được xem xét và đánh giá trong thành tích hoạt động chung của giáo viên. Hoạt động phục vụ cộng đồng có thể được cụ thể hoá như sau :

- Tư vấn cho các tổ chức công lập, dân lập về chuyên môn, nghiệp vụ.

- Hợp tác với các loại hình trường THPT , các tổ chức kinh tế - xã hội thực hiện

các hoạt động chuyên môn.

- Thực hiện các dịch vụ chuyên môn khác nhằm phục vụ cho lợi ích cộng đồng.

1.4. Bổn phận công dân.

Ngoài các hoạt động chuyên môn và nghiệp vụ mà theo đó giáo viên được nhận phần lương, thù lao, thưởng tương xứng (thông qua giảng dạy, nghiên cứu và dịch vụ), giáo viên cần tham gia các hoạt động xã hội công ích và thực hiện nghĩa vụ công dân. Các hoạt động này có thể được cụ thể hoá bằng ba vấn đề cơ bản : Là công dân tốt - công chức tốt - nhà giáo tốt với những biểu hiện cụ thể sau :

- Bản thân và gia đình chấp hành và nghiêm chỉnh thực hiện luật pháp của Nhà nước.

- Có lối sống trong sáng lành mạnh mô phạm trong các môi trường.

- Tham gia các  hoạt động xã hội nếu có điều kiện và khả năng.

- Tham gia và làm tốt XHHCTGD.

- Yêu nghề nghiệp.

Trên đây chúng ta đã liệt kê các loại hình công việc thuộc chức trách giáo viên và đó cũng là trọng tâm của sự đánh giá cũng như đánh giá từ bên ngoài. Đương nhiên việc đánh giá mức độ hoàn thành các loại hình công việc đó tuỳ thuộc vào từng trường, vào năng lực cùng vị trí của từng giáo viên và chức trách được phân công.

2. Xây dựng kết quả mong đợi

2.2. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, giáo sư  Nguyễn Ngọc Quang đã đưa ra một công thức " Người thày giáo XHCN là người có lý tưởng cộng sản, có bộ óc khoa học và có trái tim của người mẹ ". Có lẽ đây chính là kết quả mong đợi mà giáo sư xây dựng cho mãu hình người giáo viên. Tuy nhiên,ở thời điểm này,chất lượng hay sự xuất sắc là một phạm trù phức tạp , nhiều chiều được xem xét trong một bối cảnh nhất định ( trường THPT ), trong mối quan hệ chặt chẽ giữa các thành viên. Do vậy để đánh giá hoạt động cần cụ thể hoá nó bằng các chỉ số (định tính hoặc định lượng).

Dưới đây bài viết xin được nêu quan điểm cá nhân về xây dựng kết quả mong đợi cho giáo viên bậc THPT.

1- Phẩm chất đạo đức,tư tưởng chính trị ( với tư cách nhà giáo - công dân).

1.1- Vì lợi ích của Tổ quốc và dân tộc.

1.2- Sống và làm việc theo hiến pháp ,pháp luật.

1.3- Thực hiện nghiêm chỉnh quy chế chức trách giáo viên.

1.4- Có lối sống trong sánh lành mạnh,mô phạm trong các môi trường.

1.5- Có lòng yêu nghề ,vì sự tiến bộ của học sinh.

1.6- Tham gia và làm tốt XHHCTGD.

2 - Phẩm chất chuyên môn (Năng lực giảng dạy và chủ nhiệm)

Marya Anne Fox và Norman Hackerman đã đưa ra 5 tiêu chuẩn cho hoạt động giảng dạy ,mỗi tiêu chuẩn có thể được cụ thể hóa bằng một số chỉ số.

2.1. Kiến thức và nhiệt tình với môn học.

2.1.1 Hiểu và có thể giúp h/ sinh hiểu những nguyên tắc chung nhất về môn học.

2.1.2 Cung  cấp cho học sinh tổng quan môn học.

2.1.3 Có đủ kiến thức về môn học và các phân môn có liên quan để có thể trả lời các câu hỏi của học sinh, hay giúp học tìm kiến các thông tin cần thiết.

2.1.4 Thường xuyên cập nhật kiến thức môn học bằng các công trình nghiên cứu, hoặc bằng các hình thức hoạt động nghề nghiệp khác (đọc sách, hội thảo...).

2.1.5 Say sưa với nghề nghiệp thể hiện trong giảng dạy, giúp đỡ học sinh học tập, sáng tạo trong môn học.

2.2 Kinh nghiệm, kỹ năng và công nghệ sư phạm.

2.2.1 Có hiểu  biết và biết lựa chọn những chiến lược phù hợp để giúp học sinh có những phong cách học khác nhau đạt kết quả tốt.

2.2.2 Tổ chức trao đổi với học sinh về mong muốn của giao viên về mục tiêu môn học.

2.2.3 Theo dõi quá trình học tập của học sinh như một hoạt động liên kết giữa giáo viên và học sinh.

2.2.4 Tạo cho học sinh những điều kiện công bằng trong việc rèn luyện những kỹ năng thực hành.

2.2.5 Biết đặt những câu hỏi lý thú và động não.

2.2.6 Liên tục theo dõi sự tiến bộ của học sinh nhằm đạt mục tiêu học tập thông qua các hình thức thảo luận trên lớp, bài tập về nhà và các hình thức kiểm tra - đánh gia khác.

2.2.7 Có biện pháp cần thiết giúp các học sinh chưa phát huy hết tiềm năng của mình để giúp họ khắc phục khó khăn trong học tập.

2.3. Có kỹ năng sử dụng các hình thức kiểm tra - đánh giá phù hợp.

2.3.1 Đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng cách đối chiếu với mục tiêu môn học và xa hơn  với mục tiêu của cả chương trình đào tạo.

2.3.2 Đánh giá một cách thận trọng và công bằng kiến thức của học sinh về môn học trong suốt khoá học (không phải chỉ khi kết thúc môn học).

2.4. Hỗ trợ nghề nghiệp cho học sinh trong và ngoài lớp học.

2.4.1 Tư vấn cho những học sinh có khó khăn với môn học, giúp học có phương pháp học phù hợp với năng lực của bản thân.

2.4.2 Khuyến khích các sáng kiến cá nhân, tôn trọng tư duy sáng tạo của học sinh trong môn học.

2.5. Tham gia các hoạt động chuyên môn với các đồng nghiệp trong và ngoài trường.

2.5.1. Phối hợp với đồng nghiệp trong việc kết hợp bài giảng của mình với các giáo viên dạy các môn học có liên quan.

2.5.2. Bằng các hình thức khác nhau thu thập thông tin phản đối của học sinh và đồng nghiệp.

2.5.3. Tham gia chương trình môn học và khoa học để cập nhập, phát triển các chương trình đó.

3-Công tác nghiên cứu ứng dụng thích ứng với sự thay đổi.

3.1- Ham mê khoa học có tham gia đọc và nghiên cứu khoa học giáo

dục,chuyên ngành.

3.2 - Có kế hoạch,đề cương nghiên cứu.

3.3 -Có những sản phẩm của nghiên cứu,được báo cáo ,được ứng dụng hiệu quả.

4- Tham gia hoạt động dịch vụ chuyên môn

- Tư vấn cho các tổ chức công lập, dân lập về chuyên môn, nghiệp vụ.

- Hợp tác với các loại hình trường THPT , các tổ chức kinh tế - xã hội thực hiện

các hoạt động chuyên môn.

- Thực hiện các dịch vụ chuyên môn khác nhằm phục vụ cho lợi ích cộng đồng.

3. Thu thập và phân loại bằng chứng.

Dù đã xây dựng được các tiêu chí để xác định chức trách giáo viên nhưng để  đánh giá hoạt động của họ buộc phải tìm được bằng chứng cho từng loại công việc. Vấn đề là phải xác định được các bằng chứng phù hợp, tin cậy, trung thực có giá trị và công bằng đối với các giáo viên.

3.1 Nguồn cung cấp bằng chứng.

Trên quan điểm xem xét đánh giá là "ngồi bên nhau" là một hoạt động mang tính xã hội và nhân văn, được tiến hành liên tục trong suốt cuộc đời của người giáo viên, nên việc tìm các nguồn cung cấp bằng chứng về hiệu quả công việc của người giáo viên, hay nói cách khác, những đối tượng tham gia đánh giá giáo viên là điều rất quan trọng. Những đối tượng ấy có thể là:

- Bản thân giáo viên.

- Các đồng nghiệp trong và ngoài trường.

- Các nhà quản lý các cấp.

- Học sinh (đang học, cuối khoá, cựu học sinh).

- Các tổ chức xã hội mà giáo viên tham gia.

Bằng chứng thu thập được từ các đối tượng này thông qua hình thức đa dạng như sau:

- Bảng hỏi - Phỏng vấn- Quan sát - Đánh giá bằng bài viết.

Đối với mỗi loại hình công việc giáo viên có thể có những nguồn và phương pháp đánh giá khác nhau. Có thể phân loại bằng chứng theo 4 loại hình công việc chính thuộc chức trách của giáo viên là giảng dạy, nghiên cứu khoa học, dịch vụ chuyên môn và nghĩa vụ công dân.

3.1.1. Bằng chứng về Phẩm chất đạo đức,tư tưởng chính trị

( với tư cách nhà giáo - công dân).

+ Mô tả. - Bản báo cáo về các hoạt động xã hội, từ thiện, công ích ,các chương trình nội dung ,giáo án dạy PCGD mà giáo viên tham gia - Mức độ tham gia (chủ trì, tư vấn)- Các tài liệu liên quan.

+ Kết quả.- Mức độ ảnh hưởng tới uy tín chuyên môn của cá nhân giáo viên và

tới nhà trường. Các quan điểm và kết quả hành động trong các hội

nghị,trong các môi trường.

+ Đánh giá - Đánh giá của tổ chức, đồng nghiệp, cá nhân về các hoạt động này

thông qua nhận xét và các văn bản ghi nhận (Lý lịch,hồ sơ ,giấy giới thiệu....).

+ Thành tích nổi bật - Tái lựa chọn vào các chức vụ trong tổ chức xã hội.

- Các hình thức khen thưởng,công nhận.

3.1.2. Các bằng chứng cho hoạt động giảng dạy,chủ nhiệm.

1- Mô tả kế hoạch giảng dạy và chủ nhiệm :- Chương trình chi tiết môn học.

- Bảng báo cáo về tình hình dạy và học môn học - Kế hoạch chủ nhiệm (từng

tháng - kỳ và cả năm)

2- Kết quả: - Thành tích học tập của học sinh sau môn học - Bằng chứng về sự

trưởng thành của học sinh - Kết quả lớp chủ nhiệm về các mặt thi đua.

3-  Đánh giá - Đánh giá từ các nguồn khác nhau (h/ sinh, đồng nghiệp, cựu học

sinh) qua phiếu hỏi, phỏng vấn ...- Văn bản  đánh giá từ các nguồn khác.

4- Những thành tích nổi bật: - Thi đua khen thưởng các cấp.

- Được mời dự hoặc báo cáo tại các hội nghị.

3.1.3. Các bằng chứng cho hoạt động nghiên cứu.

1- Mô tả :- Mô tả kế hoạch hoạt động nghiên cứu

- Bản tổng kết các hoạt động nghiên cứu.

2- Kết quả: - Các bài báo đã công bố (chưa công bố)- Báo cáo tại hội nghị, hội

thảo - Các xuất bản phẩm khác - Các sáng kiến kinh nghiệm.

3- Đánh giá: - Của đồng nghiệp trong và ngoài trường- Của cán bộ quản lý.

- Giá trị thực tiễn - Đánh giá khác.

4- Những thành tích nổi bật: - Tham gia ban giám khảo - Công trình được ứng dụng.

- Khen thưởng - Được mời tham gia hội thảo, hội nghị, triển lãm.

3.1.4. Bằng chứng cho các hoạt động dịch vụ chuyên môn

+ Mô tả - Bản tổng kết các hợp đồng, dự án đã tham gia.

+ Kết quả. - Kết quả của các hợp đồng, dự án - ý kiến đánh giá, phản hồi của

khách hàng - Những tác động của hoạt động tới các mặt khác nhau của cộng

đồng - Những tác động tới chất lượng của hoạt động khác của giáo viên.

+ Đánh giá - Đánh giá của người nhận dịch vụ - Đánh giá của các tổ chức.

- Đánh giá của đồng nghiệp.

+ Thành tích - Phần thưởng - Được mời tham gia vào các tổ chức.

- Mời tham gia hội nghị, triển lãm. 

4. Lựa chọn và sắp xếp bằng chứng.

Các bằng chứng là vô cùng quan trọng, nên để có thể sử dụng chúng cần có sự lựa chọn, sắp xếp theo những tiêu chí nhất định mới có thể sử dụng được cho công tác đánh giá. Những tiêu chí này cần được xác định như những nguyên tắc sử dụng nguồn minh chứng bao gồm - Tính tin cậy - Tính hợp lệ - Tính công bằng - Tính hiệu quả. Cần lưu ý rằng chức trách của giáo viên mang những tính chất đặc thù nó phân biệt với các đặc điểm công việc của các ngành nghề khác.Do vậy nếu lượng hoá thì cần phải đặt trọng số vào những hoạt động đặc thù này.Đương nhiên cũng cần xác định những tiêu chí mà mỗi giáo viên nhất thiết phải đạt được,mà nếu vi phạm thì kết quả đánh giá sẽ bị huỷ bỏ.

Quy trình đánh giá với các bước liên quan mật thiết và hữu cơ với nhau,trên thực tế nếu coi nhẹ bất cứ khâu nào cũng có thể dẫn đến những kết luận sai lầm.

Mục tiêu cao nhất của đánh giá là lựa chọn được nguồn nhân lực mạnh đáp ứng nhu cầu công việc của tổ chức,trả lại hoặc đề bạt đúng vị trí công tác của thành viên tạo nên những hiệu suất công việc cao hơn gia tăng giá trị kinh tế.

Do vậy hiện thời,trước sức ép của thực tiễn chúng ta cần nhanh chóng xây dựng chuẩn đánh giá giáo viên các cấp học,bậc học,các ngành học .Đương nhiên công việc này cần có sự tham gia của các chuyên gia,các nhà quản lý thực tiễn và các giáo viên nữa. Chắc chắn công tác đánh giá giáo viên nói chung và THPT nói riêng khi đã được chuẩn hoá sẽ tác động và làm biến chuyển xu thế giáo dục hiện tại.

Lưu Khoa Sư Phạm ĐHQG Hà Nội

Ngày 31 tháng 3 năm 2004

 

 

Nguyễn Đình Minh