Câu chuyện “ Tể tướng Lưu Gù” dưới góc nhìn quản lý xã hội
Tế tướng Lưu Gù ( Âm Hán-Việt: Tể Tướng Lưu La Oa) là một bộ phim của điện ảnh Trung Quốc kể về Lưu Dung là một người yêu nước, thương dân, trung thành với nhà vua. Nhưng vì ở lưng có một chỗ bị gù nên được gọi là Lưu Gù. Bộ phim lấy bối cảnh thời nhà Thanh. Nội dung có thể tóm lược như sau : Đời nhà Thanh có chàng thanh niên ở Đông Sơn lên kinh thành ứng thí. Chàng trai bé nhỏ với hình hài kỳ dị chính là Lưu Dung, tuy mang tấm lưng gù, nhưng bên trong là một tấm lòng trong sáng và trí tuệ hơn người. Yêu nước, thương dân, thanh liêm lại có tài văn chương thơ phú nên dần dần Lưu Dung được thăng đến chức tể tướng. Trái ngược với ông là đại gian thần Hoà Thân luôn tìm cách vơ vét cho mình và lấy lòng Hoàng thượng. Cuộc đối đầu giữa Lưu Dung và Hoà Thân đã làm nảy sinh nhiều tình huống cười ra nước mắt. Kết thúc chuyện Lưu Dung về quê vui với thiên nhiên và trẻ nhỏ còn Hoà Thân bị vua mới nối ngôi và là học trò của Lưu Dung “ban” cho cái chết.
Bộ phim được xây dựng theo dụng ý hình thức hài ước hóm hỉnh nhưng nội dung lại ẩn tàng những vấn đề về xã hội rất thâm trầm sâu sắc. Có thể có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về bộ phim nhưng dưới đây chúng tôi xin mạn bàn về ba nhân vật Nhà vua – Lưu Dung – Hoà đại nhân.
1.Lưu Dung, biểu tượng của trí tuệ văn hoá Nho giáo
Nhân vật chính của Phim là Lưu Dung. Con người Lưu toàn vẹn tài đức theo công thức của Nho giáo. Khuyết điểm duy nhất của Lưu Dung về hình thức là cái lưng bị gù. Khuyết điểm mạnh nhất về tính cách là quá hăng tranh đấu. Khuyết điểm về phương pháp làm quan là quá thẳng ngay trực tính.
Hình ảnh cái lưng gù dường như là một ẩn dụ. Tác giả đẫ mạnh dạn bỏ qua khuôn mẫu miêu tả những bậc quân tử theo phong cách ước lệ trung đại. Thường những con người này trong truyện cổ Trung Hoa mình cao bảy tám thước mặt đẹp như ngọc, tiếng nói như chuông ngân... Lưng gù là cái vỏ bên ngoài, cái mà người ta dễ nhầm tưởng dễ bị đánh giá sai lệch. Người viết truyện muốn đề cập tới cái bên trong. Sự thật là cái tưởng dị dạng mà là trí tuệ phẩm đức cao vời; Cái tưởng khom lưng luồn cúi là cái thẳng ngay cao khiết; cái tưởng thấp lại hoá cao; cái tưởng dễ bị đè bẹp là cái nhấn chìm kẻ định đè bẹp...
Lưu Dung không sợ uy quyền dám giành người đẹp với chính nhà vua trong từng nước cờ. Điều này quả có một không hai trong lịch sử. Chính mãnh lực bất khuất đó đã chinh phục được trái tim của cô tiểu thư khuê các con của một vị Vương hầu và gắn kết chung thân với nàng suốt đời như một đôi bạn tình tri kỷ. Điều này cũng không dễ mấy ai làm được trong cuộc đời. Ông dám rút dày ném trước mặt Quân Vương để khước từ lộc vua không hề sợ hãi. Lưu Dung là nhà thông thái. Khi bị đày ông tìm cách nâng được bức tượng Quan Âm khổng lồ lên trên cao. Là người cứu nguy cả Triều đình trước sứ giả nước ngoài và còn tìm ra cách học Tiếng Anh kiểu Trung Quốc...
Nhưng Lưu Dung trên hết cả là người ưu dân ái quốc. Ngay từ lúc là học trò, ông đã dám dùng mưu vạch trần kiểu thi cử dối trá khiến triều đình phải điều chỉnh lại. Ông dám lừa Vua ăn củ nâu để cứu dân Lại Phố không phaỉ khổ cực tiến cống món khoái khẩu này cho vị con giời. Là người tìm ra nguyên nhân của nạn lụt lội và trị thuỷ thành công. Dai dẳng và căng thẳng là cuộc đối đầu giữa Ông và Hoà Thân với mục tiêu ác thắng thiện và cái chân lý vì một vua sáng vì xã tắc hưng thịnh trong sạch vì cuộc sống thanh bình cho dân được đặt lên hàng đầu. Cũng vì nó ông chấp nhận những đắng cay thăng giáng, nhiều lúc số mệnh như ngàn cân treo sợi tóc.
Tuy nhiên cái Lưu Dung không đạt được là ý tưởng mục tiêu của ông cứ loanh quanh mãi mới thành hiện thực. Ông có phương pháp đấu tranh hay, nhưng nhiều lúc như quá giới hạn. Trò “Lừa” của ông nhiều khi thái quá so với quy củ bề bậc quân thần. Ông ép vua theo con đường sáng, bỏ nhứng mê muội tầm thường, rất kiên quyết với tần độ lớn. Suốt đêm đọc một câu thánh chỉ của Tiên Vương khiến vua ngủ với người đẹp không yên. Mỗi ngày ba bản tấu, mà bản tấu nào của ông cũng là một sự việc hệ trọng tầm vĩ mô làm cho Vua đau đầu... Ở những tình huống này Lưu Dung dường như quên mất một sự thật : Vua không phải là Thiên tử mà cũng chỉ là con người xác phàm với muôn nghìn ham muốn nhục dục tầm thường mà thôi. Và vì vậy mà ông bị giáng chức, bị vua ghét, nhiều khi ý tưởng của ông bị đổ bể và đặc biệt là làm cho Hoà Thân có cơ lợi dụng lật lại chiếm thế thượng phong.
Lưu Dung đơn độc về thế lực. Bản thân Lưu Dung ngoài người vợ xinh đẹp thông minh ủng hộ là ông bố vợ (Lục Vương) chỉ với một triết lý làm quan đơn giản là ngậm miệng ăn tiền , lãng đãng say sưa làm “tiên tửu”, nếu có nói cũng chỉ duy nhất một câu “Hoàng thượng sáng suốt!”. Cái mạnh nhất của Ông là trí tuệ siêu việt và khả năng biến đổi hoàn cảnh tình huống, ngoài ra là chút Pháp luật triều đình. Gọi là chút pháp luật, bởi trên thực tế Vua tại vị đương triều luôn là pháp luật sống ở các triều đại phong kiến. Do vậy nếu muốn bẻ cong một sự thật chỉ cần vờ “nhỡ miệng” bắt chết là phải chết vì luật là “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”!
Nếu coi thế lực của Lưu Dung là đạo lý cũng đúng, là hệ thống quan liêm và dân chúng cũng đúng. Đây là lực lượng thực sự đông đảo trong bất cứ đời sống xã hội nào. Nhưng thực tế, trong những vương triều mạnh, lực lượng này đông mà không có quyền lực và bản thân lực lượng này cũng bị “Trói ” bởi đạo lý trung quân. Thành ra ở thời đại Lưu Dung chỗ ông dựa vào lại chính là cái mà ông định đánh. Đó chính là Vua. Đương nhiên không phải là cuộc cách mạng lật đổ, mà đánh để Vua thành “sáng”. Trong hoạt động này, một phần vai trò của Lưu Dung tương đồng với vai trò phản biện xã hội. Nhưng như đã nói ở trên, Vua là người trần mắt thịt, nên hy vọng và công quả của Lưu Dung cũng giống bao nhiêu trí thức phong kiến khác, đều thất bại dù có biến ảo theo những mưu cách thâm sâu. Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An của Việt Nam cũng tìm hướng đi khác khi bất lực trước triều chính để tránh một cuộc tắm máu như Nguyễn Trãi. Ở đây Lưu Dung cũng thất bại khi xem xét ở góc độ đối tượng ông định biến đổi là Vua và vương triều Mãn.
Điều thâm sâu nhất mà Lưu Dung đạt được là “Cấy” tư tưởng trị nước an dân của mình cho một vị minh quân thì tương lai. Đó chính là Thái tử. Thực chất canh bạc này bấp bênh trong cái xã hội phong kiến nhiễu nhương. Trong quá trình đi đến ý tưởng này đã xuất hiện tình huống nguy cập mà Ông và Thái Tử chỉ cách thảm bại trong gang tấc.
Khi đã già, học trò của ông mới nối ngôi và thực hiện chí của Thày, nhưng đấy là khi vua mới còn trẻ. Cái chí của ông có phát triển được trong những giai đoạn lịch sử tiếp theo hay không? Quá khó! Chính người làm phim cũng xây dựng một đoạn cảnh đầu buổi chầu vua mới lên ngôi, con của Lưu Dung và con của Hoà Thân đang tranh luận rất gay gắt. Với cách dựng truyện đầu cuối tương ứng ấy, hàm ý tác giả đã mở ra một sự thật : Trong vương triều mới bộ ba Lưu Dung (Con) – Vua (Con)- Hoà đại nhân (Con) lại xuất hiện.
2- Hoà Thân biểu tượng của thế lực hắc ám tồn tại giữa triều đình.
Hoà Thân không phải là một nhân vật ngu dốt. Xây dựng hình ảnh Hoà Thân tác giả muốn làm một đối trọng với Lưu Dung. Và đó cũng là một sự thật mang tính tất yếu trong các vương triều. Đây là con người có học vấn, trí tuệ đầy mình mưu sâu kế hiểm và thế lực nghiêng triều. Có thể nói Hoà Thân là một đối trọng nặng cân hơn nhiều so với Lưu Dung.
Con đường làm chính trị của Hoà Thân không dựa vào chính đạo mà dựa vào “Pháp luật”. Cái pháp luật ở đây chính là Vua. Với cách nhìn tinh tế, Hoà Thân phát hiện ra yếu tố con người của vị Hoàng Thượng đa tình, nhiều tham vọng để chế ngự. Có thể nói Hoà Thân đã làm tất cả để nhà Vua đạt đỉnh ba ngôi chúa : Quyền lực, tiền bạc và ái tình. Và những cái đó trở thành “bạch phiến” trong liều dùng mỗi ngày của Hoàng thượng. Ông ủng vô điều kiện các quyết sách của Vua. Được ngọc quý đem nộp vua, dâng cả vua gái đẹp khi tìm kiếm được. Cái ghê gớm trong ý đồ của Hoà Thân ở chỗ ông làm cho Vua trở thành con nghiện những trò trần tục, lấy đó làm cơ sở tạo niềm tin yêu và lá chắn chống lại các hung hoạ khác. Một cách làm “dấu trời qua biển” để thực hiện ý đồ vương bá mà không có ngai vàng. Thực tế Hoà Thân đã làm được quá nhiều việc như ý. Tiền bạc nhiều hơn cả ngân khố nhà vua, thông qua con đường lũng đoạn hối lộ tống tiền cấp dưới tạo ra những sân chơi mua chức bán quan; Thế lực đông đảo và răm rắp tuân theo lệnh của ông ta. Hầu hết các quyết sách của Triều đình đều bị lái theo ý của Hoà Thân, mà chỉ khi vỡ lở Hoàng thượng mới sửa sai mà thôi. Trong các lần sửa sai ấy bị quở trách, bị hạ chức nhưng chưa bao giờ Hoà Thân bị nặng như Lưu Dung bởi Vua đã là “con nghiện”.
Tuy nhiên, Hoà Thân có quá nhiều sai lầm. Trước hết là ở chỗ đánh giá nhầm đối thủ. Lưu Dung thanh sạch và cô đơn nhưng chính cái thanh sạch và cô đơn ấy là một sức mạnh ghê gớm. Lưu Dung thông thái, nhưng không có tham vọng đen tối. Sự thật này như ánh sáng vậy, khó có thể bắt bẻ Lưu Dung về Pháp luật, nếu có cố tình bắt bẻ, ông cũng dễ dàng vượt qua nó bằng mưu lược tài ba của mình.
Hoà Thân, có tài bắt vua thành con nghiện, nhưng quên mất nhà vua còn có vai trò với xã tắc. Người thông thái như Hoàng thượng trong truyện, không dễ bị nghiện tới mức nan y, và trách nhiệm của ông ta với đất nước với tổ tông không cho phép ông sao nhãng. Chính những phút tỉnh này Vua “soi” mà Hoà Thân không để ý. Và thực tế, Vua là một siêu đối trọng của Hoà Thân.
Hoà Thân tham lợi mà tuyển chọn một lũ ô hợp bất tài, nên khi mạnh thì a dua nhưng đứng trước những vấn đề lý lẽ học thuật, vấn đề tầm vĩ mô thì bất lực. Chúng mạnh ở chỗ đen tối, “luật rừng” nhưng yếu khi ra ánh sáng và đạo luật. Bởi vậy khi Hoà thân nghiêng ngả, thì cả hệ thống nghiêng ngả theo và chính Hoà thân trở thành thân tội. Hầu hết các vụ vỡ lở của Hoà Thân đều do bè cánh của y gây ra và với trí tuệ, sự ứng biến kém Lưu Dung nên các cuộc đối đầu nghịch cảnh “Châu chấu” đá đổ xe đã diễn ra.
Cũng vì tham lợi mà Hoà Thân quên mất cách sẻ cho vơi bớt đống kho đụn của mình biến chúng thành núi ngay trước mắt Rồng. Hoà Thân ăn chặn đồ tiến cống, tham ô kho đụn nhà nước, Lấy cắp ngọc khi khai thác chỉ nhường vua viên bé, hối lộ trên các hoạt động của vương triều... Học Khổng Tử, nhưng Hoà Thân quên mất bài học tất cả cái gì là “quá” đều đổ vỡ cả.
Hệ quả mà Hoà Thân mang lại là pháp luật bị méo mó, mất sức mạnh. Tình trạng tham nhũng đầy rẫy, triều đình suy yếu nghiêm trọng. Đó là sai lầm của Hoà Thân, bởi ông ta không có âm mưu lật đổ ngai vàng, không có ý đồ làm chính biến. Lý tưởng của Hoà Thân suy cho cùng mới chỉ là mưu đồ tư lợi để thoả dục vọng. Do vậy khi xã tắc bị yếu đi người cầm quyền là Hoàng thượng sẽ buộc phải suy xét tìm kiếm nguyên nhân và ông ta dễ dàng bị nhận diện mà thôi. Và để tìm một nguyên nhân cho sự đổ vỡ thì không ai khác ngoài Hoà Thân phải chịu làm vật tế thần để che lấp những khuyết điểm của Bệ Hạ.
3.Nhân vật Hoàng thượng – Ông “Vua quản lý” thời trung cổ.
Ngay từ thời trai trẻ vị Hoàng thượng trong phim đã bộc lộ cái tư chất quản lý đáng nể. Mặc dù thua cờ mất người đẹp, nhưng ông ta biết kìm chế cơn giận chịu thua. Điều này trái hẳn với thói coi dân đen như cỏ rác trong các truyện dã sử. Khi tiếp nhận tố giác kỳ thi gian trá, Ông quyết liệt lập lại kỷ cương trường thi bằng việc trực tiếp rà soát kiểm tra và bãi bỏ kết quả, khi biết đó là sự thật sai trái. Đấy là liều thuốc trấn an dân chúng và dư luận về tạo ra hình ảnh một quân vương rất quân tử, rất công minh và cương quyết trước những điều phi pháp mà dân chúng bất bình.
Như đã nói ở trên, sự thật thì Vua cũng có khát vọng nhục dục như ai, đồng thời lại là bậc quân vương nên phải gánh vác việc xã tắc. Câu chuyện làm cho đất nước yên bình hưng thịnh là việc khó, là câu chuyện “Vương đạo”. Nhưng chả ai hy sinh bản thân quá, nhất là mình lại là Vua với tuyệt đỉnh quyền lực và sang giàu. Vấn đề khát vọng cá thể là nhu cầu bức bách cần giải quyết. Bài toán của Vua chính là ở chỗ làm sao để hoàn thiện cả việc công lẫn việc tư, trong tình trạng an toàn mà vẫn trọn vẹn danh phẩm, uy lực của một bậc chí tôn.
Để giải quyết mâu thuẫn này Hoàng đế đã dùng những chiêu pháp “Siêu giáo khoa”. Thứ nhất Vua tự tạo ra hai thế lực đối đầu nhau nhưng luôn ổn định cao nhất ở mức quyền lực cho mỗi bên. Ông ta để làm vui lòng Hoà Thân, có thể dùng dày đè bẹp chân của Lưu Dung trong thư viện, nhưng để mua Lưu Dung, Ông ta lại sẵn sàng bắt Hoà Thân lạy Lưu Dung làm sư phụ khi cứ giả vờ ngoảnh mặt không can thiệp vào việc Lưu Dung chơi đàn rất hay, mà trước đó Hoà Thân không biết nên đã cược rằng nếu Lưu Dung đàn mà làm vua khen thì sẽ chịu quỳ lạy. Nếu Lưu Dung là hiện thân của sức mạnh thiên thần, thì Hoà thân là sức mạnh của quỷ dữ. Lưu Dung như một rường cột giúp vua trị nước làm những điều cao cả. Ngược lại Hoà Thân như một cận thần sẻ chia những vấn đề trần tục, những tham vọng cá thể nhân tính.
Hai thế lực này vừa đảm bảo sự “Quân bình” chính trị, tự phát giác, tự tố cáo nhau làm cho Vua không nhọc sức mà nắm được tình hình để ra những quyết sách can thiệp. Sự can thiệp trong các quyết định của Vua đều có mục tiêu “phân phối” là quyền lợi trên hết thuộc về vua. Hai phe cánh còn lại đều được ban ơn nhất định tuỳ theo sự thành công của công việc.
Cái ghê gớm của Vua là sử lý tình huống và ra các quyết định. Vua rất yêu Lưu Dung, nhưng Lưu Dung luôn hướng Vua theo chính đạo nên ông khó chịu. Đôi lúc, Lưu không ngần ngại làm vua mất mặt... Trong tình huống đó Lưu bị phạt, bị đày đoạ có lúc từ hàng quan nhất phẩm bị xuống làm lính gác cổng thành, có khi bị bắt chết. Một câu hỏi đặt ra là Vua có thích lưu Dung chết thật hay không? Câu trả lời là không, bởi Lưu là một đại thần lo việc xã tắc, việc chính sự quan trọng nhất mà Vua phải hoàn thành nhiệm vụ. Vậy đấy là cách Thiên tử dùng uy để răn kẻ có tài đừng xưng hùng xưng bá mà phải biết trên đầu có ai!
Vua không yêu Hoà Thân, nhưng cần Hoà Thân để nhà Vua yêu bản thân mình. Nếu Hoà Thân không tồn tại, thì Lưu Dung không thể làm công việc như Hoà Thân. Đấy là cái nguyên lý Vua để Hoà Thân tồn tại. Các cuộc trách phạt Hoà Thân cũng diễn ra, nhưng mức độ và thời gian lĩnh án, thấp hơn nhiều so với Lưu, mặc dù tội thì tày đình. Ứng xử như vậy với hai thế lực Vua đảm bảo được sự yên bình cho vương triều và chiếm thế “Ngư ông đắc lợi”.
Sự ghê sợ nhất trong phép quản lý của nhà Vua ở chỗ biết im lặng, biết lợi dụng và biết lảng tránh để ra đòn quyết định tiêu diệt kẻ mà ông ta muốn sát hại đúng thời điểm theo kiểu câu chuyện “Con chó và người thợ săn”. Có điều ở đây chó thì có nhưng không có người thợ săn mà chó vẫn chết. Khi đọc “Bố già”, nhân vật Mai Cơn sau khi thống lĩnh toàn bộ băng đảng xã hội đen Niu-oc có hỏi bố “Con còn điều gì phải học nữa không”, Bố già trả lời “Con cần học nói chữ KHÔNG với những người thân yêu”. Đương nhiên, ở đây Hoà Thân không phải người thân yêu, nhưng suốt một đời cung phụng, ngài đâu dễ dàng xử lý vô tình.
Thời điểm vị Hoàng đế nói chữ “không” với Hoà Thân là thời điểm Vua đã là Thái thượng hoàng, quyền lực đã mất nhiều. Nhưng quan trọng hơn Ông ta giả vờ nghễnh ngãng lẫn lộn để chối từ lời kêu cứu của Hoà Thân. Có thể khẳng định Vua nhìn rõ cái ngày tận số của Hoà Thân mà vẫn nuôi Hoà Thân như nuôi cái xác chết. Hãy xem lại một logic : Lưu và Hoà đối địch như kẻ thù. Vậy tại sao Thái Tử lại được Vua chọn thày là Lưu Dung? Vua với trí tuệ như vậy, với trọng trách như vậy, bên cạnh là chồng chất các chứng cứ phạm tội ghê gớm của Hoà Thân do Lưu phát giác phơi bày sao Vua không xử lý nghiêm minh? Một sự thật trần trụi đã được bọc trong tấm nhung mềm. Hoà Thân tưởng cho Vua nghiện, té ra chính Vua mới là người làm cho Hoà Thân nghiện. Lòng tham của Hoà Thân là kho đụn ngổn ngang, nhưng chỉ một tờ chiếu của Vua mới là sạch sành sanh! Hoá ra Vua biến Hoà Thân thành kẻ đi tham ô, hối lộ, đi làm sai trái... cho mình mà mình vẫn sạch tay. Cái chết của Hoà Thân là dấu chấm hết mọi bình luận và chôn chặt trong tử cấm thành. Mà có bình luận thì cũng chỉ thấy Vua đúng lý đạt tình mà thôi. Tài sản của Hoà Thân xung vào công quỹ, công quỹ đó chính là món quà Thái Thượng Hoàng tặng cho Vua mới. Như vậy bài toán của Vua đã giải xong. Trièu chính vững mạnh, gian thần bị tận diệt, đời tư sung sướng, trách nhiệm với con cái hoàn thành.
4.Nhìn lại tổng thể quá trình hoạt động của ba nhân vật.
Câu chuyện ngoài chính sử nên thật ảo lẫn lộn. Nhưng giả thiết bóc đi các vùng mờ để nhìn sự thật trần trụi theo kiểu chính sử thì đó là câu chuyện điển hình cho các vương triều, cho các tổ chức xã hội ở đời sống thật không chỉ thời trung cổ. Ba nhân vật với ba vị trí tối thượng của Vương triều Mãn có ba cách hành sử.
- Lưu Dung với con đường chính đạo: phải vận hết “công lực”, gian nan nguy hiểm để đạt tới mục tiêu hoàn thành đời trai Trung quân ái quốc. Chiến thắng của Lưu Dung được đánh đổi bằng cả cuộc đời cực nhọc. Thành quả mà ông đạt tới để chủ yếu dâng hiến cho người khác. Hạnh phúc của ông là niềm vui dâng hiến.
- Hoà Thân với con đường tà đạo: Lấy chìa khoá quản lý là thoả mãn dục vọng của đối tượng quản lý (Vua) – hiện thân của pháp luật, để thực hiện trái luật, biết dựa vào sự ngu dốt và thói hám lợi của con người để xây dựng lực lượng. Gần trọn cuộc đời đạt các mục tiêu đặt ra và hưởng thụ các thành quả ấy. Tuy nhiên bị xoá sạch tất cả vào cuối đời và mang tiếng muôn đời.
-Hoàng Thượng với con đường bá đạo: Hành xử kiểu nhà Vua trong chuyện không thể là hành xử theo con đường Vương đạo (Vua Nghiêu, Thuấn). Hình ảnh triều đình giống như cái cân bàn muốn lệch bên nào vua chỉ cần động tay ấn một lực theo ý muốn vào bên đó. Vấn đề các thứ đạt trên bàn cân đều được “Phân phối” theo nguyên tắc quyền lợi của vua là trên hết.
5. Lời kết
Nếu đem cách quản lý của từng nhân vật áp dụng vào cuộc sống hiện tại , khi mà xã hội, cơ quan, tổ chức luôn đồng hành hai mặt đối lập ; Bạn sẽ chọn phương pháp của ai, nếu bạn có một cương vị quản lý nhất định? Trả lời câu hỏi này, bạn đừng tìm trong các giáo trình quản lý. Hãy suy nghĩ bằng cái đầu và bắt cả con tim suy nghĩ nữa. Nào, bạn chọn cách của ai?