Côn Đảo - Tìm về và cảm nhận

      c1Côn Đảo - Nằm ở biển Đông của Việt Nam, Côn đảo có trên 200km bờ biển với vùng vịnh kín, mực nước sâu, lặng gió, nằm sát đường hàng hải quốc tế Á – Âu. Tên gọi cũ trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp  là Poulo Condor. Năm 1294 đoàn thuyền của nhà thám hiểm người Ý Marco Polo, gồm 14 chiếc trên đường từ Trung Hoa về nước bị một cơn bão nhấn chìm mất 8 chiếc, số còn lại đã dạt vào trú tại Côn Đảo. Từ thế kỷ 15-thế kỷ 16 có rất nhiều đoàn du hành của châu Âu ghé qua thăm Côn Đảo.  Cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 các nhà tư bản Anh, Pháp đã bắt đầu để ý đến các nước phương Đông. Nhiều lần các công ty của Anh, Pháp cho người tới Côn Đảo điều tra, dò xét tình hình mọi mặt với dụng ý xâm chiếm Côn Đảo.
       Năm 1702, năm thứ 12 đời Chúa Nguyễn Phúc Chu, Công ty Đông-Ấn của Anh đổ quân lên Côn Đảo xây dựng pháo đài và cột cờ. Sau 3 năm, ngày 3 tháng 2 năm 1705 xảy ra cuộc nổi dậy của người Mã Lai Macassar (lính đánh thuê của chính quyền Anh), đoàn quân Anh phải rời bỏ Côn Đảo.
c2Ngày 28 tháng 11 năm 1783, Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc), trong chuyến đem hoàng tử Cảnh và vương ấn của Chúa Nguyễn Ánh về Pháp, tự đứng ra đại diện cho Nguyễn Ánh để ký với Bá tước De Mantmarin, đại diện cho vua Louis XVI của Pháp, Hiệp ước Versailles. Đó là văn kiện đầu tiên của nhà Nguyễn nhượng cho Pháp chủ quyền cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lôn. Để đổi lại Pháp giúp Nguyễn Ánh 4 tàu chiến, 1200 lính, 200 pháo thủ, 250 người lính Phi để chống lại nhà Tây Sơn.
Tháng 4 năm 1861, Pháp đánh chiếm Định Tường. Chính trong thời gian này, Pháp khẩn cấp đặt vấn đề chiếm đóng Côn Đảo vì sợ Anh chiếm mất vị trí chiến lược quan trọng này. 10 giờ sáng ngày 28 tháng 11 năm 1861, Bonard (thủy sư đô đốc Pháp) hạ lệnh cho thông báo hạm Norzagaray đến xâm chiếm Côn Lôn. Trung úy Hải quân Pháp Lespès Sebastien Nicolas Joachim lập biên bản: "Tuyên cáo chủ quyền" của Pháp tại Côn Đảo.
       

c3

Ngày 1 tháng 2 năm 1862 Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, và từ đó biến Côn Lôn thành nơi giam giữ những người tù chính trị Việt Nam với hệ thống chuồng cọp nổi tiếng. Ngày 16 tháng 5 năm 1882 tổng thống Pháp Jules Grévy ký sắc lệnh công nhận quần đảo Côn Lôn là một quận của Nam Kỳ. Được xây dựng vào tháng 3/1862, Côn Đảo là nhà tù đầu tiên mà thực dân Pháp thiết lập ở Việt Nam. Dưới quyền của thống đốc Nam Kỳ Dupré, hệ thống các cơ sở giam giữ tù nhân ở Côn Đảo được xây dựng dần dần từ năm 1862 đến 1945 gồm 4 trại giam và 15 nhà tù. Đến năm 1955, thiếu tá Aloise Blank bàn giao nhà tù Côn Đảo lại cho ngụy quyền Sài Gòn, chấm dứt gần một thế kỷ tội ác của thực dân Pháp.
           Tháng 9 năm 1954 chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp tục chế độ nhà tù của Pháp và đổi tên quần đảo Côn Lôn thành hải đảo Côn Sơn.  Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh thành lập tỉnh Côn Sơn. Ngày 24 tháng 4 năm 1965 Việt Nam Cộng hòa đổi tỉnh Côn Sơn thành cơ sở hành chính Côn Sơn, trực thuộc bộ Nội vụ và chức tỉnh trưởng được đổi thành Đặc phái viên hành chính.
         Sau Hiệp định Paris, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lại đổi tên quần đảo này một lần nữa là Phú Hải. Các trại tù đều được ghép thêm chữ Phú. Giai đoạn này số tù nhân lên đến 8.000 người. Với chế độ tàn bạo của nhà tù khoảng 20.000 người Việt Nam đã chết và được chôn hoặc vùi lấp tại Nghĩa trang Hàng Dương.
     Trong 20 năm (1955-1975), Mỹ Ngụy đã tăng quy mô nhà tù lên 8 trại giam, mỗi trại rộng khoảng 10.000m², có tường đá bao quanh, 6 dãy chuồng cọp và 45 xà lim. Ngoài khu vực các trại, còn có hàng chục sở tù như sở đập đá, sở lò vôi, sở rẫy là nơi người tù phải lao động khổ sai. Côn đảo thực sự là địa ngục trần gian.
 Núi Côn Lôn được pha bằng máu
            Đất Côn Lôn năm sáu lớp xương người
       Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời
Mỗi tảng đá là một trời đau khổ
       (Côn đảo và những truyền thuyết).
Đến nghĩa trang Hàng Dương vào 0h mới cảm nhận hết sự lạnh lẽo của một vùng địa ngục quá khứ. Những ánh đèn chạy bằng pin mặt trời cháy xanh nhạt trong đêm, tiếng tắc kè đột ngột trong gió biển thổi vô hòn vào đêm  như khúc nhạc cầu hồn tử sĩ, những que hương cháy mờ tỏ bên những nấm mồ và những bó hương rực lên trên mộ chị Võ Thị Sáu…Tạo ra một cảm giác vừa bi thương oan khuất vừa dữ dội linh thiêng. Đến đây, cũng cảm nhận được sự hy sinh to lớn của những người cộng sản mà ta không diễn tả được bằng lời. Và thật khó có thể quên đi những con người mà tuổi tên của họ đã hòa vào tên đất nước, khó có thể dễ dàng thỏa hiệp với những kẻ đã gây tang tóc đau thương cho cha anh chúng ta một thưở dù thời gian có mãi trôi qua
c4    Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lý và cách Sông Hậu 45 hải lý. Năm 1977, Quốc hội nước  CHXHCN Việt Nam, quyết định tên gọi chính thức là Côn Đảo, một huyện của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.   Quần đảo Côn Đảo gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76 km². Riêng  hòn  hay Côn Sơn, Phú Hải, 51,52km². Dân số hiện tại là trên 6000 người, chủ yếu dân cư trên đảo là cán bộ công chức và con em của họ sống tập trung trên đảo lớn. Ngoài ra chỉ còn 1 hòn đảo khác có khoảng 10 người ở là cán bộ khí tượng, 14 hòn còn lại không có người. Hiện tại dân số trên đảo đang có xu thế tăng lên do du lịch phát triển. Ngày nay, hệ thống nhà tù Côn Đảo đã được trùng tu để trở thành một di tích lịch sử cách mạng, thu hút đông đảo khách tham quan. Mô hình các tù nhân chính trị trong trại giam cũng đã được dựng lại để du khách có thể hiểu rõ hơn về lịch sử của nơi đã từng một thời đựoc coi là “địa ngục trần gian”. Vùng biển Côn đảo nổi tiếng về thảm cỏ biển và hệ sinh thái rạn san hô đa dạng vào loại nhất, nhì của Việt Nam gồm 342 loài, 61 giống, 17 họ. Vùng biển này còn có nhiều loài hải sản quý như tôm hùm, cá nhám, cá heo, đồi mồi, vích… Đặc biệt là quần thể rùa biển với số lượng lớn, hàng năm đến làm tổ, đẻ trứng tại bãi biển Côn đảo. Ước tính số lượng từ 60.000 đến 80.000 rùa con trở về biển mỗi năm. Đây được coi là một trong những vùng sinh thái tự nhiên lớn của Việt Nam và của cả khu vực.
           Về tương lai, Côn Đảo có thể phát triển, còn hiện tại Côn Đảo như một mảnh đất lưu tồn những bi kịch thảm khốc nhất một thời chiến tranh máu lửa do chủ nghĩa thực dân cũ và mới gây ra. Có lẽ những nhà ngục trên thế giới hiện còn lưu tồn khó nơi nào có thể sánh bằng nơi đây về sự đau đớn tột cùng, sự hy sinh tuyệt đối của những người chiến sỹ cách mạng và đồng bào yêu nước. Họ đã không để lại gì cho mình và khi ra đi vẫn giữ chặt một niềm tin lý tưởng vào sự thành công của cách mạng Việt Nam.