Có thể bạn quan tâm
Chuyện sau 600 năm Nguyễn Trãi vẫn bị oan
Nguyễn Trãi vị anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất với nỗi oan Vụ án Lệ Chi viên thì gần như người Việt đã đi học đều biết. Cái Vụ án vườn vải, một vụ án oan nổi tiếng thời Lê Sơ mãi còn đẫm máu trong lịch sử. Kết cục vụ án này, quan Đại thần Hành khiển, người anh hùng chống xâm lược Minh Nguyễn Trãi và vợ là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ bị triều đình kết tội giết vua Lê Thái Tông đồng thời tam tộc của ông bị tru di. Mãi đến năm 1464 thời Lê Thánh Tông Nguyễn Trãi mới được minh oan… Nhưng những mẩu chuyện kể sau đây là chuyện của thời nay, đã 600 năm Nguyễn Trãi vẫn bị oan mà người làm oan cho ông toàn người hiện đại, các cơ quan làm oan ông lại là những cơ quan lớn thậm chí là Unesco – Tổ chức Văn hóa Giáo dục thế giới.
Khi tìm hiểu về các danh sách đề nghị và Nghị quyết của Unesco ghi nhận những nhân vật văn hóa người Việt được tổ chức này vinh danh thì Nguyễn Trãi là người xuất hiện đầu tiên, nhưng thật tiếc sau 600 năm ông mất mà vẫn tiếp tục bị oan. Nỗi oan thứ nhất là Nguyễn Trãi bỗng nhiên trở thành người… Cộng hòa Liên bang Đức đề nghị công nhận.
Sự thật là trong Danh sách đề nghị năm 1978 văn bản ghi: Paris 30/10/ 1978 - UNESCO – Anniversaries of Great personalities and Important historical events…"Nguyen Trai – Vietnamese poet and scholar – 600 th Anniversary of Birth – Proposed by German Democratic Republic". ( Tạm dịch: Paris 30/10/1978, UNESCO - Những lễ kỷ niệm các nhân vật nổi tiếng và sự kiện lịch sử quan trọng - Nguyễn Trãi - Nhà thơ, học giả Việt Nam, kỷ niệm 600 năm sinh - được đề nghị bởi Cộng hòa Dân chủ Đức). Mãi đến năm sau, năm 1979, trong danh sách công bố chính thức mới được cải chính lại: Paris 5/6/1979: “Nguyen Trai - Poet, creator of Vietnamese classical literature and national hero of Vietnam. Vietnam. (Nguyễn Trãi, nhà thơ, người sáng lập văn học cổ điển Việt Nam, anh hùng dân tộc Việt Nam. Việt Nam).
Không có tài liệu nào nói rõ nguyên nhân của sự sai sót này do đâu, nhưng chắc chắn có sự tác động của Việt Nam để sửa đổi lỗi này. Không biết chúng ta nghĩ gì về cái gọi là “đẳng cấp quốc tế” trong cách làm có phần thiếu trách nhiệm như vậy.
Câu chuyện thứ 2 là ảnh chân dung Nguyễn Trãi trên các báo chí Việt Nam nhân sự kiện ông được Unesco công nhận là nhân vật văn hóa kiệt xuất lại nhầm sang ảnh một vị quan triều Trần.
Tôi nhớ rất rõ ở thời điểm đó, thày tôi – PGSTS Bùi Quang Thanh hiện là Chuyên viên cao cấp của Viện văn hóa Việt Nam (hồi ấy thày còn rất trẻ), có khoe với tôi (và đưa tôi xem tờ giấy mời) thày được mời tham dự Lễ tôn vinh Cụ Nguyễn Trãi được công nhận là “Danh nhân văn hóa thế giới”. Hai thày trò ngồi xem bài báo viết về Cụ và quá trình đề nghị của Việt Nam cũng như kết quả mà Unesco ra Nghị quyết công nhận…Chúng tôi rất ngạc nhiên vì cái ảnh chân dung của Cụ đầu đội mũ Phốc đầu, loại mũ thường dùng cho quan lại thời Trần, đặc điểm của nó là bên tai có hai cánh dài và bản cánh thì hẹp. Trong khi ở thời Lê, chính Nguyễn Trãi là người được giao trách nhiệm sáng chế chuyện áo mão, lễ nhạc của Triều đình, ông đã cùng một vị thái giám có tên Lương Đăng quyết định du nhập một phần mẫu mã áo mão, lễ nhạc của triều đình nhà Minh để sáng chế lễ phục triều Lê sơ. Theo đó, mũ Ô sa mà Nguyễn Trãi chế tạo thì hai bên tai có hai cánh chuồn ngắn, đầu cánh tròn và mập mạp so với loại mũ kiểu Phốc đầu. Chính hình ảnh Nguyễn Trãi mà chúng ta biết qua các bức vẽ ông đều đội Ô sa như vậy.
Sự việc xôn xao dư luận. Sau này mới được biết, quy trình làm phôi in ảnh trên bản kẽm (công nghệ hồi đó) rất tốn thời gian, trong khi báo cần ra gấp để tuyên truyền, vị nhà báo muốn tìm bản ảnh chuẩn bèn đến nhà Cụ Võ An Ninh chuyên gia ảnh và là kho lưu trữ ảnh lịch sử Việt Nam; Song rất tiếc khi đó cụ Võ An Ninh đi công tác, người thân của Cụ cho phép nhà báo vào tự tìm kiếm và rồi vị đó đã chọn lấy ảnh của viên quan này đồng thời thực hiện quy trình làm bản kẽm in báo Nhân Dân. Các báo khác lấy báo Nhân Dân làm chuẩn và đồng loạt in…và thế là nội dung một đằng minh họa một nẻo, gương mặt người vinh danh đâu phải là Nguyễn Trãi . Và ông lại thêm một lần oan nữa!
Bây giờ trên các trang mạng người ta tranh luận gay gắt về việc không có khái niệm “Danh nhân văn hóa thế giới”. Nhiều người viện dẫn cả tiếng Tây ghi trong Nghị quyết Unesco ra mà cãi lý. Quả thật không có danh hiệu này. Thế hóa ra Nguyễn Trãi lại thêm lần thứ 4 bị oan, vì theo lý đó ông chẳng phải là danh nhân văn hóa thế giới gì cả! Chỉ có điều đáng nói là người ta đưa vấn đề ra bàn cãi chẳng vì Nguyễn Trãi.
Nhưng ông đâu có ứng cử danh hiệu, đâu có là người nhận danh hiệu và ông đâu có cần thứ danh hiệu đó, một thứ phù du cát bụi? Cũng như tất cả các danh nhân của chúng ta cũng vậy, họ đã hóa thành mây trắng vĩnh hằng và để lại cho chúng ta non sông này mà sống mà tự hào, chúng ta không nên chính trị hóa những bậc công thần của dân tộc. Đừng đem họ ra để tranh cãi vì mục tiêu khác. Hãy thắp một nén tâm nhang mỗi khi có lòng nhớ về họ có lẽ đó là việc tốt hơn chăng?