Những điều kiêng kị trong tết Nguyên đán theo người Việt cổ

kieng1Tết Nguyên đán  là nghi lễ quan trọng nhất trong đời sống văn hóa của người Việt Nam . Người Việt tin rằng vào ngày Tết mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác, từ ngoại vật cho đến lòng người, vì vậy khoảng mươi ngày trước Tết họ thường sơn, quét vôi nhà cửa lại. Họ cũng tất bật đi sắm sửa quần áo mới để mặc trong dịp này. Theo quan niệm trong ngày đầu năm  mà có nhiều điều tốt đẹp thì cả năm  được hưởng phúc, do đó, người Việt cổ đặt ra hàng loạt điều kiêng kị.  Những kiêng kỵ này sau hàng ngàn năm có những mai một, nhiều điều kiêng không còn phù hợp với hiện tại, nhưng trái lại vẫn còn nhiều điều kiêng khiến chúng ta phải suy ngẫm kỹ càng.

Kỵ mai táng:  Gia đình có tang phải tạm gác nỗi buồn để lãng giềng vui tết, vì vậy có tục lệ “cất khăn tang” trong ba ngày Tết. Nhà có  đại tang kiêng đi chúc Tết, bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.

Kỵ xin lửa, xin nước vay mượn:  Ngày mùng Một Tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình, vì quan niệm lửa là “vận đỏ” là ánh sáng, sự ấp áp, lửa luôn gắn với căn bếp nơi nấu nướng cho con người có những bữa ăn . Cho lửa ngày mùng Một Tết thì cả năm sẽ gặp nhiều điều không may như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai bay vạ gió. Tương tự nước được coi như nguồn tài lộc chảy và đọng lại trong nhà, nếu cho nước chẳng khác nào tự tay vứt “lộc” đi. Người xưa quan niệm không nên vay mượn vào những ngày đầu năm mới, điều đó có thể làm chúng ta rơi vào cảnh túng thiếu cả năm, không may mắn.

Kỵ quét nhà, làm đổ vỡ đồ vật: Theo điển tích, cái chổi là hóa thân của thần tài đến giúp gia chủ, nhà chủ hứa sẽ cho chổi nghỉ việc ba ngày tết, vì vậy, nếu quét nhà vào những ngày này thì năm đó gia cảnh sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Người Việt cho rằng trong 3 ngày, nhà nhiều rác sẽ là của được tụ lại, nếu phải nhặt rác người ta cũng gom lại một chỗ ở góc nhà và sau ba ngày tết mới hót rác đổ đi. Dịp này, người già luôn nhắc con cháu cẩn thận tránh đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, cãi nhau, để gia đình luôn hòa thuận.Đồng thời ngăn cấm việc khóc lóc,hoặc nói tới điều rủi ro trong dịp Tết.

Kiêng mặc quần áo màu trắng, đen: Theo quan niệm của người xưa, mùa xuân phải rực rỡ sắc màu thể hiện sức sống vạn vật và con đàn cháu đống nên đầu năm thì phải mặc trang phục màu sắc sặc sỡ( hồng, đỏ, vàng, xanh...) , tạo nên sự  hứng khởi tươi vui. Chính vì vậy các màu tẻ nhạt u trầm thường kiêng, đặc biệt hai màu  trắng và đen là màu của tang lễ, chết chóc, bị kiêng triệt để.

Kiêng xuất hành Theo phong tục xông đất, người đầu tiên bước vào nhà ai trong ngày mùng một Tết chính là người quyết định đem lại sự may mắn hoặc xui xẻo cho gia đình ấy trong cả năm.; do vậy người xông đất là người được lựa chọn các tiêu chí sức khỏe tốt, tình tình hiếu thuận, đặc biệt đang phát tài để xông đất. Nếu không phải đối tượng được mời mà cứ tự nhiên đến vào thời điểm này sẽ không được tiếp đón niềm nở. Cũng theo quan niệm này, ngày mồng 5 tháng giêng Âm lịch là ngày nguyệt kỵ, (ngày con nước) theo cách lý giải  đây là ngày nước xuống mọi việc sẽ mất sự nâng đỡ, mất sức mạnh của phong thủy phù trợ không thích hợp cho xuất hành.