Cành hoa sen – Thủ pháp văn chương hay có thật?

 

Tình yêu làm hoa sen mọc cành?

Các tác giả văn chương đôi khi đẩy người đọc vào thế bí và trong những tình huống ấy người ta gán cho câu, từ hay cả tác phẩm một tư tưởng mới. Chuyện hoa sen “mọc cành” là một trường hợp như vậy. Khi ngồi trên ghế nhà trường đã từng có bao cậu học trò “ương ngạnh” lý luận với thày cô rằng: hoa sen mọc trên nước, thân mềm và cây cũng chỉ trồi lên mặt nước tí ti sao mà vắt áo được? Ấy là nói về mùa hè, còn thu và đông thì làm gì có sen, mùa xuân sen mới trổ mầm. Các thày cô thì ra sức lý giải rằng đó là cách nói hình tượng, cảm xúc tình yêu thăng hoa thì chàng trai (trong bài ca) nói vậy cho ý nhị, cho duyên… Bên cạnh đó hàng loạt bài báo, thậm chí cả sách hướng dẫn như Bùi Văn Nguyên (Giảng văn - Tập I - NXB Giáo dục 1963), Hoàng Tiến Tựu (Bình giảng ca dao - NXB Giáo đục 1998), Trần Gia Linh (Hướng dẫn dạy giảng văn X - NXB Giáo dục 1994)… lại tảng lờ hoặc khẳng định hình ảnh “cành hoa sen”  chính là một cách thể hiện sự thanh tao và đẹp đẽ của hoa sen và cũng chính là sự đẹp đẽ của tình cảm của người tỏ tình?

 Để chứng minh cho cái lý của mình họ cho rằng đó chỉ là “không gian nghệ thuật”. Đình là nơi tôn nghiêm và phải đặt ở khu trung tâm nên không thể có chỗ tát nước, càng không thể tỏ tình trai gái ở đây. Song đâu phải vậy, đình là “Nhà văn hóa” thời cổ nên nó không linh thiêng như chùa thờ Phật, nó là nơi diễn ra các sinh hoạt của làng xã. Vả lại người ta đặt đình ở chỗ thoáng mát không bị che chắn phù hợp với sinh hoạt đông người, nên phải gần cánh đồng. Mặt khác cấu trúc của đình chùa cổ bao giờ cũng có ao, và ao chính là nơi chứa nước để tát vào ruộng…Thế rồi trên tạp chí “Văn học và tuổi trẻ” 1/1994, trong bài “Tát nước đầu đình - Lời tỏ tình hay bài hát ghẹo”, tác giả Trần Nhật Lý đã bác bỏ cách hiểu truyền thống và khẳng định đây chỉ là “bài hát ghẹo”; mà đã là hát ghẹo thì mặc sức nói đông nói tây…

Ca dao Việt cổ, về nội dung vốn gần gũi trung thực và ngôn ngữ thì trong sáng, vậy sao chỉ có một chữ “cành” lại gây ra khó hiểu vậy? Hãy chú ý rằng đây là câu ca dao thất vận vì âm của tiếng “đình” (câu lục) phải đồng vần với tiếng thứ sáu trong câu bát, nhưng ở đây lại khác vần, và dùng bằng  tiếng “cành”. Dường như tác giả buộc phải làm hỏng vần, một điều tối kỵ ở thể lục bát? Do đó tiếng này thể hiện tư duy chủ quan của tác giả quyết định dùng để làm rõ có cành sen đủ sức vắt chiếc áo lên thật?

Cây mộc liên (sen thân gỗ)

Năm 2006 khi đoàn công tác ngành GD&ĐT Hải Phòng tham quan một ngôi chùa tại khu Công viên quốc tế ở Thâm Quyến (Trung Quốc) được vị Trụ trì giới thiệu cây Mộc liên. Đó là cây hoa sen thân gỗ cao chừng 3,5m, rất nhiều cành, hoa to bàng bàn tay có nhiều cánh dày xếp lên nhau, màu trắng, và có mùi thơm khá đậm, giữa các cánh hoa chỉ có một nhụy vàng bằng quả trứng chim cuốc; những búp hoa chưa nở giống búp sen nước (thân thảo) nhưng nhỏ hơn. Thành viên của đoàn xin vài bông về làm kỷ niệm sau này khi hoa đã khô vẫn tỏa mùi thơm phảng phất. Từ năm 2010 đến nay tại Việt Nam cây sen này được phát hiện có trồng tại Đà Lạt và chùa Bối Khê (Thanh Oai-Hà Nội).  Nếu căn cứ vào  bài dân ca cổ ở Thanh Hoá: "Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng..."  thì có lẽ loài sen này có thể đã xuất hiện ở nước ta từ rất lâu và được trồng ở khu vực đình chùa? Điều đặc biệt nó thỏa mãn cho lý giải việc  hoàn toàn mắc được áo “trên cành”.

 

Sự thật này tiếc rằng vẫn ít được chấp nhận, theo cách hiểu như lối mòn truyển thống nhiều người vẫn cho là chàng trai “mắc áo” trên cành sen nước và đó chỉ là cách nói văn chương. Trên báo Giáo dục & Thời đại ngày 18/5/1992, trong bài “Vấn đề cảm hứng trong bài ca dao Tát nước đầu đình”, Nguyễn Huy Quát khẳng định: “Cảm hứng hiện thực là nét chủ đạo xuyên suốt bài ca dao”, khẳng định này đúng với tư duy lý luận “Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống trung thực”. Bên cạnh đó, ca dao thường sử dụng các biện pháp tu từ về từ như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ… các thủ pháp này theo lý luận sáng tác văn học đều phải thực hiện dựa trên trường liên tưởng đồng dạng hoặc tiếp cận. Lấy điều này để soi thì thấy rõ ràng cành hoa sen mà mắc được áo rõ ràng không thể là một cuống sen trồi lên mặt nước được.

Vô hình chung, đến giờ “ Cành hoa sen” vẫn là ẩn số như “Nụ tầm xuân xanh biếc” vẫn bay bổng trong bầu trời ca dao thách đố những ai muốn hiểu tận cùng.