Có thể bạn quan tâm
“Chuồng cọp” Côn Đảo – cách giam cầm thời trung cổ
Khi nghĩ về nhà tù ở Côn Đảo, người ta lập tức ớn lạnh rùng mình với những kiểu hầm giam giữ tù nhân chuồng bò, chuồng cọp. Nếu chuồng bò là một căn hầm sâu 3m ngập đầy nước thải phân bò người tù bị dìm nửa người dưới đó, thì chuồng cọp là những căn hầm cấm cố tù nhân hàng tuần không được tắm rửa, có khi khát đến chết, đầy hầm là phân và nước tiểu của người tù không được quét dọn, mùi hôi thối nồng nặc. Chính quyền Sài Gòn đã ngụy trang khéo léo tới mức sau mấy chục năm không ai phát hiện ra những chuồng cọp này. Chuồng cọp nằm giữa 2 dãy nhà tù, mỗi dãy lại đi 1 cổng, do vậy chỉ có thể nhìn thấy những buồng giam bình thường. Giữa chuồng cọp với 1 nhà giam chỉ ngăn cách bằng 1 cửa nhỏ, lúc nào cũng khóa im ỉm và ngụy trang như cánh cửa đã không dùng lâu ngày. Nơi đây, chính quyền Pháp và Mỹ-ngụy giam giữ những phạm nhân chính trị quan trọng là những chiến sỹ kiên cường với lý tưởng Cộng sản. Nhưng sự thật về nó đã được phơi bày trước công luận thế giới và liên quan đến những nhân vật có tình yêu công lý.
Tháng 7-1970, dư luận thế giới chấn động khi tạp chí Life và một loạt cơ quan truyền thông quốc tế đưa tin về một khu nhà tù đặc biệt có tên "chuồng cọp" tại nhà lao Côn Sơn (tên cũ của Côn Đảo) của chế độ Mỹ - Ngụy. Thông tin trên được tiết lộ bởi nhóm sinh viên yêu nước bị bắt đày ải ra Côn Đảo sau đó được tha về và họ đã cung cấp tin cho Hakin,nhân vật phụ tá đoàn nghị sỹ 10 người do tổng thống Nixon gửi tới VN. Một phần trong chuyến đi là tới thăm một nhà tù ở miền Nam VN. Tom Harkin đã thuyết phục hai nghị sĩ cùng điều tra câu chuyện tra tấn tại khu chuồng cọp ở hòn đảo ngoài khơi VN.
Trong quá trình chuẩn bị, Harkin đọc được cuốn sách Vietnam: the unheard voices (Việt Nam: những tiếng nói chưa được biết đến) do Don Luce viết. Ông quyết định đến gặp Don Luce. Chính Don Luce giới thiệu ông với Cao Nguyên Lợi, một trong những thủ lĩnh sinh viên Sài Gòn vừa được thả khỏi khu chuồng cọp. “Tôi không hoàn toàn tin chuyện này ngay từ đầu nhưng khi gặp Lợi thì tôi tin đây là một chuyện nghiêm trọng. Tôi đã thuyết phục được hai nghị sĩ đi cùng tôi và Don Luce ra Côn Sơn”.
Một năm trước, cũng từng có một đoàn nghị sĩ Mỹ tới VN và cũng nghe những lời đồn về chuồng cọp nhưng chính quyền Sài Gòn và quân đội Mỹ nói đó chỉ là lời đồn và là chiêu tuyên truyền của Hà Nội nên việc điều tra ngừng lại. Việc tìm chuồng cọp rất khó vì Mỹ - ngụy liên tục đổi số thứ tự của các trại để che giấu tung tích khu nhà tù bí mật này. Để giúp Harkin và Luce, anh Lợi đã vẽ lại tấm bản đồ cùng các ký hiệu để hai ông có thể nhận ra cánh cửa bí mật dẫn vào chuồng cọp, nơi đi qua bức tường có hai lớp. Anh Lợi đặc biệt lưu ý 2 ông là khi vào cổng sẽ ngặt sang tay phải đi vào con đường phụ. Cổng sang chuồng cọp là chiếc cửa nhỏ cạnh bãi rau xanh.
Tới Côn Sơn, đoàn nghị sĩ được chúa đảo Nguyễn Văn Vệ nhiệt tình đón tiếp. Vệ mời đoàn đi thăm và mua quà lưu niệm do tù nhân trên đảo làm nhưng đoàn từ chối và nói muốn thăm các trại tù. Một trại, hai trại đi qua nhưng vẫn không thấy dấu vết chuồng cọp đâu. Trung tá Vệ nói sắp hết giờ rồi và yêu cầu đoàn nên chuẩn bị lên đường về sớm. Tom Harkin đề nghị được thăm thêm một trại nữa ngay sát bên cạnh và được Vệ đưa đến trại Phú Tường.
“Tôi thấy một lối đi nhỏ bên phải, tôi hỏi Vệ thì y nói lối đó đến chỗ trồng rau và không có gì để coi cả”. Cả Tom Harkin và Don Luce liền đi theo lối này vì bãi rau chính là một trong những dấu hiệu vào chuồng cọp. Đến nơi, họ thấy bức tường lớn dài cùng một cánh cửa khóa kín. “Chúng tôi hỏi Vệ sau cánh cửa này là gì thì Vệ bảo không có gì, chỉ là một khu trại bên cạnh mà phải đi bằng cửa khác mới được”.
Với ý thức đuổi khách để bảo vệ bí mật, Vệ quát tháo cộc cằn và vô tình chạm vào cửa sắt giống tín hiệu yêu cầu mở, một lính gác ở phía cửa bên kia vội mở ra. “Tôi không bao giờ quên được khuôn mặt sững ra của Vệ khi đó. Cả tôi và Don Luce lèn qua cánh cửa và trước mắt tôi lúc này chính là khu chuồng cọp”- Harkin kể.
Đập ngay vào mắt họ là những dãy song sắt xâm xấp mà phía dưới các tù nhân đang bị giam. Nhà tù đặc biệt (còn được gọi là “nhà tù trong nhà tù”) này dành cho những tù nhân Mỹ - ngụy được coi là “cứng đầu nhất”. Gọi là chuồng cọp vì nhà tù được xây với hàng song trần trên nóc. Cai ngục sẽ đi dọc theo hành lang bên trên để kiểm soát, theo dõi người tù nhốt trong cũi phía dưới, không khác gì thú vật. Trên hàng song sắt, các cai tù cầm sẵn những chiếc gậy dài sẵn sàng chọc xuống bất cứ tù nhân nào. Trên trần mỗi buồng giam để một thùng nước và một thùng vôi bột. Tù nhân khát, chúng đổ ào nước xuống, khi có dấu hiệu phản đối chúng rắc vôi bột mịt mù vào mắt người trong “chuồng”.
Don Luce sau này viết lại: “Khuôn mặt của tù nhân trong những chuồng cọp phía dưới đã để lại những dấu ấn không phai trong ký ức tôi. Tôi nhớ rất rõ mùi hôi thối kinh khủng do tiêu chảy và những vết thương lở loét do bị cùm xích cứa vào mắt cá chân của tù nhân. “Donnez-moi de l'eau” (hãy cho tôi nước) họ nói”.
Trở về Washington, Harkin kịch liệt phản đối khi những phát hiện về chuồng cọp tại Côn Đảo không được đưa vào trong báo cáo của đoàn quốc hội. Ông đưa chuyện này ra báo chí và khi câu chuyện cùng các bức ảnh được đưa lên tạp chí Life ngày 17-7-1970 thì toàn bộ dư luận Mỹ chấn động. Sức ép của dư luận quốc tế khiến chính quyền Sài Gòn phải chuyển 180 tù nhân nam và 300 tù nhân nữ ra khỏi các chuồng cọp. Một số được chuyển tới các nhà tù khác, một số được đưa vào các viện tâm thần.
Tom Harkin đã bị đuổi khỏi văn phòng quốc hội vì không giao nộp những bức ảnh mà ông chụp. Quốc hội Mỹ đưa Tom Harkin ra điều trần để hỏi về vụ việc. “May mắn là tôi đã có một máy ghi âm nhỏ trong chiếc vali nhỏ xách theo để ghi lại toàn bộ sự việc. Cuốn băng đã cứu tôi qua được tất cả”. Số phận Don Luce cũng không yên. Nhà cầm quyền Sài Gòn trục xuất ông khỏi VN vào năm 1971.
Tom Harkin, trở lại với tư cách là nghị sĩ sau khi trúng cử vào hạ viện năm 1975 và tiếp tục công việc ở quốc hội cho đến nay.
25 năm sau, Tom Harkin trở lại Côn đảo Ông xúc động nói :“Đó là phát hiện thật sự gây sốc đối với tôi. Chúng tôi đã vi phạm Công ước, đã vi phạm những quyền con người cơ bản nhất ở trong nhà tù đó... Khi nhìn những nhà tù ở Guantanamo, tôi nghĩ “trời ơi, đây y như là ở nhà tù Côn Sơn...”.