Có một Trạng Trình được tôn làm thành hoàng trên đất Thủ đô
Trong lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến,chỉ có hai nhân vật lịch sử được lập đình thờ, tôn làm thành hoàng là Nguyễn Trãi (làng Khuyến Lương - Thanh Trì) và Nguyễn Bỉnh Khiêm, (làng Thanh Am - Gia Lâm). Việc phát hiện ngôi đình này thờ Trạng Trình được coi là một sự kiện văn hoá của năm 1989 của Thủ đô.
“Người năm xưa mở ấp khai sinh”
Ông Nguyễn Ngọc Doanh, một thành viên của Ban quản lý Đình hiện nay cho biết: ông được các cụ của các đời trước truyền lại rằng: trong thời kỳ làm quan triều Mạc ở Kinh đô, cụ Trạng đã từng nhiều lần đến thăm vùng đất phong thủy tươi tốt này. Tương truyền Ngài đã đưa con cháu và một số cư dân từ huyện Vĩnh Lại, trấn Hải Dương đến đây mở đất định cư lập thành thành một vệt 18 làng ven sông Đuống, đặt theo tên quê gốc nên vẫn giữ chữ “Am”, gọi chung là Hoa Am thuộc các tổ dân phố 23, 24, 25, 26 và 27 phường Thượng Thanh ngày nay. Đến năm 1841 vì kiêng tên mẹ của vua Thiệu Trị nên Hoa Am đổi là Thanh Am. Đến bây giờ người dân nơi đây vẫn lưu truyền câu văn vần: “Giữa làng một ngôi đình cổ / Ghi nơi đây dấu ấn Trạng Trình / Người năm xưa mở ấp khai sinh”.
Nhưng không chỉ có truyền thuyết ghi lại sự kiện này, theo thần tích “Thanh Am phúc thần sự tích lược ký” gồm 16 trang do Trần Mỹ, người làng Trung Am (Vĩnh Lại, Hải Dương) đậu cử nhân năm 1891, làm Tri phủ Hoài Đức, soạn năm 1909, thì làng Thanh Am còn có tên là làng Đuống, tại đây có Ư Mục thanh miếu thờ thành hoàng là vợ chồng ông bà Đào Kì và Phương Dung (hai tướng thời Hai Bà Trưng). Tới cuối thế kỉ XVI, Thanh Am lại thờ Trạng Trình làm phúc thần. Tại đây còn lưu được 7 đạo sắc phong thầncông nhận các nhân vật được thờ tại đây. Đạo sớm nhất có niên hiệu "Vĩnh Khánh Nhị niên, thập nhị nguyệt thập nhật" (ngày 10 tháng 12 năm Vĩnh Khánh thứ 2 - năm 1730). Thần tích còn ghi rõngày giỗ của thân phụ, thân mẫu Trạng Trình, bài văn tế đọc trong ngày giỗ Nguyễn Bỉnh Khiêm, và tục lệ hằng năm vào ngày 28 tháng Một âm lịch, nhân dân Thanh Am vẫn cử người mang lễ vật về Trung Am dự ngày giỗ Tổ.
Cùng với bản thần tích có một minh chứng khá quan trọng, đó là đôi câu đối chữ Hán treo ở hai cột trước hậu cung, khắc kiểu chữ triện, do Nguyễn Cẩn người làng Du Lâm (xã Mai Lâm, huyện Đông Anh) đậu cử nhân năm 1879, làm Tuần phủ Quảng Yên soạn: “Hy Dy bí, Thanh Điền kỳ, kế khởi vô nhân, nhất đại vân am truyền lý học/ Hưng Đạo công, Văn Trinh đức, danh đồng bất hủ, thiên thu thanh ngạn ngật sùng từ”. Các nhân vật trong câu đối gồm: Hy Dy, tên hiệu của Trần Đoàn, giỏi về toán và khoa tướng số; Thanh Điền, tức Lưu Cơ, người đời Tam quốc có tài tiên tri; Văn Trinh tức Chu Văn An bậc đại sư biểu và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán dịch: Bí quyết của Hy Dy, kỳ lạ của Thanh Điền, nối tiếp há không ai, suốt đời cụ ở am mây trao truyền lý học / Công lao của Hưng Đạo, đức hạnh của Văn Trinh, ngàn năm bên bờ sông trong, vòi vọi đền thờ. Đây là câu đối ngợi ca Cụ Trạng với công lao, tài năng và nhân cách như các nhân vật lớn của lịch sử.
“Bên bờ sông trong, vòi vọi đền thờ”
Ngôi đình được trung tu lần thứ nhất từ thế kỷ 17, năm 1989 đã được trùng tu lại và tháng 1/1990 được nhà nước ra quyết định xếp hạng là di tích “Lịch sử- Văn hóa cấp Quốc gia”. Đình tọa lạc trên một mảnh đất rộng gần 1000 mét vuông, khung cảnh trang nhã, có hồ lớn và nhiều cây cối xanh mát. Trong tháng 10 âm lịch vừa qua tại sân đình có hiện tượng lạ xảy ra; Theo anh Kiều Thanh Thảo, một cán bộ của khu di tích cho biết: “8h sáng ngày 01 tháng 10 âm lịch, anh thấy một “Cụ Rùa” lớn, không biết từ đâu xuất hiện ngay trên sân đình cạnh chiếc hồ bán nguyệt. Anh em chúng tôi đặt “Cụ” lên một chiếc mâm đồng cân được 32kg, sau đó “rước Cụ” vào tòa đại đình. Sau khi tàn tuần hương, “Cụ” xoay một vòng, móng cào trên nền gạch những hình kỳ lạ; Rồi “Cụ” thong thả đi qua sân xuống hồ. Từ đó “Cụ” mới nổi lên 1 lần vào ngày 10. Không biết “Cụ” có phải là hậu duệ của “Cụ Rùa” ở hồ Gươm không?”.
Câu chuyện của anh Quý như phủ thêm sự linh thiêng lên quy mô các công trình kiến trúc khá lớn, tòa đại đình xây gạch, 4 mái lợp ngói mũi hài với các góc đao cong; chính giữa bờ nóc đắp đôi rồng lớn chầu hổ phù đội mặt trời lửa; bên trong chia thành 5 gian, 2 chái, 6 hàng chân. Gian giữa lớn hơn thể hiện sự tôn kính và để thực hiện các nghi lễ thờ Thành hoàng làng.
Nằm giữa đại đình và hậu cung là phương đình xây kiểu 2 tầng 8 mái, góc đao uốn cong, trên đầu kìm và bờ nóc đắp nổi các đầu rồng trang trí bằng vôi vữa; phương đình được xây tường gạch kín 2 bên, bộ khung đỡ mái gồm các cột trốn đặt trên 2 thanh xà ngang, gác trực tiếp lên tường bao. Hậu cung là một nếp nhà ngang 3 gian, bên trong lòng nhà xây bệ gạch cao, trên đặt Long ngai, bài vị thờ Thành hoàng làng hiện chính giữa đang thờ di ảnh Trạng Trình.
“Dù ai ra Bắc vào Nam/ Tháng Ba lễ hội Thanh Am thì về”,câu ca dao cổ vẫn vọng vang như mời gọi mọi người trở về với một địa điểm văn hóa đặc sắc có dấu ấn của tầm vóc con người Hải Phòng... Có lẽ sẽ còn nhiều điều nói về khu di tích này, nhưng nếu đến đây, tìm hiểu về nó ta biết nhiều hơn những công trạng, tài năng và danh đức của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lòng dân tộc; Đồng thời gợi ý cho ta một cuộc kiếm tìm thêm về sự phong phú và đồ sộ của khối di sản Trạng Trình để lại cho hậu thế mà bụi thời gian đang che phủ.
Nguyễn Đình Minh
Trưởng Chi hội NVVN tại Hải Phòng
Ảnh: Đình Thanh Lâm và Tập sắc phong thần