Có thể bạn quan tâm
Một ngôi trường năng động
Trong dòng chảy thời gian, sự xuất hiện của một loại hình giáo dục đều gắn với quá trình phát triển của đất nước. Sau năm 1995, khi nền kinh tế níc ta có dấu hiệu phục hồi phát triển, nền giáo dục nhờ đó mà hưng thịnh. Vào thời điểm này, thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục của Đảng và nhà nước, Hải Phòng được biết tới là một trong những địa phương đi đầu về xây dựng hệ thống các trường ngoài công lập .
Đề án thành lập trường THPT bán công Vĩnh Bảo đã được khởi thảo từ tháng 6 năm 1999 và đến cuối tháng 8 năm 1999 Trường THPT bán công Vĩnh Bảo chính thức có quyết định thành lập.
Khi đó, Hội đồng nhà trường chỉ có 6 người được giao địa điểm của trường THCS Nhân Hoà đã bỏ hoang ba năm. “Đại bản doanh”, trường trung học phổ thông bán công ngày mới là một đống đổ nát. Đường vào trường gập ghềnh đầy rãnh. Một ngôi nhà cấp bốn nằm trơ trọi....
Nhưng với nỗ lực, quyết tâm cao, trường bán công Vĩnh Bảo đã từng bước nhanh chóng đi vào hoạt động. Một chi bộ ra đời vẻn vẹn có bốn đảng viên. Một tổ chức thanh niên, tổ chức công đoàn lần lượt được kiện toàn. Lần ra quân đầu tiên, đội văn nghệ của trường đã giành Huy chương bạc trong cuộc thi “Tiếng hát chào thế kỷ mới” của thành phố. Rồi, tháng 4 năm 2000, trường xuất quân đợt đi thi học sinh giỏi đầu tiên đã đoạt bốn giải cao cho các môn Văn, Sử, Địa và công dân. Học sinh Nguyễn Thị Tuyến do thầy Minh trực tiếp giảng dạy đã đoạt giải Nhì bộ môn Văn, mang về thành tích đáng kể cho đội ngũ học trò của một trường đang đứng trước chặng đường mới mẻ..
Bước ngoặt phải được kể đến là quá trình xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường. Đấy là, trước đòi hỏi cho bước phát triển mới, trước những trở trăn của lãnh đạo nhà trường ở dự cảm cho một tương lai tốt đẹp hơn. Sau nhiều lần đệ trình dự án xây dựng một ngôi trường quy mô, bề thế, huyện đã đồng ý cấp cho trường khu đất thuộc cánh đồng Quan, nơi trồng bông, bây giờ là đất thị trấn. Ngày đó công việc thực thi gian khổ trăm đường. Nhưng Ban giám hiệu nhà trường làm tốt công tác tham mưu với Uỷ ban nhân dân thành phố, các ngành chức năng, cùng với thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục, ngôi trường với tổng kinh phí xây dựng trên 4 tỷ đồng đã được hoàn thành.
Cũng thời điểm này, theo yêu cầu của huyện, trường bán công cùng lúc phải mở phân hiệu tại khu vực Tam Cường để thu hút học sinh 8 xã khu Một. Thế là, lại tiếp nhận khu đất 8000 mét vuông, cơ sở sắp bị phá sản của xí nghiệp cói Vĩnh Bảo. Lại đứng trước những ngôi nhà cũ nát. Những bức tường đổ vỡ. Những bộ cánh cửa ọp ẹp, mối xông. Lại những ngày thầy và trò còng lưng “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” lao vào công cuộc “xây dựng cơ đồ”. Không ai quên hàng ngàn ngày công diễn ra bền bỉ, thầy trò ở đây đã chung lưng đấu sức, để có được thành quả như hôm nay.
Chúng ta biết rằng trên mỗi bước đi lên, quá khứ chỉ là quá khứ. Nhưng, trên cánh đồng Quan, khu trung tâm trường phổ thông trung học Nguyễn Khuyến hôm nay, sự hiện diện của nó, đủ nói lên những ngày qua là bài học về sự năng động, về những bàn tay, khối óc, những nụ cười lấp lánh trên gương mặt hàng ngàn thầy trò thân yêu dưới mái trường này. Họ đã sống, lao động, học tập và làm nên tất cả những gì của niềm vui đang có.
“Có an cư mới lạc nghiệp”,cuối tháng 8 năm 2002, sau hơn ba năm trường bán công được thành lập, ngôi trường mới toạ lạc trên khu đất khang trang, bề thế. Quy mô nhà trường không ngừng phát triển. Năm thi tốt nghiệp đầu tiên, trường đạt 86% . Thời ấy, trường được xếp loại cao. Bến đã mở. Đà đã tạo, từng năm học, trường cứ từng bước vượt lên, nhưng hầu hết thầy cô chưa hài lòng với thành tích đạt được.
Đội ngũ cán bộ quản lý của trường luôn được tăng cường lực lượng trẻ và đào tạo một cách bài bản. Ngoài đồng chí Hiệu trưởng, hai trong đồng chí phó hiệu trưởng đều có trình độ thạc sỹ. 100% giáo viên nhà trường đạt trình độ đào tạo chuẩn. Và tất cả đều đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học.
Năm học 2004 - 2005 quy mô tăng vọt lên 2300 học sinh, nhưng không vì thế mà chất lượng sụt giảm. Mùa thi năm đó, trường đạt kết quả cao nhất, 99,64%. Bộ giáo dục đã tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động giảng dạy và học tập.
Thực hiên chủ trương của Bộ giáo dục đào tạo, cuối tháng 8.2007, trường được đổi thành Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến. Cả thầy trò nhà trường vui, tự hào hơn bởi cái tên mới. Vị Tam nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến là thi sĩ của làng quê, nhà giáo, vị quan thanh liêm, trở thành biểu tượng về sự nỗ lực vượt khó, thành đạt. Đó cũng là khát vọng của những trò nghèo vùng quê hiếu học Vĩnh Bảo.
Cũng trong năm học này - năm học 2006 – 2007 nhà trường phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp. Nhà nước có chính sách tăng lương, giảm giờ làm, tăng mức phí học sinh. Đây cũng là thời điểm Bộ giáo dục và đào tạo tiến hành cuộc vận động “Hai không”. Tâm lý phụ huynh và học sinh không khỏi lo ngại. Nhiều học sinh nghèo bỏ học. Đội ngũ quản lý và giáo viên nhà trường đã tìm giải pháp tháo gỡ nhưng do thói quen dạy theo nếp cũ, năm học này tỷ lệ học sinh tốt nghiệp giảm xuống còn 92%. Tuy vậy, số học sinh đỗ vào các trường Đại học, cao đẳng là khá cao, đạt 35%. Chi bộ, ban giám hiệu nhà trường đã kịp thời kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm, đặt ra yêu cầu, buộc “thầy phải dạy thật và trò phải học thật”. Trường đã tổ chức đợt chỉnh huấn thực sự về chuyên môn. Thầy hiệu trưởng là người trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn vấn đề ôn tập theo phương pháp mới.
Năm học 2007 - 2008, ba vấn đề cơ bản được xác định, tăng trưởng chất lượng đào tạo, trước hết, bảo đảm tỷ lệ tốt nghiệp cao. Bảo đảm thành công đề án chuyển đổi loại hình trường, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị trường học. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2007, 2008 chất lượng thi lần 1 tăng vọt 20% so với năm học trước. Đây cũng là năm được mùa chuyên nghiệp. Có trên 300 học sinh vào Cao đẳng, Đại học, chiếm trên 50% tỷ lệ học sinh khối 12.
Trường đã chủ động ký các hợp đồng xây dựng cơ bản. Tháng 9.2007, trường khởi công đồng loạt các dự án xây mới nhà ba tầng, cải tạo nhà hiệu bộ, làm lại sân… trị giá 4,5 tỷ đồng. Nhờ hoạt động khẩn trương này, trường tránh được cơn bão trượt giá năm 2008.
Đến nay, tất cả các hạng mục đã gần hoàn tất, khu trung tâm của trường sáng lên một diện mạo mới với quy mô trong giá trị sử dụng và tính thẩm mỹ của nó. Nơi đấy là 26 phòng học. Mười phòng ban, tám phòng chức năng với hai hội trường. 35 lớp học hàng ngày với trên 1800 học sinh. Có 6% học sinh đạt loại giỏi, trong đó, 9 em đạt loại giỏi cấp thành phố. Hạnh kiểm tốt 60%, khá 30%.
Trường là một trong những đơn vị được ngành giáo dục đào tạo thành phố đánh giá cao về hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học. Hai phòng dạy tin học với 70 máy nối mạng Ỉnternet đường truyền tốc cao. 100% giáo viên sử dụng việc soạn giảng giáo án đào tạo và biết khai thác mạng Internet. Trang Wesite của trường đã đi vào hoạt động trở thành cổng thông tin điện tử cho cán bộ GV,học sinh,CMHS nhà trường và bạn bè cập nhật.
Chính nhờ chất lượng đào tạo ấy, năm học 2008 - 2009, gần 900 hồ sơ, vượt chỉ tiêu 200 hồ sơ của học sinh từ các vùng trong huyện lại tới tấp đăng ký đến trường xin nhập học. Đấy là niềm vui, niềm hạnh phúc nhất của những người thầy đang từng bước hành trình cùng mái trường, cùng đội ngũ học sinh thân yêu của họ…
PV: Ông Nguyễn Văn Tá - trưởng ban cha mẹ học sinh.
Từ khi thành lập đến nay, trường THPT Nguyễn Khuyến đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo và đánh giá cao về chất lượng giáo dục toàn diện.
Từ bốn đảng viên lúc ban đần, đến nay trường đã có 18 đảng viên, chi bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Công đoàn trường vững mạnh. Đoàn trường đứng thứ Nhất khối huyện đoàn Vĩnh Bảo. Liên tục các năm từ 2003 đến 2006, nhà trường đạt danh hiệu “Trường tiên tiến xuất sắc cấp thành phố”, được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen. Cũng từ trong thời điểm này, trường liên tục có từ hàng chục giáo viên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, từ 1 đến 3 giáo viên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp thành phố . Các cuộc thi lớn Tìm hiểu về đảng CSVN,về GD Hải Phòng.Thi Cán bộ quản lý gỏi ,Giáo viên giỏi trường đều có giải nhất, nhì. Năm học 2007- 2008, trường tiếp tục giữ vị trí tốp đầu khối THPT ngoài công lập, vinh dự là 1 trong 3 trường THPT được UBND thành phố công nhận danh hiệu Trường học xuất sắc và được Bộ GD& ĐT tặng bằng khen.
PV GĐ Đỗ Thế Hùng đánh giá về quá trình phát triển của nhà trường
Mặc dù vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng quy hoạch tổng thể về chiến lược con người về kiến trúc, về thiết bị về những sân chơi bãi tập nhóm tượng đài hồ nước thảm cỏ xanh... là những hình ảnh ấn tượng về một nhà trường theo mô hình Trường học thân thiện. Nó không chỉ hiện hữu như một điểm nhấn của nhà trường mà còn thể hiện rõ một ý tưởng quản lý với tầm chiến lược.
Mười năm, trường bán công Vĩnh Bảo rồi trường trung học phổ thông Nguyễn Khuyến… Chặng hành trình chưa dài. Thành tựu là gì ở tầm cỡ, ở nội lực, sức vóc? Có chăng, cái vọng vang, dào dạt là từng bước vượt mình. Là bão cồn xoáy lốc ở tháng năm không dễ mờ phai. Nó hoá thành giọt biển mặn mòi hay kỷ niệm trong xanh nơi con tim mỗi người thầy, mỗi học trò từ mái trường này đã và đang đi về muôn ngả. Gian nan còn nhiều. Cơ đồ còn nặng… Nhưng chúng ta vui và tin vào cái nền đã dựng. Tin vào bước đi và hướng chọn lựa . Tin vào đội ngũ những con người với trái tim tận tụy và cao quý. Từ thầy Tống Phú Sến, thầy Trần Văn Hướng, Trần châu Hoàn, Phó hiệu trưởng nhà trường… đến các thầy cô: Phan Minh Hường, Lê Đức Thuận, Nguyễn Thị Ngân, Tạ Thị Nhâm, Nguyễn Thị Lý, Đỗ Thị Châu…và rất nhiều tên tuổi khác. Họ thực sự tiêu biểu cho những ngọn cờ, góp phần đắp dầy niềm vinh quang và danh dự cho nhà trường suốt dặm dài băng vượt.
PV Hiệu trưởng về nguyên nhân thành công
Có lẽ cũng chính vì nhận thức ấy mà nhà trường đã chủ động cho mình một hướng đi theo sứ mạng mới đó là " Xây dựng một nhà trường THPT thân thiện tạo cơ hội học tập tốt nhất cho học sinh vùng nông thôn nghèo ; Là chiếc nôi cho hoạt động sáng tạo của đội ngũ thày cô và viên chức". Hệ thống 8 giá trị mới của trường đã được xác lập đó là : Tinh thần vượt khó,tinh thần hợp tác,tính trung thực,tính trách nhiệm,lòng thương yêu,tính sáng tạo, sự năng động và khát vọng vươn lên.
Thực hiện Luật giáo dục và công văn số 785 -TU của Thành uỷ Hải Phòng, cuối tháng 10 vừa qua, UBND thành phố đã có quyết định số 1848 thực hiện chuyển trường THPT Nguyễn Khuyến sang loại hình THPT công lập. Đây là thời cơ và cũng là thách thức với nhà trường vì lãnh đạo thành phố và nhân dân sẽ đặt ra những yêu cầu cao hơn, đòi hỏi nhà trường phải phấn đấu. Và chính bản thân nhà trường cũng xác định điều ấy trong tầm nhìn chiến lược của mình " Phấn đấu trường THPT Nguyễn Khuyến là địa chỉ tin cậy cho mọi người đến học tập và công tác". Tuy nhiên khi chuyển đổi sang loại hình công lập, trên căn bản những nội hàm được thay đổi theo hướng thuận lợi, thì niềm tin vào thành công mới của ngôi trường mang tên vị Tam nguyên Nguyễn Khuyến dường như đã thắp sáng ở chân trời phía trước./.
Ban thời sự
Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng thực hiện
Tháng 11 năm 2008
Kịch bản : Nguyễn Đình Minh
Viết lời bình : Hải Huyền Phong
Thể hiện lời bình : Minh Tr í
Camera : Quang Tuấn
Chịu trách nhiệm sản xuất : Ban thời sự Đài PTTH Hải Phòng
Biên tập và đạo diễn : Minh Nguyệt
Phóng sự có sử dụng một số hình ảnh của các đồng nghiệp và kho lưu trữ băng hình trường THPT Nguyễn Khuyến