Donald Trump có đòi được 1.600 tỷ USD “nợ xấu” từ Trung Quốc?

Hiệp hội Trái chủ Mỹ ABF ( trụ sở tại Lewisburg, bang Tennessee) đang nắm giữ khối trái phiếu 1.600 tỷ USD của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có nguồn gốc từ thời Mãn Thanh đã đề nghị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ đòi Trung Quốc trả nợ.

Chuyện tưởng như đùa

Đòi món nợ khổng lồ 1.600 tỷ Mỹ kim, với số ấy có thể làm lao đao ngay lập tức nền kinh tế Trung Quốc, dù rằng đứng thứ 2 trên thế giới, món nợ lại kéo dài trên cả thế kỷ và người ký nợ không phải chính quyền nhà nước đương nhiệm…thì chuyện giống như đùa! Chợt nhớ câu ca dao Việt “Bắc thang lên hỏi ông trời/ Tiền mang cho gái có đòi được không?”. Nghe ra thật bi hài, nhưng khốn nỗi ở đây nước Trung quốc siêu cường thế giới chứ không phải “gái”, và kẻ đòi nợ lại trên cả cái anh siêu cường kia, đó là "Sen đầm quốc tế" Hoa Kỳ, nên thành ra diễn biến, tình tiết tương lai thì tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung còn phải gọi bằng ...cụ?

Câu chuyện nợ nần này bắt nguồn từ năm 1911, sau khi quốc hữu hóa các dự án đường sắt nội địa, chính quyền Mãn Thanh đã trao quyền khai thác đường sắt để đàm phán vay trái phiếu trị giá 6 triệu bảng Anh với các ngân hàng bốn nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ để xây dựng tuyến đường sắt dài gần 4.095km tỉnh Hồ Quảng (nay là Vũ Hán) gồm hai chặng Quảng Đông - Hán Khẩu và Tứ Xuyên - Hán Khẩu. Sau đó Nhà Thanh sụp đổ vì cuộc cách mạng của Tôn Trung Sơn. Năm 1913, chính quyền Trung Hoa dân quốc do Đảng Quốc dân của Viên Thế Khải (Đại Tổng thống thứ hai sau Tôn Trung Sơn) lãnh đạo, tiếp tục vay 25 triệu bảng Anh với lãi suất 5%, mốc hẹn trả nợ vào năm 1950. Nhưng ác thay, đến năm 1949, Trung Hoa Dân quốc thua trận mất toàn bộ đại lục và bị đánh đuổi chạy ra Đài Loan, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Đảng CS Trung quốc được thành lập. Sự thay đổi triều đại diễn ra liên tiếp, song món nợ bằng cổ phiếu vẫn còn. Cũng bởi vậy giữa lúc cuộc thương chiến Mỹ - Trung đang leo thang lại thêm bầy Corona bu vào quấy nhiễu làm cho "Sen đầm quốc tế" khó chịu và tiện tay đòi chú em Trung Quốc ít tiền chơi xem chú tính sao?

Chuyện còn dài tập, nhưng đề cập tới vấn đề trả nợ hay không trả, tờ Hoàn Cầu Thời báo cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đã hủy toàn bộ các thỏa ước, hiệp định "bất bình đẳng" với nước ngoài nên không hề có trách nhiệm gì về các khoản nợ còn lại từ thời Quốc Dân Đảng cầm quyền và chính quyền Đài Bắc mới là bên gánh chịu khoản nợ.  Mặt khác, năm 1976 Trung Quốc ban hành Đạo luật “Miễn trừ Chủ quyền Nước ngoài” nên không thể áp dụng hồi tố cho trái phiếu phát hành vào đầu thế kỷ. Cú phủi tay đúng tầm cỡ quốc tế! Dường như không chịu được cú "gắp lửa bỏ tay người" này, Ông Sean Chen, nguyên thủ tướng Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) lại cho tằng Đài Loan không còn trách nhiệm gì về vụ hàng loạt trái phiếu thời nhà Thanh. Phát biểu trên  Taiwan News (10/09/2019), ông nói chỉ nước Trung Quốc cộng sản mới phải lãnh nhận trách nhiệm trả các khoản tiền từ trái phiếu đó, vì họ "đã chiếm toàn bộ tài sản quốc gia" ở Trung Quốc từ 1949. Không được ăn ốc mà chịu đổ vỏ thì cũng bực cả mình, nhưng ơ hay, chuyện nợ người ta mà anh em nhà này cứ đùn đẩy nhau trả, lại chỉ đường cho người ta biết con nợ là ai. Tài thật!

Bên đòi nợ là Quỹ những người nắm giữ trái phiếu Mỹ (ABF), bà Jonna Bianco, đồng sáng lập, đại diện cho các trái chủ lập luận rằng: theo luật pháp quốc tế, chính phủ kế nhiệm phải chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của chính phủ cũ.  Mặt khác, Trung Quốc năm 1987 đã thanh toán số trái phiếu 23,5 triệu bảng Anh do các nhà đầu tư Anh nắm giữ để đổi lấy một phần của thỏa thuận bàn giao Hong Kong với cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và  không bị chặn đường tiếp cận cận thị trường vốn của Anh quốc. Vậy tại sao món nợ của Mỹ lại không trả?

Cũng dường như muốn ủng hộ "Sen đầm", báo chí Mỹ và Phương tây ào ạt viện dẫn những tiền lệ về chuyện đòi nợ tầm cỡ quốc gia với quốc gia đã có rất nhiều. Ví như V.I. Lênin từng tuyên bố nước Nga sẵn sàng trả các khoản nợ cho chính quyền Sa Hoàng nếu các nước công nhận nước Nga theo Chủ nghĩa Cộng sản, nhưng thời ấy, không có nước nào công nhận. Chuyện hai bên cùng có lợi, nhưng các chú không nghe, nên bác Stop! Sau này chính Tổng thống Putin đã trả cho Pháp món nợ 400 triệu USD từ thời Sa Hoàng, nhưng cái bà đầm Pháp lại muốn tham đòi cả lãi và trượt giá lên tới 50 tỷ USD, nhưng Putin vốn dòng trực hệ của Lenin nên đâu có dễ vòi vĩnh, thế là ok rồi!  Nước CHLB Đức là một nhà nước được thành lập sau Thế chiến 2 nhưng vẫn phải è cổ trả nợ chiến tranh cho quân đồng minh. Cụ thể sau Hội nghị Potsdam được tổ chức từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8 năm 1945, Đức đã trả cho Đồng Minh 23 tỷ USD, chưa tính công của 4 triệu tù binh và dân thường phải làm các hoạt động như "lao động đền bù" hoặc "lao động cưỡng chế" ở Liên Xô, Pháp, Anh, Bỉ và ở trong "Đơn vị dịch vụ lao động quân sự" của Hoa Kỳ.  Ngoài ra, theo Nhà sử học John Gimbel, trong cuốn sách "Khoa học công nghệ và bồi thường: Khai thác và cướp bóc ở Đức thời hậu chiến", nói rằng "sự đền bù trí tuệ" của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh lên tới gần 10 tỷ đô la. Thật khổ cho cái anh chàng Hitle tưởng đánh được người, ai ngờ bị thiên hạ cho no đòn lại còn làm khổ biết bao đệ tử cháu con mấy đời...

Thực tế mỗi nước có cách giải quyết khác nhau nhưng nói chung, nhiều nước không bao giờ chấp nhận "nợ xấu".  Người ta còn viện dẫn cả Pháp luật Hoa Kỳ, theo đó, “Án lệ của tòa phúc thẩm”  công bố vào tháng 8-1927 nêu rõ: “Một chế độ quân chủ có thể  chuyển đổi thành một nước cộng hòa, nhưng  cho dù chính phủ thay đổi, các quốc gia vẫn còn giữ nguyên các quyền và nghĩa vụ”.

Nhưng đó là câu chuyện của Mỹ và các nước khác, các bạn cứ việc chơi kiểu "Hiệp sỹ tây" với nhau, còn đây là câu chuyện của Trung Quốc chơi kiểu "quân tử Tàu" thì “Hãy đợi đấy!”, quân tử nhất ngôn quân tử dại... Vấn đề đặt ra là Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông có chịu làm người đòi nợ không, đó lại là chuyện vẫn chưa biết; bởi đến nay Donald Trump chưa có phát ngôn chính thức nào về câu chuyện bi hài này với Trung quốc mà chỉ có việc ông đã có cuộc trao đổi với  tổ chức ABF và bà Chủ tich Jonna Bianco nói rằng " Tổng thống khẳng định với tôi rằng ông ấy sẽ thực hiện thỏa thuận này, sẽ buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm". Đồng thời, Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ từ năm 1979 nhưng các văn bản ngoại giao từ tháng 5/1973 đều đề cập tới việc Mỹ sẽ không xóa khoản nợ trái phiếu này. Dẫu thế, Trump nói thì không biết đâu mà lần, đặc biệt những phát ngôn không chính thức của ông  từ hồi làm Tổng thống đã vậy sáng nắng chiều mưa, vì Trump làm Tổng thống nước Hoa kỳ tự do chứ không phải làm Hoàng đế nước quân chủ mà lúc nào khẩu dụ cũng phải "nhất ngôn cửu đỉnh". Song lại chớ đùa một ý chí sắt đá, một tinh thần trong máu của Trump là rất ghét kẻ ăn rình và cướp bát cơm của nước Mỹ.

Chuyện đòi nợ có biến thành “vũ khí”?

Vậy việc đòi được hay không đòi được và đòi khó hay dễ? Có phải câu chuyện đòi nợ chỉ đơn thuần là đòi nợ hay còn ẩn giấu học thuyết âm mưu nào?

Nói về chuyện đòi được nợ là chuyện quá khó khăn. Trong khi Bộ Tài chính Mỹ từ chối chính thức lên tiếng về vấn đề trên thì giáo sư luật thuộc Đại học Cornell trả lời tờ Fox Business rằng "Về mặt kỹ thuật, các loại trái phiếu này chưa hết hiệu lực, nhưng thực tế thì phức tạp hơn. Bạn cần tìm tìm hiểu rõ cơ sở pháp lý để đòi nợ". Còn theo tờ  Bloomberg bình luận thì, vấn đề quan trọng là những trái phiếu này đã hết hạn từ lâu, và hiện vẫn chưa có quy định nào buộc một chính phủ phải tiếp nhận các món nợ của các chính phủ trước sau khi xảy ra biến động chính trị. Dù vậy, đa số các chính phủ đều đồng ý thực hiện việc này, phần lớn là vì không muốn làm các nhà đầu tư mếch lòng và từ chối mua trái phiếu trong tương lai.

Việc Tổng thống Donald Trump có ra mặt đòi nợ hay không có lẽ chưa có thể khẳng định nhưng chắc chắn ông ấy có thể sử dụng vụ này để đẩy Trung Quốc vào hoàn cảnh bất lợi khi cuộc chiến Mỹ - Trung đang leo thang sau đại dịch Covid. Những khía cạnh sử dụng bao gồm: gây ra các vấn đề kinh tế nghiêm trọng và làm cho tình hình hỗn loạn càng trở nên tồi tệ hơn Mỹ sẽ tìm thấy nhiều lợi thế trong mớ hồn loạn ấy. Bởi bao giờ đồng minh của Mỹ cũng đông đảo, họ có truyền thống gạt mâu thuẫn nội bộ để chống lại "hệ tư tưởng" được gọi là "Trung Quốc đỏ"; còn thực tế, Tiềm lực quân sự, kinh tế Mỹ khống chế thế giới mạnh hơn nhiều lần Trung Quốc. Hiện thế giới có khoảng 85 tập đoàn kinh tế tầm quốc tế, thì Mỹ có tới 79. Về chính trị ngoại giao, nếu để lựa chọn giữa Mỹ và Trung ai làm thủ lĩnh thì có lẽ đến 80% các nước phát triển chọn Hoa Kỳ. Hoặc như nhận định của Nhà đầu tư Jim Rogers: "Nếu Mỹ quyết định đòi nợ, những gì họ có thể làm là đóng băng tài sản của người Trung Quốc ở Mỹ, lấy đi những tài sản đó hoặc tịch thu chúng". Cũng có thể Mỹ dùng nợ hiện tại của mình với Trung Quốc để trừ nợ cũ? Hay như phân tích của Bà Biancon: việc trả tiền cho chủ nợ này mà không thanh toán cho chủ nợ khác đồng nghĩa với việc Trung Quốc "vỡ nợ một phần" theo xếp hạng tín dụng của các tổ chức như Moody's, Standard & Poors và Fitch. "Do đó, Trung Quốc không được phép phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế cho đến khi trả xong nợ"; trong trường hợp như vậy thì với uy lực của mình Mỹ có thể dễ dàng chỉ huy các tập đoàn tài chính và các Chính phủ đồng minh làm theo ý của mình.

Một sự thật khẳng định là Trung Quốc đang sở hữu vốn vay của người nước ngoài, mặc dù nó từ hơn thế kỷ nay, nhưng tuyệt nhiên không thể phủ định giá trị của nó với nền kinh tế đất nước trong quá khứ và hiện tại. Bởi vậy việc từ chối trả nợ của Trung Quốc cũng là vấn đề khó khăn. Có lẽ ông Tập và giới chóp bu Trung Quốc từ Tết đến giờ chưa có đêm nào ngủ ngon giấc? Câu chuyện này có thể còn được Mỹ - Trung dẫn dắt theo những kịch bản bất ngờ khác chưa thể đoán định, cuộc "Long" - "Ưng" so kiếm chắc chắn chả bên nào hoàn toàn chiến thắng  song có thể nhìn thấy rõ ràng sự bất lợi về uy tín chính trị của Trung Quốc trên trường quốc tế.

NĐM