Ngẫm nghĩ về chuẩn mực trong giáo dục tri thức qua đề thi quốc gia môn Văn
Ngay sau khi môn thi Ngữ văn trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2015 kết thúc thì có nhiều ý kiến bình – bàn về đề thi.
Là cán bộ hoạt động trong ngành giáo dục, Nhà giáo Phạm Quang Ái đã ngẫm nghĩ về chuẩn mực trong giáo dục tri thức và tư duy hiện nay của ngành giáo dục – đào tạo qua đề thi môn Văn.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả các nhận định này.
Sở dĩ môn Ngữ văn trở thành tâm điểm vì nó có sự phức tạp do tính đặc thù của nó, nếu không cẩn thận thì rất dễ sai lầm, vấp váp khi ra đề cũng như làm đáp án.
Tuy đã từng bị phê phán nhiều lần bởi nhiều người và trên nhiều bình diện nhưng đến nay, hễ cứ ra đề thi, dù là cấp Bộ hay cấp Sở, Phòng, trường (kể cả trường Đại học) lại cứ vấp váp đến mức bị phê phán.
Mấy năm gần đây, để tránh sự lặp lại, nhàm chán của những mô hình đề thi đã cũ kỹ, người ta tìm đến những cách ra đề mới với những nội dung, yêu cầu mới.
Điều đó, có làm học sinh, phụ huynh, giáo viên và dư luận xã hội “nóng” lên, phấn khởi hơn về việc dạy – học, thi cử môn Ngữ văn nhưng vẫn không tránh khỏi vết xe đổ của một tình trạng lưu cữu trong ngành GD & ĐT: trước sau vẫn trì trệ, kém cõi, vấn đề chỉ là đi từ cực đoan này đến cực đoan khác.
Năm học 2014 - 2015, với chủ trương nhất nguyên hoá hai kỳ thi, công chúng trong và ngoài ngành GD & ĐT nghển cổ trông mong luồng sáng mới.
Nhưng khi tiếp cận đề thi minh hoạ môn Ngữ văn THPT thì chúng tôi đã hoàn toàn thất vọng mà bảo nhau rằng: Bộ GD&ĐT lại “cà lăm” vì vội vàng và vì “khớp” trước sức nóng của dư luận về nhiều mặt của ngành.
Quả nhiên, sau ngày thi môn Ngữ văn trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2015, qua báo chí, tuy các chuyên gia bộ môn này ở các trường Đại học khen lấy khen để đề thi, nhưng khi mới đọc qua đề, chúng tôi đã giật mình vì những sai phạm không thể châm chước được.
Có thể nói, cả hai phần của đề thi, phần nào cũng có vấn đề. Phần “Đọc hiểu” có 8 yêu cầu được phân bố cho việc đọc hiểu mỗi trích đoạn văn bản 4 yêu cầu, theo thứ tự từ 1 đến 8.
Riêng đoạn trích bài thơ Hát về một hòn đảo của Trần Đăng Khoa không thật đặc sắc về nghệ thuật, tuy nó đáp ứng được yêu cầu cập nhật thời sự về nội dung.
Song 4 yêu cầu mà người ra đề buộc thí sinh phải thực hiện thì quá tầm thường nếu không muốn nói là dở, là không đúng trọng tâm lại có phần cứng nhắc, thô thiển và quá đơn giản.
Ví dụ, sau câu hỏi 1, nếu người ra đề thêm một vế yêu cầu thí sinh nhận xét về dạng thức trình bày của đoạn thơ (phù hợp với ý tưởng về giai điệu bài ca của tác giả) thì sẽ là một gợi ý tốt cho các em thực hiện các yêu cầu tiếp theo.
Điều này sẽ có ý nghĩa hơn là việc bắt thí sinh phải chỉ ra và nêu hiệu quả của phép tu từ trong câu thơ “Những quần đảo long lanh như ngọc dát”, một kiểu kiểm tra kiến thức máy móc và cổ lổ sĩ. Nhưng điều đáng nói nhất là ở câu hỏi 2 và 4, những câu hỏi thiên về nội dung đoạn thơ.
Một thí sinh có kiến thức và kỹ năng đạt chuẩn về môn Ngữ văn, nếu bình tĩnh, khi đọc kỹ đoạn thơ sẽ cảm nhận được rằng, cái quan trọng mà nhà thơ muốn biểu đạt trong đoạn thơ này không hẳn là sự gian khổ, nguy hiểm.
Những “bão dữ tợn” và “miệng cá mập” nào có phải là những tình huống hiểm nguy có thể thường xuyên đe doạ người lính đảo như đối với người dân chài bể Đông đâu?
Điều mà tác giả muốn nói về người lính đảo trong đoạn thơ này là những tâm tình sâu kín cần được sẻ chia, những ưu tư về trách nhiệm, thậm chí là nỗi cô đơn mà họ phải vượt qua để đưa lại sinh khí cho biển đảo hoang vắng của Tổ quốc. Bởi sự ám thị máy móc từ câu 2 nên chắc chắn thí sinh sẽ không tránh khỏi lệch lạc, hồ đồ khi trả lời câu 4. Chợt bật cười khi nghĩ: nếu nhà thơ Trần Đăng Khoa đọc được đề thi này, chắc phải “nhăn nhó” vì người ta đã buộc giới trẻ phải hiểu thơ ông như một bài văn tả cảnh sinh hoạt.
Những câu hỏi gợi ý đọc hiểu đoạn thơ của Trần Đăng Khoa mới chỉ là vấn đề, còn cái đoạn trích bài văn nghị luận Nguồn gốc sâu xa của hiểm hoạ (sách Bài tập Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014), để thực hiện 4 yêu cầu đọc hiểu tiếp theo, mới thực sự là vấn nạn.
Chúng tôi cũng không hiểu tại sao, những người biên soạn sách Bài tập Ngữ văn 12 lại chọn một đoạn văn nghị luận thể hiện một tư duy tối và rối như vậy.
Phải nói ngay rằng, người ra đề đã chọn một chủ đề hay, vấn đề vô cảm đang là câu chuyện thời sự được nhiều người quan tâm.
Vì thế, báo giới mới xôn xao khen đề thi đến thế. Tuy đạt được cái đích là đưa ra một vấn đề “nóng” để thí sinh tìm hiểu, và qua đó, xới sâu vấn đề để xã hội thêm phần rốt ráo trăn trở. Nhưng sự diễn đạt tù mù, phi logic, phi khoa học của đoạn văn đã làm hỏng ý đồ tốt đẹp của người ra đề.Ngay từ câu văn mở đầu đoạn trích, ta đã thấy được sự hồ đồ của người viết. Sự mù mờ trước hết là ở cách dùng từ, lối thay thế khái niệm.
Trong Từ điển Y học cũng như Từ điển tiếng Việt phổ thông, hai từ “căn bệnh” và “hội chứng” biểu đạt hai khái niệm khác nhau.
Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do GS. Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học và NXB Đà Nẵng hợp tác xuất bản, bản in lần thứ 9, 2003, từ “căn bệnh” có những nghĩa như sau: “Căn bệnh d. 1. Nguyên nhân của bệnh. Thầy thuốc đã tìm ra căn bệnh . 2. Tình trạng hư hỏng, ví như bệnh tật. Nghiện ngập ma tuý là một căn bệnh của xã hội hiện đại” (tr.118).
Trong khi đó, cũng theo cuốn từ điển này, từ “hội chứng” được chú giải rằng: “Hội chứng d. Tập hợp nhiều triệu chứng cùng xuất hiện của bệnh. Hội chứng viêm màng não.” (tr.460).
Rõ ràng, hai từ này có chỉ có cùng một tiền giả định là “bệnh”, còn lại nội hàm và ngoại diên của hai khái niệm mà chúng biểu đạt đều khác nhau, không thể thay thế cho nhau được.Khi hai từ này đã khác nhau về khái niệm thì dẫu từ “vô cảm” và ngữ “trơ cảm xúc” có cùng nghĩa, hai ngữ thể “hội chứng vô cảm” và “căn bệnh trơ cảm xúc” cũng không thể thay thế nhau.Nhưng sự hồ đồ trầm trọng nhất trong ngữ nghĩa câu văn nằm vế sau mới là điều đáng bàn.
Theo lẽ thường và lý thuyết tâm sinh học, không ai có thể chấp nhận cái nhận định hàm hồ: “Hội chứng vô cảm…vốn là một mặt trong hai phương diện cấu trúc bản chất Con – Người của mỗi sinh thể người”.
Bỏ qua lối dùng từ thiếu chính xác, cách cấu tạo câu nửa Tàu nửa ta lủng cà lủng củng của những “một mặt” với “hai phương diện cấu trúc”, chỉ quan tâm đến nghĩa mệnh đề, ta sẽ thấy sự phi lý, phi khoa học của nhận định này.
Trong “hai phương diện cấu trúc bản chất Con – Người” (không ai nói “phương diện cấu trúc” mà chỉ nói là “yếu tố cấu trúc”, “phần tử cấu trúc”; còn “phương diện” thuộc về “bố cục”) thì “hội chứng vô cảm” thuộc về “phương diện” nào? Đúng ra, chỉ có con người sống trong một môi trường xã hội, một trạng thái xã hội phi nhân, phi luân đến mức nào đó mới xuất hiện “hội chứng vô cảm”, chứ con vật, dù là động vật bậc thấp như loài chim, loài kiến, chúng đều có những khả năng cảm nhận đối với môi trường và đồng loại còn siêu việt hơn con người nhiều.
Nói cách khác, con người trong quá trình đứng thẳng mà đi, càng về sau càng tách khỏi thế giới tự nhiên, nên đã đánh mất nhiều năng lực cảm nhận đáng quý của loài vật.
Sự nhầm lẫn, hồ đồ trong câu văn mở đầu đoạn đã dắt dây khiến những câu văn tiếp theo trở nên càng rắc rối về cấu tạo, mơ hồ về nghĩa, làm đoạn văn mất cả tính mạch lạc tự nhiên vốn có trong lời nói của người bản ngữ. Đọc lên, nghe cứ y như một ông Tây mới học nói tiếng ta!
Tác giả cứ trượt dài trong lối diễn đạt mơ hồ, phi logic cho đến câu cuối cùng thì lập thêm một “thành tích” mới về sự sai nhầm đến mức lẩm cẩm, thảm hại. “Sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân văn” thì đúng là “nguồn gốc sâu xa” của “bạo lực” đang xuất hiện “dữ dằn”, chứ “sự xuống cấp nghiêm trọng… về bệnh vô cảm” thì là một điều phúc đức cho xã hội chứ làm sao lại khiến “bạo lực xuất hiện dữ dằn” được?!
Đọc câu văn trên, bất cứ ai có kiến thức ngữ pháp phổ thông cũng hiểu rằng hai ngữ thể “về nhân văn” và “về bệnh vô cảm” là hai bổ ngữ gián tiếp chỉ đối tượng của cùng một ngữ động từ “báo hiệu nguồn gốc sâu xa ở sự xuống cấp nghiêm trọng” .
Câu văn này, về cấu tạo hình thức tuy có vẻ “ngọng nghịu” nhưng không sai, cái sai đến mức buồn cười của nó là về mặt logic ngữ nghĩa. Nó giống như cái mẫu câu mà các nhà Việt ngữ học hay đưa ra làm ví dụ điển hình cho sự ăn nói, viết lách ngô nghê, rằng: “Trong kháng chiến chống Pháp, ông X bị thương hai chổ, một chổ ở vai và một chổ ở Đèo Khế”.
Khi đoạn văn được đưa ra làm dữ liệu cho việc đọc hiểu đã “hỏng” về logic ngữ nghĩa như vậy thì cái đúng sai, hay dở của các câu hỏi khỏi cần phải bàn, vì chúng sẽ “hỏng” theo.
Điều buộc chúng ta phải lưu tâm trăn trở là một đoạn văn như vậy đã được chọn đưa vào sách Bài tập Ngữ văn 12, một trong bốn tài liệu quan trọng của bộ sách Ngữ văn của lớp học cuối cùng bậc THPT, và đều do cùng một nhóm chuyên gia kỳ cựu biên soạn, thì tình trạng dạy và học bộ môn Ngữ văn trong Nhà trường sẽ “thê thảm” biết chừng nào?
Càng “thê thảm” hơn, khi đoạn văn “quái gở” đó xuất hiện trong đề thi Ngữ văn của kỳ thi THPT năm nay, một kỳ thi gánh hai trách nhiệm trọng đại trước thế hệ trẻ của tương lai đất nước: vừa đánh giá kết quả đầu ra của bậc học này vừa đánh giá kết quả đầu vào của bậc học kia.
Từ lối viết đầu Ngô mình Sở của một đoạn văn mẫu như vậy, học sinh sẽ hiểu lệch lạc về một vấn đề quan trọng của đạo đức con người đã và đang trở thành nguyên nhân sâu xa gây nên nhiều hành vi đồi bại, tàn ác trong cuộc sống xã hội hôm nay.
Hệ luỵ kéo theo không chỉ vậy. Với lối viết ngô nghê như thế mà được chọn làm mẫu thì rồi đây nó sẽ tác động xấu đến hành vi nói viết trong giao tiếp của thế hệ trẻ như thế nào, chúng ta khó mà lường hết được.
Tại sao, sau nhiều công kích của dư luận báo chí về những sai phạm, những biểu hiện thiếu chuẩn mực về tư duy, kiến thức trong chương trình giáo dục Ngữ văn, trong sách giáo khoa và các loại sách tham khảo khác trong luồng, trong đề thi và đáp án mỗi kỳ thi, và Bộ GD&ĐT đã nhiều lần ra tay chấn chỉnh, mà đến nay sai vẫn hoàn sai, sai đến mức trở thành “căn bệnh” trầm kha.
Phải chăng tình trạng này cũng là một biểu hiện của “hội chứng” vô cảm của không ít cá nhân và tổ chức trong ngành giáo dục – đào tạo? Tình trạng này có liên quan gì đến sự mất dân chủ trong giáo dục hay không? Hay vì lợi ích nhóm mà người ta đã vội vàng làm ẩu để ngăn chặn “sách giáo dục ngoài luồng” nên đã xảy ra cơ sự đáng tiếc như vậy? Bao nhiêu câu hỏi đã nẩy sinh và câu nào cũng ít nhiều liên quan đến cách làm giáo dục “có vấn đề nghiêm trọng” hiện nay.
Trở lại với đề thi, sau phần “Đọc hiểu” là phần “Làm văn”. Đây là phần chiếm nhiều điểm nhất, hơn 2/3 số điểm.
Phần này có 2 câu. Câu 1 (3,0đ) yêu cầu thi sinh viết một đoạn văn ngắn (khoảng 600 từ) bày tỏ suy nghĩ của mình về nhận định: “Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc tích luỹ kiến thức”.
“Việc rèn luyện kỹ năng sống” đang là vấn đề thời thượng hiện nay mà lớp trẻ phải quan tâm khi vào đời. Nêu ra vấn đề này để các em bàn luận là rất đúng đắn.
Nhưng theo quan điểm cá nhân tôi, câu hỏi này vẫn có những điều chưa ổn thoả.
Thứ nhất, nếu không trích được một câu nói/viết thích hợp của người khác, thì bản thân người ra đề cứ theo ý mình mà đàng hoàng đưa ra nhận định, việc gì phải phiếm chỉ thác lời, tạo cho học sinh thói quen nói dựa.
Thứ hai, đưa ra hai mệnh đề để so sánh theo một tương quan đồng đẳng như vậy tuy để nhấn mạnh vế thứ nhất nhưng lại không làm cho thí sinh hình dung được mối quan hệ nhân – quả của hai mệnh đề, một khía cạnh giúp soi chiếu để làm nổi bật tính biện chứng của vấn đề hơn là nhằm nhấn mạnh một vế.
Câu 2 (4,0đ) không có vấn đề gì về dữ liệu nhưng lại có vấn đề về yêu cầu. Với trích đoạn khá dài từ truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, có thể yêu cầu thí sinh phát biểu cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn văn đó nhưng không thể đưa ra một yêu cầu kèm theo: “Từ đó, bình luận ngắn gọn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa”.
Trước khi bàn luận về tính khoa học của yêu cầu này, thiết tưởng cần nói thêm về cách diễn đạt nội dung yêu cầu của người ra đề.
Người ra đề dùng giới ngữ “từ đó” đặt ở câu văn thứ hai vừa để nối câu này với câu trước, nhưng giới ngữ này lại còn đảm nhiệm chức năng hồi chỉ, hướng yêu cầu hành động của thí sinh ở nội dung câu thứ hai vào các sự thể ở nội dung câu thứ nhất.
Ở đây, người làm văn sẽ lúng túng vì không rõ người ra đề yêu cầu mình bình luận “về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu” dựa trên những dữ liệu “cảm nhận về người đàn bà hàng chài” mà mình đã thực hiện từ đoạn trích hay “bình luận… về người đàn bà hàng chài” qua đoạn trích đó.
Sự điều kiện hoá về nhận thức có thể gây ra việc hiểu lầm đó là do học sinh biết rõ rằng, về đặc trưng, thao tác “cảm nhận” và thao tác “bình luận” vốn xuất phát từ hai kiểu nghị luận khác nhau.
Tuy nhiên, khó khăn mà thí sinh vấp phải khi phân tích diễn ngôn của người ra đề chưa thấm vào đâu so với cái khó mà họ bị đòi hỏi phải thực hiện ở vế yêu cầu kèm theo. Rõ ràng, không thể từ một đoạn trích ngắn trong một truyện ngắn có dung lượng khá lớn như Chiếc thuyền ngoài xa, để bắt thí sinh làm cái việc nhìn cây để thấy rừng.
Nếu mặc định rằng thí sinh đã học, đã nhớ nội dung cốt truyện, tình tiết, chi tiết câu chuyện thì không cần phải trích, hoặc trích theo kiểu đánh dấu câu đầu câu cuối đoạn trích, rồi yêu cầu họ “bình luận”.
Xét về nguyên tắc tiếp cận tác phẩm văn học theo đặc trưng thể loại, người ra đề có quyền làm như thế. Còn như đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh bằng một trích đoạn đầy đủ, chính xác như vậy, tại sao không yêu cầu họ thực hiện cùng một lúc hai thao tác nghị luận trên cùng một đối tượng?
Trong tình huống giả định và mặc định của người ra đề cũng như của người làm bài mà đặt ra yêu cầu: “Từ đó, bình luận ngắn gọn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa” là đã buộc thí sinh phải làm cái việc “thầy bói sờ voi”.
Từ đề thi tốt nghiệp THPT kiêm tuyển sinh Đại học, chưa phải là chẻ sợi tóc làm tư, ta cũng thấy khá nhiều bất cập của ngành trong chương trình, phương pháp dạy – học, giáo tài và cách thức kiểm tra đánh giá không chỉ của một bộ môn Ngữ văn.
Tất cả, đã thể hiện một trình độ tư duy, một cái tâm và tầm của những người có chức trách trong ngành giáo dục.
Tình trạng này không chỉ liên quan đến một ngành mà liên quan đến cả xã hội, không chỉ liên quan đến một hình thái ý thức xã hội mà liên quan đến nền tảng văn hoá của cả dân tộc, vốn đã bị đứt gãy ở không ít yếu tố căn bản.
Những bất cập nói trên của bộ môn Ngữ văn trên tất cả các khâu của quá trình dạy và học, nếu không được điều chỉnh kịp thời, triệt để thì sẽ phương hại không nhỏ đến những quá trình văn hoá – xã hội của dân tộc trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Phạm Quang Ái
Nguồn GDVN