Đề tài Văn hóa trong thơ của các Nhà thơ Việt Nam tại Hải Phòng thời đổi mới

Thơ của các nhà thơ Việt Nam tại Hải Phòng thời đổi mới có rất nhiều nội dung cần bàn đến trong những chuyên luận dài, nhưng dưới đây chúng tôi chỉ xin nêu một vấn đề nhỏ về tiếng thơ đã cất lên vì những giá trị văn hóa, trong đó có những điều mà trước đây văn học né tránh hoặc đề cập nó theo hướng tô hồng.

Những yêu thương và bênh vực

Cần nói ngay rằng đề tài văn hóa cuộc sống trong thơ các nhà thơ Việt Nam tại Hải Phòng, nếu ví von như một cánh đồng thì mảng hương sắc tươi sáng vẫn là một mảng lớn. Ta có thể gặp Nguyễn Đình Tâm với hơi thơ hào sảng ngợi ca văn hóa biển trong những tập thơ “Tình biển”, “Thức với biển”, “Một thời biển cả”…Ba tập thơ  “Cõi riêng”,” Ngụ cư”, “Mắt đêm” củaDương Xuân Huynhlà dòng cảm xúc nhớ thương khôn nguôi về con người và cuộc sống dẫu gian lao nhưng vẫn sáng ngời vẻ đẹp hồn hậu chân quê. Còn với tập “Tôi và sen”, Lê Phương Liên qua nhiều bài thơ mang hình tượng sen lại ngợi ca con người đặc biệt người phụ nữ biết vượt lên trên hoàn cảnh để hướng về ánh sáng, hướng về cái đẹp trong cuộc đời. Khi đọc tập “Hoa vườn ngoại”, người đọc hiểu ra cái đã truyền cảm hứng cho thơ của Trần Đức Trí là chiếc nôi quê, thứ văn hóa gốc tạo ra năng lượng cho ngòi bút: “Vườn hoang động một tiếng chim/ Hoa dâm bụt nở thành tim máu hồng”. Và vì thế nét văn hóa xưa giữa ồn ã hôm nay vẫn đẹp đến xao lòngtrong hồn thi sỹ:Bán đi những thứ dãi dầu/ Đem về trăng rắc sáng đầu ngọn tre ”- ( Chợ quê – Vũ Thị Huyền).

  Ở một phân khúc khác, tiếng kêu văn hóa đã được thơ chở che bênh vực. Nhà thơ Kim Chuông vẽ chân dung văn học của nhân vật nổi nhất chèo cổ Việt Nam, với cách nhìn khác biệt: “Bảo Màu sống khác đi a?/ Màu mà sống khác! Không ra Thị Màu”. Đó chính là tiếng nói bảo vệ văn hóa nghệ thuật truyền thống trước xu hướng “cách tân” vội vã sa vào hình thức thuần túy và đồng thời cũng là sự biến đổi méo mó của văn hóa lai căng trong hiện thực. Thy Nguyên lại có những cảm thức về mảnh hồn làng cần được đắp bồi lại khi nó đang mất mát trước những đổi thay: “Thầy vá lại mảnh quê bằng mây đan, tre nứa/ Nhắc nhở cháu con giữ lại hồn làng” (Hồn làng). Đó cũng là nỗi dằn vặt thương cảm cùng những khát khao tốt lành mà Thúy Ngoan dành cho miền quê yêu dấu. Rất nhiều hình tượng thơ được xây dựng như một tưởng niệm về văn hóa: “ Nhà nghèo gió cũng xanh xao/ Trời mưa trăng trượt ngã nhào vào hiên" ( Về quê)…

Cảnh báo sự biến dạng

Tuy nhiên trong thời điểm “gió lành” và “gió độc” cùng tràn về ào ạt thời mở cửa, vấn đề văn hóa còn được thơ của vùng đất miền cửa sóng thể hiện dưới những góc nhìn “cách tân” khác dũng cảm và quyết liệt. Ở đây, văn hóa không chỉ được hình dung và phác họa từ bề ngoài mà là “cầm nắm” nó, soi thấu nó bằng các giác quan, bằng sự cảm và sự nghĩ.

 Thơ đã chủ động tiếp cận đến hiện thực đời sống, đồng thời chỉ ra giá trị của văn hóa như là cốt lõi của sự sinh tồn: “Hãy cứu! Hơi chính quyền, tôn giáo/ Để xác chúng tôi được chết trước hồn/ Chứ nếu để tâm hỗn chúng tôi chết trước/ Vậy là lấy dây diều treo cổ những hoàng hôn!” (Thi Hoàng - S.O.S). Sự sa đọa của văn hóa như một căn bệnh đang biến đổi gen ở thời kỳ mới, Tô Ngọc Thạch có hàng loạt bài viết về sự tha hóa ấy của cõi người. Trong đó ở thi phẩm “Casino” nhà thơ viết: “ Có kẻ c­ược dải Ngân Hà/ Cược trái đất vào ván bài đang khát”. Con người cũng trở nên xa lạ với nhau giữa những tháng ngày giao thoa mới cũ trong đời sống xã hội là cái nhìn của Lưu Ly: “Ý tứ nhạt nhèo suông trượt đến kinh/ Thêm muối vào lời díu dan thầm thĩ” (Lời yêu tháng 5). Hoài Khánh chuyên về thơ thiếu nhi, nhưng qua các bài thơ “Nếu Hải Phòng chỉ toàn người lớn”, “Làng em không có bố”… có thể nhìn thấy cảm thức về đời sống văn hóa của thi sĩ rất sâu sắc trong lắng lo sẻ chia với tâm hồn trẻ thơ về con đường đi không dễ dàng đạt đích: “ Những con chữ khó nhọc/ Dắt biển lên với trời” (Đường ở đảo). Viết về văn hóa, các nhà thơ hiểu văn hóa khởi nguyên từ cá thể, cho nên Đinh Thường đã tự lục vấn, tự soi mình và thức tỉnh mỗi cá nhân: “Ta đâu rồi? Ta còn giống ta không?” (Chạy đâu khỏi nắng).

Mặt trái cơ chế thị trường đã tác động tiêu cực đến đời sống xã hội đất nước, riêng lĩnh vực văn hóa có lúc có nơi bị nó làm cho biến dạng. Thực trạng của văn minh đô thị, đã được nói trong thơ xa xôi nhưng sắc lạnh:“Đêm nay/ Rắn rết bò cạp tràn vào thành phố/ Nhưng đừng sợ/ Nhà nào bây giờ cũng thiết kế kiểu lô cốt/ Trời tối không ai ra đường” (Châm biếm - Mai Văn Phấn). Hai tập thơ “Dị thảo” và “Kỳ hồ” của Nhà thơ Phạm Xuân Trường nén chứa nhiều tiếng nói phản biện ở nhiều bình diện: những đau đớn trước các hiện tượng đời sống làm băng hoại tâm hồn, những đảo lộn về các giá trị văn hóa thời cơ chế thị trường, thậm chí tác giả mạnh mẽ đề cập tới cả những vấn đề va đập của văn hóa - chính trị vào số phận con người: “Sau dinh Độc Lập ta ngồi/ Cà phê như giọt máu rơi chậm buồn”- (Một thoáng Sài Gòn).

Nguyễn Đình Minh trong các tập “Thức với những tập mờ” và “Bên thềm 4.0”, đi sâu phản ánh về văn hóa quyền lực và vật chất chi phối phận số con người. Trong góc nhìn về quan hệ của đất nước với thế giới phức tạp biến động trong đó sức mạnh của văn hóa đang diễn ra như một “cuộc chiến mềm”, có thể tiêu diệt một dân tộc. Nhà thơ có những cảnh báo mạnh:“ Sau bữa tiệc âm nhạc, thi ca và say mèm hương rượu lạ/ Ngay ở nhà mình, chủ nhân thành khách trọ vô danh.” (Cuộc chiến mềm)…Những ngày đại dịch Covid -19 vẫn còn nóng hổi thời sự, Trần Ngọc Mỹ đã trải lòng: Là bão của trời cao trút xuống/ Hay bão của người mang đến cho người?”(Di cư). Cho đến thời điểm này căn nguyên của đợt dịch thế kỷ này vẫn chưa tường gốc tích, song những câu thơ không chỉ vang động lòng trắc ẩn, mà câu hỏi tác giả đặt ra còn là một tra vấn táo bạo dành cho nhân thế.

Trong bối cảnh lịch sử thời “mở cửa”, những biến cải của xã hội và mặt trái của “Cơ chế thị trường” tác động làm nghiêng lệch hoặc méo mó đe dọa sự tồn vong của văn hóa Việt được phản ánh bằng nhiều góc soi chiếu và nhiều cảm nhận. Về vấn đề này, có thể nói thơ Hải Phòng nổi lên như một “thế lực”. Các nhà thơ Hải Phòng không phải dùng đến các thủ thuật kỹ xảo mà chỉ để làm mới vỏ ngôn từ như xu thế cách tân lúc ấy; Bằng cách vận dụng tu từ linh hoạt, đặc biệt là “cảm xúc thông minh” được nén chứa nghiền ngẫm kết hợp với cách nhìn, cách tư duy xuất sắc mà nhiều bài thơ khi chạm vào đã thấy “bão chữ” cuồn cuộn, giàu màu sắc triết luận, chở theo tư tưởng nhân văn để rồi tác động vào tiết tấu nhịp sống đương đại. Những điều ấy vừa thể hiện tính “mới”, tính riêng có ở lĩnh vực nội dung, đồng thời khẳng định bản ngã của các cây bút thơ thành phố Cảng thời đổi mới./.

 

                                                                                                                                           Nguyễn Đình Minh

Trưởng Chi hội NVVN tại Hải Phòng