Hương thơ tỏa từ hồn phấn trắng

(Nhân đọc những bài thơ về nghề giáo trong tập “Bụi phấn còn vương”,

tập thơ của Nhà giáo Phạm Thìn, thày giáo cũ của tôi).

Khi nhận tập bản thảo từ một người bạn thơ chuyển qua Mail, tôi đã đọc liền một mạch cả tập thơ này, cảm xúc trong tôi dâng lên rất mạnh; cảm xúc ấy không phải được thúc đẩy bằng các câu thơ, tứ thơ mà từ hồn của người làm thơ. Nó khiến tôi nhớ về một đêm năm 1978, khi lớp 10A7 của tôi đang học tối tại sân trường Cấp 3 Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng, thì tiếng còi hú của xe cấp cứu và ánh đèn xoay xanh lét tiến vào sân trường. Hơn 40 đứa học trò chúng tôi đứng tim: Thày Phạm Thìn đã mất!… Và đêm ấy, chúng tôi, những đứa con trai của lớp im lặng đứng gác quanh chiếc áo quan đặt thi hài của thày trong một lớp học nhà cấp 4 lợp giấy dầu…

Đã 40 năm, tiếng nói của Thày một thưở lại vang vọng lại, đầm ấm chân tình, cái chân tình phát lộ từ tâm của một người thày, tỏa lại hương của những ngày xa, những ngày quá vãng có hơi thở của đạn bom, của cuộc sống giản đơn đến lạ kỳ những năm 60, 70 của thế kỷ XX…

Tôi chạm vào những vần lục bát này, và tự đặt câu hỏi, có phải đây là tuyên ngôn của cuộc đời thày: vì trẻ thơ và vì Thơ? Đó chính là hai điều lý tưởng nhất của một đời người, sống chỉ để cho và cho những cái tốt đẹp nhất: tương lai con trẻ và cái đẹp nhân bản, cao quý, thiên lương:

Cây xanh đơm những chồi xanh

Tuổi già ươm giống nuôi nhành cây tơ

Cho đời con trẻ ước mơ

Mầm xanh nuôi dưỡng vần thơ tặng người.

                                      (Ươm giống)

 Có lẽ chính vì vậy, vì mục tiêu ấy mà người thày trong Thày luôn dốc lòng âu lo cho thế hệ học trò dưới bàn tay dẫn dắt của mình. Những năm 60 của thé kỷ trước đất nước chia cắt, đất nước đâu cũng là chiến trường, người yêu nước ai cũng là chiến sỹ. Và thày cùng “đồng đội” đã kết thành đội ngũ những chiến sỹ trên mặt trận giáo dục; Điều kỳ lạ là, trong bối cảnh nghèo khó đạn bom ấy, niềm tin vẫn tỏa sáng vào năm tháng tương lai:

Đồng đội vẫn chong đèn thức suốt

Như mắt ai trông năm tháng đi lên

                                 (Nỗi niềm…)

 Và trong cái khoảnh khắc ấy, hình ảnh người thày thấm hòa trong hình ảnh của một chiến sỹ giáo dục, thật đẹp đẽ rạng ngời:

 Mắt chỉ cười như nắng ấm

Đây trận địa chúng mình.

                                  (Phấn trắng)

Thày đã dành khá nhiều những bài thơ gắn với kỷ niệm hành trình đời nhà giáo, nhưng có lẽ xúc động nhất vẫn là những câu thơ viết về đồng nghiệp và học trò. Bây giờ khi đọc những vần thơ ấy, nếu ai không từng trải nghiệm qua thời gian khó chiến tranh… sẽ rất khó hình dung cái nghị lực thép, cái tình trong vắt vô tư tràn chảy trên trang giáo án của những nhà giáo trường Cấp 3 Ngô Quyền những ngày sơ tán về Vĩnh Bảo, giữa những đêm thâu mà không gian động tiếng chiến tranh, chết chóc:

 Đêm đã khuya bên đèn trang giáo án

Mắt đăm đăm anh giáo vẫn còn ngồi

Có tiếng bom rơi!

Có bóng đoàn quân dấn bước

Trong đời anh, giờ lên lớp ngày mai!

                                          (Phấn trắng)

 Cuộc đời của những nhà giáo ở thời khắc này được tác giả chớp được bằng chiếc “máy ảnh” tâm hồn: “Trong đời anh, giờ lên lớp ngày mai”. Tưởng như không có gì hơn nữa, nghề đã gắn với đời cả hôm nay và cả tương lai. Vóc dáng của người thày bỗng nhiên cao vọi giữa tiếng gào của tiếng bom hủy diệt như thách thức; như đồng hành cùng những đoàn binh đến với chiến trường xa, rồi chan hòa vào tầm vóc của dân tộc giữa những tháng năm máu lửa đầy vơi…

Thày Phạm Thìn không dạy văn trực tiếp lớp chúng tôi, nhưng may mắn chúng tôi được học Thày qua nhiều buổi thày dạy thay. Mỗi khi họp lớp, hồi ức về các thày, lớp tôi ai cũng nhớ bài dạy “Con trâu nhà lão Am” – Trích giảng từ Tiểu thuyết “Cái sân gạch” của nhà văn Đào Vũ. Tiết ấy, Thày giảng bình bằng lời, bằng mắt, bằng tất cả ngôn ngữ cơ thể khiến lớp học sôi động, khiến cả lớp như bị bùa mê… Nhưng học trò nhớ thày là chuyện bình thường, đọc tập thơ tôi nhận ra thày có một nỗi nhớ, một tình yêu đặc biệt với lớp 8Đ. Có cả một bài thơ “Tám Đê ơi” dành cho những học trò của lớp mà thày làm chủ nhiệm, năm 1967: “Tám Đê ơi! Lòng ta nóng bỏng/ Gần trọn năm rồi nhen lửa yêu thương”. Đây là bài thơ dài, mỗi khổ như một khúc tâm sự lúc buồn giận, khi chan chứa yêu thương; mà ở đó mọi bước đi của học trò đều được dõi theo, mỗi bước đi của học trò đều được lòng yêu của thày nâng đỡ:

 Yêu các em như yêu làng xóm

Không bến

Không bờ…

Chỉ có lòng,

Chỉ có thơ

Vô tận!

Buồn, giận, yêu thương

Nhịp lòng ta với mọi nẻo đường

 Đôi lúc là những khúc trầm lắng tự soi vào lòng mình để rồi tự mình trăn trở về nghề về niềm thương và hy vọng vào thế hệ trẻ:

 Một điểm kém, hay bước đời đi chậm

Một lá vàng rơi, xuân rón rén giao thừa

                                            (Không đề I)

 Hay:

 Làm thầy giáo có niềm vui riêng biệt

Đánh thức trăng lên, gọi mặt trời về

Vạch trên bảng đen những đường phấn trắng

Cho cuộc đời tha thiết say mê

                                             (Có cuộc đời)

 Có lẽ trong tập thơ còn có rất nhiều điều đáng nói, đáng bàn, nhưng với riêng tôi trước sau, đọc thơ thày vẫn cứ như bị hút vào những vần thơ viết về nghề giáo, có lẽ do đó là cái duyên bởi chính tôi cũng đang đi trên con đường ấy. Quả thật, những vần thơ  đã không chỉ tái hiện cho tôi những kỷ niệm đời học trò đã gấp lại trong chiếc rương thời gian 40 năm qua; Điều quan trọng hơn là giúp tôi tĩnh tâm lại trước thói đời thường ồn ã hôm nay để chiêm nghiệm về mẫu hình của người thày thời “ Sớm chắn bão dông/ Chiều ngăn nắng lửa”. Và trong cái tiết tấu âm vang dội lại từ  hơn nửa thế kỷ xa xôi, tôi vẫn hình dung được người thày của tôi bước đi trong một khúc ca hào hùng và thấm đẫm yêu thương:

 Ta lại vào mùa thu như xưa vào trận địa

Hai bước đời chỉ một yêu thương

Ôi năm học như mùa thu vẫy gọi

Phía trước tương lai hối hả lên đường.

 

 Ngày 1 tháng 1 năm 2017

                                                                                                                                                                                         Học trò cũ

 Nguyễn Đình Minh